Là bậc danh sĩ được nhiều người tin tưởng và kính trọng nghe theo, Bùi Huy Bích đã hòa giải được cuộc xung đột lớn một mất một còn trong Triều đình nhà Lê. Ông cũng nhiều lần từ chối làm quan dù được cả chúa Trịnh, vua Quang Trung và vua Gia Long mời.
Theo “Bùi Thị gia phả”, vào cuối thời nhà Hồ, họ Bùi đang ở Thanh Hoa đã chuyển dời đến Thăng Long, trên đường đi cụ Bùi Trung Thức đã có ơn cưu mang một người Tàu – vốn là con của một đạo sĩ. Để đền ơn cưu mang vị đạo sĩ này tìm được ra hai vùng đất phúc địa để Trung Thức chọn: Một vùng đất tạo ra một vị Vua trong đời con cháu sau này, một vùng đất khác sẽ có nhiều thế hệ là danh nhân.
Trung Thức chọn vùng đất thứ hai – tức đất “Kế thế công khanh”. Vị đạo sĩ dặn cả gia đình nên dời đến định cư ở làng giáp Nhị thì con cháu mới đời đời được hưởng phúc.
Trung Thức nghe theo liền đưa cả gia đình đến Giáp Nhị, ông được tính là tổ đời thứ nhất của họ Bùi ở đây. Năm 1964, làng hợp nhất với các làng khác và được gọi là làng Thịnh Liệt.
Trung Thức đựợc vua Lê phong chức Tả Thị lang, tước Diễn Phúc bá, lấy tên hiệu là Tả Dụ, các con ông thi đỗ đại khoa, họ Bùi ngày càng đông, nhiều người đỗ đạt.
Đến đời thứ 8 thì họ Bùi ở đây có ông Bùi Dụng Tân. Ông sinh được người con trai là Bùi Huy Bích năm 1744, đây là đời thứ 9. Thuở nhỏ Huy Bích thường đau yếu nên có vẻ chậm chạp, nhưng khi học hành lại rất thông minh, ứng xử lễ nghĩa.
Năm 1762 khi 18 tuổi, Bùi Huy Bích dự và đỗ kỳ thi Hương, nhưng vào đến thi Hội thì không qua được tứ trường. Thầy học khuyên ông nên học với Bảng nhãn Lê Quý Đôn ở Kinh thành. Nhưng đến Kinh thành, tận mắt nhìn thấy chúa Trịnh nắm quyền, vua Lê chỉ là bù nhìn đã khiến Bùi Huy Bích tổn thương tư tưởng tôn quân của Nho gia. Ông bất mãn không còn cảm thấy tha thiết với khoa cử nữa, bỏ dở con đường khoa cử.
Tuy nhiên cha ông lại rất mong mỏi con mình đỗ đạt, vì thế Bùi Huy Bích đã đi thi để làm vui lòng cha. Khoa thi năm 1769, Bùi Huy Bích vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông đỗ đầu tức Đình nguyên Hoàng giáp.
Thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm quan qua các chức vụ khác nhau, có công dẹp loạn các nơi, được thăng lên làm Hiệp trấn Nghệ An kiêm thụ lĩnh chức Tham chính.
Năm 1781, chúa Trịnh Sâm gọi Bùi Huy Bích về Triều. Ông làm quan rất có uy tín, nhận được sự ủng hộ của các quan và cả binh lính, vì thế mà Chúa phong cho ông làm Tham tụng (tương đương Tể tướng), tước Kế Liệt hầu. Tuy nhiên thấy chúa Trịnh Sâm không lo lắng cho Giang Sơn Xã Tắc, ông không thích làm quan nữa, từ chối chức vị, lấy cớ đau yếu rồi về quê.
Dù cáo quan về quê, nhưng khi thấy chúa Trịnh Sâm bỏ con trưởng Trịnh Tông mà lập con thứ còn nhỏ là Trịnh Cán làm Thế tử, ông đã can gián Chúa nhưng không thành.
Sau khi chúa Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán là con của Đặng Thị Huệ còn nhỏ tuổi lên nối ngôi. Nhưng Đặng Thị Huệ không được lòng dân và binh lính, đám kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông đã nổi loạn bắt cả mẹ con Đặng Thị Huệ, đưa Trịnh Tông lên ngôi Chúa.
Kiêu binh phò tá Trịnh Tông lên ngôi nên càng tự đắc, lộng hành ngang ngược không kiêng dè khiến kỷ cương phép nước hỗn loạn. Kiêu binh ép Chúa phải cho chúng được tự do thu thuế chợ, thuế đò, thầu ao đầm quanh khu vực Thăng Long.
Kiêu binh còn ép chúa Trịnh Tông phải phế truất ngôi Thái tử của Duy Cẩn, lập con trưởng của Duy Vỹ là Lê Chiêu Thống làm Thái tử.
Các quan trong Triều phối hợp quân các Trấn tiến vào Kinh thành trấn áp để đám kiêu binh bớt lộng hành. Đám kiêu binh biết việc này liền tòm cách bắt các quan lại, vây Phủ Chúa, biến Chúa thành con tin.
Bùi Huy Bích dù đã nghỉ hưu, nhưng khi làm quan rất có uy tín, bèn đứng ra hòa giải giữa hai bên. Vì là người có uy tín được tin tưởng, nên ông nói ai cũng nghe theo, nhờ đó mà chuyện này mới được yên.
Sau đó Bùi Huy Bích được phong làm Đồng bình chương sự kiêm Tham tụng, đây là chức quan đứng đầu cả Triều đình chỉ dưới Chúa, nhưng ông một lần nữa không nhận mà cáo bệnh về quê.
Năm 1786, quân Tây Sơn lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” kéo ra Bắc. Biết Bùi Huy Bích có uy tín được nhiều người tin nên Nguyễn Huệ mời ông ra giúp nhưng ông cũng xin từ chối. Nguyễn Huệ sau khi lên ngôi Vua một lần nữa mời, nhưng Bùi Huy Bích vẫn từ chối.
Khi vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn cũng mời ông ra giúp, nhưng lúc này Bùi Huy Bích đã già yếu nên cũng không nhận lời.
Bùi Huy Bích là danh sĩ tiêu biểu lúc bấy giờ. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị như “Hoàng Việt thi tuyển”, “Hoàng Việt văn tuyển”, “Tồn Am thi thảo”, “Lữ trung tạp thuyết”…
Trong số đó “Lữ trung tạp thuyết” được các nhà nghiên cứu sau này quan tâm. TS Hoàng Phương Mai thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã căn cứ theo tác phẩm này để cho ra đời cuốn sách “Lời xưa vang vọng”. Cuốn sách này giữ nguyên bản tiếng Hán từ “Lữ trung tạp thuyết” đồng thời phân tích tỉ mỉ nội dung mà “Lữ trung tạp thuyết” muốn truyền tải.
Tác phẩm có trích dẫn lời dạy của các bậc Thánh nhân như Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Tử, … trong các kinh điển “Luận ngữ”, “Kinh thi”, “Trung dung” nói về “tính thiện”. “Lữ trung tạp thuyết” cũng nêu bật được tầm quan trọng của Nho gia trong xã hội lúc bấy giờ, giúp tu dưỡng đạo đức nhằm đạt được Xã Tắc ổn định.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Không có loại thuốc thông thường nào cho bệnh tiểu đường loại 2 được chứng…
Với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, cả Phó Tổng thống Harris và…
Trận lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu trong nửa thế kỷ mà Tây…
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng 16 bị can bị…
Từ đầu năm nay, những hiện tượng bất thường khác xưa nhiều lần xuất hiện…
Một sinh viên Đại học Michigan đến từ Trung Quốc và không phải là công…