Nằm bên dòng sông Châu hiền hòa, làng Châu Cầu nổi danh bao đời bởi truyền thống khoa bảng, đất học của cả trấn Sơn Nam xưa.

Làng Châu Cầu

Xưa kia nơi đây là vùng đất hoang, lau sậy rậm rạp, nhiều hồ ao, đầm lầy, gò đống. Thời Tiền Lê dân chúng đào con mương to để lấy nước từ sông Đáy, sông Nhuệ để tưới tiêu, lâu dần hình thành con sông xuyên đến Tắc Giang cống Hữu Bị nối với sông Hồng.

Có con sông mới, dân chúng cho bắc cầu gỗ ngang qua gọi là Lâm Cầu. Nhờ cây cầu này mà dân chúng thuận lợi đi lại, nên tập trung đến đây đánh bắt tôm cá, định cư tại hai bên bờ, dân dần hình thành nên một xã mới, lấy tên là Lâm Cầu.

Sau đó tên gọi Lâm Cầu phạm húy, nên phải đổi tên gọi chệch là Lam Cầu. Con sông phía hữu ngạn nhiều tôm cá, có nhiều con trai to có ngọc, vì thế mà làng bên hữu ngạn được gọi là Châu Cầu (Châu 珠 nghĩa là ngọc trai), con sông nơi đây được gọi là sông Châu.

Nơi đây trở thành vùng đất học nổi danh khắp 11 phủ – 42 huyện của trấn Sơn Nam, nhất là vào thời nhà Nguyễn. Các danh sĩ của trấn Sơn Nam khi đến Kinh đô hay ra bắc thường hay dừng chân tụ họp nơi đây đàm đạo.

Họ Bùi

Làng Châu Cầu có họ Bùi là dòng họ khoa bảng nổi tiếng hay chữ. Người đỗ đại khoa đầu tiên của họ Bùi là Bùi Văn Dị, ông sinh năm 1833, dự khoa thi năm 1855 và đỗ cử nhân. Sau đó ông đến Huế và vượt qua kỳ thi Hội, vào đến thi Đình và đỗ Phó Bảng.

Bùi Văn Dị vừa là quan đại thần, vừa là nhà thơ, nhà giáo trải qua 7 đời Vua là Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái.

Vua Tự Đức rất thích tài thơ của ông, ông cũng có những người bạn thơ tâm đắc như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Miên Trinh…

Khi quân Pháp tiến đánh Hà Nội năm 1873, ông được cử đến Hà Nội tham gia chống Pháp. Năm 1882 quân Pháp tiến đánh Hà Nội lần thứ hai, Bùi Văn Dị dâng sớ đề nghị quyết chống Pháp, được cử làm Phó Kinh lược sứ Bắc kỳ, sau đó được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh.

Năm 1883, Triều đình nhà Nguyễn ký Hoà ước công nhận quyền bảo hộ của Pháp, điều này khiến Bùi Văn Dị cùng nhiều nhân sỹ khác bất mãn và từ chức. Tuy nhiên đến năm 1884 thì Triều đình triệu ông đến Huế giảng bài cho vua Kiến Phúc và sau đó là vua Hàm Nghi. Cũng thời gian này ông được phong làm Tiến sĩ (do bài thi của ông đỗ Tiến sĩ, nhưng không hiểu sao lại bị xuống là Phó Bảng).

Năm 1887, ông được phong làm Phụ chính đại thần, đến năm 1890 thì xin thôi chức vì tuổi cao, cũng là để dành thời gian và công sức tổng duyệt bộ sách gồm 300 bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức. Công việc hoàn tất thì ông cũng mất vào năm 1895.

Thơ văn của ông được tập hợp đăng trong: Vạn lý hành ngâm, Du Hiên thi thảo, Tốn Am thi sao, Du Hiên tùng bát, Trĩ chu thù xướng tập, đều là các tập thơ văn chữ Hán.

Năm 2003 nhà thơ Trần Lê Văn có nhận xét về thơ văn của ông là:

“Có dáng mây bay, có tiếng suối chảy, có giọng bình văn dịu êm, có tiếng gươm khua hùng tráng. Có tiếng phẫn nộ với kẻ thù, có lời âm thầm tự trách có vần thơ tâm sự với non sông, có vần thơ thủ thỉ xót thương với người bạn đời đã khuất…”

Sau Bùi Văn Dị, họ Bùi ở làng Châu Cầu có 3 người đỗ đại khoa. Em họ của Bùi Văn Dị là Bùi Văn Quế đỗ Phó Bảng khoa thi năm 1865, làm quan qua các chứ vụ khác nhau. Đến năm 1880 ông là quan duyệt quyển chấm thi Tiến sĩ.

Bùi Văn Quế có con là Bùi Thức, sinh năm 1859, đỗ cử nhân năm 1886, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1898. Tuy nhiên lúc này Triều đình nhà Nguyễn thực chất là đặt dưới sự bảo hộ của Pháp nên ông không muốn ra làm quan, dù nhiều lần được đề cử nhưng ông chọn ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, mở trường dạy học và viết sách.

Nhiều học trò của ông sau đó đều là những nhân sĩ có tên tuổi trong nước, như cử nhân Văn Lâm (Hà Nam), Cử nhân Phan Duy Tiếp (Sơn Tây). Đặc biệt, có người trưởng tràng là Kép Trà Hoàng Thụy Phương – nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời.

Bùi Thức có 3 người con trai đỗ Phó Bảng và cử nhân, người con gái lấy học giả nổi tiếng là Trần Trọng Kim.

bui ky
Chân dung Bùi Kỷ năm 1943. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Bùi Kỷ là con trai của Bùi Thức, sinh năm 1888, từ nhỏ đã được cha dạy dỗ, năm 1910 thi đỗ Phó Bảng khi mới 22 tuổi. Thi đỗ nhưng ông không thích làm quan mà chọn học Tân học về Quốc ngữ và Pháp văn.

Sau đó ông sang Pháp học, kết giao với những người yêu nước như Phan Chu Trinh. Khi về nước ông viết sách và được mời giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng.

Họ Bùi làng Châu Cầu dù là dòng họ khoa bảng có tiếng thời nhà Nguyễn, nhưng lại xuất hiện vào giai đoạn suy thoái, nhà Nguyễn không thể bảo vệ được đất nước trước quân Pháp, vì thế dù là dùng họ thi thư nhưng họ Bùi không có nhiều cơ hội phụng sự Xã Tắc. Nhưng tài năng thơ phú của họ Bùi vẫn được lưu lại trong các phẩm văn học, tấm gương hiếu học vẫn được lưu lại cho lớp con cháu sau này, là niềm tự hào của đất học Châu Cầu, người làng vẫn tự hào về những vần thơ của họ Bùi viết về làng quê:

Đồng quê dãi ánh tà dương
Sông dài nước lụt mênh mang ngập đầy
Núi xanh cây lá chen dày
Đội vầng mây trắng chim bay ngang trời
Khói tuôn sóng vỗ bời bời
Thuyền câu đậu bến ông chài nằm không…

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: