Vì sao cần trân quý nhân duyên vợ chồng?

Nhà Phật cho rằng trong cõi nhân sinh này, những người có thể gặp mặt, quen biết nhau thì đều là người hữu duyên, có mối liên hệ với nhau từ những kiếp trước. Hơn nữa để có thể kết thành vợ chồng thì mối lương duyên giữa cả hai phải rất sâu đậm.

Kinh Thi có câu:

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thỉ chi.
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt vĩ chi.

Dịch nghĩa là:

Rau hạnh so le không đều nhau,
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái lấy.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải đánh đàn cầm đàn sắt mà thân ái nàng.

Dịch thơ là:

Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.

“Cầm sắt” là đàn cầm và đàn sắt, hai loại nhạc khí thời cổ xưa, tương truyền do Phục Hy phát minh ra, mục đích là để thuận hoà khí âm dương và thuần khiết nhân tâm. Hai thứ đàn này thường đánh hoà âm với nhau, chỉ cảnh vợ chồng đầm ấm. Bởi vậy với người xưa, duyên cầm sắt là duyên vợ chồng: “Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm”, vợ chồng hòa hợp với nhau, như gảy đàn cầm đàn sắt.

(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Mối nhân duyên vợ chồng là do nguyện của người ta từ kiếp trước, cũng lại được ý Trời sắp đặt. Nếu kiếp này không đi hết cùng nhau được mà duyên nợ chưa dứt, thì kiếp sau còn gặp lại. Nhân duyên vợ chồng có thể là vì báo ân mà đến, cũng có thể vì hoàn nợ mà đến. Bởi vậy trong hôn nhân có lúc hạnh phúc, cũng có lúc mâu thuẫn, khổ đau. Tuy nhiên nếu vợ chồng luôn quý trọng nhau mà chung sống, không oán giận lẫn nhau, thì ác duyên cũng có thể cải biến thành thiện duyên, bởi duyên vợ chồng là một loại quan hệ “cầm sắt” đặc biệt như thế. Người đời nếu có thể hiểu được điều này thì chắc chắn trong cuộc sống hôn nhân dù phong ba bão táp thế nào cũng sẽ thấy thanh thản, nhẹ nhàng trong tâm.

Kinh Dịch có câu: “Có trời đất sau đó mới có vạn vật, có vạn vật sau đó mới có nam nữ, có nam nữ sau đó mới có vợ chồng, có vợ chồng sau đó mới có cha con”. Vợ chồng là cội nguồn trong luân lý của con người, là khởi đầu của vạn sự biến hóa trong xã hội. Vợ chồng hòa hợp là ứng với lẽ âm dương, ứng với đạo Trời, vậy nên gia đình ắt sẽ hạnh phúc.

Kinh Dịch cũng viết rằng: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”. Âm dương tượng trưng cho người nam và người nữ. Âm dương cũng tượng trưng cho Trời và đất. Một âm một dương kết hợp lại thì mới gọi là Đạo, vẹn toàn và vuông tròn. Nếu âm dương bất hợp thì trời đất sẽ bất minh. Con người nếu không biết trân quý duyên phận vợ chồng thì cả hai đều sẽ rơi vào đau khổ, cha mẹ người thân cũng gặp cảnh phiền muộn, mọi thứ khác đều trở nên nhạt nhòa không có ý nghĩa.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở nước Tề có một vị hiền tướng nổi tiếng tài giỏi tên là Yến Anh. Tề Cảnh Công là vua nước Tề muốn gả con gái yêu cho Yến Anh, bèn đến nhà ông uống rượu. Trong lúc nghe rượu thưởng nhạc, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Anh, liền hỏi: “Đây là thê tử của khanh à?”.

Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”. Cảnh Công nói: “Cô ta vừa già vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn xin gả cho tiên sinh”.

Yến Tử lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Vợ của tôi nay vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp tôi đã cùng nàng chung sống lâu dài. Khi nàng còn trẻ đẹp, nàng đã trao thân gửi phận cho tôi nguyện cùng chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho tôi, và tôi đã tiếp nhận lòng tin cậy của nàng. Nay chúa công muốn ban con gái của ngài cho tôi, nhưng làm sao tôi có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?”. Yến Tử bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối.

Có một lần, Điền Vô Vũ gặp Yến Tử ở nhà một mình và gặp một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ hỏi: “Người đàn bà đó là ai vậy?”

Yến Tử trả lời: “Là thê tử của ta”.

Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn đầu triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”.

Yến Tử trả lời, “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là xa rời đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?”.

Một lần khác, có một thợ khéo là nữ nhân xin làm tôi tớ cho nhà Yến Tử, nói rằng: “Tôi là dân thường đến từ cửa đông thành, mong được gửi thân nơi nhà Ngài, xin được làm hầu thiếp”.

Yến Tử nói: “Đến hôm nay ta mới nhận ra mình không phải là kẻ hiền đức. Thời xưa kẻ chấp chưởng việc triều chính, đều để nhân sỹ, nông phu, nhân công, lái buôn ở tại chốn riêng biệt, nam nữ phân biệt không giao vãng với nhau. Thế nên nhân sỹ không phạm điều tà ác, nữ nhân không phạm điều dâm ô. Ngày nay ta quản lý quốc gia trăm họ, lại có nữ nhân muốn làm người của ta, nhất định là do ta có biểu hiện háo sắc, có hành vi không liêm chính”. Vì thế Yến Tử không tiếp nạp nữ nhân này.

Yến Tử rất trân quý vợ mình, cũng trân trọng mối nhân duyên vợ chồng, thật sự làm rõ nghĩa lớn của hai chữ “cầm sắt”. Cầm sắt khi đánh lên, ngoài việc hòa âm, điều chuyển khí âm dương, thì còn có thể làm thuần khiết nhân tâm. Vợ chồng đạt đến cảnh giới thuần khiết thì có thể vượt qua dục vọng thông thường mà thật sự thăng hoa về tâm cảnh.

Nói về “ân ái” vợ chồng thì “ân” được đặt trước “ái”. “Ái”“tình”, còn “ân” “nghĩa”. Một vị trượng phu không chỉ thể hiện qua tài cao chí lớn mà còn ở tấm lòng thủy chung son sắt với vợ mình. Còn một người phụ nữ được coi là “hiền thê, lương mẫu” thì người xưa thường căn cứ vào tiêu chuẩn “tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”.

Người đàn ông tượng trưng cho cái mạnh, cái chủ động, cái bao quát. Người phụ nữ ngược lại ở sau bao dung, chăm sóc, hiền hậu và nhu mì. Cả hai luôn cần có nhau, bổ trợ cho nhau, cũng như âm và dương, tạo nên mối quan hệ tương giao mật thiết không thể tách rời.

Hôn nhân là việc trọng đại của đời người, cần được đặt tâm vun đắp thường xuyên thì mới lâu dài. Hôn nhân như một sợi dây được nắm ở hai đầu, nếu cả hai cùng kéo thì sẽ đứt. Thế nên có câu rằng: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa muôn đời không khê”. Vợ chồng biết nhường nhịn nhau thì hôn nhân mới lâu dài. Thuận vợ thuận chồng thì tát biển Đông cũng cạn. Hơn nữa vợ chồng yêu thương nhau, gia đạo bình an thì con cái sẽ hạnh phúc.

Thư Di

Xem thêm:

Mời xem video:

Thư Di

Published by
Thư Di

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

10 giờ ago