Vở opera La Damnation de Faust: Kết cục của kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ

“La Damnation de Faust” là một vở opera khá đặc biệt của Hector Berlioz, một trong những nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng lớn tại châu Âu vào thập niên 40, 50 của thế kỷ 19. Đây là một tác phẩm khó phân loại, nằm giữa thể loại opera và cantata. “La Damnation de Faust” là câu chuyện xoay quanh Faust, một “kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ”. Đây là nhân vật phổ biến trong các câu chuyện dân gian tại Đức dựa trên nhân vật lịch sử Johann Georg Faust (1480 – 1540).

Johann Georg Faust từng được xem là một nhà giả kim, nhà chiêm tinh học, và một pháp sư sống vào thời kỳ Phục Hưng tại Đức. Vài thập kỷ sau khi Johann Georg Faust mất, người Đức bắt đầu truyền tụng những câu chuyện thần bí liên quan tới ông. Theo đó, Faust là một học giả rất uyên bác, nhưng đến cuối đời ông lại không hài lòng với niềm vui tìm kiếm tri thức của nhân loại. Chính vì thế, ông đã thực hiện khế ước với ma quỷ, trao đổi linh hồn của mình để được cảm nhận niềm vui nơi trần thế. Kẻ đã dụ dỗ Faust là một con quỷ trong truyền thuyết dân gian Đức mang tên Méphistophélès.

Johann Georg Faust. (Ảnh: Staufen Town Hall, Wikipedia, Stadt Staufen, Public Domain)

Giai thoại về Faust đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh cũng như âm nhạc qua các thời đại. Thậm chí thuật ngữ “Faust” đã được dùng để chỉ những người đầy tham vọng, có thể từ bỏ những giá trị đạo đức để đạt được sức mạnh và sự thành công trong một lĩnh vực nào đó. Hình tượng Faust trong những cuốn sách sớm nhất, cũng như trong những bản ballad, những vở kịch, những bộ phim, những vở múa rối, đều là một kẻ bị nguyền rủa vì ông ta đã tôn sùng những niềm vui trần tục thay vì tri thức thần thánh. Dần dần ông đã đặt Thánh Kinh đằng sau cánh cửa và dưới ghế ngồi, từ chối khi được gọi là nhà Thần học, nhưng lại ưa thích khi người ta gọi ông là tiến sĩ. Các vở kịch và các màn biểu diễn múa rối dựa trên Faust đã trở nên rất phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16. Câu chuyện này đã được phổ biến rộng rãi ở Anh nhờ Christopher Marlowe thông qua vở kịch “Doctor Faustus” (Tạm dịch: Tiến sĩ Faust).

Hector Berlioz gọi tác phẩm “La Damnation de Faust” (Tạm dịch: Faust – kẻ bị nguyền rủa) là một “légende dramatique” (Tạm dịch: Huyền thoại đầy kịch tính). Nó được công diễn lần đầu tiên tại Paris vào ngày 6/12/1846.

La Damnation de Faust

Hồi I

Người học giả uyên bác già cỗi mang tên Faust đang chìm đắm trong những suy ngẫm về giới tự nhiên. Chợt, ông nghe thấy những người nông dân đang ca hát và nhảy múa. Ông nhận ra rằng niềm hạnh phúc giản đơn của họ là điều mà ông sẽ chẳng bao giờ trải nghiệm được. Rồi Faust nghe thấy tiếng nhạc diễu hành vọng tới từ đằng xa (Lúc này bản nhạc “Hungarian March” hay “Hành khúc Hungary” được tấu lên). Faust không thể hiểu được tại sao những người lính lại quá nhiệt tình với danh dự và vinh quang đến như vậy.

Faust đã từng là một học giả uyên bác, một con người có đức tin. (Tranh: Rembrandt, Wikipedia, Public Domain)

Hồi II

Chán nản, Faust lại trở về với công việc nghiên cứu của mình. Giờ đây ngay cả việc tìm tòi khám phá những tri thức mới cũng không còn làm người học giả già cảm thấy hứng khởi nữa. Mệt mỏi với cuộc sống, Faust quyết định tìm tới cái chết. Tuy nhiên khi ông sắp tự tử, thì lại nghe thấy tiếng chuông nhà thờ rung lên, và bài thánh ca Phục sinh nhắc nhở ông về tuổi trẻ của mình, khi ông vẫn còn niềm tin vào Chúa trời.

Đột nhiên, con quỷ Méphistophélès xuất hiện, nhận xét một cách mỉa mai về sự chuyển biến của Faust. Nó đề nghị đưa Faust vào một chuyến đi, hứa hẹn với ông rằng nó sẽ khôi phục tuổi trẻ, cho ông kiến thức mới và hoàn thành tất cả những ước muốn của ông. Vậy là Faust đồng ý.

Trước tiên, Méphistophélès đưa Faust tới một quán rượu ở Leipzig, Đức, nơi một tay sinh viên đang hát bài ca về một con chuột sống trong nhà bếp đã kết thúc cuộc đời vì một liều thuốc độc. Những vị khách ở đó đã mỉa mai câu chuyện bằng một tiếng “Amen”, vốn chỉ dành cho những người sùng đạo khi cầu nguyện. Méphistophélès tiếp nối bằng một ca khúc lố bịch về một con bọ chét đã mang họ hàng của nó tràn vào phá hoại một cung điện hoàng gia (Bài hát “Une puce gentille” hay “Con bọ chét vinh quang” vang lên). Cảm thấy ghê tởm trước những gì mình chứng kiến, Faust yêu cầu được đi tới nơi khác.

Méphistophélès dụ dỗ Faust. (Một cảnh trong Faust (1926), Imdb.com, Fair use)

Méphistophélès khiến Faust nhìn thấy cảnh tượng về một người con gái xinh đẹp tên là Marguerite, và nó khiến chàng trai Faust (lúc nãy đã khôi phục tuổi trẻ) yêu nàng say đắm. Faust gọi tên của Marguerite, và con quỷ Méphistophélès đã hứa sẽ mang Faust tới với nàng. Cùng một nhóm sinh viên và lính, cả hai đi vào thị trấn nơi Marguerite sống.

Hồi III

Faust và Méphistophélès trốn vào trong căn phòng của Marguerite. Faust cảm thấy rằng nàng chính là hình mẫu lý tưởng của mình – một người con gái thuần khiết và trong trắng (Bài hát “Merci, doux crépuscule!” hay “Cám ơn, hoàng hôn ngọt ngào!” vang lên). Marguerite bước vào và hát một bản ballad về vua Thule, người đã luôn luôn trung thành một cách đau khổ với tình yêu đã mất của mình (Bài hát “Autrefois un roi de Thulé” hay “Vua Thulé thuở xưa” vang lên).

Méphistophélès, Faust và Marguerite.

Con quỷ Méphistophélès triệu tập những linh hồn để khiến Marguerite bị lừa dối và mê hoặc, đồng thời hát một khúc nhạc chế giễu, dự đoán rằng nàng sẽ mất đi sự trong trắng từ bên ngoài cửa sổ. Khi Marguerite bị lừa phỉnh và những linh hồn mà con quỷ Méphistophélès triệu hồi biến mất, Faust bước ra. Marguerite thừa nhận rằng nàng đã từng mơ về chàng, giống như chàng đã từng mơ thấy nàng vậy, và họ tuyên bố tình yêu mà họ dành cho nhau. Ngay sau đó Méphistophélès xuất hiện đột ngột và cảnh báo hai người là hàng xóm đã phát hiện ra có đàn ông trong phòng của Marguerite. Họ đã gọi mẹ Marguerite tới. Sau lời tạm biệt vội vã, Faust theo Méphistophélès trốn thoát.

Hồi IV

Faust đã quyến rũ rồi ruồng bỏ Marguerite, nhưng nàng vẫn luôn chờ đợi sự trở lại của người mình yêu (Bài hát “D’amour l’ardente flamme” hay “Tình yêu nồng cháy” vang lên). Nàng có thể nghe thấy âm thanh của những người lính và những sinh viên từ đằng xa, điều đã nhắc nhở nàng về cái đêm mà Faust lần đầu tiên đến nhà nàng. Nhưng lần này chàng không có mặt trong số họ.

Faust kêu gọi thiên nhiên hãy xoa dịu cho nỗi mệt mỏi của chàng với những điều trần tục (Bài hát “Nature immense, impénétrable et fière” hay “Thiên nhiên bao la, bí hiểm và đầy tự hào” vang lên). Méphistophélès xuất hiện và nói với Faust rằng Marguerite đang ở trong tù. Nàng đã vô tình cho mẹ uống quá nhiều thuốc ngủ, khiến bà bị chết. (Trước đó, Marguerite thường cho mẹ uống thuốc ngủ để có thời gian gặp Faust mà không bị bà phát hiện). Marguerite bị tuyên án treo cổ. Nàng bị điên loạn trong tù vì hối hận và xấu hổ khi nhận ra tội lỗi của bản thân. Nàng nhớ tới Chúa trời và đã dũng cảm trao linh hồn của mình cho Ngài để chờ đợi Ngài phán xét.

Đứng trước việc người mình từng yêu sẽ bị treo cổ vào ngày hôm sau, Faust hoảng loạn. Méphistophélès tuyên bố rằng nó có thể cứu Marguerite nếu Faust chịu bán linh hồn cho nó. Không thể nghĩ ra điều gì khác ngoài việc cứu Marguerite, Faust đồng ý. Faust và Méphistophélès chạy tới cứu Marguerite bằng cỗ xe do một đôi ngựa đen kéo.

Tuy nhiên, khi Faust tưởng rằng mình sắp được nhìn thấy Marguerite thì ông ta lại bắt đầu nhìn thấy ma quỷ bao quanh xe. Phong cảnh ngày càng trở nên kinh khủng và kỳ cục, rồi cuối cùng Faust cũng nhận ra rằng con quỷ Méphistophélès không hề dẫn ông tới người mình yêu, mà đưa ông thẳng xuống địa ngục. Bầy quỷ và những linh hồn bị nguyền rủa bủa ra chào đón Méphistophélès và kéo Faust vào địa ngục.

Tất cả đột ngột trở nên yên lặng sau khi Faust rơi vào địa ngục, khiến người ta tưởng tượng về cảnh khổ đau không nói nên lời của người đã từng là nhà Thần học danh tiếng. Trong khi đó, sau khi bị treo cổ, Marguerite được các Thiên thần nâng đỡ, vì thực chất nàng đã bị Méphistophélès mê hoặc ngay từ phút đầu, và vào những phút cuối cùng của cuộc đời, nàng vẫn dám tin tưởng trao đi linh hồn và chờ đợi sự phán xét của Chúa trời.

Louis-Hector Berlioz (11/12/1803 – 8/3/1869) là một nhà soạn nhạc người Pháp thuộc trường phái lãng mạn, nổi tiếng với bản “Symphonie fantastique” (Tạm dịch: Giao hưởng ảo tưởng) và tác phẩm hợp xướng “Grande Messe des Morts” (Tạm dịch: Khúc cầu hồn).
Louis-Hector Berlioz (Ảnh: Nadar, Wikipedia, Public Domain)

Berlioz đã đóng góp đáng kể cho giao hưởng hiện đại với tác phẩm “Treatise on Instrumentation” (Tạm dịch: Luận về nhạc khí). Ông cũng từng chỉ huy những dàn nhạc rất lớn chơi cho một số tác phẩm của mình, và đã chỉ huy vô số buổi hòa nhạc với hơn 1,000 nghệ sĩ. Ông cũng sáng tác khoảng 50 nhạc khúc. Berlioz có ảnh hưởng rất quan trọng tới sự phát triển của trường phái lãng mạn của âm nhạc, đặc biệt là với một số nhà soạn nhạc như Richard Wagner, Nikolai Rimsky-Korsakov, Franz Liszt, Richard Strauss và Gustav Mahler.

Thanh Hương

Xem thêm:

Mời xem video:

Thanh Hương

Published by
Thanh Hương

Recent Posts

Đức phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus đậu mùa khỉ

Ca đầu tiên nhiễm biến thể mới clade 1b của virus đậu mùa khỉ (mpox)…

3 giờ ago

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông thúc đẩy đàm phán ngừng bắn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có mặt tại Israel ngày 22/10, điểm dừng chân đầu…

3 giờ ago

TP.HCM dự kiến xây 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn

TP.HCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để…

6 giờ ago

Bờ biển ở Thừa Thiên – Huế sạt lở bất thường hàng trăm mét

Đoạn bờ biển dài khoảng 300m ở xã Phú Thuận bị sạt lở nghiêm trọng,…

7 giờ ago

Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, giật cấp 15 khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa

Bão Trà Mi mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, sẽ vào…

7 giờ ago

Năm 2023, Quỹ Bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh 124.300 tỷ, phí quản lý hơn 3.900 tỷ

Trong năm 2023, tổng số chi của Quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 140.000…

10 giờ ago