Lễ nghi là biểu hiện bên ngoài của sự tu dưỡng về văn hóa, đạo đức của một cá nhân, một quốc gia. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Lễ nghi là biểu hiện bên ngoài của sự tu dưỡng về văn hóa, đạo đức của một cá nhân, một quốc gia, và cũng là yêu cầu cơ bản để trở thành một con người.
‘Lễ Ký’ là cuốn sách mà các sĩ tử thời cổ đại Trung Hoa bắt buộc phải đọc. Tác phẩm này được tập hợp bởi các bậc thánh hiền thời nhà Hán, là một trong 13 bộ kinh điển. Nội dung phần lớn do các môn đệ của Khổng Tử và những học trò đời sau ghi chép lại. Cuốn sách chứa đựng kiến thức phong phú, ngôn từ sinh động và trôi chảy, trong đó không thể không thể hiện vẻ đẹp của lễ nghi Trung Hoa. Những cử chỉ, lời nói của người xưa đều toát lên nét đẹp lễ nghi; từ cách đối nhân xử thế cho đến phẩm cách làm người – tất cả đều là những điều mà con người hiện đại chúng ta cần học hỏi.
Lễ nghĩa quý ở sự có qua có lại. Dù chỉ nhận mà không đáp, hay chỉ đáp mà không nhận đều không phù hợp với lễ nghĩa.
Dù là giữa quốc gia với quốc gia, đoàn thể với đoàn thể, hay trong quan hệ giữa người với người, lễ nghi đều coi trọng sự trao đổi tương xứng. Nếu nhận ân huệ mà không báo đáp là trái với lễ; nếu được người báo đáp mà không giúp đỡ họ, cũng không hợp với lễ.
Quan hệ giữa người với người nhờ vào lễ nghi mà giữ được sự hài hòa. Nếu không có lễ, tất sẽ phát sinh bất ổn. Vì vậy, lễ là điều nhất định phải học.
Bậc quân tử phải thận trọng trong lời nói và hành động, giữ dáng vẻ đoan trang, nghiêm túc. Không nên buông lời bừa bãi hay nói những điều không thích hợp, cũng không nên làm những việc không đúng đắn để tránh bị người khác bắt lỗi và dẫn đến chỉ trích.
Người nào vừa có kiến thức uyên bác, hiểu biết sâu rộng lại biết lễ độ, khiêm nhường; vừa chăm chỉ tu dưỡng bản thân, hành thiện mà không lười biếng – thì xứng đáng được gọi là bậc quân tử.
Bậc quân tử đối đãi với người khác dựa trên chuẩn mực đạo đức; còn kẻ tiểu nhân thì yêu quý người bằng cách dung túng, chiều theo vô nguyên tắc.
Người quân tử khi ở vị trí cao không dùng quyền lực để làm mình nổi bật hay ức hiếp người ở vị trí thấp. Khi ở vị trí thấp, không nịnh hót hay phục tùng người ở vị trí cao. Tu dưỡng bản thân nhưng không lấy tiêu chuẩn của mình để yêu cầu người khác, như vậy sẽ không phát sinh oán trách.
“Đại đạo” chỉ con đường mà thời thượng cổ từng tuân theo — đạo lý lớn. “Thiên hạ là của chung” nghĩa là thiên hạ thuộc về mọi người chứ không phải để một cá nhân, một đảng phái hay một phe nhóm nào độc chiếm.
Đối với người có phẩm đức, ta nên vừa muốn gần gũi vừa giữ lòng kính trọng, vừa dè chừng mà vẫn yêu mến họ. Với người mình yêu quý, nên nhìn thấy cả những thiếu sót của họ. Với người mình ghét, cũng nên nhìn ra điểm đáng khen nơi họ.
Việc học là không có giới hạn, tri thức là không bờ bến. Vì thế, phải luôn cẩn trọng trong lời nói và hành vi, không được lười biếng hay buông lỏng.
Người nhân hậu lấy tài vật để thành tựu bản thân và hỗ trợ người khác; còn kẻ thiếu đức thì lợi dụng con người như công cụ để vơ vét của cải.
Chỉ khi ý thức được sự thiếu hụt trong học vấn, ta mới có thể soi lại bản thân. Chỉ khi nhận ra mình đang gặp khó khăn ta mới có thể nỗ lực vượt lên.
Lễ nghi đối đãi với người giống như quá trình ủ rượu, cần có sự chăm chút không thể vội vàng. Quân tử coi trọng lễ nghi, trong khi tiểu nhân thường coi thường, xem nhẹ nó.
Bất kỳ công việc gì, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước sẽ dễ thành công; không chuẩn bị thì sẽ thất bại. Khi đã có kế hoạch rõ ràng thì sẽ không gặp khó khăn hay thiếu thốn; nếu có kế hoạch và quyết định trước thì sẽ không xảy ra sai lầm khiến phải hối hận. Đạo lý sống nếu được quyết định chính xác từ đầu sẽ không gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Khi ở một vị trí nhất định mà không đưa ra những ý kiến cần thiết cho vị trí đó, người quân tử cảm thấy xấu hổ; có những lời nói nhưng không có hành động tương xứng, người quân tử cũng cảm thấy xấu hổ.
Ham muốn ăn uống và tình dục là những dục vọng cơ bản của con người; cái chết và nghèo khổ là những điều mà con người sợ nhất.
Một người có đạo đức cao quý, để theo đuổi lý tưởng cao cả, và giữ gìn tiết hạnh trong sạch có thể bỏ qua “ăn uống và tình dục”, không sợ “cái chết và nghèo khổ”, làm được “phú quý không thể làm thay đổi, nghèo hèn không thể lay chuyển, quyền lực không thể khuất phục”. Đây chính là truyền thống đạo đức mà chúng ta cần phải kế thừa.
Kiêu ngạo không thể phát triển, dục vọng không thể tuỳ tiện theo đuổi, chí hướng không thể tự mãn, niềm vui không thể quá mức.
Tìm kiếm con đường của người quân tử giống như đi một quãng đường dài, phải bắt đầu từ những bước gần nhất; giống như leo núi cao, phải bắt đầu từ vị trí thấp.
Chỉ khi hiểu rõ nguyên lý của sự vật, ta mới có thể có tri thức; có tri thức rồi, ý chí mới chân thành; ý chí chân thành, tâm trí mới ngay thẳng; tâm trí ngay thẳng, nhân cách mới được tu dưỡng; nhân cách tu dưỡng, gia đình mới ổn định; gia đình ổn định, quốc gia mới thịnh trị; quốc gia thịnh trị, thiên hạ mới thái bình.
Đạo đức là căn bản, còn của cải chỉ là thứ yếu.
Tài sản có thể trang trí ngôi nhà, đạo đức có thể nuôi dưỡng phẩm hạnh. Tâm hồn rộng rãi, thân thể khỏe mạnh, vì vậy người quân tử nhất định phải chân thành trong tâm trí.
Khi một người chỉ học mà không có bạn bè để trao đổi, họ sẽ thiếu kiến thức và hiểu biết.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Kết quả của việc quản lý sự tập trung là bạn sẽ không phải học…
Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã so sánh cách chính phủ Đức đối xử…
Theo Bộ Công an, từ ngày 15/9/2024 đến ngày 14/4, công an đã phát hiện…
Cơ quan tình báo nội địa của Đức đã chính thức xếp đảng cánh hữu…
Trung Quốc có thể đang tính tới khả năng đàm phán với Hoa Kỳ về…
Bộ Công an đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án đối với…