Biểu tượng ứng dụng Temu. Công ty con Temu của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo có trụ sở tại Trung Quốc. (Ảnh: Paulm1993/Shutterstock)
Bắt đầu từ thứ Sáu (2/5), tất cả các gói hàng từ Trung Quốc, kể cả những gói chứa hàng giá rẻ được người Mỹ mua nhiều, sẽ bị áp thuế mang tính trừng phạt tại Mỹ. Trước đây, các gói hàng từ Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông nếu có giá trị không vượt quá 800 USD thì được miễn thuế. Các gói hàng giá trị thấp dưới 800 USD được gửi qua mạng lưới bưu chính quốc tế ban đầu sẽ phải chịu mức thuế tương đương 30% giá trị hoặc 25 USD mỗi kiện hàng, và từ ngày 1/6 năm nay sẽ tăng lên 50 USD mỗi kiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, chính sách miễn trừ được gọi là “ngưỡng tối thiểu” này đã chính thức chấm dứt vào lúc 04:01 sáng thứ Sáu (ngày 2/5) theo giờ GMT. Những bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Shein, và AliExpress.
Cụ thể, các gói hàng được vận chuyển bởi các nhà vận chuyển tư nhân như UPS và FedEx hiện sẽ phải chịu thuế 145%, áp dụng cho tất cả sản phẩm Trung Quốc quá cảnh kể từ đầu tháng Tư. Với các gói hàng chuyển qua dịch vụ bưu chính, sẽ bị áp thuế tương đương 120% giá trị hàng hóa, hoặc áp mức thuế cố định 100 USD mỗi kiện, mức này sẽ tăng lên 200 USD từ ngày 1/6.
Theo điều tra của AFP vào thứ Sáu, mô hình kinh doanh của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đang bị đặt dấu hỏi và họ đã có nhiều chiến lược ứng phó. Trên AliExpress (nền tảng thuộc tập đoàn Alibaba), giá hàng hóa gửi trực tiếp từ Trung Quốc đã tăng đột ngột khi thanh toán, với khoản “phí nhập khẩu” mới được thêm vào.
Ví dụ, một tai nghe có giá 8,74 USD, sau khi áp thuế 145%, đã tăng thêm 12,67 USD, nâng tổng giá lên 21,41 USD (chưa bao gồm thuế địa phương và phí vận chuyển). Ghi chú tại thời điểm thanh toán nêu rõ: “Theo quy định hiện hành của Mỹ, tất cả sản phẩm từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) được tiêu dùng tại Mỹ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu (…)”.
Trong khi đó, trên trang web của Temu tại Mỹ, nhiều sản phẩm hiện có gắn nhãn xanh nhỏ ghi “Sản phẩm nội địa”. Điều này không có nghĩa là chúng được sản xuất tại Mỹ, mà là chúng đã được lưu kho tại Mỹ, nên không bị áp thuế mới. Công ty cũng nhấn mạnh rằng: “Điều này có nghĩa là bạn không cần trả thuế nhập khẩu”, nhằm trấn an người tiêu dùng.
Amazon cho biết hiện tại họ không có ý định hiển thị thuế nhập khẩu mới bên cạnh giá sản phẩm, mặc dù trước đó đã có báo cáo cho rằng họ sẽ điều chỉnh cách hiển thị trên trang sản phẩm, làm dấy lên nhiều suy đoán từ dư luận.
Khi được AFP liên hệ, công ty này cho biết họ đang “chuyển đổi mô hình vận hành”: “Hiện tại, toàn bộ hoạt động bán hàng tại Mỹ đều được ‘các nhà cung cấp tại địa phương’ thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng mới từ Trung Quốc đang giảm, chiến lược này có thể đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.”
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhiều lần tuyên bố rằng mức thuế của cả hai bên đã ở ngưỡng tương đương lệnh cấm vận thương mại. Phía Washington bày tỏ sẵn sàng làm dịu căng thẳng, nhưng có vẻ không muốn chủ động bước đi đầu tiên. Trong khi đó, Bắc Kinh hôm thứ Sáu cho biết họ đang “đánh giá” đề xuất đàm phán từ Mỹ.
Vào khoảng 16:05 GMT thứ Sáu, cổ phiếu các công ty thương mại điện tử Trung Quốc niêm yết tại Sàn chứng khoán New York đều tăng: Pinduoduo (công ty mẹ của Temu) tăng 4,34%, Alibaba tăng 3,77%, và JD.com tăng 4,12%.
Theo Nhà Trắng, mỗi ngày có hơn 4 triệu gói hàng được hưởng miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố khôi phục thuế với những gói hàng nhỏ vào tháng Hai, nhưng sau đó hoãn thi hành để chính phủ và các cơ quan liên quan có thời gian chuẩn bị.
Đối mặt với tình trạng gói hàng tràn ngập, Pháp tuần trước cũng đề xuất áp “phí xử lý” đối với các gói hàng từ bên ngoài EU. Các mức phí thống nhất này dự kiến sẽ kéo dài đến giai đoạn 2026–2028, thời điểm EU có thể sẽ bãi bỏ chế độ miễn thuế cho hàng hóa dưới 150 euro.
Theo AP đưa tin, các hiệp hội ngành nghề đại diện cho các nhà sản xuất quốc kỳ Mỹ, nhà bán lẻ xe đạp ở Mỹ đều cho biết họ kỳ vọng sẽ hưởng lợi sau khi chính sách miễn thuế bị chấm dứt.
Ví dụ, Hiệp hội các nhà sản xuất quốc kỳ Mỹ trong ý kiến bằng văn bản gửi lên Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã chỉ ra rằng cờ giả giá rẻ nhập từ Trung Quốc “quảng cáo sai sự thật và bán phá giá”, khiến doanh số bán quốc kỳ sản xuất trong nước năm 2023 giảm từ 25% đến 35% so với năm trước.
Ông Larry Severini, Giám đốc điều hành của công ty Embroidery Solutions Manufacturing LLC – chuyên cung cấp linh kiện thêu cho các nhà sản xuất cờ – cho biết do ảnh hưởng từ hàng nhập khẩu giá rẻ, ông buộc phải đóng cửa một nhà máy ở bang Nam Carolina, và từ năm 2021 đến nay, doanh số công ty đã giảm gần 20%. Ông nói: “Chúng tôi cần thuế quan để cạnh tranh một cách công bằng.”
Bà Heather Mason, đại diện của Hiệp hội các nhà phân phối xe đạp toàn quốc chỉ ra rằng người tiêu dùng thường bị thu hút bởi một chiếc xe đạp thương hiệu nổi tiếng trị giá 2.000 USD (ví dụ như Trek), nhưng sau đó lại tìm thấy một sản phẩm nhái có ngoại hình tương tự với giá chỉ 1.200 USD trên mạng – tuy nhiên các sản phẩm này thường có chất lượng linh kiện kém, không có bảo hành hay dịch vụ hậu mãi, thậm chí có nguy cơ gây mất an toàn.
Trong email gửi cho hãng tin AP, bà viết: “Các thương hiệu lớn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn, lao động và bảo hành, trong khi chính sách ‘miễn trừ cho hàng nhỏ’ lại cho phép một số nhà sản xuất kém chất lượng lách luật và bỏ qua các quy định đó.”
Kết quả của việc quản lý sự tập trung là bạn sẽ không phải học…
Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã so sánh cách chính phủ Đức đối xử…
Theo Bộ Công an, từ ngày 15/9/2024 đến ngày 14/4, công an đã phát hiện…
Cơ quan tình báo nội địa của Đức đã chính thức xếp đảng cánh hữu…
Trung Quốc có thể đang tính tới khả năng đàm phán với Hoa Kỳ về…
Bộ Công an đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án đối với…