Sự cô đơn đang lên ngôi. Năm 2010, khoảng 40% người Mỹ cho biết họ thường xuyên cảm thấy cô đơn, tăng lên gấp đôi từ con số 20% hồi những năm 1980. Theo “Khảo sát Xã hội Tổng quát”, một báo cáo thường niên chuyên thống kê các đặc tính xã hội trên cả nước, thì số người cho rằng họ không có ai để giãi bày tâm sự đã tăng gần gấp 3 trong khoảng từ năm 1985-2004. Còn hiện nay, những người Mỹ thông thường đều nói họ không có ai làm bạn tâm tình thật sự.
Trong khi sự cô đơn đang ngày càng trầm trọng hơn, thì sức nặng và hệ quả của nó cũng ngày càng được người ta nhận thức nhiều hơn. Nhà tâm lý học Naomi Eisenberger của trường UCLA phát hiện ra việc bị cách ly khỏi xã hội sẽ kích hoạt một số khu vực thần kinh vốn chuyên phản ứng với các đau đớn về thể chất. Còn nhà tâm lý học Julianne Holt-Lunstad của trường Đại học Brigham Young đã công bố một nghiên cứu chấn động chỉ ra rằng sự cô đơn cũng nguy hiểm tới sức khỏe như hút thuốc hay béo phì.
>> Cô đơn sắp trở thành đại dịch lớn nhất của nhân loại?
“Có những bằng chứng vững chắc cho thấy sự cách ly xã hội và cô đơn làm gia tăng một cách đáng kể nguy cơ tử vong sớm, và hiểm họa này vượt quá mức độ nguy hiểm của nhiều chỉ dấu thể hiện sức khỏe quan trọng khác”, Holt-Lunstad giải thích tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ hồi tháng 8/2017. “Rất nhiều quốc gia trên thế giới giờ đây cho rằng chúng ta đang phải đối mặt với một “đại dịch cô đơn’. Và thử thách ở đây là liệu chúng ta có thể làm điều gì để đối phó với nó.”
Trong khi các nhà khoa học đang tìm kiếm các giải pháp trên quy mô lớn để xử lý vấn đề sức khỏe cộng đồng, thì các nghiên cứu thiết thực đã phát hiện ra một vài cách thức có thể giúp chúng ta vượt qua được sự cô đơn trong cuộc sống hàng ngày.
Rất nhiều người trong chúng ta e sợ việc nói chuyện phiếm với một người lạ trên tàu điện ngầm/xe buýt hay trong một quán cà phê. Thực tế thì, mặc dù việc này có vẻ hơi đáng sợ thật, nhưng hiệu quả thu được có thể lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.
Trong một nghiên cứu của Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, hai nhà tâm lý học Juliana Schroeder và Nicholas Epley đã đi tìm lời giải cho hiện tượng những người lạ ngồi cạnh nhau hiếm khi nói chuyện với nhau. Họ giả thuyết rằng (1) người ta thường cảm thấy giữa cô đơn và giao tiếp, thì cô đơn dễ chịu hơn, hoặc (2) người ta đánh giá sai hiệu quả của việc giao tiếp. Vì vậy, họ đã tiến hành một số thử nghiệm để kiểm tra giả thuyết của mình, một trong số đó là tuyển lựa một số người dân Chicago nói chuyện với người ngồi cạnh họ trên đường đi làm.
Gần như ai ai cũng nghĩ rằng đó sẽ là một trải nghiệm tiêu cực, nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược, những người nói chuyện với người lạ cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn một cách đáng kể so với những người thuộc nhóm không nói chuyện với người lạ. Những hành khách nhận được các cuộc nói chuyện kia cũng cho biết họ cảm thấy vui vẻ hơn.
“Cảm giác thỏa mãn vì được kết nối có vẻ dễ lây lan”, Schroeder và Epley viết. “Nghiên cứu này chỉ ra một cách khái quát rằng con người có thể cải thiện sự hạnh phúc nhất thời của mình – và của người khác – chỉ đơn giản bằng cách giao lưu tiếp xúc với người lạ, cố gắng dựng lập các mối liên hệ thay vì chọn cách tự cô lập chính mình.”
Giao tiếp mặt đối mặt có thể mang lại cho chúng ta điều gì mà giao tiếp trực tuyến không thể làm được? Thứ nhất, nó giúp gia tăng sản xuất endorphin, một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng giảm đau và tạo cảm xúc tích cực. Đây là lý do giải thích vì sao việc giao lưu đối thoại trực tiếp cải thiện sức khỏe thể chất của chúng ta, theo cuốn sách “Hiệu ứng ngôi làng” (The Village Effect) của nhà tâm lý học Susan Pinker.
Đi ăn tối hay chơi trò chơi cùng nhau, hoặc bất kỳ loại hoạt động xã hội nào khác, ví như đến quán cà phê chẳng hạn, cũng giúp duy trì bền chắc các mối quan hệ. Trong khi đó những mối quan hệ được xây dựng trên không gian ảo thường phai nhạt đi theo thời gian. “Truyền thông điện tử có thể chi phối những người bỏ phiếu hay đánh đổ báo giấy, nhưng với nhận thức và sức khỏe con người, thì chẳng gì có thể so sánh được với việc tiếp xúc trực tiếp”, Pinker nói.
Một nghiên cứu theo hướng dọc của Holly Shakya và Nicholas Christakis công bố năm ngoái trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ, xác nhận rằng Facebook có ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc của chúng ta, đồng thời chỉ ra một nguyên nhân chính là sự hời hợt trong tương tác trên mạng xã hội.
>> 8 lý do các cặp đôi hạnh phúc ít khi chia sẻ chuyện riêng tư trên Facebook và MXH
“Khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta thường bị mắc lừa rằng mình đang tham gia vào các tương tác xã hội chân thực”, Shakya và Christakis viết trong phần tóm tắt của một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Kinh doanh Harvard. “Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi kiến nghị rằng bản chất và chất lượng của loại hình liên kết ảo này không thể thay thế được tương tác trong thế giới thực mà chúng ta cần cho một cuộc sống lành mạnh.”
Tục ngữ có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những người hàng xóm và đồng nghiệp mà chúng ta ngày nào cũng gặp có thể đóng một vị trí quan trọng trong mạng lưới các mối liên hệ xã hội rộng lớn của chúng ta, kể cả khi họ không phải là những mối quan hệ có ý nghĩa nhất hay sâu đậm nhất.
Khi xem xét đến giá trị của “các liên kết mạnh” và “các liên kết yếu” trong quan hệ xã hội, các nghiên cứu đã phát hiện và nhấn mạnh rằng những người quen biết không quá sâu sắc hoặc chỉ là xã giao với chúng ta có thể đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể tình trạng kết nối của chúng ta với những người khác. Nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy chúng ta đang xao lãng các mối quan hệ ngồi ngay bên cạnh hay sát vách với ta.
Trong một nghiên cứu gần đây, 1/3 người Mỹ nói họ chẳng bao giờ giao tiếp với hàng xóm của mình, trong khi chỉ 20% thường xuyên dành thời gian với hàng xóm. Nếu so sánh với những năm 1970, thì 30% số người được hỏi cho biết họ gặp gỡ giao lưu với hàng xóm ít nhất hai lần một tuần.
Tìm hiểu những người hàng xóm của bạn đem lại nhiều lợi ích hơn đơn thuần chỉ là “tối lửa tắt đèn” có nhau. Một nghiên cứu cho thấy “sự kết nối với hàng xóm” mức độ cao sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vậy nên hãy mời người láng giềng của bạn qua uống trà hay café và đề nghị giúp đỡ việc tưới cây mỗi khi họ có việc đi xa. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh hơn vì điều đó.
Theo Psychology Today
Quốc Hùng
Xem thêm:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…