Cô đơn sắp trở thành đại dịch lớn nhất của nhân loại?
- Xuân Lâm
- •
Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng những người sống trong sự cô đơn có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người duy trì kết nối và tương tác với xã hội. Nhưng điều đáng quan ngại là số người sống trong nỗi cô đơn trên thế giới lại ngày một tăng lên, đặc biệt là ở các nước phát triển.
Cô đơn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và cuộc sống?
Cô đơn hiện đang trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, nhất là ở những nước giàu. Khi nói rằng cô đơn có thể khiến người ta tử vong thì không có nhiều người tin, thế nhưng đây lại là sự thực. Gần đây, nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và cảnh báo rằng cô đơn đang có nguy cơ trở thành một “bệnh dịch”, nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ con người hơn cả béo phì.
Trong nhiều năm qua Hoa Kỳ đã không ít lần bàn thảo về bệnh béo phì, nhưng một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng vấn đề sức khỏe do hiện tượng cô đơn gây ra còn nguy hiểm hơn nữa, thậm chí ở quy mô đại dịch. Một nghiên cứu mới đã được trình bày ở Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ chỉ ra rằng ảnh hưởng của sự cô đơn và cô lập xã hội vẫn đang ngày một gia tăng.
Tiến sĩ Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học của Đại học Brigham Young và là tác giả chính của nghiên cứu này cho hay: “Sự kết nối xã hội giữa người với người là nhu cầu căn bản của nhân loại – nó đóng vai trò quan trọng trong cả sự tồn tại và đời sống tinh thần của con người. Nhiều ví dụ tiêu cực về việc trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, thiếu tương tác với xã hội khác khiến các em phát triển không đẩy đủ hoặc thậm chí là có nguy cơ tử vong sớm. Ở trong nhiều nhà tù, trại tạm giam, người ta sử dụng hình thức biệt giam và cách ly như là một hình thức tra tấn, trừng phạt. Nhưng tình trạng này đang ngày một gia tăng trong dân số Mỹ và giờ đây dân Mỹ thường xuyên trải qua sự cô lập này.”
Holt-Lunstad cho biết: “Có bằng chứng rõ ràng rằng sự cô lập và cô đơn trong xã hội làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong sớm, và rủi ro về mặt sức khỏe không hề nhỏ. Các chuyên gia nhận định rằng với dân số ngày càng già đi, thì ảnh hưởng của sự cô lập, cô đơn đến sức khoẻ cộng đồng sẽ ngày càng tăng lên. Thực tế là nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với ‘dịch bệnh cô đơn’. Giải quyết vấn nạn này đang là một bài toán nan giải với tất cả chúng ta.”
Holt-Lunstad cũng cho rằng điều quan trọng là cần phải giúp mọi người hiểu rõ tác hại và sự nguy hiểm của trạng thái cô đơn, đồng thời cần phải có hành hành động để phòng chống và dập tắt “dịch bệnh” này.
Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu y tế của 3,7 triệu người và hơn 200 nghiên cứu đã đưa ra kết luận tương tự, và tất nhiên, nghiên cứu này không phải nghiên cứu đầu tiên cảnh báo chúng ta rằng bệnh dịch cô đơn đang hoành hành.
Một số bằng chứng thuyết phục
Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu từ Đại học Brigham Young ở Utah đã xem xét dữ liệu khoảng 3 triệu người trong 35 năm và phát hiện ra rằng sự cô đơn hiu quạnh có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta, và thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta.
Nghiên cứu này cũng xem xét cự cô đơn ở cả hai phương diện khách quan và chủ quan, hay nói cách khác là không có sự phân biệt cô đơn “tự nguyện” (những người thích sống một mình vì chỉ thích riêng tư) hay không tự nguyện (một người tự thấy rằng mình đang bị cô đơn). Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người sống một mình, có tương tác xã hội không thường xuyên, và có ít mối quan hệ xã hội đều có nguy cơ tử vong sớm hơn những người khác. Điều này đặc biệt đúng với những người dưới 65 tuổi.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết: “Các bằng chứng cho thấy cô lập xã hội và sự cô đơn đang gia tăng trong xã hội, có lẽ việc đưa sự cô lập và cô đơn vào danh sách các mối quan ngại về sức khoẻ cộng đồng là một việc nên làm. Tài liệu chuyên gia và các sáng kiến về sức khoẻ cộng đồng thấy rằng hiện tượng cô lập và cô đơn xã hội đang ngày một tăng lên.”
Các yếu tố khác được liệt kê là một trong số những nguyên nhân gây quan ngại cho an toàn cộng đồng có thể kể đến như lạm dụng chất gây nghiện, béo phì, sức khoẻ tâm thần và hành vi tình dục có trách nhiệm…
Tim Smith, đồng tác giả nghiên cứu nói về những phát hiện này: “Chúng ta không chỉ đang ở trong thời kỳ mà tỷ lệ cô đơn được đánh giá là cao nhất thế kỷ, mà chúng ta [Hoa Kỳ] còn được ghi nhận là có tỷ lệ cao nhất hành tinh. Với sự cô lập và cô đơn ngày một gia tăng, chúng tôi dự báo rằng đến năm 2030, nó sẽ trở thành một đại dịch [toàn cầu].”
Nghiên cứu này cũng nghi nhận rằng các quốc gia giàu hơn có tỷ lệ người dân sống cô đơn cao hơn. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên.
- Nghiên cứu của Đại học Harvard: Người như thế nào sẽ sống hạnh phúc nhất?
- Để trở nên hạnh phúc hơn, bạn hãy thử 7 điều sau đây
Có rất nhiều dữ liệu cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa lối sống và thú vui tiêu khiển dẫn đến cô lập. Với những người làm việc ở nhà, xem truyền hình hoặc nghiện game, hay các thiết bị điện tử khác… không quá khó khăn để họ rơi vào trạng thái cô đơn hoặc cô lập, ngay cả khi người đó không hề có ý định tự cách ly bản thân khỏi các tương tác và quan hệ xã hội. Hay nói cách khác người ta rất dễ bị cô đơn một cách không tự biết. Thêm vào đó, ngày nay có rất nhiều tiện nghi hiện đại và chúng ta có thể không cần phải ra khỏi nhà mà vẫn có nó, ví dụ như đặt hàng và mua hàng online, thay vì phải đi ra siêu thị xem trực tiếp và tận tay chọn lựa….
Một nghiên cứu năm 2013 cũng thu được những kết quả tương tự khi quan sát 6.500 người gồm cả đàn ông và phụ nữ Anh quốc. Trên một bài báo xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bị cô lập xã hội thường có tuổi thọ thấp hơn những người khác.
Có lẽ, một trong những biện pháp để phòng chống bệnh dịch cô đơn này là tăng cường tương tác và kết nối trực tiếp giữa người với người cả về số lượng và chất lượng. Hãy tăng cường trò chuyện trực diện, đồng thời biết lắng nghe. Đặc biệt với những người ở độ đuổi hưu trí, cần khuyến khích họ tham gia sinh hoạt cộng đồng, dạo mát trong công viên… để tăng cường sức tương tác.
Xuân Lâm (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa cô đơn đại dịch Tâm lý học bệnh dịch