Trong khi bút và giấy dường như đang đứng trên bờ vực của những ngày kém huy hoàng nhất, thì khả năng giúp tăng cường trí tuệ của chữ viết tay là điều không nên bị đánh mất trong thời buổi công nghệ hiện nay.
Cuộc sống hiện đại tuy rằng rất tiện nghi, thế nhưng một đời sống đơn giản thanh đạm như những năm cuối thế kỷ trước chắc hẳn cũng cuốn hút không ít người. Thử tưởng tượng bạn đang ngồi bên song cửa sổ, tay cầm bút viết những lá thư gửi đến người yêu hay người thân trong gia đình, từng trang là từng dòng văn chương bay bổng và bên cạnh là âm thanh của đầu bút bơm mực kim loại đang kêu sột soạt khắp trang giấy. Hoặc bạn có thể nghĩ đến cảm giác khi nhận được lá thư từ xa gửi đến, một bộ những lá thư cũng chính là một bộ những kỷ niệm mà ai cũng muốn giữ lại bên mình. Cảm giác ấy thật tuyệt biết bao, điều mà những lá thư điện tử không mang lại được cho chúng ta.
Ngoài ra, những ai có con nhỏ chắc hẳn cũng rất hào hứng khi thấy đứa con bé bỏng của mình ngày đầu được học viết chữ tại trường. Từng dòng chữ từ bàn tay nhỏ xíu của chúng, dù là nắn nót hay ngoáy ẩu, thì đều giống như món quà khích lệ các bậc làm cha mẹ. Thế nhưng, thực tế hiện nay lại cho thấy, trẻ em càng lớn lên càng không còn quan tâm đến viết chữ, điều mà chúng quan tâm vẫn là những thiết bị điện tử và sự tiện lợi của chúng. Chữ viết tay trở thành một điều gì đó lạc hậu kém tân tiến, và theo một số người thì sử dụng văn bản điện tử sẽ tiết kiệm được giấy, mực, bút và thậm chí là cả thời gian.
Tuy nhiên, viết chữ vẫn có những mặt lợi ích rất tốt mà chúng ta không nên bỏ lỡ. Hãy dành thời gian để xem qua 7 lợi ích này trong phần dưới đây và cân nhắc về chúng:
Một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Khoa học Tâm lý (Association for Psychological Science) cho rằng việc ghi chép bằng chữ viết tay sẽ giúp tăng khả năng lĩnh hội, họ cũng kết luận rằng “khuynh hướng dùng máy tính laptop ghi chép bài giảng là để đúng nguyên văn hơn, chứ không phải là xử lý thông tin và đúc kết chúng lại thành của mình, điều này gây bất lợi cho việc học tập”.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Psychology Today, họ mô tả tầm quan trọng của việc học viết chữ có thể thúc đẩy não bộ phát triển, trong suốt quá trình này, “não bộ tăng trưởng chức năng chuyên môn hóa, tích hợp cảm giác, kiểm soát chuyển động và suy nghĩ”. Các ảnh chụp não cũng cho thấy bộ não bận rộn thế nào trong khi ta đang viết chữ.
“Để viết chữ rõ ràng, các ngón tay cần phải có khả năng kiểm soát cơ thật tốt. Bạn cần phải tập trung và nghĩ về việc mình đang làm gì và làm như thế nào. Bạn cần phải luyện tập. Các nghiên cứu chụp ảnh não bộ cũng cho thấy rằng việc viết chữ có thể kích hoạt những vùng não mà khi người ta gõ bàn phím thì không hề xảy ra”.
Các nghiên cứu cũng tiết lộ rằng, những học sinh – sinh viên nào viết bài luận bằng cách dùng bút và viết tay thì thường có thể viết nhiều hơn những ai dùng bàn phím, họ cũng viết nhanh hơn và câu cú cũng hoàn chỉnh hơn.
Deborah Spear, nhà trị liệu học tại Great Falls (Hoa Kỳ) – đã trả lời tờ Washington Post rằng việc luyện viết chữ là một phần không thể tách rời trong công việc của cô với những học sinh bị mắc chứng khó đọc: “Bởi vì khi viết thì các chữ cái đều bắt đầu trên những dòng kẻ, và bút viết thì di chuyển từ trái sang phải, học bằng cách viết chữ sẽ dễ dàng hơn cho những học sinh mắc chứng khó đọc, những người gặp rắc rối với khả năng nhận dạng chữ”.
Đối với một bộ não đang trong thời gian bị lão hóa thì việc viết chữ sẽ là bài luyện tập nhận thức rất tốt cho não bộ, lúc này não sẽ phải sử dụng đến khả năng vận động, trí nhớ và nhiều thứ khác nữa.
Nói về danh sách và các mục tiêu cần đạt được viết bằng tay, nhà nghiên cứu – tiến sĩ Jordan Peterson chia sẻ với Forbes rằng: “Có vẻ như văn bản viết tay chính là một dạng thức chính của việc tư duy, nó giúp người ta trích lọc ra thông tin từ kinh nghiệm của bản thân, và giúp họ hướng dẫn nhận thức, hành động, suy nghĩ và cảm xúc tại thời điểm đó… Xác định rõ mục đích và ý nghĩa trong tương lai cũng giúp cải thiện cảm xúc tích cực, điều này liên hệ mật thiết với việc tiến tới các mục tiêu quan trọng…”
Tiến sĩ Marc Seifer, chuyên gia về chữ viết và hình tượng, chia sẻ rằng việc viết một câu mang tính chất nhẹ nhàng cũng là một dạng của “phác đồ”. Viết câu “Tôi sẽ trở nên bình an hơn” ít nhất 20 lần một ngày thực sự có thể khiến bạn trở nên an lạc hơn, đặc biệt là những ai gặp vấn đề với việc tập trung. Seifer nói: “Nó thực sự khiến người ta bình tĩnh và kiềm chế não bộ”.
Với 7 lợi ích trên đây của chữ viết tay, có lẽ bạn – những người của thế kỷ hiện đại và công nghệ – sẽ suy nghĩ và cân nhắc lại về việc sử dụng chữ viết tay nhiều hơn thay vì lãng quên nó. Một lợi ích nho nhỏ nữa của chữ viết tay đó là bạn có thể lưu giữ những lá thư từ người thân yêu, hay những nét nghệch ngoạc đầu đời của con cái. Cảm giác ký ức vui vẻ hiện về mỗi khi nhìn ngắm lại chúng là điều mà những lá thư hay văn bản điện tử không thể truyền đạt lại một cách trọn vẹn được.
Dù rằng chữ viết tay là điều gì đó cổ điển, nhưng xét đến những ích lợi mà nó mang lại thì nó không nên bị lãng quên.
Bích Ngân (T/H)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…