Đời Sống

Con đường trưởng thành của một vũ công

Từ một cô bé say mê múa cổ điển Trung Quốc đến hành trình trở thành một vũ công của đoàn nghệ thuật Shen Yun danh tiếng, Tiêu Khả Hân đã trải qua nhiều thăng trầm đáng nhớ. Với đam mê mãnh liệt, nghị lực phi thường và niềm tin sâu sắc vào giá trị truyền thống, cô đã vượt qua những khó khăn về gia đình, văn hóa và cả những áp lực nghề nghiệp để tỏa sáng trên các sân khấu quốc tế. Hành trình của Tiêu Khả Hân không chỉ là câu chuyện về sự trưởng thành của một vũ công mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh của khát vọng và sự kiên trì.

Tiêu Khả Hân đang học tại Trường Nghệ thuật phía Bắc, cô ấy đang tập múa. (Ảnh The Epoch Times)

Đối với đa số thanh niên, 22 tuổi có nghĩa là đang học đại học hoặc vừa bước vào xã hội. Tuy nhiên, ở tuổi 22, Tiêu Khả Hân đã trải qua hành trình từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, Canada, và rồi đến Mỹ. Cô đã đi lưu diễn cùng Đoàn Nghệ thuật Shen Yun ở nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới.

Từ một cô gái ngây ngô, trở thành một vũ công xuất sắc, Tiêu Khả Hân đã trải qua những câu chuyện cuộc đời như thế nào?

Trốn thoát khỏi sự bức hại

Năm 2002, Tiêu Khả Hân sinh ra tại Bình Châu, Sơn Đông, bố mẹ cô là bác sĩ tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Bình Châu. Giống như đa số những đứa trẻ con một khác, cha mẹ Tiêu Khả Hân rất cưng chiều cô. Tuổi thơ của cô đáng lẽ phải là những năm tháng tràn đầy tiếng cười và niềm vui. Tuy nhiên, vì cha mẹ tu luyện Pháp Luân Công, và bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp tàn bạo, tuổi thơ của cô chỉ còn là những chuỗi ngày đau khổ.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện Phật gia thượng thừa được Đại sư Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, pháp môn lấy “Chân – Thiện – Nhẫn” làm tiêu chuẩn chỉ đạo căn bản. Trong cộng đồng người tu luyện ở Trung Quốc, đã xuất hiện vô số kỳ tích về việc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe và cải thiện đạo đức, thu hút hàng trăm triệu người tham gia. Trong quá trình tu luyện, cha mẹ của Khả Hân, giống như đa số những người tu luyện khác, đã được lợi ích về cả thể chất lẫn tinh thần, và từ nhỏ cô cũng đã cùng cha mẹ tu luyện, chiểu theo tiêu chuẩn “Chân – Thiện – Nhẫn” để trở thành người tốt. Hiện nay, Pháp Luân Đại Pháp đã được hồng truyền tại hơn 110 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Nhận được hơn 10.000 giải thưởng và thư khen ngợi từ các chính phủ và các tổ chức.

Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1999, vì số lượng người tu luyện Pháp Luân Công vượt qua số lượng đảng viên của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân do ghen tị, đã phát động một cuộc bức hại chính trị đối với Pháp Luân Công trên toàn quốc.

Để nói tiếng nói công đạo cho Pháp Luân Công và làm sáng tỏ sự thật, cha của Tiêu Khả Hân đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Ông bị cảnh sát bắt giữ, giam cầm, bị đánh đập tra tấn, bị nhốt trong lồng sắt, ngồi trên ghế sắt, chiếu đèn sáng vào mặt, không cho ngủ suốt nhiều ngày liền, bị cưỡng bức tẩy não hàng ngày. Cảnh sát đã đột nhập và lục soát nhà của họ một cách trái phép, sau đó ông bị giam tại nơi ở suốt một thời gian dài, tinh thần và thể chất bị tổn hại nghiêm trọng, cuối cùng phải từ bỏ công việc tại bệnh viện.

Từ nhỏ, Tiêu Khả Hân đã theo cha mẹ đọc tác phẩm chính của Đại sư Lý Hồng Chí là cuốn Chuyển Pháp Luân, và luyện các bài công Pháp. Cô bé đã nói với thầy cô và bạn bè trong trường mẫu giáo rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, khi ở nhà cô cũng nói với bảo mẫu của mình rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Khi đó, mặc dù cô chưa thể hoàn toàn hiểu được sự bức hại mà cha mình phải chịu, nhưng cô bé biết rõ những gì đã xảy ra với cha mình.

Năm 2008, để tránh sự bức hại, Khả Hân cùng gia đình đã rời bỏ quê hương, chạy trốn sang Hàn Quốc tị nạn.

Tới Hàn Quốc, gia đình Tiêu Khả Hân vẫn không thể yên ổn. Các đặc vụ của ĐCSTQ nhiều lần đến nhà họ quấy rối, cắt đứt dây mạng nhà họ, và nửa đêm thì rình rập bên ngoài cửa sổ. Những sự quấy rối này đã gây ra áp lực tinh thần vô hình cho Tiêu Khả Hân, khiến cô cảm thấy rất khó chịu. Cô bé muốn tìm cách để nói với mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Vì vậy, khi còn nhỏ, cô đã theo cha mẹ ra phố phát tờ rơi và tham gia các cuộc diễu hành cùng các hoạt động giảng chân tướng.

2 mẹ con Khả Hân năm 2024 tại Đài Loan. (Ảnh The Epoch Times)

Theo đuổi giấc mơ vũ đạo

Năm 2009, Khả Hân lần đầu tiên xem biểu diễn Shen Yun tại Hàn Quốc, khi đó cô chỉ mới 7 tuổi và đã ngồi im lặng xem trọn vẹn hơn 2 giờ biểu diễn. Từ đó, cô mong muốn một ngày nào đó có thể tham gia Shen Yun, trở thành một vũ công và dùng hình thức nghệ thuật này để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Hoa, cũng như vạch trần sự bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.

Vào thời điểm đó, vì không có giấy tờ tùy thân, cha mẹ Khả Hân không thể tìm được công việc ổn định, điều kiện kinh tế trong gia đình rất hạn chế, không thể thuê giáo viên dạy múa cho cô. Tuy nhiên, Khả Hân từ nhỏ đã là một đứa trẻ có chủ kiến, cô bé luôn nỗ lực theo đuổi những gì mình muốn làm. Vì cha mẹ không có điều kiện thuê giáo viên, cô tự luyện tập ở nhà bằng cách đặt chân lên tủ quần áo để ép chân.

Hai năm sau, Khả Hân nhờ mẹ đăng ký cho cô tham gia tuyển chọn Shen Yun, nhưng vì cô còn quá nhỏ nên không được nhận. Điều này khiến cô rất buồn và khi về nhà cô bé đã khóc.

Năm 2011, Khả Hân cùng gia đình nhập cư vào Canada. Tình cờ, con gái của chủ nhà họ là một giáo viên múa, điều này khiến Khả Hân rất vui mừng. Từ đó, cô đã luyện tập mỗi ngày cùng với cô giáo. Khi đó, cô đã 9 tuổi, việc ép chân mỗi ngày rất vất vả, đôi khi đau đến phát khóc, nhưng cô chưa bao giờ nói từ bỏ.

Nghiện Internet

Chẳng mấy chốc, cô bé ngày nào nay đã 12 tuổi, và bước vào tuổi dậy thì, thời kỳ nổi loạn. Cô kết bạn với một số bạn học ở trường, và cả nhóm suốt ngày chơi đùa cùng nhau, cô cũng bắt đầu sử dụng mạng xã hội và nhắn tin trên điện thoại. Dần dần, cô quên đi việc tu luyện, tính cách cũng trở nên nóng nảy và lạnh lùng.

Khi nhận thấy sự thay đổi ở con gái, bà Lý Tiếu Hoành, mẹ của cô vừa buồn vừa lo lắng. Bà thật sự nhận thức rõ được tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em, nhưng lại không biết phải làm sao. Không còn cách nào khác, bà đành phải rút dây mạng mỗi khi đi làm, như vậy, cô bé sẽ không thể vào mạng khi trở về nhà sau giờ học.

Khả Hân rất tức giận vì điều này, cô hét lên với mẹ: “Cách làm ép buộc của mẹ không có tác dụng với con đâu!”

Mặc dù thường xuyên lạc lối trong mạng internet, nhưng Khả Hân không cảm thấy hạnh phúc. Một ngày nọ, cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, con giống như một đóa hoa, mặc dù cánh hoa đã héo úa, nhưng gốc rễ của con vẫn vững vàng trong Đại Pháp”.

Đôi khi, Khả Hân rất muốn đến một nơi không có ai, cầm lại cuốn sách Đại Pháp và yên tĩnh đọc cả ngày. Nhưng đối với cô, điều này đã trở nên rất khó khăn, vì có quá nhiều cám dỗ ngoài kia.

Khi nhìn thấy tình trạng của con gái, trong lòng bà cũng cảm thấy rất đau đớn. Bà bắt đầu tự hỏi liệu có phải những hành động của mình quá khắt khe, khiến con gái cảm thấy phản cảm. Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện trong xã hội người thường, không phải là phải từ bỏ đời sống người thường hay đi vào rừng sâu núi thẳm để tu luyện. Mà là tu luyện trong xã hội người thường, làm người tốt hơn, người tốt hơn nữa.

Khi ấy bà bắt đầu thay đổi bản thân, không còn yêu cầu con gái quá khắt khe nữa. Bà bắt đầu hiểu con gái từ góc độ của con, dành thời gian chơi cùng con và chọn những món quà sinh nhật thật tỉ mỉ cho cô bé. Bà còn sắp xếp những bức ảnh của cô từ lúc nhỏ đến lớn theo thứ tự, làm thành những tấm thiệp và viết những lời như: “Con rất dễ thương, con rất thanh thoát, con tràn đầy yêu thương… Mẹ thật may mắn vì con là con gái của mẹ. Con từ Trung Quốc bay sang Hàn Quốc, từ Hàn Quốc bay sang Canada, con gái của mẹ đã trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc đời, vượt qua bao nhiêu giông tố, thật không dễ dàng, con thật tuyệt vời, mẹ tự hào về con”. 

Những tấm thiệp này thường xuyên xuất hiện trên đầu giường hoặc trên tường của Khả Hân, và mỗi lần nhìn thấy, cô đều rất vui mừng.

Thỉnh thoảng, bà sẽ kể cho cô nghe về những câu chuyện về văn hóa truyền thống, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm và cảm nhận về quá trình tu luyện của bản thân.

Dần dần, Khả Hân cảm nhận được sự ấm áp và động viên từ mẹ, và cô bắt đầu mở lòng với mẹ. Cô hiểu rằng, người tu luyện Đại Pháp không cần phải từ bỏ cuộc sống của người thường, mà là phải từ bỏ những tư tưởng và hành vi không tốt trong cuộc sống thường nhật.

Ảnh Khả Hân ở New York. (The Epoch Times)

Vượt qua nỗi đau mất người thân

Giữa tháng 3 năm 2016, cha của cô đột ngột qua đời vì bệnh tật, cú sốc này đến quá bất ngờ, khiến cả hai mẹ con cô tạm thời không thể chấp nhận nó. Bà cảm thấy như trời sụp xuống, còn Khả Hân thì không thể tin vào sự thật, cô vẫn cứ nghĩ rằng cha mình đã đi công tác ở nơi xa.

Mỗi ngày về nhà, nhìn căn nhà vắng lặng, tâm trạng của bà Lý Tiếu Hoành vô cùng nặng nề. Bà nhìn con gái mà càng thấy thương xót, cha đã mất, nếu mẹ cũng buồn rầu và yếu đuối, con sẽ phải làm sao? Vì vậy, bà biết mình phải mạnh mẽ, chỉ khi mình vững vàng, bà mới có thể giúp con vượt qua nỗi đau này.

Khả Hân thường tan học sớm, còn bà mỗi ngày sau khi tan làm không về nhà ngay mà lên tầng cao nhất của tòa nhà nơi bà sống, ngồi thiền một mình để điều chỉnh tâm trạng, xua đi mọi cảm xúc tiêu cực trong lòng, cho đến khi bà có thể xuất hiện với một tâm thái tươi vui trước mặt con gái mình. Bà cũng thường xuyên dẫn con gái đi ăn những món ngon, chơi những trò thú vị, khiến cô bé cảm thấy rằng, dù cha không còn, nhưng ở bên mẹ vẫn rất ấm áp.

Trong khoảng thời gian khó khăn nhất, một số học viên Pháp Luân Công ở địa phương thường xuyên ở bên cạnh cô bé. Còn có một số dì cũng thường xuyên đến nhà hai mẹ con, họ cùng nhau làm bánh bao và cùng nấu những món ăn ngon. Những tình cảm nhỏ nhặt ấy dần dần sưởi ấm trái tim cô bé, và cô cũng cảm nhận được sự khác biệt của những người tu luyện Pháp Luân Công.

Nhập học Học viện Nghệ thuật Phương Bắc

Đầu năm 2016, Học viện Nghệ thuật Phương Bắc (Northern Academy of Arts) bắt đầu tuyển sinh. Bà Lý biết con gái mình rất yêu thích múa và rất mong muốn con có thể vào trường này, vì trường có khoa múa cổ điển Trung Hoa và việc quản lý rất nghiêm khắc. Bà hy vọng Khả Hân có thể vào học ở đây để từ bỏ thói quen nghiện internet.

Bà hiểu rằng con gái mình là một đứa trẻ có chủ kiến và không muốn ép buộc con gái. Bà nói với cô: “Mẹ hy vọng con có thể đi, nhưng con phải tự quyết định. Dù con có quyết định như thế nào, mẹ cũng sẽ ủng hộ. Nhưng mẹ hy vọng, một khi con đã quyết định, con sẽ kiên trì đi đến cùng”.

Khả Hân lúc ấy có chút do dự, bởi cô cũng đã có một kế hoạch khác cho cuộc đời mình: thi vào Đại học Toronto, sau đó tìm một công việc tốt, mua một căn hộ đẹp và sống cùng mẹ. Đồng thời, cô rất yêu thích múa và không muốn bỏ qua giấc mơ từ nhỏ của mình. Sau khi suy nghĩ kỹ, cô quyết định đi Mỹ học múa. Khi cô thông báo quyết định với mẹ, cô đã khóc và nói: “Mẹ ơi, con chọn con đường khó khăn nhất, nhưng con không hối hận”.

Vào mùa hè năm 2016, Khả Hân nhập học tại Học viện Nghệ thuật phía Bắc ở Mỹ, đó là lần đầu tiên cô xa nhà, và cô gặp phải rất nhiều bỡ ngỡ. Áp lực học tập, khó khăn trong huấn luyện múa, đặc biệt là không thể tùy tiện lên mạng, điều này đối với cô là một thử thách lớn.

Trong nửa năm đầu, Khả Hân thường xuyên gọi điện cho mẹ, và bà đã luôn động viên con gái, mỗi tối bà đều trò chuyện và cùng đọc “Chuyển Pháp Luân” với con.

Thời gian trôi qua, bà nhận thấy Khả Hân đang thay đổi từng chút một. Mỗi lần cô bé trở về nhà trong kỳ nghỉ, bà cảm thấy con gái ngày càng biết hiếu thảo, trưởng thành hơn, biết ơn và khiêm tốn hơn, biết nghĩ cho người khác, đồng thời cũng có thể chịu khổ và tự kỷ luật. Tâm hồn của Khả Hân cũng tĩnh lặng hơn. Kỹ năng múa của cô bé cũng tiến bộ nhanh chóng, cô trở thành vũ công chính trong lớp. Điều này khiến cô cảm thấy mình càng ngày càng gần hơn với giấc mơ múa của mình.

Khả Hân và mẹ du lịch ở Đài Loan. (The Epoch Times)

Tham gia kỳ thi vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên

Vào tháng 11 năm 2018, Khả Hân đã tham gia kỳ thi vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên nhưng không được nhận. Vì chiều cao của cô không đủ tiêu chuẩn.

Khả Hân rất buồn, cô cảm thấy mình nên nỗ lực hơn để có thể thi lại lần sau. Tuy nhiên, dù cô đã tham gia phỏng vấn nhiều lần nhưng cứ thất bại liên tiếp.

Có một lần, sau một lần thất bại khác, cô đứng nhìn những cây cối trong khuôn viên trường Phi Thiên, cô cảm thấy chạnh lòng: “Mình thật sự ghen tị với những cái cây này, chúng có thể ở lại đây mãi, còn mình thì cứ phải rời đi lần này đến lần khác”.

Khả Hân chia sẻ cảm xúc này với mẹ. Bà đã nhẹ nhàng động viên con gái: “Hoa mai nở trong tuyết, không ai có thể thành công dễ dàng, đừng quá coi trọng kết quả, quan trọng là quá trình, nó có thể rèn luyện ý chí và sự kiên nhẫn của mình, đó sẽ là tài sản suốt đời”.

Ba năm sau, Khả Hân cuối cùng đã đạt được ước mơ, thi đậu vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, cô vô cùng vui mừng.

Vào học tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên

Khi vào học, Khả Hân tiến bộ rất nhanh trên nhiều phương diện. Mỗi lần nghỉ về nhà, cô đều vui vẻ kể về cuộc sống học đường. Cô nói với mẹ: “So với trường trước đây, ở đây con đã học được rất nhiều, con biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Trường học trước đây thực sự có rất nhiều thói quen xấu, nhưng không ai nói cho con biết ai đúng, ai sai, bản thân cũng không có khả năng phân biệt. Mọi người đều làm theo, và nó trở thành xu hướng, nếu không theo xu hướng, con sẽ cảm thấy mình rất khác biệt”.

Cô chia sẻ: “Ở Phi Thiên, mọi người đều là những người tu luyện, và đều lấy “Chân – Thiện – Nhẫn” làm chuẩn mực. Nếu bạn ích kỷ hoặc muốn thể hiện bản thân quá mức, những người xung quanh sẽ nhắc nhở bạn một cách thiện ý để bạn trở vềvới hành vi đúng. Nếu bạn thực sự muốn làm mình tốt hơn, bạn sẽ chấp nhận lời khuyên và sửa đổi. Nhưng nếu bạn cứ khăng khăng không thay đổi và chỉ nghĩ đến bản thân, bạn sẽ cảm thấy không phù hợp với mọi người xung quanh, vì họ sẽ không làm hài lòng bạn chỉ để bạn vui”.

Khả Hân và mẹ tại lễ tốt nghiệp Học viện Phi Thiên, năm 2023. (The Epoch Times)

Đề cao trong tu luyện

Khả Hân còn chia sẻ với mẹ về một trải nghiệm trong Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, khi cô học cách buông bỏ cái tôi và phối hợp với tập thể.

Cô vốn là một người rất cầu toàn, làm gì cũng muốn làm tốt nhất. Trong lớp múa tại trường cũ, cô là người múa chính trong lớp. Sau khi vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, mặc dù kỹ thuật của cô rất tốt, nhưng vì chiều cao không đủ, cô không thể làm người múa chính. Khi cô nhìn thấy những bạn học kỹ thuật kém hơn nhưng lại làm người múa chính, cô cảm thấy có chút ghen tị và không công bằng.

Tiêu Khả Hân nói với mẹ: “Bây giờ con không còn nghĩ như vậy nữa. Con nhận ra mọi người xung quanh đều đang suy nghĩ cho cả tập thể, còn suy nghĩ của con lúc ấy thật là ích kỷ.”

Sau đó, Khả Hân cũng trở thành lớp trưởng, phụ trách việc sắp xếp đội hình. Ban đầu, cô cũng muốn đặt mình vào vị trí nổi bật hơn, nhưng cô nhận ra rằng đội hình nhìn không hoàn hảo, cuối cùng cô quyết định sắp xếp mình ở vị trí bên cạnh. Cô đã hiểu rằng với chiều cao của mình, rất khó để trở thành người múa chính.

Làm lớp trưởng, nhiệm vụ chính của cô là giúp các bạn xử lý những công việc vặt trong lớp. Cô nói với mẹ: “Nhiệm vụ của con là làm tốt những công việc được giao, thực ra làm gì không quan trọng, điều quan trọng là tạo ra sự hài hòa cho tập thể”.

Một lần trước buổi biểu diễn, một diễn viên múa chính vô tình bị bong gân chân và không thể lên sân khấu. Khả Hân và các bạn đã tận dụng thời gian ngắn sau bữa trưa để điều chỉnh lại đội hình. Tất cả mọi người đều rất hợp tác, chỉ nghĩ đến việc làm sao điều chỉnh nhanh chóng để tiếp tục mang đến cho khán giả một buổi biểu diễn hoàn hảo, không ai nghĩ đến việc mình sẽ đứng ở vị trí nổi bật nào.

Một số diễn viên múa chính nổi tiếng, khi đã lớn tuổi không còn đảm nhận những vai trò quan trọng, nhưng họ vẫn ngày ngày kiên trì luyện tập, rất nỗ lực, suốt mười năm không thay đổi. Cô nhìn thấy điều đó và rất kính trọng họ.

Là một bác sĩ trước đây, bà Lý hiểu rất rõ, con gái khi chọn con đường múa sẽ không tránh khỏi những tổn thương thể chất. Khả Hân kể rằng một người bạn cùng lớp của cô vì đau lưng mà phải nghỉ ở nhà để điều trị; một bạn khác bị thương ở chân phải phẫu thuật. Thỉnh thoảng các bạn có những vết thương nhỏ như bong gân hay trầy xước, khi ấy cô sẽ gọi điện hỏi mẹ làm thế nào để xử lý và giúp đỡ các bạn. Những vết thương nghiêm trọng hơn thì chỉ có thể đi gặp bác sĩ.

Trong suốt quá trình học tại Phi Thiên, Khả Hân không gặp phải nhiều chấn thương nghiêm trọng, thỉnh thoảng chỉ có đau chân hoặc đau hông, thường thì theo chỉ dẫn của thầy cô, nghỉ ngơi một thời gian là sẽ phục hồi.

Tham gia chuyến lưu diễn của Shen Yun

Là một học sinh của Phi Thiên, vì vậy Khả Hân có cơ hội trở thành thực tập sinh tại Đoàn Nghệ Thuật Shen Yun. Đoàn Nghệ Thuật Shen Yun là một trong những đoàn nghệ thuật hàng đầu thế giới về múa cổ điển Trung Quốc và âm nhạc truyền thống, mỗi năm thực hiện hàng trăm buổi biểu diễn tại các nhà hát hàng đầu ở hàng chục quốc gia, sử dụng nghệ thuật để phục hưng và quảng bá văn hóa thần truyền chính thống của Trung Quốc với lịch sử 5000 năm.

Là một diễn viên múa, Khả Hân nói rằng ngoài tài năng và nỗ lực, còn cần một nền tảng tốt để rèn luyện và thể hiện tài năng. Trong quá trình học tại đây, được tham gia các buổi lưu diễn của Shen Yun, cô thật sự trân trọng từng cơ hội như vậy. Đồng thời, việc tham gia vào các chuyến lưu diễn của Shen Yun giúp quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc, điều này cũng rất phù hợp với văn hóa tu luyện mà cô và cha mẹ luôn mong muốn thực hiện.

Cô nói, sự nghiệp của một diễn viên múa thường ngắn ngủi, nhiều diễn viên múa có thể cả đời không có cơ hội biểu diễn trên những sân khấu đẳng cấp thế giới. Nhưng qua mỗi năm làm thực tập sinh tại Shen Yun, cô có cơ hội múa trên hàng chục sân khấu quốc tế, điều này giúp cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm sân khấu và trưởng thành nhanh chóng. “Tôi không cảm thấy mệt mỏi, tôi cảm thấy mình rất may mắn vì tôi có thể kể về trải nghiệm gia đình tôi bị chính quyền Trung Quốc đàn áp trên sân khấu, đó là cơ hội mà không gì có thể thay thế được”.

Khả Hân từ nhỏ đã mơ ước được đi vòng quanh thế giới, việc tham gia vào các chuyến lưu diễn thực sự đã giúp cô thực hiện ước mơ đó. Năm nay, trong chuyến lưu diễn tại Anh, cô đã mua quà tặng mẹ: một cuốn sổ tay của Bảo tàng Anh và trà cao cấp, cô còn chỉ cho mẹ cách thưởng thức trà chiều và một số nghi thức ăn uống.

Có câu nói cổ của Trung Quốc: “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường.” Bà Lý cảm thấy rất tự hào về con gái: “Chỉ mới ở độ tuổi này mà đã có được những trải nghiệm và tầm nhìn rộng lớn như vậy, thật là rất hiếm.”

Khả Hân đã đi lưu diễn khắp thế giới, được ở trong những khách sạn cao cấp, thưởng thức ẩm thực địa phương, và còn nhận được phụ cấp biểu diễn.

“Tôi vô cùng biết ơn Trường Phi Thiên. Trường Phi Thiên không chỉ giúp tôi nuôi dưỡng một đứa trẻ xuất sắc mà còn gánh vác gần như toàn bộ chi phí”, bà Lý Tiếu Hoành chia sẻ.

Năm 2023, sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, Khả Hân tiếp tục theo học nâng cao tại Đại học Phi Thiên. Cô hy vọng một ngày nào đó có thể trở thành diễn viên chính thức của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun. Cô bày tỏ mong muốn được gắn bó với nơi đây mãi mãi.

“Tôi rất thích môi trường này, mọi người như một gia đình. Rất khó để tìm thấy một môi trường thuần khiết như vậy ở những nơi khác”. Khả Hân nói.

Trúc Nhi biên dich
Theo The Epoch Times

Trúc Nhi

Published by
Trúc Nhi

Recent Posts

Tài xế tông xe khiến 35 người tử vong ở Trung Quốc bị tuyên án tử hình

Tòa án ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã tuyên án tử hình…

16 phút ago

Nguyễn Tất Tái: Vị danh y được xem là “ông Thánh coi mạch”

Dòng họ Nguyễn Giáp làng hành thiện có truyền thống về khoa bảng và hành…

48 phút ago

Một chuyện giải mộng kỳ lạ được ghi lại trong Tam Quốc Chí

Trong cuốn Tam Quốc Chí có ghi lại một chuyện thú vị về tài giải…

53 phút ago

Brazil đình chỉ thị thực làm việc tạm thời cho BYD liên quan ‘lao động nô lệ’

Bộ Ngoại giao Brazil hôm thứ Sáu (27/12) cho biết, chính quyền Brazil đã đình…

1 giờ ago

Giai thoại hài hước về bản giao hưởng “Tiễn biệt” của Joseph Haydn

Chuyện hài hước về người được mệnh danh “cha đẻ của nhạc giao hưởng”.

1 giờ ago