Dấu vân tay của mỗi người đều không giống nhau và là duy nhất, vì vậy được dùng để xác định danh tính trong chứng minh thư. Tại một số quốc gia còn yêu cầu lấy dấu vân tay du khách khi xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, tại Bangladesh lại có một gia tộc mà tất cả đàn ông đều không có vân tay – điều này mang đến rất nhiều phiền toái cho họ trong cuộc sống.
Theo BBC, tất cả nam giới thuộc gia tộc Sarker ở Bangladesh đều bị mắc một chứng bệnh di truyền hiếm gặp có tên Adermatoglyphia khiến họ không có dấu vân tay. Trong gia tộc Sarker có ít nhất 4 đời đều mắc phải căn bệnh này.
Apu Sarker (22 tuổi) là một thành viên của gia tộc này. Hiện nay anh đang làm hộ lý tại bệnh viện và sống cùng gia đình ở một ngôi làng tại thành phố Rajshahi.
Em trai Anu Sarker, bố Amal Sarker và ông nội của anh đều bị mắc chứng bệnh này của gia tộc. Mặc dù việc không có dấu vân tay chẳng ảnh hưởng gì nhiều vào thời của ông nội anh, nhưng cùng với việc khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc này dần mang đến rất nhiều phiền phức cho cách thành viên nam trong gia đình anh.
Ví dụ như khi chính phủ Bangladesh bắt đầu áp dụng thẻ căn cước quốc gia đối với người dân vào năm 2008, người trưởng thành buộc phải cung cấp dấu vân tay để xây dựng kho dữ liệu. Cơ quan có thẩm quyền đã khá bối rối trong việc xử lý vấn đề không có dấu vân tay của ông Amal. Cuối cùng, họ đã cấp cho ông thẻ căn cước có in dòng chữ “không có dấu vân tay”.
Vào năm 2010, chính phủ Bangladesh yêu cầu những người đăng ký làm hộ chiếu và bằng lái xe buộc phải cung cấp dấu vân tay để lập hồ sơ. Sau nhiều lần cố gắng, ông Amal đã được cho phép dùng giấy chứng nhận y tế để nhận được hộ chiếu nhưng ông chưa từng sử dụng vì ông lo lắng có thể sẽ gặp vấn đề khi xuất nhập cảnh ở sân bay vì không cung cấp được dấu vân tay.
Đối với bằng lái xe, dù ông Amal phải lái xe máy để phục vụ cho công việc đồng áng, nhưng ông không lấy được bằng lái xe máy chỉ vì không cung cấp được dấu vân tay, dù ông đã nộp tiền phí và vượt qua bài thi sát hạch.
Ông Amal luôn cầm theo hóa đơn thu phí xin bằng lái, nhưng không phải lúc nào cũng hữu dụng khi ông gặp phải cảnh sát. Ông từng bị cảnh sát phạt tiền hai lần vì không có bằng lái xe. Dù cho hai lần này ông đều đã giải thích với cảnh sát rằng vì ông không có dấu vân tay nên mới không lấy được bằng lái, nhưng vẫn không tránh được bị phạt.
Đến năm 2016, khi chính phủ yêu cầu những người mua sim điện thoại buộc phải cung cấp dấu vân tay để lưu vào kho dữ liệu quốc gia, việc này lại một lần nữa khiến những người đàn ông trong gia tộc Sarker gặp khó khăn. Đến nay, anh Apu chỉ mua được sim dưới tên của mẹ anh.
Ông Amal cho biết trong đời ông, việc không có dấu vân tay có nhiều khi không phải là điều gì đó quá phiền phức, nhưng ông cảm thấy rất tiếc cho các con của mình.
Ông chia sẻ rằng căn bệnh di truyền này khiến ông và các con trai gặp phải nhiều vấn đề rắc rối, điều này thật sự khiến ông cảm thấy khổ sở.
Thanh Mai (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…