Hiểu lầm kinh ngạc đằng sau bức thư cảm động gửi con gái của Vua hề Sác-lô

Diễn viên, đạo diễn phim hài nổi tiếng người Anh – Charlie Chaplin (1889-1977), thường được khán giả Việt Nam gọi với cái tên trìu mến là “Vua hề Sác-lô” qua những tuyệt tác phim câm để đời của ông. Những tác phẩm này đến nay vẫn còn thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Youtube. Charlie Chaplin có một tuổi thơ khốn khổ và nghèo đói đến mức nhà viết tiểu sử David Robinson đã gọi đường công danh của ông là câu chuyện đổi đời kịch tích nhất trong lịch sử.

(Ảnh: Shutterstock)

Cuộc đời Vua hề Sác-lô trải qua 4 cuộc hôn nhân và ông có tổng cộng 12 người con. Đêm Giáng sinh năm 76 tuổi, ông đã viết một bức thư gửi cô con gái Geraldine khi ấy mới 19 tuổi, và đang theo đuổi đam mê nghệ thuật tại thành phố Paris hoa lệ. Bức thư giàu ý nghĩa nhân sinh và cảm động đến nỗi hằng mấy chục năm nay, nó đã được truyền đi truyền lại và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới. 

Tuy nhiên rất ít người biết được một sự thật kinh ngạc đằng sau bức thư. 

Và trước khi tìm hiểu câu chuyện thú vị ấy, mời độc giả đọc lại “tác phẩm” vô cùng sâu sắc này: 

“Con gái của cha,

Trời đã về khuya. Đêm nay là một đêm Giáng sinh. Những “chiến binh” trong “pháo đài” nhỏ của gia đình chúng ta, em trai, em gái và cả mẹ con đều đã chìm vào giấc ngủ. Trên đường đến căn phòng mờ nhạt ánh sáng này, cha suýt chút nữa đã đánh thức những “chú gà con” đang ngủ say ấy.

Con đang ở cách cha thật xa quá! Dù vậy bóng hình con lúc nào cũng hiện hữu trước mắt cha. Bức ảnh của con đang ở trên chiếc bàn này, và ở đây, ngay cạnh trái tim cha. Thế còn con, con đang ở đâu? Nơi Paris cổ tích hoa lệ ấy, có lẽ con đang bận nhảy múa giữa sân khấu lớn trên đại lộ Champs Elysees. Cha biết rất rõ nơi ấy, dường như cha đang chìm trong sự tĩnh lặng lúc này của màn đêm, nhưng cha vẫn nghe được tiếng bước chân và nhìn thấy đôi mắt con lấp lánh như những vì sao trên bầu trời mùa đông. Cha nghe nói mùa lễ hội này, con đã tỏa sáng với vai người đẹp Ba Tư bị vua Tatar Khan giam cầm. Hãy cứ xinh đẹp và nhảy múa! Hãy cứ là một vì tinh tú lấp lánh! Nhưng nếu những lời tung hô và tán dương của khán giả chuốc con say, nếu thập sắc hương hoa người đời trao tặng khiến con choáng ngợp đầu óc thì hãy tìm một góc nhỏ, ngồi xuống và đọc lá thư này của cha, hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim con.

Ta là cha của con, Geraldine!

Ta là Charlie, Charlie Chaplin!

Con có biết bao nhiêu đêm cha đã ngồi bên nôi khi con còn nhỏ, kể cho con nghe câu chuyện Người đẹp ngủ trong rừng và con rồng canh gác? Khi “vị Thần ru ngủ” tìm đến khép đôi mắt cha lại, cha đã cười với ông ấy và nói: “Hãy đi đi, Thần ru ngủ! Đây là giấc mơ của con gái ta.” Cha đã nhìn thấy giấc mơ của con, Geraldine, cha đã thấy trước tương lai và ngày hôm nay của con. Cha thấy con đang thướt tha trên sân khấu, như một nàng tiên đang bay bổng giữa bầu trời. Cha đã nghe đám đông xì xào: “Nhìn thấy cô gái đó không? Cô ấy là con của một gã khù khờ. Còn nhớ chứ? Tên ông ta là Charlie.”

Đúng vậy! Cha là Charlie! Một gã diễn khù khờ!

Và hôm nay đến lượt con. Cứ nhảy múa đi con! Cha nhảy trong một chiếc quần rộng rách rưới còn con nhảy trong chiếc váy lụa của nàng công chúa. Những bước nhảy và những tràng pháo tay đôi khi sẽ đưa con bay đến tận thiên đường. Hãy cứ bay đi! Con cứ bay lên đó! Nhưng hãy nhớ quay về, về lại với thực tại con nhé! Con cần chiêm nghiệm cuộc đời của những người khác nữa, cuộc đời của những vũ công đường phố cũng đang nhảy múa, nhưng họ run lên vì lạnh và đói. Cha đã từng giống như họ, Geraldine! 

Nhớ về những đêm khuya khoắt ấy, những đêm tối màu nhiệm khi cha ru con vào giấc ngủ bằng câu chuyện cổ tích, cha đã thức trắng đêm. Cha đã nhìn vào khuôn mặt con, lắng nghe nhịp đập của trái tim con và tự hỏi bản thân: “Charley, chú mèo nhỏ này có biết mày không?” Lúc ấy con không biết cha là ai, Geraldine… Những đêm ấy, cha đã kể lại cho con bao nhiêu chuyện cổ tích nhưng chưa bao giờ, chưa bao giờ cha nói với con câu chuyện của đời cha. Nó cũng rất thú vị con à. Đó là câu chuyện về một tên hề đói khát, hắn ta đã hát và nhảy múa trong những khu ổ chuột của London, rồi sau đó đi lượm từng đồng tiền bố thí… Đây chính là câu chuyện đời cha! Cha từng trải qua đói khổ và hiểu được không có một mái nhà che thân là cảm giác như thế nào. Thậm chí tệ hơn nữa, cha đã nếm trải nỗi đau nhục nhã của một kẻ đầu đường xó chợ, kẻ vốn mang trong mình cả một đại dương cuồn cuộn lòng kiêu hãnh, nhưng chính niềm kiêu hãnh ấy lại bị chà đạp một cách đau đớn bởi những đồng tiền bố thí người ta quăng cho cha. Nhưng rồi cha vẫn sống, vì thế chúng ta hãy tạm quên chuyện này đi.

Bây giờ hãy nói về con!

Ngay sau tên của con – Geraldine, là họ của cha – Chaplin. Với cái danh này, cha đã mua vui cho đời hơn 40 năm. Nhưng Geraldine à, cha khóc còn nhiều hơn họ cười! Geraldine, trong thế giới mà con đang sống, không chỉ có nhảy múa và âm nhạc đâu con!

Nửa đêm, khi con bước ra từ sảnh lớn, con có thể quên đi những người hâm mộ giàu có, nhưng đừng quên hỏi han người tài xế taxi sẽ chở con về nhà, hãy hỏi han vợ anh ấy, và nếu cô ấy đang mang thai, nếu họ không có tiền mua tã cho đứa bé sắp chào đời, con hãy đặt vào túi anh ấy một ít tiền. Cha đã làm việc với ngân hàng để con không phải lo lắng khi chi trả khoản ấy. Nhưng với tất cả những món tiền khác, con hãy quản lý thật nghiêm ngặt. Thỉnh thoảng hãy sử dụng tàu điện ngầm hoặc đi xe buýt, con hãy thử đi bộ và khám phá khắp thành phố. Hãy quan sát những mảnh đời quanh con! Lưu tâm đến những phụ nữ góa chồng và em bé mồ côi! Và ít nhất một lần mỗi ngày, con đừng quên nhắc nhở bản thân: “Mình cũng giống như họ mà thôi.”

Đúng vậy! Con là một trong số họ, con gái của cha. Hơn thế nữa! Con hãy nhớ rằng, nghệ thuật ấy, trước khi nó trao cho một người đôi cánh, để họ có thể bay lên, thì thường nó sẽ làm gãy chân người ta trước. Và nếu một ngày nào đó, con bắt đầu cảm thấy mình quan trọng hơn cả khán giả dưới kia, thì con hãy rời khỏi sân khấu. Bắt chiếc taxi đầu tiên và ghé thăm những vùng lân cận thành phố Paris. Cha biết nơi ấy rất rõ. Ở đó con sẽ gặp rất nhiều vũ công cũng giống như con, họ thậm chí còn xinh đẹp, duyên dáng và kiêu hãnh hơn con. Nhưng nơi đó sẽ hoàn toàn không có ánh đèn sân khấu chói lọi như từ rạp hát của con. Mà chính ánh trăng sẽ dõi theo họ trong từng bước nhảy. Con hãy nhìn xem! Hãy nhìn thật chăm chú! Họ không nhảy đẹp hơn con sao? Thừa nhận đi, con gái của cha! Sẽ luôn luôn có người nhảy giỏi, luôn có người múa đẹp hơn con! Con hãy nhớ kỹ, trong gia đình Charlie, không bao giờ có bất kỳ một kẻ nào dám thốt ra những lời thô lỗ với một tài xế taxi hay cười nhạo một người ăn xin bên bờ sông Seine…

Cha rồi sẽ chết đi, nhưng con vẫn phải tiếp tục cuộc sống này… Dĩ nhiên cha muốn con sẽ không bao giờ phải biết đến nghèo đói là gì! Kèm với lá thư này, cha gửi cho con một tấm séc để con có thể chi tiêu tùy ý con thích. Nhưng mỗi khi con tiêu 2 đồng Franc (đơn vị tiền tệ cũ của nước Pháp, hiện nay được thay thế bởi đồng Euro), đừng quên nhắc nhở bản thân rằng, đồng thứ 3 không thuộc về con. Chắc chắn sẽ có một người lạ nào đó cần đến nó. Và con có thể tìm thấy người này một cách dễ dàng. Nếu con muốn gặp những người xa lạ tội nghiệp ấy, con sẽ thấy họ ở khắp mọi nơi. Cha đang dạy con về tiền bạc, vì cha biết rõ sức mạnh quỷ dị của chúng.

Con biết đấy, cha đã có một thời gian dài làm việc trong rạp xiếc và luôn rất lo lắng cho những diễn viên xiếc, những người biểu diễn leo dây mạo hiểm. Nhưng cha phải nói với con rằng, người ta lại thường dễ vấp ngã ngay trên mặt đất bằng phẳng hơn là những diễn viên xiếc ngã từ dây leo. Có lẽ trong một lần dự tiệc, con sẽ bị lóa mắt bởi ánh sáng phát ra từ một viên kim cương. Khoảnh khắc ấy, nó chính là sợi dây bẫy con trượt ngã. Biết đâu ngày nào đó, con lại bị “hớp hồn” bởi gương mặt điển trai của một gã hoàng tử bảnh bao. Ngày hôm đó, con sẽ trở thành một diễn viên leo dây mạo hiểm thiếu kinh nghiệm, và những người thiếu kinh nghiệm thì luôn dễ sa ngã. Đừng bán trái tim mình cho vàng bạc châu báu. Con hãy nhớ, viên kim cương rực rỡ nhất chính là Ánh mặt trời. Và may mắn thay, nó chiếu sáng cho tất cả chúng ta.

Và khi duyên phận đến, con sẽ biết yêu, hãy yêu người đàn ông đó bằng cả trái tim mình. Cha đã bảo mẹ con viết thư cho con về việc này. Bà ấy hiểu rõ về tình yêu hơn cha và tốt hơn bà ấy nên là người nói với con về điều đó.

Công việc của con rất khó khăn, cha biết. Cơ thể con chỉ được bao phủ bởi tấm lụa mỏng. Và vì mục đích nghệ thuật, một diễn viên thậm chí phải xuất hiện khỏa thân trên sân khấu. Nhưng khi bước ra khỏi tấm màn ấy, con không những nên ăn mặc thật tử tế mà còn phải thật thuần khiết. Không một ai và không một thứ gì trên thế giới này xứng đáng được nhìn thấy dù chỉ là ngón chân của một cô gái. Khỏa thân là căn bệnh của thời đại chúng ta. Đừng sợ nếu người ta cười nhạo rằng suy nghĩ này của con thuộc về thế hệ của thập niên trước. Đừng lo! Khoảng cách một thập niên sẽ không làm con già nua và cổ hũ đi. Nhưng cha muốn con là người cuối cùng bị ảnh hưởng bởi cái xã hội “trần trụi” này!

Cha biết rằng cha và con sẽ luôn có sự đối đầu về tư tưởng. Hãy cứ phản bác cha, phản bác những suy nghĩ của cha, con gái à! Cha không thích những đứa trẻ chỉ biết răm rắp nghe lời. Và trong khi nước mắt cha chưa kịp làm nhòe đi những dòng này, cha muốn tin rằng đêm Giáng sinh hôm nay sẽ là đêm của những điều kỳ diệu. Cha mong phép màu sẽ đến với con và mong con thật sự hiểu được tất cả những gì cha muốn nói.

Charlie đã già rồi, Geraldine! Sớm muộn gì, thay vì váy lụa trắng trên sân khấu, con sẽ phải mặc bộ lễ phục màu đen đến thăm nấm mồ của cha. Giây phút này cha không muốn làm con buồn. Thỉnh thoảng chỉ cần soi mình trong gương, con sẽ thấy những đường nét của cha hiện diện trên khuôn mặt con. Ngay cả khi máu trong huyết quản cha đã nguội lạnh, cha cũng không muốn con quên cha mình – Charlie. Cha không phải là một thiên thần, nhưng cha luôn khao khát trở thành một người đàn ông chân chính. Con cũng hãy thử xem, hãy thử trở thành một bản thân mình chân chính nhất.

Hôn con, Geraldine.

Cha của con,

– Charlie.”

Chaplin cùng vợ Oona và 6 người con, năm 1961. (Ảnh: Wikipedia)

***

Bức thư khép lại chắc hẳn vẫn còn đọng trong lòng mỗi chúng ta nhiều dư âm, về tình yêu thương giữa cha và con, về những bài học sâu lắng trong thế giới của người nghệ sĩ, những mảnh đời với quá nhiều mảng tranh tối sáng đồng tại đan xen.

Nhưng có lẽ không mấy ai biết được một sự thật vô cùng hy hữu đằng sau bức thư.

Vào năm 2013, học giả Maryam Mohammadi Dehcheshmeh chuyên nghiên cứu về công nghệ dịch thuật tại đại học Ottawa, Canada đã đưa ra một bài công bố kết luận rằng: “Bức thư của Charlie Chaplin gửi con gái Geraldine là một trong những bản dịch “giả” (‘pseudo-translations’) nổi tiếng nhất thế giới.” Dịch “giả” là một loại kỹ thuật “dịch” văn bản có chủ đích ngay cả khi không hề có văn bản gốc. Và nhà văn người Iran – Farajollah Saba đã thừa nhận quyền tác giả của bức thư vào năm 2012!

Câu chuyện “dở khóc dở cười” này xảy ra tại Tạp chí Rošanfekr (ấn phẩm tiếng Ba Tư) từ hơn 30 năm trước. Lúc ấy ban biên tập quyết định bắt chước người phương Tây và mở thêm một chuyên mục mới gọi là “Fantasy” (Tạm dịch: “Tưởng tượng”). Mỗi tuần họ sẽ đăng một bức thư được tưởng tượng ra trong chuyên mục này. Một ngày nọ, tổng biên tập của tạp chí, anh Farajollah Saba, đến văn phòng và tự hỏi mình nên viết gì, đột nhiên anh bị thu hút bởi một bức ảnh của Charlie Chaplin cùng con gái, và từ đó bản dịch “giả” của bức thư nổi tiếng ra đời. Tuy nhiên khi lên báo, tòa soạn lại “quên” không in từ “Fantasy” ở đầu trang và sự cố này đã dẫn đến hàng loạt những rắc rối cho tác giả trong suốt những năm qua.

Tác giả Farajollah kể lại: “Bức thư đã được thâu âm thành băng tiếng, được công bố vào những dịp khác nhau, được đọc lại trên đài phát thanh, đài truyền hình, và được bán trước Đại học Tehran. Không hề có ai chú ý đến việc tôi khăng khăng rằng nó không phải của Charlie Chaplin. Điều tồi tệ nhất là nó đã được dịch sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Đức và còn được dịch ngược lại sang tiếng Anh. Thậm chí trong một số hội nghị mà tôi tham dự, bức thư này đã được đọc lại, và khi tôi nói với họ rằng việc ra đời của bức thư nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi, họ đã cười nhạo tôi và nói: “Cậu đang nói về cái gì vậy? Chúng tôi đã thấy phiên bản gốc tiếng Anh của nó!”

Có lẽ đây là một trong những sự cố hy hữu nhất từng gặp về những bức thư trong lịch sử. Và cũng có lẽ vì cái tên Charlie Chaplin từ lâu đã trở thành bức tượng đài vững chắc trong lòng người hâm mộ nên mọi người đã cố tình lờ đi những lời trần tình của tác giả Farajollah Saba.

Đến tận hôm nay, dù có biết câu chuyện trên hay không, người ta vẫn luôn muốn tin những lời dạy thấm đẫm nhân văn ấy là của người cha Charlie Chaplin gửi con gái Geraldine. Và dù có phải là sự thật hay không, bức thư cũng hoàn toàn xứng đáng với sự nổi tiếng của nó!

Đỗ Hoàng

Xem thêm:

Đỗ Hoàng

Published by
Đỗ Hoàng

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

3 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

4 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

5 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

7 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

8 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

8 giờ ago