Vào mùa xuân, nhiều loại thực phẩm như khoai tây, khoai lang đỏ, hành tây và đậu phộng dễ dàng nảy mầm. (Ảnh: Shutterstock)
Vào mùa xuân, nhiều loại thực phẩm như khoai tây, khoai lang, hành tây và đậu phộng dễ dàng nảy mầm. Điều này khiến không ít người băn khoăn liệu chúng có còn an toàn để ăn hay không. Có loại vẫn có thể ăn nếu xử lý đúng cách, nhưng cũng có loại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Do đó biết cách nhận diện và bảo quản đúng sẽ giúp bạn sử dụng thực phẩm an toàn, tránh lãng phí và bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Mùa xuân là mùa của hy vọng khi vạn vật hồi sinh mang đến khung cảnh tươi mới và tràn đầy sức sống. Thực phẩm chúng ta mua về cũng giống như những sinh vật sống, có thể cảm nhận sự thay đổi của thời tiết. Khi xuân đến, sự biến đổi bên trong thực vật được kích hoạt, thúc đẩy quá trình mọc rễ và nảy mầm, đặc biệt là ở các loại củ vốn rất dễ đâm chồi.
Dạo gần đây mỗi khi đổ rác tôi thường thấy rất nhiều thực phẩm bị vứt bỏ. Nhìn thấy như vậy, tôi – một người xuất thân từ gia đình nông dân – không khỏi xót xa. Trong số đó, khoai tây, khoai lang, hành tây và đậu phộng là 4 loại bị bỏ đi nhiều nhất. Nhưng liệu những thực phẩm này khi đã nảy mầm còn có thể ăn được không?
Hôm nay, tôi sẽ giải thích chi tiết về 4 loại thực phẩm này. Khi chia sẻ những kiến thức này với bạn bè và những người quan tâm đến nông nghiệp, ai nấy đều thốt lên: “Biết sớm thì tốt, đúng là mở mang tầm mắt!”
Khoai tây là một trong những loại thực phẩm dễ nảy mầm nhất, đặc biệt khi nhiệt độ dao động từ 7°C đến 10°C – điều kiện lý tưởng để khoai tây đâm chồi. Vào mùa xuân, khi độ ẩm tăng cao, quá trình này càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Vậy khoai tây đã nảy mầm có ăn được không? Điều này còn tùy thuộc vào mức độ nảy mầm. Nếu khoai tây chỉ mới nhú mầm nhỏ, chưa phát triển hoàn toàn, thì vẫn có thể sử dụng. Khi chế biến, chỉ cần cắt bỏ phần mầm và vùng xung quanh là có thể ăn được bình thường.
Tuy nhiên, nếu mầm khoai đã dài hơn 3 cm hoặc mọc lá, thì tuyệt đối không nên ăn. Lúc này, khoai tây đã tích tụ một lượng đáng kể solanine – một loại glycoalkaloid có độc tính. Nếu tiêu thụ quá nhiều, cơ thể có thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, sốt… Trong trường hợp nghiêm trọng, solanine còn tác động đến hệ thần kinh, gây ảo giác, hôn mê, thậm chí tử vong.
Vào mùa xuân, khi mua khoai tây, tốt nhất nên sử dụng trong vòng 2-3 ngày. Nếu chưa dùng hết, hãy bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng để làm chậm quá trình nảy mầm.
Sau khi nảy mầm, khoai lang không sản sinh chất độc như khoai tây, nhưng độ ngọt và hương vị sẽ giảm đi đáng kể. Đặc biệt, nếu mầm dài hơn 5 cm, khoai lang sẽ trở nên khô cứng, xơ xác và kém ngon.
Nếu khoai lang nảy mầm và còn xuất hiện đốm đen trên vỏ, đổi màu hoặc bị thối rữa, nghĩa là nó đã bắt đầu biến chất. Khi đó, khoai lang có thể chứa nấm mốc và các độc tố gây hại. Nếu ăn phải, có thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Trong trường hợp nghiêm trọng, còn có thể gây chóng mặt, đau đầu, thậm chí sốt cao.
Khoai lang là loại thực phẩm dễ hỏng, đặc biệt vào mùa xuân khi độ ẩm và nhiệt độ cao, khiến chúng dễ bị mốc và thối. Để bảo quản khoai lang tốt hơn, hãy bọc chúng bằng giấy báo hoặc đặt vào hộp kín, sau đó để ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp. Cách này giúp khoai lang giữ được ít nhất một tháng mà không bị hỏng. Tuy nhiên, để đảm bảo hương vị ngon nhất, tốt nhất nên tiêu thụ trong vòng một tháng.
Hành tây nảy mầm vẫn có thể ăn được nếu chưa bị thối, nhưng cần lưu ý rằng mầm hành có thể chứa solanine – một hợp chất có thể gây hại nếu tiêu thụ nhiều. Sau khi nảy mầm, chồi non sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng bên trong củ để phát triển, khiến giá trị dinh dưỡng của hành tây giảm đi. Do đó, mùi thơm và vị cay nồng của hành tây cũng giảm đi. Ngoài ra, hành tây nảy mầm thường có vị khô hơn, khiến một số người không thích. Nếu mầm hành còn nhỏ, có thể ăn nhưng nên hạn chế. Nếu mầm quá dài, hành tây sẽ mất nhiều dinh dưỡng và có thể không còn ngon.
Vào mùa xuân, bạn có thể trồng hành tây nảy mầm xuống đất, và đến tháng 6, chúng sẽ phát triển thành những củ hành mới. Nếu hành tây bị thối, không nên ăn vì vi khuẩn và nấm mốc có thể đã lan rộng trong củ.
Vào mùa xuân, độ ẩm trong không khí cao nên đậu phộng dễ nảy mầm. Vậy đậu phộng đã nảy mầm có ăn được không? Điều này phụ thuộc vào tình trạng của nó.
Nếu vỏ đậu phộng chuyển sang màu đen, rất có thể nó đã bị nhiễm nấm Aspergillus flavus, tạo ra aflatoxin – một loại độc tố gây hại cho gan và có nguy cơ gây ung thư. Trong trường hợp này, tuyệt đối không nên ăn.
Ngược lại, nếu bề mặt đậu phộng sạch sẽ, không có dấu hiệu nấm mốc, thì vẫn có thể ăn được. Thậm chí, đậu phộng nảy mầm còn mang lại lợi ích sức khỏe, giúp bảo vệ gan, ổn định huyết áp, đặc biệt tốt cho người lớn tuổi.
Để ngăn đậu phộng nảy mầm và bị mốc, nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng khí, tránh nhiệt độ và độ ẩm cao. Nếu bảo quản đúng cách, đậu phộng có thể giữ được nguyên vẹn suốt cả mùa xuân mà không bị hư hỏng.
Vậy khoai tây, khoai lang, hành tây và đậu phộng nảy mầm có ăn được không?
– Khoai tây, khoai lang: Nếu chỉ mới nảy mầm nhỏ, vẫn có thể ăn sau khi cắt bỏ phần mầm. Nhưng nếu mầm dài và khoai đã mềm hoặc đổi màu, không nên ăn.
– Hành tây: Nếu không bị thối rữa, vẫn có thể ăn bình thường.
– Đậu phộng: Nếu không có dấu hiệu nấm mốc hay vỏ chuyển màu đen, vẫn có thể ăn và thậm chí còn có lợi cho sức khỏe.
Hy vọng bài viết này giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích về thực phẩm nảy mầm, từ đó sử dụng hợp lý và an toàn hơn!
Hàng ngàn nạn nhân nước ngoài được thả khỏi công viên lừa đảo của Myanmar…
Trước buổi biểu diễn đầu tiên của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun tạiTrung tâm Nghệ…
VKS xác định không có tài liệu, chứng cứ thể hiện cựu Bộ trưởng, cựu…
Sau một tháng trì hoãn, Tổng thống Trump cho biết mức thuế dự kiến áp…
Tên Yagi bị Việt Nam loại khỏi ngân hàng tên bão quốc tế do gây…
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được hỏi "ông có lời khuyên hay khuyến nghị…