Khi còn đi học, những cô con gái cố học giỏi để bố mẹ vui lòng, cố thi cử đỗ đạt, lên đại học để họ hàng nở mày nở mặt. Và đến khi làm dâu cũng phải làm thế nào để trở thành cô con dâu đảm đang để bố mẹ không bị ‘muối mặt’ là không biết dạy con nữ công gia chánh. Điều này cũng có thể lại trở thành nguyên nhân cho xung đột mẹ chồng nàng dâu.
Chị Nga sinh ra ở miền Trung và làm dâu miền Bắc. Gia đình nhà chồng chị ngày xưa nghèo lắm. Mẹ chồng chị về làm dâu cả trong gia đình và trở thành người lo toan cho cả nhà và các em chồng khi đó còn đi học. Bà nội của chồng chị khá khắt khe với con dâu và vì thế mẹ chồng chị phải giữ ý tứ nhiều. Việc gì cũng đến tay từ hồi đó và giờ đây sau gần 40 năm, khi các cô các chú đã trưởng thành, có gia đình riêng, những việc quan trọng vẫn không thể thiếu mẹ chồng chị.
Chị là con gái rượu của gia đình và không phải là người giỏi nội trợ cũng không phải là người khéo léo. Ngày về làm dâu chị cũng có chút lo lắng: “Mẹ ơi, mẹ bảo con làm gì cũng được nhưng làm thịt gà là con không biết đâu mẹ ạ”. Mẹ chồng bảo chị: “Việc gì làm được thì con làm, không làm được cứ bảo mẹ”.
Hồi đó nhà chồng chị nấu bếp củi, mỗi lần vợ chồng chị về bố chị lại phơi củi khô hơn để chị có nấu cơm thì đỡ bị cay mắt. Chị trước giờ chỉ quen dùng bếp ga bếp điện, nên lần đầu tiên chị tự nhóm lửa được, bố mẹ chồng đã cổ vũ nhiệt liệt cứ như chị vừa đạt được một thành tích thật to lớn. Đến khi sắm được bếp ga, theo thói quen bố mẹ vẫn dùng bếp củi, nhưng mỗi lần chị về, là bố mẹ lại để chị nấu bếp ga. Hôm nào vợ chồng chị về muộn thì luôn có sẵn mâm cơm thật ngon chờ ở bếp. Mẹ chồng chị cũng chẳng câu nệ là con dâu về nhà bố mẹ chồng thì phải làm cái này cái kia. Nếu chị có say xe thì mẹ giục ăn rồi nghỉ ngơi, bát để mẹ rửa. Có giỗ chạp gì mẹ chị cũng lo hết, chẳng đến lượt dâu cả là chị. Hôm tivi chiếu phim mẹ chồng nàng dâu, bố chồng chị trêu: “Con về mà xem với mẹ bàn luận cho vui”. Mẹ chị bảo: “Đó là phim cứ làm quá lên chứ thời bây giờ có còn như phong kiến nữa đâu mà mẹ chồng quá đáng thế”.
Chị nghĩ mình thật may mắn khi mẹ chồng chị không đòi hỏi chị phải trở thành dâu đảm lo toan mọi việc trong gia đình nhưng lại biết cách làm cho chị cảm thấy vui vẻ mỗi lần được chia sẻ việc nhà với bà. Nói đi cũng phải nói lại, chị là người không sợ sai, thật thà và cầu tiến. Chị thực lòng mong muốn được hòa nhập với gia đình chồng và biết ơn những góp ý của mẹ chồng. Bởi vậy, những lời góp ý của mẹ chồng cũng không bị chị hiểu thành sự xét nét hay soi mói. Khi thấu hiểu lẫn nhau thì không còn chỗ cho xung đột.
Nhưng có nhiều người không được may mắn như thế. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn căng thẳng. Vẫn có những người mẹ chồng có tư tưởng rằng: Ngày xưa mẹ làm dâu thế này thế này, bây giờ con làm con dâu mẹ con phải thế này thế này. Trên internet người ta vẫn truyền đi bức ảnh cô dâu ngày đầu về nhà chồng không kịp thay váy cưới đã phải ra rửa bát của cả trăm mâm cơm. Làm dâu vẫn luôn là khái niệm thật nặng nề đối với nhiều người. Và cũng có nhiều nàng dâu cũng vì quá dè dặt với nhà chồng nên hay suy diễn những lời nói của mẹ chồng khiến cho mối quan hệ trở nên nặng nề không đáng có.
Khi còn đi học, có những cô con gái cố học giỏi để bố mẹ vui lòng. Cố thi cử đỗ đạt, lên đại học để họ hàng nở mày nở mặt, và đến khi làm dâu cũng phải làm thế nào để trở thành cô con dâu đảm đang để bố mẹ không bị ‘muối mặt’ là không biết dạy con nữ công gia chánh. Và khi thực sự cố gắng cho những điều đó, các cô con dâu càng ngày càng có nhu cầu được ghi nhận nên càng cảm thấy khó chịu khi bị mẹ chồng dạy dỗ hay tệ hơn nữa là chê bai. Cũng bởi những cô con dâu đã mang cái tâm hiển thị năng lực vào cả việc làm dâu, nên không thể tỉnh táo đón nhận những lời góp ý. Con dâu không còn để tâm để thấu hiểu mẹ chồng mà cứ suy diễn theo ý mình. Hay có thể do bởi văn hóa vùng miền khác nhau cũng có thể dẫn đến cách giao tiếp không phù hợp. Lâu dần, con dâu không làm việc nhà hay quan tâm đến nhà chồng bởi không muốn làm nữa, mà đó là việc phải làm, một cách miễn cưỡng, khó chịu.
Mặt khác, lại có nhiều bà mẹ chồng luôn lấy tấm gương làm dâu của mình từ cách đây 40-50 năm ra để soi nên thấy con dâu làm cái gì cũng không vừa ý mình. Con dâu đi làm về muộn cũng khó chịu vì đi suốt không lo gì nhà cửa. Con dâu ở nhà chăm con thì bảo ăn bám con trai bà. Vợ chồng con muốn ra ở riêng thì là vì con dâu rủ rê con trai, cướp mất con trai của mình. Mẹ chồng không cần biết thời thế hôm nay đã khác với mấy chục năm trước rất nhiều rồi. Và cứ thế xung đột lại càng ngày càng leo thang và không thể tìm nổi tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, vai trò người chồng trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng rất quan trọng. Bởi tư duy trọng nam khinh nữ mà nhiều gia đình không để con trai phải làm việc nhà. Xem con dâu phải là người nâng khăn sửa túi và lo toan mọi việc. Với họ, kể cả khi bây giờ con dâu cũng phải đi làm kiếm tiền để đảm bảo tài chính gia đình thì cũng không có nghĩa là con trai phải vào bếp. Vì vậy, cũng dễ xảy ra xung đột với mẹ chồng khi con dâu muốn chồng mình chia sẻ việc nhà. Những bà mẹ chồng cảm thấy con dâu như “tội đồ” khi bắt con trai bà phải làm những công việc mà theo quan điểm họ là của phụ nữ.
Nhiều người cho rằng, vì mẹ chồng khó tính hay soi mói mới nảy sinh xung đột mẹ chồng nàng dâu. Trên thực tế những xung đột đó vẫn có thể đến từ cả những gia đình có mẹ chồng nhất mực thể hiện yêu thương con dâu của mình bởi đó là một sự yêu thương có điều kiện mà nhiều khi họ cũng không nhận ra. Vì mẹ chăm lo cho con, làm hết việc nhà khi con đi vắng, chăm cháu cho con khi con đi làm nên con phải chăm sóc mẹ tận tình, con phải chu đáo thăm hỏi mẹ thường xuyên, con phải thế này con phải thế kia. Có thể không phải là yêu cầu về vật chất, chỉ là những yêu cầu về tinh thần thôi, nhưng nếu người mẹ chồng luôn có tâm truy cầu như thế thì con dâu không phải lúc nào cũng có thể làm hài lòng được. Đấy là chưa kể khi mẹ chồng không chịu nói ra mình muốn gì mà luôn cho rằng con dâu phải tự hiểu đạo lý ấy và lại gặp đúng nàng dâu vô tư vô tâm. Lâu dần sự quan tâm không còn là vì yêu thương nhau nữa mà đã trở thành gánh nặng trong lòng.
Mai Anh trong một lần về thăm bố mẹ chồng, cô bị mẹ chồng mắng xối xả, chê trách đủ điều như thể cô là đứa con dâu tệ nhất thế giới. Bà lôi cả những chuyện từ đời nảo đời nào ra để ‘tổng xỉ vả’. Cô chỉ yên lặng nghe mẹ chồng mắng mấy tiếng đồng hồ, sau đó mở điện thoại gọi điện cho con nói chuyện với bà nội, thế là bà lại vui vẻ nói chuyện với cháu, như thể chưa có mấy tiếng đồng hồ vừa qua.
Cô làm được thế bởi cô thấy thương mẹ chồng khi phải xét nét cô để rồi ôm giữ một ôm khó chịu trong lòng. Với cô việc tốt nhất mà cô có thể làm được cho mẹ chồng là không cãi lại để bà xả mọi ấm ức khó chịu, sau đó làm bà vui vẻ trở lại bằng việc nói chuyện với cháu. Phải có một cái tâm tĩnh lắm, cô ấy mới làm được như thế với người mẹ chồng mà xét một cách khách quan là đặc biệt khó tính.
Nhiều khi chúng ta không thể thay đổi được người khác, nhưng bản thân chúng ta thì có thể. Bởi vậy, các cô dâu Việt không cần phải cố gắng để trở nên đảm đang để làm hài lòng mẹ chồng hay nhà chồng, hãy cứ làm việc nhà bằng khả năng của mình, nếu cố gắng làm điều gì hãy cố gắng vì mình thấy hạnh phúc và đối đãi với mẹ chồng cũng như nhà chồng bằng sự tử tế và thấu hiểu. Bất kể là mẹ chồng khó tính hay không, nếu bạn sống vui vẻ và tử tế, bạn nhất định thanh thản.
Minh Huyền
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…