Mẹ chồng và con dâu thời xưa giữ cho gia đình hòa thuận như thế nào?
- An Hòa
- •
Con dâu và mẹ chồng vốn là hai người xa lạ về ở chung một nhà. Nếu như đôi bên không hiểu Đạo thì sẽ gây ra những bất hòa, khiến gia đình ngột ngạt và khó có thể bình yên. Trong cách đối nhân xử thế của người xưa, Đạo xử thế giữa mẹ chồng và con dâu cũng đòi hỏi tuân theo phép tắc, lễ nghi và luân thường đạo lý cơ bản. Trong đó, mẹ chồng làm trọn đạo của mẹ chồng, con dâu làm trọn đạo của người con. Như thế gia đình sẽ luôn hòa thuận, có trên có dưới và được yên ấm.
Mẹ chồng là người đi trước, con dâu là người đến sau, cho nên mẹ chồng phải bảo ban con dâu, hướng dẫn chỉ bảo con dâu, không làm khó cho con dâu. Mẹ chồng nếu như là người không hiểu Đạo, không trước tiên bao dung và ban ơn cho con dâu mà lại thường nói đến khuyết điểm, lấy quyền áp đặt con dâu thì sao có thể sinh ra hảo cảm giữa hai người được?
Mẹ chồng nên coi con dâu như con gái của mình để đối đãi. Nếu như không làm được như vậy thì người con dâu cũng khó làm được coi mẹ chồng như mẹ đẻ, rất khó để gia đình hòa thuận vui vẻ.
Khi nói chuyện, mẹ chồng nên khích lệ con dâu, đề cao sở trường của con dâu. Khi con dâu có sai trái, mẹ chồng trước tiên phải khoan dung độ lượng, sau là hướng dẫn chỉ bảo, đừng tranh cãi, trách mắng thì con dâu tự nhiên cũng sẽ cảm ân.
Người con dâu nên hiểu được rằng yêu chồng phải yêu thương cả cha mẹ chồng. Làm con dâu cần coi cha mẹ chồng chính là cha mẹ đẻ của mình mà hiếu kính. Cổ nhân có câu “Đời người có hai bên cha mẹ”, cho nên đối với hai bên cha mẹ đều phải đối xử như vậy.
Cha mẹ chồng trong gia đình giống như phần rễ của cây. Muốn cây xanh lá, hoa thơm, quả ngọt thì nhất định phải đối xử tốt với rễ cây, phải chăm sóc, tưới nước và làm đất. Vì vậy, làm con dâu trong nhà phải hiếu thảo, đối xử tốt, phụng dưỡng tốt cha mẹ chồng thì gia đình mới vững chãi.
Làm con dâu cần hiểu đạo lý rằng cha mẹ chồng chính là phúc báo của gia đình. Đừng bao giờ oán giận người già, không hiếu thảo với người già, bởi vì không đối xử tốt, không hiếu thảo với cha mẹ chồng cũng tương đương với việc bản thân không được phúc báo. “Sóng trước đổ đâu sóng sau xô đấy”, con cái bất hiếu với cha mẹ thì thường sẽ bị con cái đối xử lại tương tự như vậy.
Thời xưa con người phi thường coi trọng hiếu đạo, ai ai đều xem trọng và tôn kính những người hiếu thảo. Ngoài con trai, con gái hiếu thảo với cha mẹ đẻ ra thì con dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng cũng được Trời đất và mọi người kính trọng.
Nói về chuyện mẹ chồng, nàng dâu, sách cổ còn ghi lại một câu chuyện như vậy.
Khương Thi là người thời Đông Hán. Đến tuổi trưởng thành, Khương Thi lấy cô gái tên là Tam Xuân làm vợ. Vợ chồng Khương Thi và Tam Xuân phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận.
Mẹ chồng Tam Xuân rất thích uống nước sông, vì thế Tam Xuân thường đi đến một nhánh sông lớn cách nhà hơn bảy dặm để lấy nước về nấu cho mẹ chồng. Mẹ chồng cô cũng rất thích ăn cá chép, vì vậy hai vợ chồng Khương Thi thường đi bắt cá chép về hầm cho mẹ ăn.
Về sau này bởi vì người cô chồng gây xích mích nên phát sinh sự hiểu lầm, Khương Thi nghe lời mẹ đuổi vợ về nhà mẹ đẻ. Mặc dù Tam Xuân bị đuổi về nhà mẹ đẻ nhưng trong lòng cô không hề oán giận hay trách móc chồng và mẹ chồng.
Hàng ngày Tam Xuân sống trong gian nhà tranh nhỏ, không quản ngày đêm dệt vải rồi mang bán lấy tiền. Bán được tiền rồi, cô lại mua gạo, mua thịt rồi mang đến biếu mẹ chồng.
Con trai của vợ chồng Khương Thi lúc ấy mới bảy tuổi tên là Khương An An, rất hiểu chuyện. Cậu bé sợ rằng mẹ mình ở nhà tranh sẽ không đủ gạo để ăn nên mỗi ngày cậu bé lại lấy một ít gạo cho vào túi và để ở một chỗ trong ngôi miếu thờ Thổ địa. Sau một thời gian tích được một túi gạo lớn, Khương An mang số gạo đó đến thăm mẹ mình.
Lúc Khương An mang gạo đến cho mẹ, Tam Xuân bốc một nắm gạo lên xem thì phát hiện gạo có màu sắc, kích cỡ khác nhau. Cô lập tức hỏi con trai mình: “Khương An, số gạo này con lấy từ đâu?” Cậu bé thấy mẹ hỏi vậy đành phải nói thật. Tam Xuân nghe con trai kể xong, liền ôm lấy cậu bé vào lòng và hai mẹ con họ cùng khóc nức nở một hồi.
Về sau, chồng và mẹ chồng của Tam Xuân hiểu ra cô bị oan khuất nên đã đón cô về nhà. Ngay sau ngày cô trở về nhà chồng, trong vườn nhà họ bỗng có một dòng suối phun trào ra. Hương vị của nguồn nước cũng đặc biệt ngon. Hơn nữa, thỉnh thoảng lại có cá chép từ trong nguồn nước ấy nhảy ra.
Từ đó về sau, Tam Xuân dùng nguồn nước này để nấu cho mẹ chồng uống mà không cần phải đi ra bờ sông xa hơn bảy dặm để lấy nước như trước đây nữa.
Sau này, quân khởi nghĩa Xích Mi thời Đông Hán khi đi ngang qua nơi đây, thủ lĩnh biết được chuyện Tam Xuân hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ chồng nên đã lập tức xuống ngựa, truyền lệnh ba quân lặng lẽ hành quân, tránh quấy nhiễu đến sự bình yên của nơi này.
Cũng từ đó trở đi, mỗi lần quan lại đi qua nơi đây đều hành lễ, quan văn thì hạ kiệu, quan võ thì xuống ngựa, dần dần trở thành truyền thống. Lòng hiếu thảo của Tam Xuân đối với mẹ chồng thật sự làm cảm động Trời đất và lòng người.
Có thể nói rằng dù trong bất kỳ xã hội nào, một người mẹ chồng hiểu Đạo, bao dung, lương thiện, sẽ khiến gia đình, xã hội tôn kính. Một người con dâu hiếu Đạo, một lòng một dạ chăm sóc cha mẹ, chồng con, sẽ luôn được đề cao và ca ngợi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tình cảm gia đình con cái Đối nhân xử thế của người xưa mẹ chồng