Hoa Kỳ chọn vận động viên bóng chày gốc Cuba cầm quốc kỳ trong lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo để thể hiện sự ủng hộ phong trào biểu tình ôn hòa đòi tự do tại đất nước Trung Mỹ này.
Theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế, các quốc gia tham dự sẽ gửi đi thông điệp ủng hộ về bình đẳng và công lý thông qua việc lựa chọn vận động viên mang quốc kỳ tại lễ khai mạc.
“Thật vinh dự khi được chọn là một trong những người cầm cờ cho Lễ khai mạc. Là một người Mỹ gốc Cuba thế hệ thứ nhất, câu chuyện của tôi đại diện cho Giấc mơ Mỹ. Gia đình tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi có cơ hội được vẫy ngọn cờ này một cách tự hào”, Eddy Alvarez – vận động viên bóng chày người Mỹ gốc Cuba mang cờ Hoa Kỳ tại Thế vận hội Tokyo 2020 chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên một vận động viên bóng chày mang cờ cho đoàn thể thao Mỹ. Anh và ngôi sao bóng rổ nữ Sue Bird đã dẫn đầu đội 621 vận động viên của Hoa Kỳ đến Sân vận động Quốc gia Tokyo với tư cách là người cầm cờ của đất nước tại Lễ khai mạc Thế vận hội diễn ra vào tối ngày 23/7.
Mặc dù đây là lần đầu tiên đại diện cho Đội tuyển Hoa Kỳ trong môn bóng chày, nhưng Alvarez đã từng trải nghiệm cảm giác giành được huy chương bạc đồng đội môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn 5.000 mét tại Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi.
Theo tờ Miami Herald, Alvarez là người Mỹ gốc Cuba, bố mẹ anh đã tìm cách đến Mỹ nhằm thoát khỏi cuộc sống khốn khó tại quê nhà và cho anh có điều kiện phát triển tốt hơn.
Biểu tượng Thế vận hội với năm vòng tròn đan xen nhau được xăm trên bắp tay trái cùng đầu gậy bóng chày của Alvarez. Chúng như một lời nhắc nhở về điều anh sẽ không thể có được nếu cha mẹ anh không di cư tới Mỹ.
Alvarez nói với tờ Daily Wire: “Họ ra đi vì khát khao cơ hội phát triển và sự tự do. Nhờ họ, ngày hôm nay tôi có thể mặc bộ đồng phục này và đại diện cho nước Mỹ. Nhờ họ, về cơ bản tôi có quyền tự do ngôn luận ”.
Việc Alvarez được lựa chọn cầm lá cờ Mỹ mang ý nghĩa đặc biệt khi Cuba hiện đang chứng kiến một phong trào biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Cuộc biểu tình nổ ra ở Cuba hôm 11/7, kêu gọi chấm dứt chế độ cộng sản đã thu hút hàng nghìn người ở gần như mọi thành phố lớn của đất nước. Nhiều người biểu tình hô vang khẩu hiệu kêu gọi nhà lãnh đạo Cuba Miguel Díaz-Canel từ chức, đòi hỏi quyền bầu cử tự do, minh bạch trong khi một số phản đối tình trạng khan hiếm hàng hóa và dịch vụ cơ bản, thiếu tự do và điều kiện sống ngày càng tồi tệ tại quốc gia này.
Đáp lại, cảnh sát Cuba được cho là đã nổ súng vào những người biểu tình, đánh đập họ công khai, dùng chó tấn công, bắt bớ hàng loạt, cắt quyền truy cập Internet và cử các binh sĩ của Đảng Cộng sản cũng như lực lượng bán quân sự tiếp quản các thành phố và thị trấn.
Đây có thể coi là các cuộc biểu tình hiếm hoi, lớn nhất mà đất nước cộng sản Cuba từng chứng kiến kể từ những năm 1990. Cuộc biểu tình diễn ra khi Cuba đang đấu tranh để ngăn chặn đại dịch virus corona, đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của hòn đảo này đến bờ vực.
Hoài Anh
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…