Giá lương thực tăng vọt có thể khiến lạm phát lương thực tái diễn ở châu Á

Châu Á có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá lương thực. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết giá gạo tăng vọt lên mức cao nhất gần trong 12 năm qua do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung.

Nhà máy đóng gói gạo tại Ý, ngày 16/4/2012 (Ảnh minh họa: Alessia Pierdomenico / Shutterstock)

Theo trang web tài chính CNBC, ông Trương Khánh Phong (Qingfeng Zhang), Giám đốc Văn phòng Công nghiệp Nông nghiệp, Thực phẩm, Tự nhiên và Phát triển Nông thôn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết: “Giá gạo toàn cầu là mối quan tâm đặc biệt, hiển nhiên là giá lương thực sẽ tiếp tục biến động trong những tháng tới.”

Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, lạm phát lương thực tương đối ổn định ở châu Á, ngoại trừ Ấn Độ. Nhưng sự kết hợp của nhiều yếu tố, cộng với sự thiếu hụt nguồn cung gạo, có thể sẽ dẫn đến một đợt tăng giá khác đối với nhiều thực phẩm khác ở châu Á.

Những yếu tố này bao gồm: thời tiết khắc nghiệt, hiện tượng El Niño đầu tiên trong 7 năm qua, Nga rút khỏi Sáng kiến ​​Thực phẩm Biển Đen và các hạn chế thương mại do chủ nghĩa bảo hộ thực phẩm gây ra.

Hiện tượng El Niño (El Nino) được đặc trưng bởi sự nóng lên đáng kể của nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, sẽ mang đến những hiện tượng khí tượng khắc nghiệt và gây thiệt hại nghiêm trọng cho thế giới.

Trong cuộc khủng hoảng lương thực 2010 – 2012, ADB ước tính giá lương thực quốc tế đã tăng 30% trong năm 2011 và góp phần làm giá lương thực tăng 10% ở các nước đang phát triển ở châu Á. Dựa trên chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, giá lương thực tăng 10% sẽ đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo đói. Điều này có nghĩa là tỷ lệ nghèo đã tăng từ 27% lên 29% trong thời kỳ này.

Các nước tăng cường dự trữ gạo sau đại dịch

Các chuyên gia cho rằng nếu chỉ là vấn đề thiếu nguồn cung gạo, thì hầu hết các nước châu Á có thể chịu được cú sốc.

Bà Erica Tay, chuyên gia kinh tế tại Maybank, cho biết: “Giá chắc chắn đã tăng vọt, điều này gây ra sự hoảng loạn cho mọi người, hơn nữa còn có có tin đồn về việc mọi người hoảng loạn tích trữ”.

Bà nói: “Nhưng nếu chúng ta nhìn vào dữ liệu cung và cầu tổng thể, các nước châu Á hoàn toàn có khả năng vượt qua các cú sốc về giá và nguồn cung trên thị trường gạo.”

Bà lưu ý rằng một số nước trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia, là những nước xuất khẩu ròng gạo. Ngoài ra, mặc dù các vùng sản xuất lúa gạo của Trung Quốc đang bị đe dọa bởi lũ lụt, tuy nhiên Trung Quốc hiện vẫn có đủ lượng gạo dự trữ.

Bà Erica Tay cho biết: “Đây là một trong những di sản của Covid. Các quốc gia nhận ra rằng dù là cú sốc thương mại hay cú sốc cung ứng sản phẩm nông nghiệp, họ đều cần phải chuẩn bị. Trên thực tế, họ đã rút ra bài học từ kinh nghiệm của 3 năm trước, họ được học cách xây dựng nguồn dự trữ vững mạnh.”

Bắc Kinh cũng đang nỗ lực để đảm bảo dự trữ lương thực. Tầng lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ cho rằng sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu là một mắt xích của rủi ro an ninh quốc gia.

Bà Erica Tay cho biết: “Nhưng xét về lâu dài, chúng ta phải cảnh giác với các kiểu thời tiết El Niño. Khi điều này xảy ra, như dự đoán vào nửa cuối năm nay, nguồn cung nông nghiệp có thể sẽ xuất hiện sự gián đoạn càng rộng hơn.”

Bà nói, mối lo ngại chính là không chỉ nguồn cung gạo bị ảnh hưởng mà sản lượng nông nghiệp nói chung cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến lạm phát giá tiêu dùng, gây ra rủi ro tăng giá lớn hơn.

Hiện tượng El Nino dự kiến ​​sẽ gây hạn hán ở phần lớn châu Á vào cuối năm nay, ảnh hưởng đến sản lượng lúa. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã khuyến khích nông dân trồng ít lúa hơn để tiết kiệm nước.

Nhà kinh tế nông nghiệp Paul Hughes của S&P Global cho biết, điều kiện khô hạn tương tự cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất dầu cọ ở Malaysia và Indonesia, cũng như lúa mì và lúa mạch ở Úc.

Ông Trương Khánh Phong của ADB cho biết “mối quan hệ động” giữa giá lúa mì và gạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi giá lúa mì. Ông cũng đề cập đến sự cần thiết phải theo dõi giá ngô và phân bón.

Ông nói: “Giá lúa mì tăng (ở các nước như Pakistan và Uzbekistan) sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng gạo, gây áp lực tăng giá gạo trong nước”.

Ấn Độ đối mặt với giá rau, hành tăng cao

Trong bối cảnh giá rau tăng, ngày 19/8, Ấn Độ bắt đầu tăng 40% thuế xuất khẩu đối với hành tây, các nhà phân tích đang nghiên cứu tác động toàn cầu chính sách thuế này.

Lượng mưa lớn ở các bang nông nghiệp lớn của Ấn Độ là Maharashtra và Karnataka trong tháng 7 đã làm hư hại vụ thu hoạch hành tây dự trữ. Theo dữ liệu từ Bộ Kinh tế Ấn Độ, giá bán lẻ hành tây ở Ấn Độ đã tăng khoảng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dữ liệu lạm phát tháng 7 của Ấn Độ tăng 7,44% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong 15 tháng, phần lớn là do chi phí thực phẩm trong nước tăng cao.

Ấn Độ cũng đang đối mặt với khủng hoảng cà chua sau khi lũ lụt ở các bang sản xuất cà chua lớn bao gồm Andhra Pradesh, Maharashtra và Karnataka, khiến cho giá cà chua tăng hơn 300%. Điều này cho thấy tác động của thời tiết xấu đến giá rau.

Bà Erica Tay của Maybank cho biết: “Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta cần chấp nhận rằng sự can nhiễu liên quan đến khí hậu sẽ trở nên thường xuyên hơn.”

Giá lúa gạo trong nước của Việt Nam tăng nhanh sau khi doanh nghiệp tăng xuất khẩu

Tại thị trường trong nước, những ngày qua, giá lúa có xu hướng tăng cao từng ngày. Giá lúa ngày theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang ngày 8/8, lúa IR 50404 giá 7.100-7.300 đồng/kg lúa tươi, tăng 100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.400-7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg, theo báo Dân Trí.

Trong khi đó, giá gạo tại một số địa phương như An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, ở Hậu Giang, giá gạo Jasmine ở mức 16.000 đồng/kg, tăng 1000 đồng/kg; gạo thơm là 14.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; gạo thường cũng tăng 100 đồng/kg, lên mức 13.000 đồng/kg.

Hơn 10 năm bán gạo, đại diện đại lý Kho gạo Sài Gòn (Quận 12, TPHCM) cho biết chưa bao giờ thấy giá gạo tăng nhanh đến vậy. Giá gạo liên tục tăng cao trong hai tuần trở lại đây, thay đổi theo từng giờ, một số mặt hàng gạo đã tăng giá 20%-35% so với một tháng trước.

“Hai tuần nay, một ngày giá gạo có thể thay đổi 3-4 lần, sáng tăng giá chiều lại tăng giá”, đại diện đại lý trên cho biết.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dao động ở mức 610 – 620 USD/tấn.

Giá thực phẩm tăng cao cao có thể được phản ánh trong dữ liệu lạm phát cuối năm

Ngân hàng Morgan Stanley cho biết trong báo cáo ngày 3/8 rằng sự gia tăng dự trữ lương thực toàn cầu có thể giúp chống chọi với những biến động sản xuất, đồng thời giảm tác động kinh tế từ góc độ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực phẩm lại chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng ở hầu hết các nước châu Á mới nổi, khoảng 30% đến 40%.

Ngoại trừ Úc, Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều là những nước nhập khẩu ròng lương thực. Nhu cầu tiêu thụ gạo của Singapore và Hồng Kông phụ thuộc 100% vào nhập khẩu.

Ngân hàng Nomura cho biết, điều này khiến các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương “có nguy cơ cao” phải đối mặt với tình trạng giá lương thực toàn cầu tăng cao. Tác động của nó có thể được phản ánh qua dữ liệu lạm phát trong một vài tháng tới.

Nhà kinh tế học Sonal Varma và Si Ying Toh của Ngân hàng Nomura đã viết trong một báo cáo ngày 11/8 rằng: “Thời gian trễ của các quốc gia có sự khác nhau, nhưng trung bình mà nói, chúng tôi phát hiện giữa lạm phát giá thực phẩm toàn cầu và lạm phát thực phẩm CPI ở châu Á, có độ trễ là 6 tháng.”

Họ dự báo độ trễ này sẽ dao động từ 3 tháng ở Indonesia đến 9 tháng ở Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là giá lương thực tăng vọt sẽ dẫn đến lạm phát lương thực vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Theo Nomura, Philippines là quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự tăng vọt của giá lương thực, vì thực phẩm chiếm tới 34,8% lạm phát giá tiêu dùng, riêng gạo đã chiếm 8,9%.

Các hộ gia đình có thu nhập thấp, có xu hướng chi phần lớn thu nhập cho thực phẩm, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi giá cả tăng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu ở các phương diện khác càng nhiều càng tốt.

Trí Đạt (t/h)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

30 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

48 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

54 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

1 giờ ago