Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra từ năm 1418. Trong giai đoạn đầu, Lê Lợi cùng nghĩa quân nhiều lần phải rút về núi Chí Linh trước sức mạnh của quân Minh. Nhưng sau đó nghĩa quân ngày càng trưởng thành, tiến vào nam, rồi lại ra bắc, khiến quân Minh khốn đốn. Trước tình hình đó, vào tháng 9/1426, nhà Minh cử Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông, Thượng thư bộ Binh Trần Hiệp, Tham tướng Mã Anh cùng 5 vạn quân sang cứu viện, hợp với 5 vạn quân ở Giao Chỉ thành 10 vạn, hoàn toàn áp đảo về quân số, tiến đánh quân Lam Sơn. Đây là bối cảnh của trận Tốt Động – Chúc Động.
Vương Thông vừa tới thành Đông Quan (tên gọi thành Thăng Long vào thời đó), không nghỉ ngơi, ngày 6/10/1426 đã tập hợp quân chia làm 3 đường tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn.
Khi Vương Thông chuẩn bị tiến đánh Ninh Kiều (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), các tướng Lam Sơn là Lý Triện và Đỗ Bí thấy mình quân ít không thể giữ được liền cho đốt bỏ doanh trại ở Ninh Kiều rút về giữ Cao Bộ (xã Trung Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), đồng thời cấp báo cho đội quân Thiết Đột của Đinh Lễ và Nguyễn Xí đang đóng ở Thanh Đàm (Thanh Trì, Hà Nội ngày nay) đến ứng cứu.
Vương Thông cho quân tiến đến Ninh Kiều thì thấy quân Lam Sơn đã rút, dò biết quân Lam Sơn rút đến Cao Bộ. Vương Thông liền cùng các tướng lên kế hoạch tiến đánh Cao Bộ.
Theo kế hoạch quân Minh sẽ chia làm 2 đạo quân. Đạo quân chính do Vương Thông chỉ huy từ Ninh Kiều đánh thẳng vào phía đông Cao Bộ. Đạo quân thứ hai theo đường nhỏ vòng ra sau lưng quân Lam Sơn, khi đạo quân chính tấn công thì đạo quân thứ hai này dùng súng lớn bắn vào quân Lam Sơn từ phía sau.
Về phía quân Lam Sơn, đội quân Thiết Đột của Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã đến nơi. Thiết Đột là đội quân ít nhưng tinh nhuệ, lập nhiều chiến công, được chủ tướng Lê Lợi rất tin tưởng.
Theo ghi chép từ “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì quân của Lý Triện có 2.000, thêm quân tinh nhuệ Thiết Đột của Đinh Lễ và Nguyễn Xí có 3.000 quân. Như vậy quân Lam Sơn chỉ có 5.000 quân phải đương đầu với 10 vạn quân Minh.
Nghĩa quân mai phục sẵn ở những nơi hiểm yếu, khi quân Minh cho người đến dò la tin tức thì bị quân mai phục bắt được. Đám quân bị bắt khai ra kế hoạch của quân Minh: khi đạo quân thứ hai đi vòng ra sau lưng nghĩa quân, đặt súng lớn vào vị trí sẵn sàng thì bắn pháo hiệu, đạo quân chính của Vương Thông thấy pháo hiệu sẽ tấn công vào.
“Khâm định Việt sử” chép rằng:
“Bắt được gián điệp của địch, ta biết Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh tiến nhanh đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông sẽ vượt sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau hễ nghe tiếng súng pháo nổ, thì các mũi quân địch cùng lúc đánh khép lại.”
Biết được kế hoạch quân Minh, nghĩa quân quyết định đặt hai trận địa mai phục ở Tốt Động và Chúc Động. Trận địa mai phục ở Tốt Động nhằm tiêu diệt tiền quân của quân Vương Thông. Trận địa mai phục ở Chúc Động nhằm đánh vào hậu quân của đạo quân chính, đồng thời chặn luôn đường rút của quân Minh.
Bấy giờ có mưa nên đường lầy lội, người ngựa khó đi. Rạng sáng ngày 7/11/1426, quân Minh xuất phát.
Khi đạo quân chính của Vương Thông đến Tốt Động và chờ pháo hiệu của đạo quân thứ hai, nghĩa quân liền giả pháo hiệu, đạo quân chính liền xông vào trận địa mai phục sẵn của nghĩa quân ở Tốt Động.
Đợi đến khi tiền quân của quân Minh lọt hẳn vào trận địa mai phục ở Tốt Động, hậu quân tiến vào trận địa mai phục ở Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn từ hai nơi này xông ra tiêu diệt quân Minh.
Bị đánh bất ngờ, quân Minh hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau mà chạy. Số quân bị chết do dẫm đạp lên nhau rất nhiều, 5 vạn quân bị tử trận.
Vương Thông phải cho quân bỏ chạy trở về phía Chúc Động, đạo quân thứ hai hay tin cũng vội tháo chạy ngược trở lại. Cả hai đạo quân chạy đến sông Ninh Kiều. Nghĩa quân Lam Sơn sau khi tiêu diệu hậu quân minh ở Chúc Động, thấy quân Minh chạy trở về thì cho phá luôn cầu Ninh Kiều.
Quân Minh dẫm đạp tranh nhau qua cầu Ninh Kiều, đúng lúc đó cầu bị phá gãy, quân Minh rơi xuống sông chết đuối rất nhiều.
Binh bộ thượng thư là Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng, đô chỉ huy Lý Đằng đều chết trong đám loạn quân. Vương Thông bị thương nhưng may mắn chạy thoát được. Các tướng Mã Kỳ, Mã Anh, Sơn Thọ cắm đầu chạy một mạch về thành Đông Quan.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng:
“Đến cách sông Yên Duyệt vài dặm thì phục binh ta ba mặt đều xông lên, hăng hái đánh vào các xứ Tốt Động, Chúc Động, phá tan quân giặc, chém được Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và 5 vạn quân giặc. Giặc chết đuối rất nhiều, nước sông ở Ninh Kiều do vậy mà tắc nghẽn. Bắt sống hơn 1 vạn tên giặc, thu được ngựa, quân tư, khí giới, xe cộ nhiều không kể xiết. Phương Chính theo đường bến Cổ Sở trốn về. Bọn Vương Thông, Mã Kỳ chỉ thoát được thân, chạy về thành Đông Quan.”
Kết quả 5 vạn quân Minh tử trận do bị nghĩa quân tiêu diệt, tự dẫm đạp lên nhau, chết đuối dưới sông, hơn 1 vạn quân bị bắt.
Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã mô tả rằng:
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc tâm quân giặc Trần Hiệp đã phải bêu đầu
Mọt gian kẻ thù Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
Nghĩa quân cũng thu được khí giới, xe ngựa, vàng bạc, nhu yếu phẩm nhiều vô số.
Trận đánh này tiêu diệt hơn một nửa quân Minh, giúp nghĩa quân từ bị động chuyển sang chủ động, khiến quân Minh càng đánh càng thua, sau đó chỉ có thể cố thủ trong thành mà chờ viện binh.
Tốt Động – Chúc Động là trận đánh then chốt giúp nghĩa quân Lam Sơn chuyển ngược tình thế, góp phần quan trọng cho chiến thắng cuối cùng của nghĩa quân.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…