Hiệp hội Sắn Việt Nam ‘kêu cứu’: DN có thể phá sản nếu dừng hoàn thuế GTGT

Hiệp hội Sắn Việt Nam (Vicaas) vừa gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sau khi Tổng cục Thuế đưa ra quy định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng tinh bột sắn khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, sắn là cây lương thực quan trọng thứ ba của Việt Nam sau cây lúa, ngô. Diện tích trồng hằng năm đạt khoảng 530.000 ha. (Ảnh: thanhhoa.gov.vn)

Ngày 22/3, ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết hiệp hội cùng các doanh nghiệp liên quan vừa gửi đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kiến nghị ngừng thực hiện Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế ban hành ngày 7/3/2022 liên quan đến việc hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn.

Tại Công văn 632, Tổng cục Thuế đưa ra kết quả xác minh các đối tác của doanh nghiệp xuất khẩu sắn tại Việt Nam do cơ quan thuế Trung Quốc cung cấp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có hoạt động hoặc không nhập khẩu các sản phẩm từ sắn của Việt Nam

Việc dẫn lý do trên, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) mua sắn của các doanh nghiệp. Theo đó, Cục thuế địa phương sẽ ngừng hoàn và truy thu tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn nếu không có chứng từ xác nhận từ đối tác ở nước ngoài.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Việt Nam, Vicaas cho rằng pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại cơ quan nhà nước không có kênh thông tin để doanh nghiệp có thể tra soát tính chất pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam không thể xác minh doanh nghiệp nước ngoài đó còn tồn tại hay không, tính chất hoạt động và đang tồn tại ra sao ở nước sở tại vào thời điểm đàm phán ký hợp đồng.

Về cơ sở pháp lý, Vicaas căn cứ vào Quyết định 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới”. Theo đó, Khoản 3, Điều 10 của Nghị định 14 nêu: “Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Nghị định này được hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật”.

Tại văn bản gửi Thủ tướng, Vicaas cho biết các doanh nghiệp đang thực hiện đúng với quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định về thương mại xuất nhập khẩu qua biên giới. Đồng thời, Vicaas khẳng định các doanh nghiệp đang thực hiện theo Luật Thuế hiện hành liên quan đến hồ sơ khấu trừ, hoàn thuế GTGT (theo Điều 9, Điều 15, Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC).

Ông Lạng cho biết ngành sắn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) trong 2 năm qua và các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu áp dụng Công văn 632. Số tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp không được xem xét hoàn là rất lớn.

Vicaas dẫn ví dụ: “Công ty cổ phần Fococev Việt Nam (TP.HCM) hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tinh bột sắn. Công ty Fococev đang tồn đọng trên 384 tỷ tiền thuế GTGT chưa được hoàn”.

Sáu tháng kiến nghị, 2 bộ Tài chính – Công thương vẫn chưa giải quyết vấn đề

Theo Vicaas, quá trình kiến nghị và giải quyết vướng mắc hoàn thuế GTGT đã được Hiệp hội thực hiện từ năm 2021.

Ngày 7/8/2021, Vicaas có Đơn kiến nghị tập thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.

Đến ngày 1/10/2021, Bộ Tài chính có Công văn số 11309/BTC-CST để phản hồi.

Tuy vậy, Vicaas chưa rõ ý kiến trả lời của Bộ Tài chính. Ngày 3/11/2021, Hiệp hội có Đơn kiến nghị tiếp theo gửi Bộ Tài chính để làm rõ các kiến nghị của Hiệp hội, đồng thời đề nghị được đối thoại với Bộ Tài chính.

Ngày 10/12/2021, Vicaas đã tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến giữa Hiệp hội với Tổng cục Thuế nhưng không tháo gỡ được vướng mắc.

Ngày 7/3/2022, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn khi số tiền thuế GTGT không được xem xét là rất lớn.

Tại buổi làm việc với Vicaas ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị của Vicaas liên quan đến Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế.

Tuy vậy, ông Diên đề nghị các doanh nghiệp cần xuất trình căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, ông Diên sẽ chỉ đạo các cơ quan của Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính.

Quang Minh

Quang Minh

Published by
Quang Minh

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

3 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

4 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

5 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

6 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

7 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

8 giờ ago