Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra, chỉ cần dành ít nhất 15 phút mỗi ngày ở ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời là có thể giúp ngăn ngừa cận thị ở trẻ em. Ngoài yếu tố thời gian ở ngoài trời, cường độ ánh sáng mặt trời cũng có tác dụng.
Nghiên cứu này được công bố ngày 14/8/2024 trên Journal of the American Medical Association (JAMA) (Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), là một phần của thử nghiệm có tên là ‘Thời gian ngoài trời giúp giảm cận thị tại Thượng Hải’ – một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên theo cụm trường học, theo dõi các học sinh tại Thượng Hải trong 2 năm từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2018.
Nghiên cứu nhằm mục đích khám phá các kiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khác nhau và mối liên quan giữa ánh nắng mặt trời với sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ em.
Cận thị là một tình trạng phổ biến khi mà mắt khó tập trung ánh sáng một cách chính xác, khiến các vật ở xa bị mờ trong khi tầm nhìn gần vẫn rõ ràng. Điều này xảy ra do nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong. Theo Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ, cận thị hiện đang ảnh hưởng đến gần 30% dân số Hoa Kỳ, và tỷ lệ mắc bệnh này đang ngày càng gia tăng, với gần một nửa dân số dự kiến sẽ bị ảnh hưởng vào năm 2050.
Nghiên cứu JAMA là một nghiên cứu đoàn hệ tương lai kéo dài trong 1 năm, theo dõi 2.976 trẻ em trong khoảng độ tuổi là 7 (7,2) tuổi và phân chia gần như đồng đều giữa bé trai (48,8%) và bé gái (51,2%).
Trẻ em được đeo đồng hồ thông minh để theo dõi thời gian ở ngoài trời và thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Thời gian đeo đồng hồ thông minh liên tục ít nhất 6 giờ/ngày, tối thiểu 90 ngày trong suốt thời gian nghiên cứu, kéo dài từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2018. Ngoài ra, không có trẻ tham gia nào bị cận thị khi nghiên cứu bắt đầu.
Nghiên cứu đã kiểm tra 12 kiểu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khác nhau, tập trung vào thời gian trẻ em ở ngoài trời và cường độ ánh sáng mặt trời trong thời gian đó, được đo bằng lux – một đơn vị đo cường độ ánh sáng. Những đứa trẻ dành trung bình 90 phút ở ngoài trời mỗi ngày, và cường độ ánh sáng trung bình là 2.345 lux (đơn vị đo độ chiếu sáng). Phần lớn thời gian bên ngoài trường học (74,9%) sẽ được dành ít nhất là 15 phút ở ngoài trời mỗi lần.
Các tác giả nghiên cứu muốn tìm ra kiểu tiếp xúc ngoài trời nào có thể làm giảm “sự tăng độ cận thị,” tức là tình trạng cận thị nặng dần. Họ phát hiện ra rằng kiểu tiếp xúc ngoài trời mà trẻ em dành tối thiểu 15 phút ở ngoài trời với cường độ ánh sáng mặt trời từ 2.000 lux trở lên có liên quan đến việc ít tăng độ cận thị hơn, nghĩa là những điều kiện này giúp làm giảm tiến triển cận thị trong thời gian 1 năm nghiên cứu.
Các tác giả kết luận rằng ngoài tổng thời gian ở ngoài trời là rất quan trọng, thì các kiểu tiếp xúc cụ thể cũng quan trọng, đặc biệt là việc tiếp xúc liên tục ít nhất 15 phút dưới ánh sáng mặt trời chói chang.
Cần phải có tối thiểu 2.000 lux để làm chậm quá trình tiến triển cận thị ở trẻ em. Để tham khảo, một bài báo trên Oxford Academic (Tập san Học viện Oxford) nêu rằng trăng tròn ở vị trí cao nhất trên bầu trời ở vĩ độ trung bình tạo ra khoảng 0,05 – 0,2 lux. Ngược lại, cường độ ánh sáng vào một ngày nhiều mây là khoảng 1.000 lux, ánh sáng ban ngày đầy đủ (không phải ánh nắng trực tiếp) là từ 10.000 – 25.000, và ánh nắng trực tiếp là từ 32.000 – 130.000 lux, theo Ao[n²].
Nghiên cứu nêu rõ rằng căn bệnh cận thị đã trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu đáng lo ngại với số ca mắc tăng lên trong 3 thập niên qua, đặc biệt là ở Đông Á và Đông Nam Á, nơi gần 90% thanh thiếu niên bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu cho biết: “Xu hướng cận thị khởi phát sớm hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học cho thấy một đại dịch cận thị nặng và cận thị bệnh lý ngày càng nghiêm trọng trong tương lai.“
Bài báo tiếp tục nói rằng tỷ lệ cận thị gia tăng, càng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng có thể gây nguy hiểm cho thị lực, như bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh hoàng điểm cận thị, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Các tác giả cũng nêu rằng những trẻ em trong nghiên cứu của họ dành ít thời gian ở ngoài trời hơn dự kiến, và dành ít thời gian ở ngoài trời hơn các trẻ em ở các quốc gia khác như Úc và Vương quốc Anh, mặc dù được tiếp xúc với cường độ ánh sáng tương tự khi ở ngoài trời. Các tác giả cho biết, ngoài lý do về lối sống và văn hóa xã hội, thì trẻ em ở Trung Quốc có thể dành ít thời gian ở ngoài trời hơn, vì phải dành nhiều thời gian hơn ở trường và làm bài tập về nhà.
Mặc dù nghiên cứu cung cấp những hiểu biết có giá trị, nhưng các tác giả cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vì nghiên cứu chỉ giới hạn ở trẻ em ở Thượng Hải, nên kết quả có thể không áp dụng cho các khu vực khác. Ngoài ra, thời gian 1 năm có thể không đủ dài để nắm bắt đầy đủ mối quan hệ giữa việc tiếp xúc với không khí ngoài trời và sự thay đổi cận thị.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng việc sử dụng đồng hồ thông minh có thể đánh giá thấp mức độ của ánh sáng, và kết luận rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện của họ trong thời gian dài ở các nhóm dân số và bối cảnh khác nhau.
Cuối cùng, các tác giả đề xuất rằng để ngăn ngừa cận thị hiệu quả, cần tập trung vào tổng thời gian trẻ em ở ngoài trời và đảm bảo trẻ được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có cường độ đủ mạnh trong ít nhất 15 phút mỗi lần.
Bác sĩ Hoàng Ngạn Hồng (Grace Yen Hoong Ooi, MD) là giáo sư lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Weill Cornell và Bệnh viện Lutheran Đại học New York, và là Giám đốc Phòng khám Nhi khoa Hạnh Phúc ở New York, đã có 4 lời khuyên giúp trẻ tránh bị cận thị nặng hơn, được đăng trên Epoch Times:
Nguyên Khang (dịch và t/h), theo The Epoch Times
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…