“Tứ thời dưỡng sinh” còn gọi là “Dưỡng sinh theo mùa“, là triết lý then chốt nhất trong dưỡng sinh trong Đông y, tức là thuận theo sự biến động của Âm Dương trong bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, để điều dưỡng cơ thể, nhằm tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Âm Dương bốn mùa biến đổi theo quy luật: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng. Để thuận ứng với quy luật biến đổi đó, theo phương pháp “Tứ thời dưỡng sinh”, mùa Xuân cần tiến hành dưỡng “sinh”, mùa Hạ dưỡng “trưởng”, mùa Thu dưỡng “thu” và mùa Đông dưỡng “tàng”.
Nay xin đề cập đôi điều về vấn đề dưỡng sinh mùa Xuân:
Trong thiên nhiên, mùa Xuân là thời kì Dương khí phát sinh, thăng phát, sinh khí tràn đầy trong trời đất, vạn vật bừng tỉnh, thay cũ đổi mới, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi. Trong giai đoạn này, Dương khí trong nhân thể cũng bừng tỉnh, thăng phát, giao hòa cùng muôn vật trong trời đất. Bí quyết dưỡng sinh chủ yếu trong giai đoạn này, chính là điều hòa cơ thể theo đúng với quy luật nảy sinh, thăng phát của Âm Dương trong Trời Đất – Vũ Trụ.
Nói cụ thể hơn, cần chú ý một số vấn đề như sau:
Theo quan niệm của Đông y, khí mùa Xuân thông với tạng Can, ứng với hành Mộc. Can chủ “tàng huyết” (tàng trữ, điều tiết huyết dịch) và “sơ tiết” (điều tiết chức năng tâm lý và sinh lý). Nếu như chức năng của Can bị trục trặc, con người sẽ dễ bị kích động, phát sinh “nộ khí” (cáu giận). Cho nên, ngày Xuân, để di dưỡng tinh thần, thuận ứng với sinh khí đang bồng bột tốt tươi trong Trời Đất, cần giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, cởi mở, lạc quan và yêu đời.
Trong ứng xử với chính mình và với người chung quanh cần lương thiện khoan dung: Chỉ nên ban phát, giúp đỡ mà không nên tước đoạt, sát hại; chỉ khen thưởng và không nên trừng phạt, như sách “Nội Kinh” nói “Sinh nhi vật sát, dự nhi vật đoạt, thưởng nhi vật phạt, thử xuân khí nhi ứng dưỡng sinh…“. Đặc biệt cần “chế nộ” (kiềm chế sự cáu giận) để “dưỡng tính”, bớt suy nghĩ, tư lự để “dưỡng thần”, nói ít để “dưỡng khí”, bớt các suy tính riêng tư để “dưỡng tâm”.
Chính vì thế, nên thời xưa tháng Giêng mới được coi là “tháng ăn chơi“, thường tổ chức những trò chơi giải trí, đi du sơn, ngoạn thủy, thưởng hoa… Tất cả những thứ đó đều là để thuận ứng với trạng thái bừng tỉnh, tươi tốt của mùa Xuân.
>> Thanh đạm để tu thân, cần kiệm để dưỡng đức
Mùa Xuân tới, thời tiết ấm dần, độ ẩm trong không khí tăng lên. Da thịt, lỗ chân lông giãn nở, lưu lượng máu trong hệ thống huyết quản ngoại vi tăng lên, khiến lượng máu cung cấp cho não và nội tạng giảm xuống. Suốt những tháng mùa Đông, bộ não đã quen với trạng thái huyết dịch dồi dào, sang Xuân chưa kịp thích ứng ngay với tình trạng huyết dịch giảm thiểu. Mặt khác, bước sang mùa Xuân, chuyển hóa cơ bản trong cơ thể cũng tăng lên, cần có nhiều huyết dịch và ôxy hơn, khiến lượng máu đưa lên não càng bị giảm thiểu, khiến độ hưng phấn của thần kinh vỏ não giảm xuống rõ rệt và dẫn tới hiện tượng mệt mỏi, buồn ngủ, mà Đông y gọi là “Xuân khốn”.
Để khắc phục tình trạng “Xuân khốn” đó, các nhà dưỡng sinh đã nhận thấy cần điều tiết nếp sinh hoạt cho thích ứng như sau: Nên ngủ muộn một ít và nên đậy sớm, đi tản bộ trong sân, đầu tóc buông xõa, quần áo và thắt lưng nới rộng, làm cho tinh thần thoải mái cởi mở, để hòa đồng với trạng thái đang nảy nở, tốt tươi của vạn vật.
Mùa Xuân cũng là thời gian đầu tư tốt nhất cho thể chất, vì thế thời xưa có câu “mùa Xuân tập cho cả năm“. Thực tế cho thấy, những người tích cực rèn luyện thân thể trong mùa Xuân, cả năm thường ít mắc bệnh tật, sức đề kháng của cơ thể tăng cao. Mùa Đông giá lạnh, con người ít có cơ hội hoạt động ở ngoài trời. Xuân sang, nên chọn nơi công viên thoáng đãng, không khí trong lành để vận động thân thể. Nên chọn những môn có động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, gây hứng thú như Thái cực quyền, Bát đoạn cẩm…
>> Kiễng chân vài phút mỗi ngày: Lưu thông khí huyết, dưỡng tim dưỡng thận
Mùa Xuân thông ứng với tạng Can, thuộc hành Mộc. Theo thuyết ngũ hành, Mộc khắc chế Thổ. Mùa Xuân Can mộc thịnh, dễ dẫn đến nguy cơ khắc phạt Tỳ thổ (Tỳ thuộc hành thổ).
Cho nên, phép tắc cơ bản về ăn uống trong muà Xuân là: “Hạn chế vị chua và tăng thêm vị ngọt”. Ăn nhiều chất chua làm Can khí quá vượng, khắc phạt Tỳ thổ quá mức, làm tổn hại đến Tỳ vị, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Mùa Xuân nên ăn thêm các chất ngọt, vì vị ngọt đi vào Tỳ, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường chức năng tiêu hóa của tạng Tỳ, để chống lại sự khắc phạt quá mức của tạng Can.
>> Tỳ vị yếu khó sống thọ: 4 bộ phận cơ thể báo hiệu tỳ vị của bạn suy yếu
Để thuận ứng với sự thăng tán của khí Xuân, nói chung nên trọng dụng các thứ có vị cay, vị ngọt và ấm. Không nên dùng nhiều những thứ vị chua, vị chát. Nên dùng những món ăn thanh đạm hợp khẩu vị, không nên dùng nhiều những món xào rán béo ngậy hoặc các thứ sống lạnh. Các thứ cay ngọt có tác dụng thăng phát đối với Dương khí mới sinh, tính ấm có tác dụng bảo vệ Dương khí. Nên dùng hành, rau mùi, táo, lạc… là những thứ có tính ấm. Tuy nhiên, không nên dùng nhiều những thứ quá nóng và quá cay như lộc nhung, phụ tử…
Hoạt động tình dục của con người cũng tăng giảm, đồng bộ với nhịp điệu thịnh suy, tiêu trưởng của Dương khí trong bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Nên các nhà dưỡng sinh xưa thường nói: “Xuân nhất, Hạ nhị, Thu nhất, Đông vô“.
Mùa Xuân là khởi đầu của quá trình Âm tiêu Dương trưởng, Dương khí thăng phát, chuyển hóa cơ bản trong cơ thể con người tăng lên, hàm lượng hormone sinh dục trong cơ thể cũng tăng dần dần, vì vậy nhu cầu tình dục của con người bắt đầu gia tăng. Là giai đoạn rất dễ động tình, dễ dẫn tới tình trạng tình dục phóng túng, sinh hoạt tình dục với tần suất quá cao, rất bất lợi đối với sức khỏe.
Tuy nhiên, như trên đã nói, khí mùa Xuân thông với tạng Can. Can chủ sơ tiết, ưa điều đạt, thăng phát, tán bố, thư sướng, lưu thông… Thiên thời chuyển từ Âm sang Dương và hoạt động tình dục gia tăng là lẽ thường tình, phù hợp với trạng thái thăng phát của Dương khí mùa Xuân. Do đó không nên dùng lý trí kiềm chế quá mức, trái với thiên tính thăng tán, phát tiết của Dương khí mùa Xuân. Nói cách khác, mùa Xuân đến chuyện tình dục cần có tiết độ, không phóng túng nhưng cũng không kiềm chế quá mức.
Ngoài ra, mùa Xuân là mùa lễ hội, gắn liền với Tết, cùng những cuộc ăn chơi vui vẻ. Sinh hoạt tình dục thường diễn ra trong điều kiện ăn uống no say, vui chơi thâu đêm, cơ thể mệt nhọc, vui buồn thất thường… Để phòng tránh các chứng bệnh mà dân gian gọi chung là “phạm phòng”, sinh hoạt tình dục cần đặc biệt lưu ý đến một số vấn đề cấm kỵ: Không nên tiến hành lúc uống rượu quá say, vừa ăn quá no, mới đi chơi xa về còn đang mệt nhọc, vừa tắm rửa xong người chưa khô hẳn, cũng như khi đang có những biến động mạnh về tình cảm…
>>Đầu xuân bàn thuật dưỡng sinh: Ai có thể bước ra khỏi âm dương, thọ qua tuổi đất trời?
Trong mùa Xuân, có hai vấn đề cần đặc biệt chú ý:
Thứ nhất: Cần tích cực phòng trị các loại bệnh nhiễm khuẩn. Mùa Xuân ấm áp, ẩm thấp và nhiều gió, là điều kiện thích hợp để các thứ vi trùng, vi khuẩn, virus phát sinh và lan truyền. Theo Đông y học mùa Xuân hay xuất hiện các bệnh “phong ôn”, “xuân ôn”, “ôn độc”, “ôn dịch”… Còn theo Y học hiện đại, đây là thời kì hay có các dịch cảm cúm, viêm khí quản cấp tính, viêm phổi, viêm não, sởi, quai bị, tinh hồng nhiệt, …
Thứ hai: Chú ý ngăn ngừa bệnh cũ tái phát. Mùa Xuân khí hậu chuyển tiếp, nóng lạnh thay đổi thất thường và những bệnh cũ rất hay tái phát, đặc biệt là ở những người cao tuổi hoặc người cơ thể vốn suy nhược. Một số bệnh như thiên đầu thống, đau dạ dày, viêm họng mạn tính, hen suyễn, cao huyết áp, bệnh động mạch vành tim, một số dạng bệnh tâm thần… rất hay tái phát vào những ngày trước hoặc sau tiết Xuân phân. Những người trong mùa Đông không biết cách giữ gìn thân thể, ăn quá nhiều chất cay nóng làm hao tán Âm khí gây nên chứng “Âm hư hỏa vượng“, hoặc ăn quá nhiều chất xào rán béo ngậy làm cho đàm nhiệt ẩn tích lại trong cơ thể, sang mùa Xuân bệnh sẽ phát ra với những chứng trạng như đầu mặt choáng váng, ngực bụng đầy tức, chân tay nặng trĩu, tinh thần uể oải…
Để dự phòng bệnh cũ tái phát, trong những ngày Xuân người xưa thường uống vài ba thang “tiểu tục mệnh” để nâng cao sức chống bệnh. Sách “Thọ thế bí điển” có viết: “Tháng ba hái hoa đào ngâm với rượu uống dần, vừa trừ được bách bệnh vừa làm đẹp dung nhan“. Sách “Thiên kim phương” viết: “Trước và sau Xuân phân nên uống “thần minh tán” để dự phòng chống các “bệnh thời khí” (bệnh phát sinh do khí hậu biến đổi khác thường gây nên)”. Đó là những kinh nghiệm quý, đã được sử dụng trong nhiều thế hệ.
Lương y Huyên Thao (thuocvuonnha)
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…