Việc sử dụng túi ni lông, hộp nhựa để đựng thực phẩm hàng ngày hiện đã phổ biến đến mức dường như không thể tránh khỏi. Vậy nên làm thế nào để chúng ít gây hại cho sức khỏe nhất?
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội , hiện nay người Việt Nam sử dụng phần lớn túi ni lông tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người tiêu dùng.
Túi ni lông nhìn chung có 2 loại: Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.
Loại thứ hai (là loại chúng ta đang dùng phổ biến) chính là túi ni lông tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu… Trong quá trình tái chế, việc nhiễm phải các kim loại nặng như cadimi, chì… là không thể tránh khỏi. Đây chính là những chất gây bệnh ung thư.
Theo PGS. Thịnh, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Túi ni lông hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80 độ C sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni lông, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.
Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.
Do vậy, để giảm thiểu được nguy cơ nói trên, cần lưu ý một số điểm như:
>> Hơn 1000 nghiên cứu cho thấy nhựa BPA độc hại nhưng nó vẫn đang bủa vây chúng ta
Chất liệu dùng để sản xuất các hộp nhựa có phần khắt khe hơn so với túi ni lông. Tuy nhiên cũng có nhiều loại chất lượng và mức độ an toàn khác nhau. Thông thường trên mỗi loại hộp nhựa đều phải có một ký hiệu từ 1 đến 7 (xem hình), biểu thị loại nguyên liệu đã dùng để sản xuất.
Về cơ bản, các lưu ý dùng đồ hộp nhựa cũng khá tương tự như với túi ni lông, không dùng tái chế các loại hộp mỏng, không dùng cho đồ ăn nóng.
Trường hợp cần dùng cho lò vi sóng thì có thêm những chỉ dẫn đặc biệt, chỉ dùng hộp chịu được nhiệt, thường mang ký hiệu số 5 là nhựa PP (polypropylen), hoặc ghi rõ là cụm từ “microwave-safe” hoặc “microwavable” (sử dụng được trong lò vi sóng) trên các hộp nhựa, điều này có nghĩa chúng sẽ không bị chảy, nứt vỡ khi gặp nhiệt cao.
Nhựa PP thường được dùng để làm hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng nước si rô hoặc nước sốt cà chua, tương ớt, ống hút…. Để nhận biết là loại nhựa số 5 bạn hãy tìm ký hiệu 3 mũi tên xếp hình tam giác ở giữa có số 5 thường được giập nổi trên hộp nhựa. Nhựa số 5 sử dụng được khi cần hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng vì có thể chịu đựng nhiệt độ lên tới 130 độ C.
Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng những các loại hộp này sẽ hoàn toàn vô hại, không sản sinh hóa chất trong quá trình sử dụng. Tốt nhất bạn nên dùng đồ sứ, thủy tinh chịu nhiệt để quay thực phẩm trong lò vi sóng, hạn chế đồ nhựa.
Việc hâm nóng thức ăn cần tránh xa đồ nhựa có đánh dấu số “3” hoặc “PVC” (viết tắt của polyvinyl clorua, thường được gọi là vinyl), các đồ dùng một lần (bát, cốc nhựa), thường chứa phthalates, một chất phụ gia rất độc hại cho thần kinh và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Không nên dùng những sản phẩm có màu sắc, bởi các chất tạo màu gặp nhiệt cao sẽ gây độc cho hệ tiêu hóa của bạn.
Ngoài ra, bạn chú ý thời gian làm nóng thức ăn không quá 3 phút. Để lâu, khiến nhựa tốt biến dạng hoặc nứt vỡ (tuy không có độc), còn các đồ dùng kém chất lượng sẽ thải độc tố.
Trung bình ước tính mỗi ngày có khoảng 2.500 tấn rác nhựa và 25 triệu túi ni lông thải ra môi trường mỗi ngày ở Việt Nam. Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Rác thải nhựa không còn là vấn đề nhỏ nữa, các chuyên gia cảnh báo khi bạn đang ăn cá, cũng đồng thời đang ăn những hạt nhựa li ti.
>> Nghiên cứu: Hầu hết muối biển đều bị nhiễm vi hạt nhựa
Theo các chuyên gia, những túi ni lông phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể tự phân hủy. Việc chôn lấp túi ni lông sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, còn đem đốt thì sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ… Đặc biệt, các loại túi ni lông màu chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại nặng như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi.
Do vậy, hạn chế dùng đồ nhựa vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu nhất cho sức khỏe của cơ thể và góp phần hạn chế tốc độ suy thoái môi sinh.
Thanh Hoa
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…