Nghiên cứu: Hầu hết muối biển đều bị nhiễm vi hạt nhựa
Các mẫu muối từ 8 quốc gia khác nhau đã cho thấy rõ hơn mức độ ô nhiễm vi hạt nhựa trên các đại dương.
Con người hẳn là một loài đặc biệt. Chúng ta không chỉ tìm ra cách chế tạo thứ khó phân hủy như nhựa, mà còn quyết định dùng nó làm những thứ không đòi hỏi độ bền như túi nilon hay các hạt li ti trong sữa rửa mặt. Và không chỉ vậy, một khi dùng xong, chúng ta đổ 13 triệu tấn những thứ này xuống biển mỗi năm. Theo một nghiên cứu năm 2014, có hơn 5 nghìn tỷ mẩu nhựa đang trôi nổi dưới biển, 92% trong số đó là vi hạt nhựa có kích cỡ dưới 5mm.
Năm 2015, một nghiên cứu về muối ở Trung Quốc đã tìm thấy nhựa trong muối bán ở siêu thị. Và người ta cho rằng điều này có thể cũng đang xảy ra ở những nơi khác. Nghiên cứu mới đăng tải trên Scientific Reports đã xác nhận điều này.
>> Hơn 1000 nghiên cứu cho thấy nhựa BPA độc hại nhưng nó vẫn đang bủa vây chúng ta
Chuyên gia chất độc hải dương Ali Karami và nhóm nghiên cứu tại ĐH Putra Malaysia đã xem xét mẫu muối lấy từ 8 nước khác nhau: Australia, Pháp, Iran, Nhật, Malaysia, New Zealand, Bồ Đào Nha và Nam Phi.
Tại phòng thí nghiệm, họ tách ra những hạt nghi là nhựa có đường kính lớn hơn 0,149mm từ 17 thương hiệu muối khác nhau. Vi hạt nhựa đều có mặt trong tất cả các mẫu muối – ngoại trừ muối của Pháp.
Trong 72 loại hạt tạp chất tìm thấy:
- 41,6% là polymer (nhựa)
- 23,6% là phẩm màu (từ nhựa)
- 5,5% là carbon vô định hình
- 29,1% còn lại là không xác định
Các tác giả đã viết rằng:
Loại nhựa phổ biến nhất là polypropylene (40%) và polyethylene (33,3%). Phẩm màu chủ yếu là từ nhựa (63,8%), sợi tổng hợp (25,6%) và các tấm phim (10,6%).
Theo kết quả của chúng tôi, tỉ lệ thấp các hạt ô nhiễm trong muối (tối đa 37 hạt/người/năm) sẽ tác động không đáng kể tới sức khỏe. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn tác hại sức khỏe do tiêu thụ muối, cần quy trình bóc tách cao cấp hơn để nghiên cứu các hạt dưới 149 μm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dòng hải dương toàn cầu và ô nhiễm nhựa – Erik van Sebille tại ĐH Utrecht, Hà Lan – chia sẻ với tạp chí Hakai rằng những khám phá này quả là đáng kinh ngạc, nhưng cũng không đáng kinh ngạc. “Trong vài năm qua, bất cứ nơi nào trên đại dương mà các nhà khoa học đến để tìm nhựa, họ đều tìm thấy. Cho dù là dưới đáy biển xa xôi, dưới băng Bắc Cực hay trong dạ dày các loài chim biển và cá, hay bây giờ là muối biển.”
“Nhựa trong đại dương là một thảm họa,” ông nói, “một di chúc cho thói quen dơ bẩn của con người, nhưng chúng tôi không biết chính xác nó gây hại gì cho các sinh vật biển hay cho chúng ta.”
Lưu ý rằng muối biển không phải là phương tiện duy nhất mà vi hạt nhựa có thể tiến vào bữa ăn của chúng ta, ông Karami nói rằng những lượng nhỏ từ nhiều nguồn khác nhau có thể tích tụ lại trong cơ thể.
“Nếu chúng ta nghi ngờ rằng những vi hạt nhựa này gây độc hại – nếu chúng ta nghi ngờ chúng có thể nguy hiểm cho sức khỏe – chúng ta cần biết lo lắng, cho tới khi dám chắc chúng an toàn,” ông nói.
Video các vi hạt nhựa xâm nhập vào các sinh vật phù du – tầng thấp nhất của chuỗi thức ăn
Theo TreeHugger,
Sơn Vũ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Ô nhiễm môi trường biển vi hạt nhựa Nghiên cứu khoa học đồ nhựa