Sức Khỏe

Nhân sâm – Sức mạnh hồi phục sinh lực và kéo dài tuổi thọ

Nhân sâm từ lâu đã được xem là vị thuốc quý, nổi bật với công dụng bồi bổ toàn diện và hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên, để dùng sâm hiệu quả và an toàn, cần hiểu rõ công năng, cách chế biến, cũng như lựa chọn phù hợp theo thể trạng. 

(Ảnh: Shutterstock)

Câu chuyện thực tế

Trong kho tàng dược liệu phương Đông, nhân sâm từ lâu đã được xem như “thần dược” giúp phục hồi nguyên khí, kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức đề kháng. Nhưng với tôi, giá trị ấy không chỉ nằm trên những trang sách. Đó là điều tôi chứng kiến rõ ràng nhất từ chính bà ngoại tôi – một người phụ nữ gần 90 tuổi vừa trải qua trận ốm thập tử nhất sinh.

Sau một trận ốm kéo dài, bà suy kiệt rõ rệt: hầu như không ăn uống gì trong nhiều ngày, mọi sinh hoạt của bà chỉ diễn ra trên giường, thỉnh thoảng bà có mở mắt nhưng không thể giao tiếp. Bấy giờ gia đình tôi đã rất lo lắng và bắt đầu cho bà uống nước sắc nhân sâm. Chỉ sau một ngày, tuy bà vẫn không thể tự ngồi dậy nhưng bà đã tỉnh táo, ăn được cháo, đôi mắt ánh lên sinh khí – điều mà cả nhà tôi gần như đã không dám hy vọng nữa.

Tác dụng của nhân sâm – Đông y và hiện đại

Trên thế giới, nhân sâm có nhiều loại khác nhau. Một số loại phổ biến bao gồm:

  • Nhân sâm Hàn Quốc (Panax ginseng) hay còn gọi là sâm Cao Ly: Dược tính mạnh, được sử dụng để bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch, hồi phục sinh lực.
  • Nhân sâm Mỹ (Panax quinquefolius):Tính mát, thường được dùng để thanh nhiệt, dưỡng âm, giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện trí nhớ.
  • Nhân sâm Nhật Bản (Panax japonicus): Họ gần với nhân sâm Hàn Quốc nhưng ít phổ biến hơn.

Việt Nam không phải là trung tâm sản xuất nhân sâm như Hàn Quốc, nhưng lại có một số loại “sâm” bản địa vô cùng quý hiếm:

  • Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis): Là loài sâm được trồng nhiều ở Kon Tum, Quảng Nam, có hàm lượng saponin rất cao (cao hơn cả sâm Hàn Quốc). Sâm Nhọc Linh được xem là loại nhân sâm quý nhất thế giới hiện nay. Tác dụng: tăng sinh lực, kháng stress, chống ung thư, tăng miễn dịch.
  • Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus): Một biến thể của sâm Ngọc Linh, được tìm thấy ở vùng núi Lai Châu, có đặc tính dược lý gần giống sâm Ngọc Linh.

Theo y học cổ truyền

Nhân sâm giúp đại bổ nguyên khí, phục hồi sinh lực, tăng sinh tân dịch, ích trí an thần và cường dương ích tủy. Người xưa dùng sâm để cứu người hấp hối, trị chứng mệt mỏi lâu ngày, gầy yếu, ho khan, tiểu nhiều, mất ngủ hoặc khí hư huyết kém. Nó đặc biệt hữu ích với người già, người mới khỏi bệnh hoặc lao lực.

Theo y học hiện đại

Nghiên cứu khoa học cho thấy ginsenosides trong nhân sâm có khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng cường trí nhớ, giảm stress. Sâm còn hỗ trợ điều hòa huyết áp, giảm cholesterol, tăng đề kháng và làm chậm lão hóa nhờ khả năng chống oxy hóa mạnh. Một số ginsenosides còn cho thấy tiềm năng chống ung thư, cải thiện chức năng gan, phổi, tim. Ngoài ra, nhân sâm còn giúp giảm mệt mỏi thể chất, tăng sức bền và cải thiện sinh lý tự nhiên.

Các dạng sử dụng phổ biến

Hình thức Cách dùng Ưu điểm
Sâm tươi thái lát hấp cơm 1–2 lát (1–2g) hấp chín Giữ được vị nguyên bản, dễ hấp thu
Sắc uống 3–6g sâm khô/ngày, chia làm 2 lần Phối hợp bài thuốc khác, hiệu quả tốt
Ngậm trực tiếp Thái lát mỏng, ngậm tan trong miệng Dễ dùng cho người mệt yếu
Ngâm mật ong Tỷ lệ 1:3, ngâm trong 2 tuần trở lên Tăng dưỡng chất, dễ uống mỗi sáng
Ngâm rượu 50–100g sâm khô / 1 lít rượu 40° Dùng 10–20ml/ngày, tốt cho người già yếu, lạnh tỳ vị
Dạng viên nang / cao lỏng Theo hướng dẫn sản phẩm Tiện dụng, dễ kiểm soát liều lượng

Các bài thuốc từ nhân sâm

1. “Sâm phụ thang” – Hồi dương cứu nghịch

  • Thành phần: Nhân sâm 6g, phụ tử chế 6g, cam thảo 4g.
  • Công dụng: Dùng trong trường hợp suy kiệt, chân tay lạnh, mạch vi tế, hôn mê nhẹ.
  • Chế biến: Sắc 3 lần, chia 2 lần uống trong ngày.

Đây là bài thuốc nổi tiếng “cứu người hấp hối”, đặc biệt hiệu quả khi dùng đúng thời điểm.

2. “Sâm linh bạch truật tán” – Bổ khí kiện tỳ

  • Thành phần: Nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo (mỗi vị 6–8g).
  • Công dụng: Dùng cho người tiêu hóa kém, mệt mỏi, ăn không ngon.
  • Cách dùng: Sắc hoặc tán bột, ngày uống 2 lần.

3. “Tam sâm thang” – Dưỡng huyết, tăng cường miễn dịch

  • Thành phần: Nhân sâm 3g, đảng sâm 5g, huyền sâm 5g.
  • Công dụng: Dùng cho người sau ốm nặng, suy nhược lâu ngày.
  • Cách dùng: Sắc uống hằng ngày 1 thang trong 7–10 ngày.

Kết hợp nhân sâm trong các món ăn

1. Cháo sâm hạt sen

  • Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, nhân sâm tươi 2g thái lát, hạt sen 20g.
  • Cách làm: Ninh nhừ thành cháo, thêm vài lát sâm hấp hoặc sắc nước sâm cho vào sau cùng.
  • Công dụng: Dưỡng tâm an thần, hỗ trợ người mất ngủ và hay mệt mỏi.

2. Nước sâm táo đỏ long nhãn

  • Nguyên liệu: Nhân sâm 2g, táo đỏ 5 quả, long nhãn 10g, kỷ tử 5g.
  • Cách làm: Hầm trong 1 lít nước, uống ấm.
  • Công dụng: Bổ khí huyết, dùng mỗi sáng giúp tăng sức đề kháng.

3. Gà tiềm nhân sâm

  • Nguyên liệu: Gà ác 1 con (~500g), nhân sâm khô 5g, ý dĩ, bạch quả, hoài sơn.
  • Cách làm: Hầm trong 2–3 giờ, nêm nhạt.
  • Công dụng: Phục hồi cơ thể, đặc biệt sau bệnh hoặc phẫu thuật.

Nhân sâm dùng cho người tiểu đường và cao huyết áp

Với người tiểu đường (Type 2):

  • Dùng nhân sâm trắng hoặc hồng sâm, liều 1–1.5g/ngày, chia làm 2 lần uống sau ăn.
  • Có thể phối hợp thêm mạch môn, sinh địa, cát căn để hỗ trợ sinh tân, làm dịu khát và ổn định đường huyết.
  • Tránh dùng sâm ngâm mật ong (vì tăng đường máu).

Với người cao huyết áp ổn định:

  • Dùng liều thấp (0.5–1g/ngày), không dùng liên tục quá 2 tuần/lần đợt.
  • Nên phối hợp câu đằng, thiên ma, hạ khô thảo để điều hòa huyết áp và tăng tác dụng an thần.
  • Không dùng gần giờ ngủ.

Lưu ý khi dùng

Không nên dùng sâm cho người huyết áp cao chưa kiểm soát, người bị sốt, trẻ em dưới 12 tuổi, hoặc phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu. Khi dùng, cần tránh cà phê, trà đặc, rượu mạnh, và các thuốc chống đông máu trừ khi có theo dõi chặt chẽ. Dùng nhân sâm tốt nhất sau ăn, không dùng gần giờ đi ngủ để tránh mất ngủ.

Nhân sâm là dược liệu quý nhưng không phải “thần dược” dùng bừa bãi. Hiểu đúng – dùng đúng sẽ giúp phát huy tối đa giá trị của sâm trong dưỡng sinh và trị liệu. Dù sử dụng dưới dạng món ăn, bài thuốc hay thực phẩm hỗ trợ, nhân sâm vẫn cần được phối hợp linh hoạt theo từng thể trạng, độ tuổi và bệnh lý cụ thể. Các thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, trong mọi trường hợp, bạn nên thăm khám bác sĩ để có đơn thuốc tốt nhất với tình trạng của mình.

Ths.BS Nguyễn Thanh Hà

Ths.BS Nguyễn Thanh Hà

Published by
Ths.BS Nguyễn Thanh Hà
Tags: Nhân sâm

Recent Posts

Cửa hàng trưởng cửa hàng vàng SJC tại Đà Nẵng bị bắt

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền bị cáo buộc Lập khống chứng từ mua bán vàng,…

5 giờ ago

Kiev khai mạc liên hoan phim LGBT vào Thứ Sáu Tuần Thánh

Các nhà phê bình gọi thời điểm khai mạc liên hoan phim LGBT tại Ukraine…

6 giờ ago

Nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ thăm Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ

Các nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã cùng nhau thực hiện chuyến thăm Đài…

7 giờ ago

Chính quyền Trump yêu cầu Đại học Harvard cung cấp hồ sơ nguồn tài trợ nước ngoài

Chính quyền Trump tiếp tục gây sức ép lên Đại học Harvard, yêu cầu cung…

7 giờ ago

CEO Nvidia đến thăm Bắc Kinh, ông Trump: Không hề lo lắng

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang, CEO của…

7 giờ ago

Từ ngày 14/10, tàu biển do Trung Quốc sở hữu, do Trung Quốc đóng phải trả thêm phí mỗi khi cập cảng Hoa Kỳ

USTR công bố biểu thu phí đối với tàu Trung Quốc sở hữu, tàu do…

8 giờ ago