Phóng viên Alice Gregory của tờ New York Times đã kể lại một ngày tham gia với các em nhỏ ở một waldkita – nghĩa là “trường mẫu giáo trong rừng” tại Đức. Qua đó chúng ta có thể hiểu vì sao một mô hình mẫu giáo “hoang dã” lại nở rộ ở đất nước này chỉ trong hơn một thập niên trở lại đây.
Đó là một buổi sớm tháng 2, khoảng 20 đứa trẻ lên xe buýt của trường mẫu giáo Robin Hood từ một vùng ngoại ô phía Bắc Berlin, Đức. Khi xe buýt dừng lại ở một công viên rộng khoảng 34 hecta, chỉ sau vài phút, lũ trẻ chạy tản ra chơi trong một phạm vi phải đến 4 hecta. Một số đứa leo lên các hòn đá tảng, một số thử kéo các thanh gỗ qua đầm lầy. Trong khi một đám khác đứng xem và thử liếm những thanh băng nham nhở chìa ra từ mái một căn nhà kính. Tại trường Robin Hood này, lũ trẻ được phép chạy chơi ra khỏi tầm mắt của người trông coi, nhưng không ra khỏi tầm nghe thấy tiếng của chúng.
“Một chút riêng tư sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ,” anh Peter, người trông coi tầm 40 tuổi, cho biết. Nhưng bất cứ khi nào anh giả tiếng kêu “Cúc cu”, lũ trẻ sẽ răm rắp trở về chỗ tập hợp và bỏ lại bất cứ trò nguy hiểm nào chúng đang làm, kể cả việc leo 3 mét lên cây hay trượt trên một cái ao đóng băng mà không ai trông chừng.
“Chúng tôi từng mang theo những dụng cụ đơn giản như một cuộn dây thừng,” anh Peter nói. “Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi nhận ra rằng nó không cần thiết.” Nếu không có đồ chơi thì sẽ ít tranh chấp và tăng tính hòa đồng. “Chúng nhận ra rằng đi chơi thì phải có bạn chơi chung.” Anh cúi xuống hái một cái lá mã đề (plantain) và nói “Chúng tôi dùng cái này thay cho băng cá nhân. Chỉ cần nghiền một chút và để lên vết thương. Nó có chất kháng viêm tự nhiên.”
Tới lúc một địa điểm được chọn để ăn sáng, móng tay của các em đều dính đầy bùn đất, và dù rằng trời rất lạnh, chẳng ai phàn nàn tiếng nào. […]
Mọi người xếp balô của mình thành vòng tròn và mỗi người lấy ra một hộp trái cây (mà cha mẹ đã chuẩn bị cho các em). 2 cô bé (chưa tới 5 tuổi) bắt đầu sắp xếp trái cây thành các vòng tròn mandala tỉ mỉ trên một khay gỗ. Chúng để các khoanh cà rốt ở giữa, tiếp theo là các vòng đồng tâm của quýt, ớt chuông, dưa leo… Chà là được đặt ở một góc và các miếng táo ở một góc khác; phía đối diện là một đống hạt óc chó. Người trông coi chỉ hướng dẫn lũ trẻ hãy sắp xếp “gọn gàng” và không nói gì thêm. Các cô bé làm việc này chậm rãi và không nói lời nào, chỉ sắp xếp cho tới khi chúng ưng ý. Kết quả là một tác phẩm đẹp chẳng thua kém gì những thứ bạn thấy trong nhà hàng.
Bữa sáng được ăn trong sự im lặng hoàn toàn. Lũ trẻ sẽ thay phiên nhau chọn một mẩu trái cây trong khay cho tới khi hết sạch. Trong nhiều tháng, các giáo viên đã nhắc chúng rằng nếu không gây ồn ào khi ăn, lũ hươu có thể sẽ đến gần, hoặc ít ra thì chúng cũng sẽ nghe tiếng chim hót rõ ràng hơn. Trong 45 phút, hoàn toàn không có một tiếng cười đùa nào. Sau đó, khi giáo viên tuyên bố bữa ăn kết thúc thì mới bắt đầu có những tiếng cười bất chợt, tiếng la, và mọi người lại tản ra, biến mất vào trong khu rừng.
Khoảng gần 1 giờ trưa, lớp học quay lại chỗ đón xe buýt, trời thì rất lạnh nhưng dường như không ai muốn quay về.
Video về trường mầm non waldkita Robin Hood:
Các trường mẫu giáo trong rừng mới chỉ xuất hiện ở Đức trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhưng đã nở rộ nhanh chóng với số lượng lên tới hơn 1500 trường; riêng ở Berlin đã có khoảng 20.
Chúng thường đặt tại các công viên trong thành phố, nơi chỉ có một vài công trình nhà ở đơn giản, hoặc dùng xe chở các em nhỏ ra những khu hoang dã ở ngoại ô nơi chúng sẽ trải qua một ngày trong thời tiết bất kể nắng hay mưa. Các món đồ chơi thường ít được xem trọng ở các trường mẫu giáo trong rừng; các giáo viên sẽ vận dụng khéo léo những thứ có sẵn trong rừng như que gỗ, đá và lá cây. Một nghiên cứu tiến sĩ năm 2003 của Peter Häfner tại đại học Heidelberg cho thấy những trẻ em theo học mẫu giáo trong rừng có “lợi thế rõ ràng” so với các em từ mẫu giáo thông thường, có khả năng tư duy và thể chất tốt hơn, cũng như khả năng sáng tạo và giao tiếp xã hội.
Thiên nhiên cũng mang lại nhiều lợi ích cho người lớn. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mang lại cảm giác hạnh phúc và có nghiên cứu cho thấy chỉ 5 phút tập thể dục nơi thiên nhiên sẽ giúp cải thiện sự tự tin và tâm trạng. Nghiên cứu năm 2005 của đại học Pittsburgh cho thấy khi bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, họ thường hồi phục nhanh hơn nhờ cơn đau và căng thẳng được giảm bớt.
Nhà báo Richard Louv của Mỹ là người đã đặt ra cụm từ “chứng rối loạn xa nhiên nhiên” (nature-deficit disorder) trong quyển sách “Last Child in the Woods,” (tạm dịch: Đứa trẻ cuối cùng trong rừng) xuất bản năm 2005. Trong đó, ông cho rằng trẻ em ngày nay đang dành quá ít thời gian ngoài trời, và nó dẫn đến một loạt các vấn đề hành vi, thể chất và tinh thần. Đây là cuốn sách nền tảng cho nhiều trường mầm non waldkita ở Đức, vốn đặt ưu tiên vào việc chơi đùa ngoài trời và học hỏi thực tế về môi trường xung quanh.
Các trường mầm non trong rừng cũng có mặt đây đó ở Mỹ, Anh, thậm chí ở Nhật và Hàn Quốc – nơi mà ngành giáo dục vốn rất khắt khe. Chúng trở nên phổ biến chủ yếu qua truyền miệng giữa các cha mẹ. Còn ở Đức thì không chỉ người giàu mới có thể gửi con tới học ở trong rừng. Cũng như các trường mẫu giáo khác ở Berlin, học phí ở trường Robin Hood (nói trên) là do chính phủ chi trả cho trẻ em từ 2-6 tuổi (ngoài một khoản phí 100 euro/tháng do đây là trường tư). Ngược lại, nếu ở thành phố New York thì phí học mẫu giáo có thể lên tới 40.000 USD mỗi năm.
Nhưng cũng không có gì lạ khi các waldkita nở rộ ở Đức và được chính phủ tài trợ. Nước Đức có tỷ lệ rừng được bảo vệ trên tổng diện tích cao gấp 3 lần của Mỹ – một điểm quan trọng cho thấy nhận thức của người Đức về thiên nhiên và tầm quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của công dân.
“Thật tệ khi trẻ em ngày nay biết tất cả mọi thứ về công nghệ mà lại mù tịt về chú chim nhỏ ở bên ngoài cửa sổ,” anh Peter nói trong khi chỉ tay về khu rừng, giọng anh nghe chắc nịch như các danh nhân nước Đức, từ Goethe tới Beethoven hay Bismarck, những người đã ca ngợi lợi ích tâm lý khi dạo chơi trong rừng. Anh nói tiếp: “Trong đời, những điều tệ hại sẽ xảy ra – bạn mất việc, mất người thân hay mọi người đều ghét bạn – nhưng bạn sẽ luôn còn có điều này.”
Theo NYTimes,
Phong Trần tổng hợp
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…