Theo Reuters, quan chức Bộ Thương mại Afghanistan cho biết chính quyền Taliban đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng tại Moscow về các điều khoản hợp đồng để Afghanistan mua xăng và benzen từ Nga.
(Phái đoàn Taliban/Hình ảnh minh họa: Getty Images)
Ông Habiburahman Habib, phát ngôn viên Bộ Thương mại và Công nghiệp Afghanistan, xác nhận về việc một phái đoàn chính thức do Bộ Thương mại chủ trì đã đến thủ đô của Nga và hoàn tất các hợp đồng mua lúa mì, khí đốt và xăng dầu.
Ông Habib trả lời tờ Reuters, “họ đang đàm phán với Nga” và sẽ tiết lộ thêm thông tin chi tiết sau khi hợp đồng hoàn tất.
Một nguồn tin từ văn phòng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Afghanistan cho hay các quan chức kỹ thuật từ Bộ này và Bộ Tài chính đã ở lại Moscow để làm việc về hợp đồng, sau khi một phái đoàn cấp bộ của Afghanistan đến thăm Nga vào tháng này.
“Chúng tôi đang làm việc trên văn bản của hợp đồng, (chúng tôi) gần như đã thống nhất về xăng và benzen”, nguồn tin cho biết.
Phát ngôn viên tại Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Reuters.
Các hợp đồng được đưa ra sau khi một phái đoàn của Taliban do quyền Bộ trưởng Thương mại dẫn đầu đến thăm Nga vào giữa tháng Tám với mục đích hội đàm về thương mại.
Nếu hoàn tất, hợp đồng sẽ là dấu hiệu cho thấy các nước đang gia tăng mối quan hệ làm ăn với Taliban, mặc dù chính quyền của lực lượng này không được bất kỳ chính phủ quốc tế nào chính thức công nhận kể từ lúc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan khoảng một năm trước.
Thương vụ mua bán giữa Nga và Taliban diễn ra trong lúc Hoa Kỳ đang cố gắng thuyết phục các quốc gia khác cắt giảm sử dụng xăng dầu của Nga, hy vọng chiến lược này sẽ hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ mà Moscow sử dụng để tài trợ cho cuộc xâm lược Ukraine.
Cả Nga và Afghanistan do Taliban lãnh đạo đều đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ chính phủ các nước, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Không có quốc gia nào, kể cả Nga, chính thức công nhận chính quyền Taliban. Hầu hết ngân hàng quốc tế đều không muốn thực hiện giao dịch với các ngân hàng Afghanistan do tác dụng của các lệnh trừng phạt.
Nguồn tin chính thức cho biết hai bên đã có kế hoạch về cách thức thực hiện các khoản thanh toán, tuy nhiên từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu họ có sử dụng các kênh ngân hàng chính thức hay không.
Bất chấp tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan đang bị đóng băng, và lĩnh vực ngân hàng của nước này đang bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt cũng như thiếu sự công nhận chính thức từ nước ngoài, một số quốc gia vẫn đang làm ăn với Kabul, giúp Kabul tiếp cận thị trường toàn cầu giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong nước.
Vy An (Theo Reuters)
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…