Cựu Thủ hiến bang New South Wales (NSW – Úc), ông Dominic Perrottet, trong bài diễn văn từ biệt trước quốc hội đã thừa nhận rằng quy định tiêm vắc-xin COVID-19 là một sai lầm.
Ông Perrottet chính thức tuyên bố từ chức khỏi Quốc hội NSW hôm 19/7 sau 13 năm phục vụ cộng đồng, và hiện sẽ bắt tay vào sự nghiệp trong khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu của mình, cựu Thủ hiến thừa nhận rằng mặc dù mục đích đằng sau các yêu cầu này là nhằm hạn chế sự lây lan của virus, nhưng tác động của chúng đối với việc lây lan vẫn còn hạn chế.
“Mặc dù không phải lúc nào chúng tôi cũng đúng, nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã làm đúng nhiều hơn sai. Và, không cần day dứt mãi với các quyết định sai lầm của mình, tôi tin rằng điều quan trọng là chỉ ra được một sai lầm mà các chính quyền ở đây và trên thế giới đều mắc phải. Đó là việc ép buộc thực thi nghiêm ngặt các quy định về vắc-xin,” ông Perrottet nói tại Hội đồng Lập pháp NSW.
“Giới chức y tế và chính phủ đã hành động với ý định đúng đắn là ngăn chặn sự lây lan [của dịch bệnh], nhưng nếu tác động của vắc-xin lên việc lây lan không được tốt lắm, điều mà hiện nay đã được hầu hết [mọi người] thừa nhận rồi, thì luật pháp lẽ ra phải nhường chỗ cho việc tôn trọng sự tự do [của con người].”
Ông Perrottet, người giữ chức vụ cao nhất từ ngày 5/10/2021 đến ngày 28/3/2023, là Phó Thủ hiến kiêm Bộ trưởng Ngân khố khi Bộ Y tế NSW áp dụng việc tiêm chủng ngừa COVID-19 bắt buộc cho tất cả nhân viên y tế.
Ông Perrottet cho biết, COVID vừa là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe vừa là cuộc khủng hoảng về kinh tế. Ông chia sẻ kinh nghiệm sát sườn của mình về con dao hai lưỡi do chính sách của chính phủ tạo ra, và vẫn tác động đến nhà nước cho đến ngày nay.
Ông ghi nhận những đóng góp của cựu Thủ hiến Gladys Berejiklian vì đã thúc đẩy một môi trường cho các bộ trưởng cấp cao có thể thảo luận và tranh biện về cách nhà nước ứng phó, từ nhiều góc độ khác nhau, trong các cuộc họp giải quyết khủng hoảng hàng ngày của Nội các.
“Cách tiếp cận này đã giúp New South Wales giải quyết được các vấn đề về sức khỏe của người dân, trong khi vẫn duy trì được sự cởi mở và tự do hơn các tiểu bang khác. Dù giai đoạn đó có khó khăn và đầy thử thách, nhưng vô cùng bổ ích khi được kề vai sát cánh cùng các bộ trưởng và những công chức tận tâm như vậy,” ông nói.
“Mặc dù không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng thuận [với Bộ trưởng Y tế Brad] và trên thực tế thường là không đồng ý, tuy nhiên, quan điểm của mọi người đều được cân nhắc một cách công tâm, và tôi tin rằng điều đó đã khiến New South Wales có được một trong những [phương án] ứng phó mạnh mẽ nhất, không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn cầu.”
Bà Berejiklian là Thủ hiến vào thời điểm quy định tiêm chủng được áp dụng cho nhân viên y tế, nhân viên điều dưỡng người cao tuổi và công nhân xây dựng, từ tháng 8/2021.
Ông Perrottet lưu ý rằng khi trở thành Thủ hiến, ông đã loại bỏ các quy định về vắc-xin trong khuôn khổ quyền hạn của mình, nhưng thừa nhận điều này lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn.
“Vắc-xin cứu người, nhưng suy cho cùng thì lệnh [bắt buộc tiêm vắc-xin] là sai. Những lựa chọn của cá nhân mọi người không nên khiến họ phải trả giá bằng công việc của mình,” ông nói.
“Khi tôi trở thành Thủ hiến, chúng tôi đã loại bỏ chúng [lệnh tiêm vắc-xin] – hoặc những điều mà chúng tôi có thể [loại bỏ] – nhưng việc này lẽ ra phải diễn ra sớm hơn. Nếu đại dịch tái diễn, chúng ta cần đạt được sự cân bằng tốt hơn, khuyến khích mọi người hành động đồng thời để bảo vệ quyền tự do cơ bản của người dân.”
Ông Perrottet, 1 trong 12 người, được bầu vào quốc hội năm 2011 sau khi làm luật sư thương mại và giữ chức Chủ tịch Đảng Tự do Trẻ NSW.
Là một đảng viên Đảng Tự do bảo thủ của NSW, ông trở thành Bộ trưởng Ngân khố của NSW vào năm 2017, vị trí mà ông giữ cho đến tháng 10/2021 khi trở thành Thủ hiến thứ 46 của NSW.
Trong bài phát biểu cuối cùng của mình, ông Perrottet cũng chia sẻ một số bài học từ kinh nghiệm của mình trong chính quyền hành pháp.
Ông cho biết, bài học đầu tiên và cơ bản nhất là: Huyết mạch của chính trị là trí tưởng tượng và ý tưởng.
“Điều tôi học được là phe đối lập thực sự trong chính phủ, không phải là phe đối lập; mà đó là nguyên trạng. Nguyên trạng giống như một tấm chăn an toàn, vừa thoải mái vừa quen thuộc,” ông nói.
“Nhưng sự thoải mái không dẫn đến sự tiến bộ. Để làm cho tương lai tốt đẹp hơn, bạn cần những ý tưởng thách thức hiện trạng của mọi thứ. Một số người cho rằng bảo thủ là bám víu vào quá khứ.”
“Đối với tôi, đó là việc hiểu được giá trị to lớn của những gì tốt đẹp nhất trong quá khứ và mang nó theo mình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là việc bảo tồn những điều tốt đẹp và đổi mới mọi thứ khác.”
Ông Perrottet nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi về các chuẩn mực và thông lệ đã được thiết lập.
“Bây giờ tôi tin rằng câu hỏi quan trọng nhất mà một bộ trưởng có thể hỏi là ‘Tại sao’. Tại sao giờ học phải là từ 9h đến 3h? Tại sao Canberra điều hành bác sĩ đa khoa, nhưng các tiểu bang lại điều hành bệnh viện? Tại sao Đường cao tốc Cahill thậm chí vẫn thực sự tồn tại?”, ông nói.
“Việc đặt câu hỏi tại sao khiến bạn thách thức những thứ là một phần của Nội các – như tại sao bạn phải trả cho chính phủ trung bình 75.000 đô tiền thuế trước bạ chỉ để mua 1 ngôi nhà?”
Ông Perrottet cũng đề cập rằng đạt được sự thay đổi lớn trong chính trị đôi khi cũng có nghĩa là bắt đầu một cuộc hành trình mà những người khác sẽ kết thúc nó.
“Ví dụ, John Hewson đề xuất cải cách lớn với thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và John Howard đã hoàn thành ý tưởng này. Đó là lý do tại sao tôi biết nạn cờ bạc ở tiểu bang này sắp kết thúc rồi,” ông nói.
Ngoài ra, ông cũng thừa nhận những thách thức trong việc thúc đẩy sự thay đổi, vì hầu hết mọi người đều bận tâm đến hiện tại.
“Mặc dù bạn có thể mong ước một tương lai tốt đẹp hơn nhưng hầu hết mọi người đều bận rộn với hiện tại và những điều đang có. Nếu thay đổi có nghĩa là gián đoạn, thì một số người sẽ khó có thể nhìn thấy tầm nhìn xa hơn những đám bụi và đống đổ nát,” ông nói.
Ở NSW khi còn phong tỏa hồi tháng 10/2021, để được vào các quán rượu, nhà hàng và các cửa hàng bán lẻ hàng hóa không thiết yếu vào “ngày tự do” (ngày không hạn chế ra đường), thì [người dân] bắt buộc phải tiêm vắc-xin.
Lệnh tiêm chủng đối với nhân viên y tế ở New South Wales được áp dụng vào tháng 8/2021 và mãi đến tháng 5/ 2024 mới thực sự kết thúc. Hôm 16/5/2024, Bộ Y tế NSW đã ban hành chỉ thị loại bỏ yêu cầu này sau gần 3 năm.
Chính sách ngày 16/5 (pdf) nói rằng: “Việc tiêm chủng ngừa COVID-19 đã chuyển từ bắt buộc thành cực lực khuyến khích đối với tất cả nhân viên Y tế NSW.”
Trong ngành xây dựng, công nhân tại 9 khu vực chính quyền địa phương ở Tây Sydney bị buộc phải tiêm chủng vào tháng 8/2021. Các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đã được bãi bỏ vào ngày 11/10 đối với công nhân vào các công trường xây dựng ở NSW.
Các quy định tiêm chủng khác nhau tùy theo các tiểu bang và vùng lãnh thổ ở Úc, nhưng mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ đều phải thực thi các quy định này đối với nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng người cao tuổi.
Ông John Ruddick, đảng viên Đảng Tự do NSW, một cựu thành viên Đảng Tự do bảo thủ, đã hoan nghênh bài phát biểu của ông Perrottet và “thừa nhận sai sót trong việc buộc phải nhanh chóng hoàn thành việc tiêm vắc-xin.”
Ông Ruddick nói: “Đúng là đã quá muộn, nhưng Dom là tiếng nói lý trí duy nhất trong nội các Berejiklian, ngay từ đầu cơn cuồng loạn. Dom đã chấm dứt cơn cuồng loạn ở Úc.”
Theo Monica O’Shea, The Epoch Times
Mời xem thêm bài liên quan:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…