Categories: Thời sựViệt Nam

‘Người lao động không mất việc sẽ không cần rút BHXH một lần’

Bị nghỉ việc, người lao động mới buộc phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Muốn ngăn tình trạng rút BHXH một lần thì cần để doanh nghiệp duy trì được hoạt động, theo quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp). 

Theo giới chức, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề… (Ảnh: binhthuan.gov.vn)

Ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự luật được dự kiến thông qua trong kỳ họp, vào ngày 25/6 tới. Tuy nhiên do mức độ tác động lớn, có đại biểu đề xuất nên lùi thời gian thông qua dự luật sang kỳ họp sau.

“Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời” – đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) nói về mức độ ảnh hưởng của Luật BHXH đối với đời sống người lao động.

BHXH một lần – được rút hay không?

Bản dự thảo đưa ra hai phương án rút BHXH một lần.

Phương án 1 phân người lao động thành hai nhóm. Nhóm 1 là người tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.

Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH một lần, trừ một số trường hợp cụ thể theo quy định.

Phương án 2 là người lao động được rút BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Điều kiện được rút là người lao động đã đóng bảo hiểm dưới 20 năm, và sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1, dù vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động.

Người lao động còn khổ thì còn rút BHXH một lần

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (TP.HCM) cho rằng cả hai phương án đưa ra trong bản dự luật đều không ổn.

Với phương án 2, bà Hạnh cho biết sẽ không chọn, vì nên giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của bảo hiểm chứ không phải bằng cách giữ lại 50% số tiền ít ỏi của họ.

Với phương án 1, nữ đại biểu băn khoăn khi những người đóng BHXH sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần, “trong khi chưa có những chính sách chăm lo hữu hiệu”. Theo bà Hạnh, người lao động muốn rút BHXH một lần để lo cho những bức thiết cuộc sống trước mắt.

“Khi bản thân và người thân ốm đau, họ phải nhắm mắt vay tín dụng đen thì việc không cho họ quyền lựa chọn cần cân nhắc”, bà Hạnh dẫn tình huống. “Nếu chưa có phương án tối ưu thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh gây xáo trộn xã hội, cho người lao động được lựa chọn, kể cả tham gia BHXH trước hay sau ngày luật này có hiệu lực”. 

Để khắc phục tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần, bà Hạnh đề xuất giao BHXH phối hợp với Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho người lao động được vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp. Mức vay tối đa bằng số tiền họ được hưởng nếu rút BHXH một lần và đây sẽ như một sự đảm bảo cho khoản vay.

“Thủ tục vay vốn phải rất đơn giản, không cần chứng minh tài sản, thu nhập. Nếu người lao động không đồng ý vay thì nên cho họ được rút BHXH một lần để chi tiêu cho cuộc sống”, bà Hạnh nói.

Lập nguồn quỹ cho công nhân vay hay giữ 14% doanh nghiệp đóng làm quỹ hữu trí?

Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) nhận định phương án 1 sẽ có lợi cho người lao động hơn phương án 2 (nếu chưa có phương án thứ 3 tốt hơn). Tuy nhiên, bà Yến đề nghị thêm một giải pháp, là có một nguồn quỹ cho người lao động vay để giải quyết khó khăn. Khoản vay này tương tự như chính sách cho sinh viên vay đi học. Khi người lao động đi làm trở lại sẽ trả khoản nợ nói trên.

Ý kiến của bà Yến tương đồng với đề xuất nói trên của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, khi kiến nghị khoản vay thế chấp bằng sổ bảo hiểm tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng cho rằng phương án 1 là phương án khá tối ưu, tuy nhiên nhược điểm là phương án này chia người lao động thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày luật có hiệu lực.

Nêu ý kiến tổng quan, bà Hoa Ry cho hay việc rút BHXH một lần đã tăng 39% trong quý 1/2024 – mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút BHXH một lần sẽ tăng thêm. Do vậy, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia BHXH là chưa chính xác.

Phương án 2 cũng cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động, khi người lao động có nhu cầu cần tiền cấp bách khi mất việc, cuộc sống nhiều khó khăn. Bà đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng.

Với quy định người lao động được rút BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Hoa Ry cho rằng là chưa rõ ràng. Bà cho rằng nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút BHXH đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phần 14% là do người sử dụng lao động đóng nhằm đảm bảo chế độ hưu trí, và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập đến thực trạng nhiều người lao động nghỉ việc ở độ tuổi từ 35-40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút BHXH một lần.

Từ thực trạng trên, ông Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút BHXH một lần.

Giữa hai phương án trên, ông Hòa nghiêng về phương án 1 và đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những người không rút BHXH một lần, để họ có tiền trang trải cuộc sống khi nghỉ việc.

Không thể thông qua luật BHXH khi chưa cải cách tiền lương

Đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình cho hay hai phương án đưa ra trong dự luật chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng rút BHXH một lần.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tháng 4/2024, đã có hơn 121.000 người nghỉ việc rút BHXH một lần, cao nhất từ trước đến nay. Nếu đà tăng này tiếp tục, năm 2024 ước tính có khoảng 1,4 triệu người rút BHXH một lần.

Con số này trong giai đoạn 2016-2021 là trung bình hơn 700.000 người/năm. Năm 2022, có gần 900.000 người rút quỹ.

Điều này có nghĩa là hàng triệu người lao động bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già.

Đáng lưu ý, bà Thu cho rằng không có căn cứ đóng – hưởng BHXH khi chính sách cải cách tiền lương chưa có hiệu lực. Theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương, lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, vì thế không còn căn cứ điều chỉnh tiền lương để tính lương hưu, cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội khác.

“Việc thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1/7”, bà Thu.

Ngoài Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế cũng dự kiến được sửa đổi trong các kỳ họp tới. Vì thế, cần có căn cứ cũng như thời gian đánh giá để cân bằng phù hợp đối với 2 trụ cột an sinh, là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các dự án luật này.

Theo đó, bà Thu đề nghị xem xét thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp 8, diễn ra vào cuối năm, để có thời gian đánh giá sự ổn định, tác động thực tế của cải cách tiền lương với chính sách BHXH cũng như luật liên quan.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng với sự chuẩn bị như hiện nay và thay đổi chính sách không có đánh giá đầy đủ tác động, chưa thể thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong kỳ họp 7. Bà đề nghị kỳ này chỉ nên tiếp tục thảo luận và thông qua dự luật tại kỳ họp 8.

“Chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội dựa trên nền tảng chính sách tiền lương, do đó khi cải cách tiền lương chưa triển khai (tháng 7/2024 mới bắt đầu) thì chưa thể thông qua luật này”, bà Hoa Ry nói.

Theo bà Ry, “không có đánh giá được về sự ổn định, rõ ràng, minh bạch với thang, bảng lương của các nhóm chức danh, vị trí việc làm theo cải cách tiền lương thì không thể tính toán cụ thể, chính xác, ổn định các chế độ BHXH. Nếu vội vàng thông qua Luật BHXH, có thể luật mới ban hành đã phải sửa đổi ngay, ảnh hưởng hàng triệu lao động”.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Năm 2023, Quỹ Bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh 124.300 tỷ, phí quản lý hơn 3.900 tỷ

Trong năm 2023, tổng số chi của Quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 140.000…

7 phút ago

Bộ TN&MT: Nhiều lô đất trúng đấu giá tại Hà Nội chưa được nộp tiền, có dấu hiệu bỏ cọc

Có 56/68 thửa đất tại Thanh Oai và 8/19 thửa đất tại Hoài Đức (Hà…

1 giờ ago

Tỷ giá tăng 3 tuần liên tiếp, NHNN bắt đầu hút tiền qua kênh tín phiếu

Trước áp lực tỷ giá USD/VND tăng liên tục 3 tuần gần đây, NHNN bắt…

1 giờ ago

Cà Mau sẽ xây mới và sửa chữa 3.995 nhà tạm, nhà dột nát

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến ngày 2/9/2025 phải xây mới và sửa chữa…

2 giờ ago

Ông Putin sẽ gặp riêng ông Tập và ông Modi bên lề thượng đỉnh BRICS

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

3 giờ ago

Slovakia, Hungary và Serbia thảo luận các biện pháp hạn chế di cư bất hợp pháp

Văn phòng chính phủ Slovakia thông báo các nhà lãnh đạo Slovakia, Hungary và Serbia…

3 giờ ago