Theo báo cáo nhân quyền mới nhất được công bố ngày 18/1 của “Safeguard Defenders”, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào nhân quyền ở châu Á, Chính phủ Trung Quốc đang đe dọa và bắt cóc Hoa kiều về Trung Quốc xét xử và tống họ vào tù thông qua các hoạt động “Săn cáo” và “Sky Net”. Ngay cả khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan toàn cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không ngừng bắt bớ. Trong 7 năm qua, hơn 10.000 người phải hồi hương một cách không tự nguyện.
Theo báo cáo từ RFI và các kênh truyền thông nước ngoài, “Safeguard Defenders” đã chỉ ra trong báo cáo mới nhất rằng chính quyền ĐCSTQ đã phát động “Chiến dịch Săn cáo” vào năm 2014, với mục đích đưa “những người Hoa kiều có tội” trở về Trung Quốc. Tháng 4/2015, ĐCSTQ lại khởi động “Chiến dịch Sky Net” (Lưới trời), chiến dịch Săn cáo cũng được đưa vào đó, và trở thành một trong nhiều dự án trong chiến dịch Sky Net.
Tháng 2/2021, Ủy ban Giám sát Quốc gia của ĐCSTQ đã khởi động lại kế hoạch Sky Net, mở rộng việc truy quét đến cả “những tên tội phạm đào tẩu” trong các lĩnh vực chính trị, luật pháp và dân sự. Phạm vi chiến dịch Sky Net của ĐCSTQ chủ yếu tập trung tại các nước Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Các nhóm nhân quyền nói rằng thông qua các hoạt động Sky Net và “Săn cáo”, ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến, gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồng Kông và các học viên Pháp Luân Công sống ở nước ngoài.
Báo cáo của Safeguard Defenders ghi lại 22 vụ bắt cóc, trong đó có 18 vụ thành công, 7 vụ ở Thái Lan và 5 vụ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Họa sĩ truyện tranh Giang Dã Phi bị bắt ở Bangkok vào năm 2015 và bị buộc tội lật đổ chính quyền, anh vẫn đang thụ án tại nhà tù Trùng Khánh.
Báo cáo tiết lộ rằng việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế, bí mật phi pháp của chính quyền Trung Quốc “đã trở thành một thông lệ toàn cầu”, ngay cả trong thời gian đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Kể từ năm 2020, ít nhất 2.500 người đã buộc phải hồi hương, ngay cả khi quốc tế đóng cửa và hạn chế đi lại do sự bùng phát của COVID.
Safeguard Defenders cho biết, thông qua những cuộc hồi hương không tự nguyện này, chính quyền Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp rằng không có nơi nào an toàn trên thế giới; trốn ra nước ngoài sẽ không cứu được bản thân, đồng nghĩa với việc không còn nơi nào để trốn chạy.
Theo dữ liệu của ĐCSTQ, ít nhất số người được đưa trở lại Trung Quốc vào năm 2020 là 1.421 người, năm 2021 là 1.114 người. Hơn nữa con số này chỉ bao gồm những tội phạm bị nghi ngờ là “tội phạm kinh tế” hoặc “công vụ.”
Theo báo cáo, chính quyền ĐCSTQ kiểm soát tất cả người thân và bạn bè của những người bị nhắm mục tiêu này; đồng thời phong tỏa tài sản của người thân và bạn bè họ. Dưới áp lực của người thân và bạn bè, các sĩ quan hoặc đặc vụ cảnh sát sẽ được cử đến quốc gia nơi mục tiêu đang ở, thậm chí họ sẽ bí mật hợp tác với cảnh sát địa phương.
Ví dụ, các nước vùng Vịnh và Ai Cập ở Trung Đông đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Một người Duy Ngô Nhĩ tị nạn chính trị ở Thụy Điển cho biết, hơn 1.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị đe dọa ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; thậm chí họ sợ sử dụng điện thoại.
Tuy nhiên, trong những trường hợp cực đoan, ĐCSTQ đã không ngần ngại bắt cóc các mục tiêu, chẳng hạn như công dân Canada và tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người đã ngồi trên xe lăn với đầu quấn chăn, bị 6 người đàn ông không rõ danh tính đưa đi từ một khách sạn sang trọng ở Hồng Kông vào năm 2017.
Báo cáo trích dẫn 80 vụ bắt cóc do chính quyền ĐCSTQ đứng sau, khoảng một nửa trong số đó đã thành công. Các mục tiêu bắt cóc ở hàng chục quốc gia, gồm cả Mỹ, Anh và Úc.
Ngoài ra, chiến dịch Sky Net và “Săn cáo” không chỉ biến gia đình các mục tiêu của chính quyền ĐCSTQ thành con tin, mà còn buộc một số người nhập cư ở nước ngoài làm gián điệp. Dù chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa biên giới, nhưng vẫn tiếp tục cử điệp viên đến các nước này. Do đó, nhiều người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cảm thấy lo ngại, vì họ không còn biết ai là gián điệp.
Nigare Yusup, vợ của người tị nạn Duy Ngô Nhĩ anh Hussein bin Talal, đã làm chứng rằng một số “kẻ đào tẩu” sẽ thực hiện các thỏa thuận, để bạn ở nước ngoài một mình với điều kiện bạn phải theo dõi cộng đồng Hoa kiều. Chồng cô bị bắt cóc vào năm 2017 khi đang đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và mất tích sau đó.
Bà Trần Ngọc Kiệt, một trợ lý giáo sư tại Viện nghiên cứu Trung Ương Đài Loan, tiết lộ rằng những tình huống như vậy không hiếm gặp.
Lư Ất Hân, Vision Times
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…