Trung Quốc: Số liệu nhập khẩu lương thực dị thường phơi bày dối trá của chính quyền
- Chính Hâm
- •
Dữ liệu kinh tế năm 2021 được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố đã cho thấy, lượng lương thực nhập khẩu của nước này đạt mức cao mới, nghĩa là nguồn lương thực tự cung của họ tiếp tục sụt giảm mạnh. Nguy cơ khủng hoảng lương thực của Trung Quốc là một thực tế, dù giới chức nước này tuyên bố bội thu lương thực trong 18 năm liên tục và phủ nhận cáo buộc tích trữ lượng lớn lương thực để gây tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan ĐCSTQ công bố, từ tháng 1 – 12/2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 164,539 triệu tấn lương thực, tăng 25,273 triệu tấn hay 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân loại lương thực đại khái bao gồm các loại lúa, các loại đậu, và các loại khoai. Trong đó, lương thực chính của mọi người gồm 3 loại là lúa gạo, lúa mì, ngô.
Dữ liệu cho thấy tính đến tháng 11/2021, nhập khẩu các loại lương thực chính của Trung Quốc gồm ngô, lúa miến (cao lương), lúa mạch, lúa mì, lúa nước (lúa gạo) đã vượt quá tổng lượng nhập khẩu vào năm 2020. Nhập khẩu ngô, cao lương, lúa mạch, lúa mì và lúa gạo lần lượt là 27,02 triệu tấn, 8,71 triệu tấn, 11,46 triệu tấn, 8,83 triệu tấn và 4,38 triệu tấn. Số liệu nhập khẩu này là 239%, 181%, 142%, 104% và 150% của lượng nhập khẩu vào năm 2020.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), quy mô thương mại nông sản của Trung Quốc trong 20 năm qua không ngừng được mở rộng. Nhưng từ năm 2004, hoạt động ngoại thương nông sản của Trung Quốc bắt đầu chuyển từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu ròng, đặc biệt từ sau năm 2009 thì vấn đề nhập siêu (nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu) không ngừng gia tăng, đến năm 2020 nhập siêu nông sản đã lên tới 94,77 tỷ USD.
Tại “Diễn đàn Tam nông Thanh Hoa 2022” tổ chức ngày 8/1, nhóm nghiên cứu của ông Đỗ Ưng (Du Ying) – Phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, đã công bố kết quả nghiên cứu. Họ sử dụng các cách khác nhau để tính toán sự thay đổi của tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc và đều cho kết quả giống nhau: Trong 20 năm qua tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc đã giảm từ khoảng 100% xuống còn khoảng 76% (tỷ lệ tự túc lương thực là một chỉ số quan trọng của an ninh lương thực quốc gia).
Nhóm nghiên cứu của ông Du Ying đã tính toán rằng tổng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc vào năm 2035 có thể tiếp tục giảm từ mức 76% hiện nay xuống còn khoảng 65%.
Ngày 6/1, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết năm 2021 giá lương thực thế giới tăng 28%, đạt mức trung bình cao nhất kể từ năm 2011.
Trong tháng trước, mức chỉ số bình quân giá lương thực FAO theo dõi khối lượng và giá cả giao dịch thương mại lương thực toàn cầu ở mức 133,7 điểm. Vào năm 2021, chỉ số chuẩn ở mức trung bình 125,7 điểm, tăng 28,1% so với năm 2020 và cao nhất kể từ khi ở mức 131,9 điểm vào năm 2011. FAO cho biết giá lương thực ở tất cả các loại đã tăng mạnh vào năm 2021 và cũng là một nhân tố thúc đẩy lạm phát chung tăng. FAO cảnh báo chi phí lương thực tăng cao ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu đang khiến nhóm người càng nghèo hơn càng rủi ro hơn.
Trước tuyên bố cho rằng chính việc ĐCSTQ thúc đẩy tích trữ lương thực dẫn đến tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, ngày 6/1 Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) của ĐCSTQ đã có bài viết cho rằng “Trung Quốc không có lý do gì để làm như vậy”. Bài viết cho biết, “Vào năm 2021, lương thực Trung Quốc tiếp tục bội thu 18 năm liên tục, tổng số lượng duy trì trong 7 năm liên tiếp mức trên 1,3 nghìn tỷ kg”; “Hầu hết các kho dự trữ lương thực đều tập trung ở các kho chứa của doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến gánh nặng tài chính cho chính phủ và lãng phí nguồn lương thực rất lớn, vì thế những năm gần đây, đất nước chúng ta không những không tích trữ lương thực mà còn đẩy nhanh giải thoát kho dự trữ lương thực”.
Tuy nhiên, dữ liệu về nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đã vạch trần tuyên bố dối trá rằng “sản xuất lương thực của Trung Quốc bội thu 18 năm liên tục”.
Trong bài viết “Tâm địa khó lường, ĐCSTQ muốn phát động một chiến kinh tế dạng khác”, nhóm kinh tế – chính trị Thiên Vận (người Hoa tại Mỹ) chỉ ra, ĐCSTQ là một trong những kẻ cường hào của “ngôi làng toàn cầu”, đang thúc đẩy các thủ đoạn nham hiểm để tiếp tục làm thế giới bất an. Thủ đoạn chính là ‘cuộc chiến không giới hạn’ do quân đội ĐCSTQ đề xuất, theo đó ngoài cuộc chiến kiểu truyền thống còn bao gồm nhưng không giới hạn ở chiến tranh thương mại, chiến tranh mạng, chiến tranh tài nguyên, chiến tranh truyền thông, chiến tranh tài chính, chiến tranh văn hóa và chiến tranh sinh thái. Bây giờ tâm điểm là vấn đề lương thực.
Nhóm nhà bình luận Thiên Vận nhấn mạnh rằng sau khi ĐCSTQ thực hiện chính sách 2 con, trong những năm gần đây số trẻ sơ sinh của Trung Quốc đã liên tục giảm, kết quả của tổng điều tra dân số Trung Quốc lần thứ 7 đã gây ngạc nhiên.
Số người sinh ra hàng năm liên tục giảm, thế nhưng lương thực lại không ngừng “bội thu”, vậy mà cứ tiếp tục nhập khẩu lương thực ồ ạt. Những mâu thuẫn khiến người ta không thể không băn khoăn: ĐCSTQ có âm mưu gì? Đừng quên, lần cuối cùng trước đó giá lương thực toàn cầu tăng vọt là vào năm 2011 khi có bạo loạn ở hơn 30 quốc gia.
Vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị Công tác Nông thôn Trung ương của ĐCSTQ rằng “Bát cơm của người dân Trung Quốc nên dùng từ lúa của Trung Quốc”. Cảnh báo cho thấy gì? Có nhiều dấu hiệu cho thấy trữ lượng lương thực của Trung Quốc không những không đủ như truyền thông ĐCSTQ tuyên bố mà còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ngày 12/12/2021, trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, với dòng tiêu đề gây chú ý “Còn lương thực thì giải quyết sao?”. Qua đó, bài viết tiết lộ những lo ngại của ông Tập Cận Bình về an ninh lương thực.
Trong những năm gần đây ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến an ninh lương thực, cho thấy người ra quyết định ở Trung Nam Hải đã nhận thức được cuộc khủng hoảng thiếu lương thực.
Chính Hâm, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tích trữ lương thực Nhập khẩu lương thực khủng hoảng lương thực Dòng sự kiện