Kỳ I: Tà biến nhân tâm người Trung Quốc
Kỳ II: Người Hồng Kông không phải người Trung Quốc Đại Lục
Kỳ III: Hai thế kỷ khác biệt
Kỳ IV: Dũng khí và niềm tin
Kỳ V: Đối diện khủng bố, người Hồng Kông ngẩng cao đầu
Kỳ VI: Im lặng trước cái Ác, đồng nghĩa với thế giới đã chết
Ước muốn bảo vệ, củng cố quyền tự trị và tự do của 7,5 triệu người Hồng Kông trước cỗ xe lu khổng lồ gần 1,4 tỷ đồng hương Đại Lục do ĐCSTQ kiểm soát đã khiến cả thế giới chú ý, ngạc nhiên, tôn trọng và ngưỡng mộ. Một điều dễ nhận thấy là không chỉ đòi quyền tự chủ cho Hồng Kông, cuộc biểu tình thu hút mọi tầng lớp người dân Hương Cảng cũng chính là để chống lại sự xâm nhập của thứ văn hóa cộng sản giả dối đến từ Đại Lục đang tấn công vào nền tư pháp và dân chủ ở xứ này.
Ngày 1/9/2019, tại Trung Quốc, toàn bộ mạng lưới truyền hình quốc gia CCTV của ĐCSTQ đồng loạt phát sóng chương trình đặc biệt: Bài học đầu tiên. Ngày 1/9 cũng là ngày khai giảng năm học mới ở Trung Quốc. Chủ đề của Bài học đầu tiên này là giáo dục chủ nghĩa yêu nước, yêu Đảng, và mọi học sinh từ cấp tiểu học, trung học cho đến đại học đều bắt buộc phải học thuộc nó.
Môn Giáo dục Đạo đức này ở các trường học Trung Quốc thường dạy học sinh, sinh viên tự hào về thành tựu chính trị của ĐCSTQ và phải trung thành với lý tưởng “Một Trung Quốc”. Dù đây là môn học độc lập nhưng nó lại được liên kết với các môn học khác như Lịch sử và Nghiên cứu văn học Trung Quốc. Trẻ em Trung Quốc ngay từ khi mới chập chững tập viết, tập đọc, đã bị nhồi nhét những bài học giáo huấn về tư tưởng cộng sản, và các thế hệ học trò Trung Quốc cứ thụ động học theo.
Tại Hồng Kông, trẻ em không phải học Bài học đầu tiên cũng như môn Giáo dục Đạo đức như học sinh tại Đại Lục. Cùng ngày hôm ấy (1/9/2019) tại Hồng Kông, trong khuôn viên các trường đại học phủ đầy hai màu đen của áo thun phản kháng và màu vàng của mũ bảo hộ. Mặc dù trời giông bão, gần 30 ngàn sinh viên đã khởi đầu cho một chiến dịch tẩy chay mùa khai trường.
Không phải vô cớ mà sinh viên đã chọn Đại học Trung Hoa Hồng Kông là nơi tập hợp vì đây là một trong ba trường đại học danh tiếng nhất của đặc khu hành chính này. Các sinh viên dựng lên các biểu ngữ: “Hãy giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”, “Hồng Kông không phải là Trung Quốc”. Owen, sinh viên 18 tuổi cho biết: “Đây là một cách rất tốt để chứng tỏ với chính quyền là họ đang sai lầm. Nhưng phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới đạt được một điều gì đó.”
Còn ở cấp trung học, học sinh của ít nhất 100 trường học đã liên kết với nhau, hô vang khẩu hiệu “All five demands, not one fewer” (5 yêu cầu không thiếu một yêu cầu nào), kêu gọi Bắc Kinh và chính quyền đặc khu giữ lời hứa bảo đảm tự do, nhân quyền, dân chủ và nền pháp trị của Hồng Kông. “Hồng Kông là nhà của chúng tôi. Chúng tôi là tương lai của thành phố này và phải có trách nhiệm cứu lấy thành phố”, Wong, 17 tuổi, học sinh cấp ba cho biết. Người ta ghi nhận tại một trường trung học, học sinh đã hát vang bài “Do you hear the people sing?” (bài hát cổ động biểu tình) lấn át tiếng nhạc quốc ca của Trung Quốc, trong khi các giáo viên đứng nhìn học sinh và không biết phải làm gì.
Ngày 1/9 cũng là ngày thứ 80 người dân Hồng Kông đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi xuống đường cho thấy sự bền bỉ và sức ảnh hưởng của các cuộc biểu tình kéo dài suốt mùa hè, lan từ công sở đến trường học, đồng thời nêu bật vai trò chủ chốt dẫn dắt phong trào của những người trẻ tuổi.
Trong khi cả thế giới đưa tin về tình hình biểu tình phản đối Luật dẫn độ và đòi quyền tự do dân chủ của người dân Hông Kông thì các kênh truyền thông của Trung Quốc im hơi lặng tiếng. Trong 60 ngày đầu, mạng xã hội bị ĐCSTQ kiểm duyệt chặt chẽ khiến cư dân Đại Lục không biết bất cứ một thông tin gì đang xảy ra tại Hồng Kông. Chỉ tới khi cuộc biểu tình ngày càng trở nên mạnh mẽ, ĐCSTQ đã cho đăng bài kích động, mô tả những người biểu tình như “những kẻ bạo loạn, khủng bố, châm ngòi cho phong trào ly khai được hậu thuẫn bởi các thế lực thù địch nước ngoài”. Thậm chí truyền thông Trung Quốc còn bịa đặt trắng trợn cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông thành “Phụ huynh Hồng Kông biểu tình phản đối sự can thiệp của Mỹ”.
Bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền định hướng và dối trá của truyền thông cộng sản Trung Quốc, tại Đại Lục, dường như ít người từng nghe về Dự luật dẫn độ gây ra các cuộc biểu tình. Người dân Trung Quốc chỉ biết mơ hồ rằng Hồng Kông đang trong tình trạng bất ổn chính trị, và tự kết luận rằng thành phố này không an toàn. Thậm chí, họ cho rằng người biểu tình Hồng Kông là “những đứa con được nuông chiều nhưng cứng đầu” và tỏ ra không mấy thiện cảm với người Hồng Kông.
Thực tế tại Trung Quốc, những điều mà người dân thấy được đều là thứ mà ĐCSTQ để cho họ thấy, điều mà ĐCSTQ không muốn để người dân thấy thì chắc chắn họ nhất định không thể thấy được. Lời dối trá thì được ĐCSTQ phát tán và lưu truyền tự do, còn sự thật lại bị che đậy triệt để. Đây chính là tình huống chân thực của mạng thông tin tại Trung Quốc.
Lịch sử của ĐCSTQ chính là một bộ lịch sử dối trá. Vu khống là trụ cột để duy trì sự thống trị của Đảng. Bất kể là công khai hay lén lút, bất kể là đối nội hay đối ngoại, bất kể là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, khắp nơi đều là tuyên truyền dối trá.
Thông qua Bộ tuyên truyền TƯ, ĐCSTQ khống chế chặt chẽ, chỉ đạo dư luận Trung Quốc, quán triệt truyền đạt ý chí của Đảng, tiến hành hàng loạt thông tin vu khống, dối trá, tẩy não lặp đi lặp lại đối với người dân, thống nhất tư tưởng của toàn dân phục vụ cho ý đồ của Đảng.
Công việc của Bộ tuyên truyền TƯ là một mặt phong tỏa bóp nghẹt sự thật, mặt khác là ngụy tạo và thay thế sự thật khiến người dân Trung Quốc không cách nào có được thông tin chân thực để có thể độc lập suy xét. Việc liên tục hấp thụ các thông tin giả dối theo kiểu nhồi nhét này, khiến người Trung Quốc không hề biết rằng bản thân mình đang bị tẩy não, thuận theo cách nghĩ của Đảng mà phản đối và phê phán.
Bịa đặt công khai có thể coi là “chiêu” kinh điển của ĐCSTQ, dựa vào bạo lực và dối trá để duy trì thống trị, nói dối là tố chất tất yếu và kỹ năng của quan chức ĐCSTQ. Từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân… đều coi “chiêu” này như bí quyết để phục vụ cho mục đích của Đảng.
Trích đoạn trong xã luận đăng ngày 4/7/1947 trên ‘Tân Hoa nhật báo’ (tờ báo của TƯ ĐCSTQ): “Từ thủa bé thơ, ai ai trong chúng ta cũng đều thấy nước Mỹ là một quốc gia thật đáng mến. Chúng ta thật sự tin vào điều ấy, vì trên thực tế Mỹ chưa từng xâm phạm Trung Quốc, cũng chưa hề gây chiến với ai. Suy nghĩ sâu sắc hơn nữa, thì người Trung Quốc chúng ta luôn mang ấn tượng tốt đẹp về Mỹ quốc, chính là vì Mỹ luôn đề cao dân chủ và cởi mở”. Nhưng 3 năm sau đó, ĐCSTQ phát động cuộc chiến với quân đội Mỹ tại Bắc Hàn, và người Mỹ được ĐCSTQ mô tả như những phần tử đại gian ác của đế quốc sài lang và cho đến nay Mỹ vẫn là mục tiêu để ĐCSTQ công kích.
Khi chỉ dùng bạo lực mà không đủ đạt mục đích, thì lừa đảo và dối trá được ĐCSTQ dùng đến. Thực ra lừa dối và bạo lực luôn song hành với nhau, lừa dối chính là để hợp thức hoá bạo lực và nó đóng vai trò cực kỳ đắc lực giúp ĐCSTQ thâu tóm và bảo vệ quyền lực.
Năm 1957, ĐCSTQ đưa ra khẩu hiệu “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, hiệu triệu các phần tử trí thức và quần chúng ở Trung Quốc “giúp ĐCSTQ chỉnh phong”, mục đích là muốn dụ dỗ những “phần tử phản đảng” xuất đầu lộ diện. Mao Trạch Đông hô hào “không tóm cổ, không đánh đập, không chụp mũ, không tính sổ”, “người phát ngôn vô tội”. Chính vì vậy nhiều nhà trí thức nổi tiếng lúc đó như Chương Bá Quân, Long Vân, La Long Cơ, Ngô Tổ Quang, Trữ An Bình… đều thẳng thắn nói ra sự thật, chỉ ra các khuyết điểm của ĐCSTQ. Nhưng chỉ trong một đêm, họ đều bị gán nhãn phần tử phe cánh hữu “phản đảng, chống lại CNXH”. Cuộc vận động này không chỉ khiến các phần tử trí thức bị bức hại, mà còn gửi đến người dân Trung Quốc một thông điệp rõ ràng: Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, ai nói lời chân thật người đó sẽ phải đối mặt với kết cục bi thảm.
Cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ và chống tham nhũng của hàng trăm ngàn sinh viên và trí thức Bắc Kinh không một tấc sắt trong tay vào ngày 4/6/1989 tại Thiên An Môn đã bị ĐCSTQ dưới thời Đặng Tiểu Bình dối trá vu khống rằng “có một cuộc bạo động, nhiều người lính đã bị bắt cóc và giết chết; quảng trường Thiên An Môn hiện đang bị chiếm giữ bởi những kẻ bạo loạn phản cách mạng và cần phải bị tiêu diệt…”. Dựa vào những tuyên truyền dối trá này, ĐCSTQ đã điều quân đội đóng ở ngoại ô, đưa xe tăng, thiết giáp và súng ống tàn sát người dân vô tội.
Giang Trạch Dân lấy quyền lực nguyên thủ quốc gia cùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để vu khống Pháp Luân Công với người dân Trung Quốc và truyền thông thế giới. Ngày 25/10/1999, trước chuyến thăm chính thức của Giang Trạch Dân tới Pháp, ông ta đã nhận lời phỏng vấn tờ Le Figaro. Giang Trạch Dân đã công kích Pháp Luân Công và gọi môn tu luyện này là “tà giáo”, dù trước đó chưa hề có bất kỳ tài liệu hoặc kênh truyền thông nào của ĐCSTQ sử dụng thuật ngữ này.
Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân chính thức phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, và duy trì đến ngày nay với một loạt các hình thức bức hại: bắt bớ, tra tấn, cưỡng bức lao động… Khó tin hơn, chiến dịch này phát triển đến mức độ tàn ác chưa từng có: Mổ cướp nội tạng của các học viên để bán cho những người có nhu cầu cấy ghép.
Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bình thản đáp: “Không có người nào chết ở quảng trường Thiên An Môn cả.” 10 năm sau, khi ĐCSTQ tận lực huy động bộ máy quốc gia bức hại Pháp Luân Công, phát ngôn viên lại tuyên bố: “Tình hình nhân quyền của Trung Quốc đang ở vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử.”
Từ ngày nắm quyền đến nay, ĐCSTQ vẫn diễn đi diễn lại thủ đoạn lừa dối công khai này. ĐCSTQ hứa hẹn đất đai cho nông dân, nhà máy cho công nhân, tự do và dân chủ cho trí thức, hòa bình cho dân chúng, nhưng đến nay không hề có lời hứa nào được thực hiện.
Trước khi Anh trao trả Hồng Kông về Trung Quốc vào năm 1997, ĐCSTQ đã ký một thỏa thuận pháp lý có tính ràng buộc quốc tế với Anh, cam kết bảo vệ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và hòn đảo này phải được hưởng mức độ tự trị cao, ít nhất là 50 năm kể từ ngày trao trả (1997-2047). Tuy nhiên ĐCSTQ đã không giữ lời hứa trao các quyền tự do cơ bản cho người dân Hồng Kông, đỉnh điểm là vào ngày 21/9/2014, Quốc hội Trung Quốc tuyên bố người Hồng Kông không được phép tự do lựa chọn lãnh đạo đặc khu mà phải thông qua một ủy ban bầu cử. Năm 2017, chính quyền Hồng Kông đều phải “xin chỉ đạo” từ ĐCSTQ, trong đó có các quyết định năm 2017 loại bỏ tư cách dân biểu lập pháp của một nửa số dân biểu do người dân Hồng Kông bầu ra.
Hồng Kông đang vật lộn với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi được vương quốc Anh trao trả về cho Bắc Kinh 22 năm trước. Người dân Hồng Kông băn khoăn về sự can thiệp ngày càng sâu của ĐCSTQ; và trong cuộc chiến giành linh hồn Hồng Kông, nhiều người biểu tình cho thấy quyết tâm bảo vệ tự do của thành phố này bằng mọi giá.
Khác với người Hồng Kông, nhiều thế hệ người Trung Quốc bị lừa dối và nay lại một thế hệ trẻ người Trung Quốc cũng đang bị ĐCSTQ mê hoặc bằng cách bưng bít thông tin và tuyên truyền lừa đảo mà vào hùa với chính quyền Bắc Kinh, cho rằng người Hồng Kông là “những đứa con được nuông chiều nhưng cứng đầu” .
Sau 22 năm giành được quyền kiểm soát xứ Hương Cảng, chính quyền ĐCSTQ nhận kết cục cay đắng khi cả linh hồn và thể xác của người Hồng Kông vẫn luôn muốn thuộc về những gì của Hồng Kông trước năm 1997: Một xã hội nhân bản đề cao những giá trị của “Tự do ngôn luận, Tự do tín ngưỡng, Pháp quyền, Minh bạch” – một chính phủ dân chủ vì dân từng được thực hiện và duy trì bởi các nhà “cai trị” Anh quốc.
Cùng chung dòng máu Trung Hoa, cùng chung thể hệ ngôn ngữ và chữ viết, nhưng người Hồng Kông luôn tự nhận mình là Hongkonger – người Hồng Kông chứ không phải người Trung Quốc. Trong suy nghĩ của nhiều người Hồng Kông, việc phải sống chung dưới cùng một lá cờ đỏ, dưới một thể chế độc tài khát máu là điều phản tự nhiên. Bằng chứng là, trong những cuộc biểu tình đòi tự do, nhiều người Hồng Kông mang theo cờ của nước Anh chứ không phải lá cờ hình bông hoa Dương Tử Kinh vốn được coi là lá cờ chính thức của Hồng Kông sau khi trở về với Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò vào tháng 6/2019 của Đại học Hồng Kông cho thấy 53% trong số 1.015 người nhận là người Hồng Kông, trong khi chỉ có 11% nhận là người Trung Quốc, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1997. Khi được hỏi liệu họ có tự hào là công dân của Trung Quốc hay không, 71% trả lời là “Không”, 27% trả lời “Có”. 90% những người được phỏng vấn đều là những người trẻ Hồng Kông trong độ tuổi từ 18-29.
Vì sao người Hồng Kông không muốn trở thành người Trung Quốc Đại Lục? Câu trả lời: KHÁC BIỆT VỀ VĂN HÓA.
Hồng Kông và Trung Quốc đã trải qua hai thế kỷ rất khác biệt. Một bên là những người sinh ra, trưởng thành và được giáo dục trong xã hội tự do dân chủ kiểu phương Tây mà vẫn bảo lưu văn hóa truyền thống Trung Hoa, và một bên là quản trị xã hội theo phương cách thống trị độc đảng không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận hay tự do tín ngưỡng. Một bên là nỗi lo ngại những giá trị nhân văn và pháp quyền vốn đã hình thành bền vững tại hòn đảo nhỏ bé sẽ ngày một hư hao, và một bên là nỗi lo ngại nếu không có biện pháp kiểm soát thì mối quan hệ “một quốc gia, hai chế độ” sẽ đồng sàng dị mộng…
Sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912, Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ bất ổn: Xã hội dân sự bị xé nát bởi cuộc nội chiến Trung Quốc và chiến tranh kháng Nhật; sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, hàng chục triệu người Trung Quốc đã chết trong sự hỗn loạn của cuộc Đại Nhảy vọt và Đại Cách mạng Văn hóa. Cả hai cuộc vận động này đều thất bại trong việc biến Trung Quốc thành “thiên đường” XHCN, trái lại đã biến người dân thành “nô lệ” cả trong tư tưởng và hành động. Chuỗi các cuộc vận động và đàn áp đẫm máu dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ đã khiến người dân Trung Quốc chứng kiến sự tàn nhẫn và độc ác của Đảng mà sợ hãi đến nhụt ý chí.
Cùng với việc “mở cửa” kinh tế thập niên 1980, nhiều người đã nhìn nhận không thực tế lắm theo hướng dường như Trung Quốc đang gia nhập vào các xã hội dân chủ, tự do cởi mở, từ bỏ chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng toàn trị. Nhưng thực tế ĐCSTQ vẫn luôn đàn áp, siết chặt tự do, và sẵn sàng trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Thực tế, sự phồn vinh của nó chỉ dành riêng cho các đảng viên, quan chức và lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Hồng Kông chính thức là vùng lãnh thổ của Trung Quốc vào thời nhà Tần nhưng phải đợi đến thời nhà Đường, Hồng Kông mới thực sự phát triển và trở thành một cảng biển sầm uất, một căn cứ hải quân mang tính chiến lược của Trung Hoa. Năm 1887 sau cuộc “chiến tranh nha phiến”, triều đình nhà Thanh bị ép phải dâng Hồng Kông cho thực dân Anh với hiệp định nhường lãnh thổ. Dưới chế độ tư bản Anh, Hồng Kông có những bước phát triển vượt bậc về tất cả mọi mặt của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo…, và trở thành một trong những vùng đất tự do nhất thế giới.
Có thể coi hầu hết những người Hồng Kông là hậu duệ của những người Hoa đã chạy trốn khỏi Đại Lục năm 1949 ngay sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền. Hồng Kông cũng là nơi tiếp nhận làn sóng những người nhập cư chạy trốn khỏi sự thanh trừng, hỗn loạn và biến động của Trung Quốc Đại Lục trong suốt thế kỷ 20, và người dân Hồng Kông cũng hoàn toàn “miễn nhiễm” với các cuộc vận động kinh hoàng mà người dân Đại Lục phải hứng chịu.
Từ thập niên 1950-1970, trong khi hàng chục triệu người dân Trung Quốc chết đói vì Đại Nhảy vọt, và chết thảm bởi Cách mạng Văn hóa do ĐCSTQ phát động, thì nền kinh tế của Hồng Kông dưới sự “cai trị” của tư bản Anh thực sự cất cánh, trở thành một trung tâm tài chính và công nghiệp hàng đầu thế giới.
22 năm sau ngày Vương quốc Anh trao lại cho Trung Quốc, Hồng Kông vẫn hoàn toàn khác biệt với Trung Quốc Đại Lục. Thật vậy, biên giới giữa hai vùng đất không còn là bức màn sắt mà hơn một triệu người sẵn sàng mạo hiểm chạy trốn khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Thật vậy, mỗi ngày tại cửa khẩu La Hồ nhộn nhịp nhất thế giới, hàng trăm ngàn người trong số 7,5 triệu cư dân Hồng Kông vẫn thường xuyên qua lại để mua sắm. Thật vậy, Hồng Kông là mảnh đất đặc biệt nhất trên thế giới như nhiều người nhận định, bởi đây là nơi duy nhất người dân có “các quyền tự do không giới hạn” nhưng lại không được trực tiếp bầu lãnh đạo của mình.
Dù vậy, so với những người đồng hương bên kia Đại Lục, người Hồng Kông được hưởng các quyền tự do ở mức rất cao mà người Trung Quốc dưới sự cai trị trực tiếp của ĐCSTQ nằm mơ cũng không có được. Bất kể các nỗ lực áp đặt dần gia tăng của Bắc Kinh, những quyền như tự do tín ngưỡng, tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tụ tập và đặc biệt là tự do báo chí của người Hồng Kông vẫn được bảo đảm – ít nhất cho tới thời điểm này.
Công dân Hồng Kông được hưởng quyền sở hữu bất động sản trong khi đồng hương của họ bên kia Đại Lục chỉ được mua “quyền sử dụng đất”, vì ĐCSTQ công hữu toàn bộ đất đai. Trong khi người Trung Quốc chỉ được phép biết những thông tin đã qua “phễu lọc” kiểm duyệt khắt khe của truyền thông Nhà nước thì ở Hồng Kông, báo chí miễn phí và rất phong phú, từ New York Post, Apple Daily đến South China Morning Post bằng tiếng Anh, một trong những nguồn thông tin “tốt nhất” về chính trị Trung Quốc. Trên tàu điện ngầm ở Hồng Kông, bạn có thể mua các tờ báo nước ngoài mà ở Đại Lục, chính quyền Bắc Kinh cấm không cho lưu hành, chẳng hạn như Tạp chí Phố Wall Châu Á, International Herald Tribune…
Tuy vậy, Hồng Kông vẫn là một hòn đảo tự do trong bóng tối của gã khổng lồ độc tài, luôn phải sống trong sự thấp thỏm lo âu về một tương lai không đảm bảo lâu dài cho nền dân chủ và tự do. Hơn ai hết, người Hồng Kông hiểu rằng những quyền cơ bản mà họ đang có giống như một lâu đài xây trên cát, và luôn có kẻ nhăm nhe đạp đổ thành trì mỏng manh ấy.
Chính quyền Bắc Kinh dưới thể chế cộng sản độc đảng không thể chấp nhận sự gắn kết ý thức hệ của một bản sắc văn hóa Hồng Kông đi ngược lại quyền lực “danh chính ngôn thuận” của ĐCSTQ. Bất kỳ biểu hiện của một bản sắc văn hóa độc lập, riêng biệt nào đều “được” ĐCSTQ xem như một mối đe dọa cho thể chế độc trị của nó.
Weibo và ứng dụng truyền thông xã hội WeChat được ví như “bánh mì và “bơ phết” của phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, có “hệ sinh thái” Internet riêng biệt nhờ vào “Bức tường lửa tuyệt vời” mà ĐCSTQ sử dụng để kiểm soát mạng xã hội. Muốn truy cập các trang web nước ngoài bị chặn như Facebook và Google từ Trung Quốc Đại Lục, bạn phải sử dụng VPN (mạng riêng ảo).
Ngược lại, Hồng Kông không có “tường lửa”, cũng không cần tới VPN mà vẫn có thể thoải mái truy cập Internet. Người dân Hồng Kông hiếm khi sử dụng các trang web và ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc trừ khi họ cần phải tiến hành các cuộc giao dịch kinh doanh, hoặc nói chuyện với đối tác, bạn bè ở Trung Quốc Đại Lục. Các trang web và ứng dụng truyền thông xã hội phương Tây như Facebook, Gmail, Instagram và Snapchat được sử dụng phổ biến và rộng rãi ở đây.
Ngày 19/8/2019, hai mạng xã hội hàng đầu thế giới là Twitter và Facebook đã đồng thời quyết định xóa bỏ hàng ngàn tài khoản “giả mạo” chỉ trích các cuộc biểu tình tại Hồng Kông. Twitter xác nhận đã đóng cửa 936 tài khoản xuất xứ từ Trung Quốc Đại Lục, lý do là các tài khoản này đã vi phạm “chính sách chống thao túng thông tin”. Facebook cũng xóa bỏ 7 trang, 3 nhóm và 5 tài khoản dính líu đến các hành vi “có phối hợp và không trung thực”, tức là dối trá, như các bài đăng so sánh người biểu tình với loài gián, cáo buộc các nhà báo là tham nhũng và thông đồng với những kẻ “bạo loạn”. Facebook cũng nói thẳng là các tài khoản trên bị đóng là vì có “liên hệ với chính quyền Trung Quốc”.
Động thái quyết liệt của hai mạng xã hội trên đã công khai vạch trần chiến dịch lũng đoạn thông tin, bôi nhọ phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông của chính quyền Bắc Kinh, nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của cả một hệ thống tuyên truyền rộng lớn dựa trên hàng trăm ngàn dư luận viên ẩn danh trên các mạng xã hội.
Theo cuộc khảo sát của ĐH Harvard (Mỹ) vào năm 2016, các dư luận viên, đa số làm việc dưới tên giả, đã đưa lên mạng hơn 480 triệu tin nhắn mỗi năm. Trên mạng Twitter xuất hiện hai loại tài khoản Trung Quốc “ngụy tạo”: Một bên của giới chuyên tấn công các nhà đối lập (kể cả bằng cách chửi rủa), và một bên gồm những người được đào tạo chuyên nghiệp, trong đó có rất nhiều công an mạng, chuyên loan truyền các tin giả.
Các dư luận viên này cũng được rèn luyện để sử dụng tiếng Anh khi Twitter khẳng định rằng, họ đã nhận diện được “một số lượng lớn các tài khoản hoạt động có phối hợp với nhau để khuếch đại thông tin họ đưa về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.”
Guồng máy tuyên truyền kích động chống người biểu tình Hồng Kông của ĐCSTQ vẫn luôn có tác dụng đối với người dân Trung Quốc bởi họ luôn bị phong tỏa thông tin chân thực. Vì vậy, nhiều đồng hương của người Hồng Kông tại Đại Lục tin rằng, động thái của Twitter và Facebook cho thấy “Hoa Kỳ đang khuấy động tình hình tại Hồng Kông”.
Nhiều người khi mới đặt chân đến hòn đảo nằm ở phía đông nam Trung Quốc, đều coi Hồng Kông là một thành phố hiện đại, có xu hướng “Tây hóa” do ảnh hưởng dưới thời “cai trị” của Vương quốc Anh. Nhưng thực tế, Hồng Kông lại là nơi bảo lưu khá nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống Trung Hoa lâu đời trong một xã hội liên tục phải thích ứng với những thay đổi, tạo nên một bản sắc văn hóa giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Ngược lại, Trung Quốc từng được coi là xứ Thần Châu, được mệnh danh là “Lễ nghi chi bang”, các triều đại Trung Quốc thời xưa đều kính Thiên trọng Đạo, được các dân tộc khác nể trọng và kính ngưỡng. Nhưng ngày nay, dễ thấy được những mất mát và hư hoại to lớn về đạo đức, nhân tâm và mọi mặt của đời sống xã hội mà người Trung Quốc phải gánh chịu như chất lượng cuộc sống của người dân bao gồm tinh thần, sức khỏe, đạo đức, tín ngưỡng… đều bị suy thoái. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực, nhân quyền và sự bất tín nhiệm của cộng đồng quốc tế về mặt chính trị.
Chiếm 95% dân số Hồng Kông là người gốc Hoa nên có thể nói văn hóa Hồng Kông mang đậm màu sắc của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Nho gia Trung Quốc ca ngợi “nhân”, ca ngợi “nghĩa”. Phật gia giảng “thiện”, giảng “từ bi”, giảng “nhẫn”, coi trọng sinh mệnh. Đạo gia nhấn mạnh “chân”, nhấn mạnh sự thống nhất hài hòa giữa con người và tự nhiên. Trong hơn 5.000 năm lịch sử của nền văn hóa Trung Hoa, ảnh hưởng của Đạo, Phật, Nho đã thâm nhập đến từng giai tầng của xã hội Hồng Kông.
Ngày nay Hồng Kông vẫn bảo lưu được rất nhiều lễ hội truyền thống dân gian, trong đó có những lễ hội theo nghi thức Đạo giáo như Lễ hội Bánh bao Cheung Chau Bun thỉnh cầu các vị Thần che chở cho hòn đảo. Lễ Phật đản còn được gọi là Lễ hội tắm Phật là một trong những lễ hội tâm linh nhất được tổ chức tại Hồng Kông. Hằng nằm, các Phật tử Hồng Kông lại đón rước xe hoa Phật Đản diễu hành quanh thành phố Hương Cảng. Trong ngày lễ Phật Đản, mọi người dân đều được nghỉ phép như là một ngày nghỉ lễ quốc gia.
Khổng Tử là bậc hiền triết có tầm ảnh hưởng to lớn trong văn hóa truyền thống Trung Hoa và Đông Á. Người Trung Hoa tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Triết học Nho gia của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ“. Để tưởng nhớ công đức của ông, chính quyền Hồng Kông công nhận ngày Chủ nhật trong tuần thứ 3 của mỗi tháng 9 là “Ngày Nho giáo” để kỷ niệm ngày sinh của Khổng Tử (27/8 âm lịch). Các dịp như Tiết Thanh Minh (Ching Ming) và “Lễ hội 9” (Chung Yeung) của người Hồng Kông đề cao sự sùng kính hiếu thảo và thờ cúng tổ tiên như là một trong những nền tảng của Nho giáo được soi chiếu bởi tư tưởng Khổng Tử.
Đối với ĐSCTQ, “thiên mệnh” của Nho gia, “nhân quả báo ứng” của Phật gia, “vô dục vô cầu”, “không tranh với đời” của Đạo gia là chướng ngại ngăn cản Đảng phát động “cuộc đấu tranh giai cấp”. Quan niệm đạo đức mà kinh điển Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo xác lập là chướng ngại cho việc gây dựng quyền uy “đạo đức” của Đảng, cũng là trở ngại cho những vận động chính trị của ĐSCTQ như tạo phản, làm cách mạng, chuyên chính, đàn áp… ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đã hết sức thống hận văn hóa Nho gia. Khổng Tử đề xướng “Văn, Hành, Trung, Tín” bị ĐCSTQ thóa mạ thành “Thầy của mọi lý luận cũ, linh hồn của thế lực ác”.
Ngôn ngữ chính của người Hồng Kông là tiếng Quảng Đông và Tiếng Anh, nhưng người dân nơi đây vẫn sử dụng chữ Hán phồn thể truyền thống, thường để thể hiện nghệ thuật trong thư pháp và được coi là tinh hoa của văn minh Trung Hoa. Người Hồng Kông sử dụng chữ Hán phồn thể truyền thống như một văn tự chính thống của đất nước. Chữ phồn thể bao hàm ý nghĩa thâm sâu và cái đạo mà người xưa truyền lại. Nếu một người biết chữ Hán phồn thể thì có thể đọc được bất kỳ văn tự Trung Hoa nào được viết trong 2.000 năm trở lại đây, điều đó nói lên rằng chữ phồn thể là một phần không thể thiếu trong truyền thống người Hoa.
Năm 1950, ĐCSTQ đã cải cách chữ Hán phồn thể thành chữ giản thể trên quy mô lớn. Chính vì vậy, người dân Trung Quốc sinh sau thập niên 1960 đã không thể đọc hiểu được các thư tịch cổ, và tạo ra sự đứt gãy văn hóa truyền thống. Mỗi chữ Hán phồn thể là sự kết tinh tri thức bác đại tinh thâm của văn hóa cổ xưa và thể hiện hồn của một dân tộc, trong khi chữ giản thể giống như một ký hiệu, giản mà không tinh và còn phá hoại nội hàm của hệ thống văn tự. Chữ Hán giản thể mất đi nhiều nét, tựa như người hiện đại đánh mất nội hàm chân chính làm người.
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, chữ giản thể được sử dụng rộng rãi, và cũng là thứ ký hiệu thể hiện rõ nhất xã hội Trung Quốc đương thời: Văn hóa truyền thống bị hủy hoại, đạo đức suy thoái, xã hội hỗn loạn, con người thì thiển cận…
Kinh kịch được coi là một trong những quốc tuý của Trung Hoa. Vũ đài kinh kịch là sự tổng hòa của văn học, biểu diễn, âm nhạc, thanh nhạc, chiêng trống, hóa trang, bộ mặt từng nhân vật. Đó là một loại hình nghệ thuật thể hiện sự hợp nhất giữa “Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, múa” để thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật. Trải qua các đời nhà Đường, nhà Tống, nhà Thanh cho tới nay, Kinh kịch vẫn giữ nguyên giá trị vốn có.
Bất chấp sự cạnh tranh của nhiều hình thức giải trí hiện đại, nghệ thuật trình diễn đậm tính truyền thống Trung Hoa này, mà tiêu biểu là kinh kịch Quảng Đông vẫn tiếp tục được lưu truyền và bảo tồn nguyên vẹn ở Hồng Kông như là một loại hình nghệ thuật tinh túy, mang tính quốc bảo.
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, âm nhạc được coi là một cách để kiềm chế dục vọng của con người. Thời Trung Quốc cổ đại, người quân tử học nhạc để tu tâm dưỡng tính. “Kẻ sĩ không vô cớ vứt bỏ đàn”, “Quân tử đánh đàn đều cẩn thận thân tâm, không để sa vào hình thức”, có thể thấy đàn không phải chỉ là nhạc cụ, mà còn phản ánh tâm cảnh của người quân tử. Lý giải sâu sắc đối với nội hàm đạo đức của nghệ thuật âm nhạc, các đế vương thời cổ đại đều rất coi trọng lễ nhạc, họ coi đây là phương pháp trị quốc an bang.
Nhưng ĐCSTQ sử dụng âm nhạc và lợi dụng nghệ thuật truyền thống như một phương pháp để tẩy não người dân. Âm nhạc mà Đảng tuyên truyền là thứ gọi là “tình cảm cách mạng” tràn đầy bạo lực, tàn bạo, được người dân Trung Quốc hát từ lớp mẫu giáo cho đến lên đại học và đi suốt cả cuộc đời.
Trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa đều bị hủy hoại, ngoài việc phá tứ cựu, ĐCSTQ lại ăn trộm các làn điệu dân gian cổ xưa và thay thế lời nguyên gốc bằng những lời ca ngợi Đảng, các bộ kinh kịch mẫu cũng không nằm ngoài việc bị thôn tính và bóp méo ca từ, đều là ca tụng cái “công đức” của ĐCSTQ. Khi hát theo những bài hát này, hoặc xem những bộ kinh kịch, người dân Trung Quốc đã chấp nhận một cách vô thức ý nghĩa ca từ ca ngợi Đảng mà ĐCSTQ tuyên truyền và đánh đồng đấy là văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Người Hồng Kông luôn trân trọng lưu giữ những bài thuốc cổ truyền tinh hoa của người xưa để lại. Các quầy thuốc – nơi pha chế thảo dược của y học cổ truyền ở Hồng Kông luôn tấp nập người ra vào. Đối với người dân hòn đảo này, thuốc Tây chưa bao giờ có “vị thế” để có thể thay thế hoàn toàn được những bài thuốc cổ truyền. Các thống kê cho thấy, trong tổng số các tư vấn y tế tại Hồng Kông thì chiếm đến hơn 1/5 tư vấn đến từ y học cổ truyền.
Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động cuộc “Cách mạng Văn hóa” và kéo dài trong 10 năm, đã phá hoại nặng nề không chỉ các di tích văn hóa, di tích lịch sử và sách cổ mà còn cả những giá trị vô hình như quan điểm truyền thống về đạo đức, cuộc sống và thế giới liên quan đến tất cả các khía cạnh đời sống nhân dân.
Tháng 8/1966, ngọn lửa của “Phá Tứ cựu” – phá bỏ quan niệm, văn hóa, phong tục và thói quen cũ đã bùng cháy trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Những thứ bị xem là thuộc “chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xét lại”, các đền chùa Phật giáo, Đạo giáo, các tượng Phật, danh thắng cổ tích, tranh thư pháp, hội họa và các tác phẩm mỹ thuật cổ đã trở thành những mục tiêu phá hủy của Hồng vệ binh.
Tại phủ Khổng Tử ở Khúc Phụ, hơn 6.000 loại văn vật bị phá hủy, hơn 2.700 sách cổ bị đốt, số tranh chữ là hơn 900 bản, hơn 1.000 bia đá cùng nhiều bảo vật quốc gia xếp vào loại cần bảo tồn cấp 1 cũng bị hủy hoại. Rất nhiều phương pháp bí truyền, trong đó có cách chữa trị cổ truyền trong sách cổ cũng bị tàn theo tro bụi.
Là một trong những thành phố năng động nhất thế giới, Hồng Kông hướng tới tương lai nhưng cũng luôn trân trọng quá khứ. Hòn đảo này cũng là nơi bảo tồn khá nhiều di tích lịch sử, trong đó có những di tích rất cổ xưa như các ngôi mộ cổ từ thời triều đại Đông Hán (25-220), những ngôi làng có niên đại từ thế kỷ 13, các di tích thời Thế chiến thứ 2. Tất cả những di tích này nằm trong tổng thể câu chuyện kể về hành trình của một Hồng Kông từ khi còn là một đảo làng chài hoang vắng, cằn cỗi, một tiền đồn xa xôi của Đế chế Anh, cho đến lúc thành ngã tư giao thoa văn hóa và trung tâm tài chính của thế giới.
Không lâu sau khi thành lập chính quyền, ĐCSTQ bắt đầu phá hủy các đền chùa, đốt kinh thư và bắt các tăng ni Phật tử phải hoàn tục, cũng như phá hủy triệt để các địa điểm tôn giáo khác. Những năm 1960, hiếm có địa điểm tôn giáo nào còn tồn tại ở Trung Quốc. Chùa Lạng Thiên ở huyện Chu Chí tỉnh Thiểm Tây tương truyền là nơi Lão Tử từng giảng Đạo có hơn 50 di tích lịch sử đều đập phá, hủy hoại. Văn Miếu (Cát Lâm) là một trong bốn ngôi miếu nổi tiếng của Nho giáo ở Trung Quốc, trong phong trào “Phá Tứ Cựu” cũng bị phá hoại nghiêm trọng.
Tại các thánh địa của Đạo giáo trong núi Lao Sơn ở tỉnh Sơn Đông, Thái Bình Cung, Thượng Thanh Cung, Hạ Thanh Cung, Đấu Mỗ Cung, Hoa Nghiêm Am, Ngưng Chân Quan, Quan Đế Miếu, ‘tượng thánh, bình cúng tế, cuốn kinh Phật, di vật văn hóa, và miếu bia tất cả đều đã bị đập tan và đốt trụi… Ngay cả miếu thờ Khổng Tử đầy tôn kính ở Sơn Đông cũng bị Hồng vệ binh xâm hại nghiêm trọng. Hơn 100.000 cuốn sách cổ đã bị đốt trụi. Hơn 1000 pho tượng Phật chạm khắc ngọc lưu ly trên đỉnh Núi Vạn Thọ trong Di Hòa Viên ở Bắc Kinh tất cả đều bị hư hại, không có pho tượng nào còn nguyên ngũ quan nữa.
Gần đây, ĐCSTQ vẫn tiếp tục phá hủy các nhà thờ Thiên Chúa giáo, kéo đổ thập tự giá, phá hủy Thánh địa Phật giáo lớn nhất thế giới Larung Gar ở Tây Tạng… cũng chỉ là câu chuyện được kể tiếp về lịch sử đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng kinh hoàng ở quốc gia cộng sản này.
Tín ngưỡng của người Trung Hoa là một phần không thể thiếu trong văn hóa Hồng Kông và có liên hệ với vai trò lúc ban sơ khi hòn đảo này còn một làng chài hoang vắng. Thiên Hậu – Thần bảo hộ những người đi biển, đã được tôn thờ ở nhiều đền thờ khắp lãnh thổ Hồng Kông suốt hơn 300 năm qua. Hồng Thánh – một vị thần bảo hộ những người đi biển khác, cũng được tôn thờ trong nhiều thế kỷ.
Kể từ thế kỷ 19, Hồng Kông trở thành ngã tư của thế giới. Những người di cư từ khắp nơi trên thế giới đã không chỉ mang lại sự sầm uất cho thành phố cảng, mà còn cả đức tin đa dạng nữa, nơi mà những nhà thờ Thiên Chúa giáo cùng tồn tại với các ngôi chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các ngôi đền Sikh, nhà thờ Hồi giáo và giáo đường Do Thái. Trên toàn lãnh thổ Hồng Kông có tới hơn 600 ngôi đền, chùa, tu viện và thánh đường.
Dưới thời “cai trị” của Anh, Hồng Kông được hưởng mức độ tự do tôn giáo cao, một quyền được gìn giữ thiêng liêng và được bảo vệ thông qua bản Hiến pháp: Luật Cơ bản. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao Hồng Kông lại có nhiều tôn giáo đến như vậy: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo… nhưng nhiều nhất vẫn là Phật giáo. Khoảng 90% dân số Hồng Kông theo Phật giáo, 7% theo Kitô giáo, Công giáo và Tin lành. Phần còn lại gồm các tín đồ Mormon, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Sikh giáo và Baha’i’ .
Với việc chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, nhiều người đã tỏ ra lo ngại về quyền tự do tôn giáo ở Hồng Kông. Dù ĐCSTQ vu khống và đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, nhưng các học viên Pháp Luân Công vẫn được tự do thực hành tu luyện ở Hồng Kông. Tương tự, Hồng Kông cũng là nơi duy nhất ở Trung Quốc mà những người truyền giáo từ Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (Nhà thờ Mormon) có thể tu hành. Ở Hồng Kông, Giáo hội Công giáo được tự do bổ nhiệm các giám mục, linh mục của mình, nhưng ở Trung Quốc Đại Lục, các Giám mục và linh mục đều do ĐCSTQ bổ nhiệm.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa cổ xưa là một nền văn hóa bao dung, Nho – Phật – Đạo, tam giáo cùng tồn tại, Thiền Tông, Tịnh độ, Thiên Thai, Hoa nghiêm.. các tông phái khác nhau trong Phật giáo cùng tồn tại; ở phương Tây có Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Chính Thống giáo Đông Phương, Do Thái giáo, Hồi giáo… cũng đều hòa hợp với văn hóa Trung Hoa. Đây là biểu thị sự dung nạp to lớn như biển cả có thể chứa hàng trăm con sông của người Trung Hoa xưa, với tinh thần “Dĩ hòa vi quý”. Tuy nhiên tư tưởng bao dung này lại đối lập với tư tưởng đấu tranh của ĐCSTQ, nên đã trở thành đối tượng bị tiêu diệt của Đảng.
Sau khi ĐCSTQ cướp chính quyền đã cưỡng chế quảng bá giáo dục “Lịch sử phát triển xã hội”, phá hoại môi trường tín Thần, miêu tả những người tu hành như những kẻ xuẩn ngốc, vô tri, mê tín…Nhiều tôn giáo ở Trung Quốc đã bị tan rã dưới sự đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ. Những người là tinh hoa chân chính của Phật giáo và Đạo giáo đã bị đàn áp và giết hại. Những người còn lại, hoặc quay trở lại cuộc sống trần tục, hoặc là những Đảng viên Cộng sản hoạt động bí mật chuyên mặc áo cà sa, áo choàng đạo sĩ hay áo dài linh mục để bóp méo Kinh Phật, Đạo giáo và Kinh Thánh và để tìm cách biện hộ cho các hành động của ĐCSTQ trong những học thuyết này.
Tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử đàn áp người tu luyện phải kể đến cuộc thảm sát man rợ mà ĐCSTQ thực thi với Pháp Luân Công. Môn tu dưỡng tinh thần này lấy “Chân – Thiện – Nhẫn” làm nền tảng, mang lại một trạng thái thăng hoa cả về sức khỏe và tinh thần cho người tập luyện đã trở thành mục tiêu đàn áp và thanh trừ của chính quyền Trung Quốc từ năm 1999. Niềm tin vào Thần Phật của các học viên Pháp Luân Công hoàn toàn trái ngược với quan niệm vô Thần mà ĐCSTQ tuyên truyền suốt 70 năm qua.
Khi văn hóa truyền thống bị phá hủy, tất yếu sẽ dẫn đến đạo đức con người suy bại, xã hội nhiễu nhương, điều này phản ánh rõ nét tại cuộc biểu tình phản đối Luật dẫn độ, đòi dân chủ của người Hồng Kông và biểu tình yêu nước của người Trung Quốc.
Đón xem Kỳ IV: Hồng Kông: Dũng khí và Niềm tin
Anh Minh
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…