Hoa Kỳ cấm nhập cảnh thủ phạm bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ bị sốc
- Minh Ngọc
- •
Tháng 7/2019, những người tập Pháp Luân Công đã đệ trình danh sách những thủ phạm bức hại pháp môn này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm đề nghị phía Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực và đưa họ vào danh sách hạn chế nhập cảnh theo pháp luật hiện hành. Các quan chức Hoa Kỳ cũng khẳng định đã nhận được thông báo và sẽ tiến hành xử lý theo luật. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ rằng nhiều người đã bị từ chối visa Mỹ vì bức hại Pháp Luân Công.
Người tập Pháp Luân Công đã đệ trình danh sách những kẻ bức hại lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. (Ảnh: Getty Images)
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình NTDTV, Nhà bình luận chính trị người Mỹ, ông Yokogawa, nói rằng đây sẽ là một cú sốc lớn đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người vẫn đang tham gia bức hại Pháp Luân Công cũng như vi phạm nhân quyền khác. Điều đáng nói hơn nữa là thông tin này sẽ khuyến khích nhiều nạn nhân khác đứng ra vạch trần tội ác của ĐCSTQ.
Hồi tháng 5/2019, trang web chính thức của Pháp Luân Công ở hải ngoại là Minh Huệ (Minghui.org) đưa tin, quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo cho một số nhóm tôn giáo và tín ngưỡng về việc Chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét nghiêm ngặt các đơn xin thị thực, đồng thời từ chối cấp thị thực cho những thủ phạm đàn áp nhân quyền và tôn giáo, ngay cả những ai sở hữu thẻ xanh hay từng được cấp thị thực trước đó cũng có thể bị từ chối nhập cảnh. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng thông báo cho người tập Pháp Luân Công tại Mỹ rằng họ có thể đệ trình danh sách những thủ phạm tham gia bức hại pháp môn này.
Theo đó, ngày 23/7, trang Minh Huệ chính thức thông báo về việc nhóm Pháp Luân Công đệ trình danh sách một số thủ phạm tham gia bức hại lên Chính phủ Hoa Kỳ. Trong danh sách này có những người đứng đầu các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, nhân viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật ở tất cả các cấp, Trưởng Phòng 610 và nhân viên, các bác sĩ tham gia thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công, lãnh đạo hệ thống nhà tù, trại lao động, còn có thẩm phán, cảnh sát, nhân viên an ninh… Có những người trực tiếp thực hiện bức hại, và có những người đứng ở cương vị ra chính sách và ban hành mệnh lệnh. Đáng chú ý trong số đó là ông Lưu Vân Sơn, người từng đứng đầu Ban Tuyên truyền của ĐCSTQ và ông Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc.
Phía Bộ Ngoại giao cũng xác thực đã nhận được và sẽ tiến hành xem xét, xử lý theo luật pháp. Quan chức Bộ Ngoại giao còn khẳng định Minghui.org là một nguồn tin đáng tin cậy và có thể sử dụng được. Bộ Ngoại giao còn nói rằng những năm gần đây, nhiều người Trung Quốc đã bị từ chối cấp thị thực vì bức hại Pháp Luân Công, thậm chí vợ con của họ cũng phải chịu sự trừng phạt tương tự.
Ông Yokogawa cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ thông tin lần này có ý nghĩa rất to lớn. Chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ rằng trước khi người tập Pháp Luân Công đệ trình danh sách thủ phạm bức hại, phía Hoa Kỳ đã từng từ chối cấp thị thực cho nhiều người tham gia đàn áp. Điều này cho thấy từ lâu Chính phủ Hoa Kỳ đã chú ý đến vấn đề này. “Trong những trường hợp thông thường, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không tiết lộ lý do từ chối cấp thị thực. Nhưng hiện nay Bộ Ngoại giao đã chủ động thông báo, cho thấy rõ rằng chính phủ Hoa Kỳ hết sức nghiêm túc khi xem xét vấn đề này,” ông Yokogawa nhận định.
Ông Yokogawa cũng nói, hầu hết các trường hợp bức hại đăng tải trên Minghui.org là do nạn nhân hoặc nhân chứng trực tiếp cung cấp thông tin. “Hiện tại Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công khai xác nhận tính đáng tin cậy của Minghui.org, do đó đối với những thủ phạm bức hại bị phơi bày trên trang web này, có tác dụng chấn nhiếp rất lớn.”
Quan chức Chính phủ Hoa Kỳ còn cho hay, số lượng nhân sự tại các văn phòng có liên quan đến việc xem xét hạn chế cấp thị thực cho thủ phạm đàn áp nhân quyền ở các quốc gia khác nhau cũng đã tăng lên gấp đôi. Thêm nữa, hiện có tới 28 quốc gia đã xây dựng hoặc đang chuẩn bị xây dựng Đạo Luật Magnitsky Toàn cầu tương tự Hoa Kỳ, nhằm từ chối thị thực và đóng băng tài sản ở nước ngoài của những ai đàn áp nhân quyền. Đây chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào vấn đề vi phạm nhân quyền ĐCSTQ, đồng thời thắp lên ngọn lửa hy vọng cho người dân Trung Quốc tiến tới tự do dân chủ và tự do tín ngưỡng.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Bức hại Pháp Luân Công Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Dòng sự kiện hạn chế thị thực vào Mỹ