Ngày 27/10, ông Khương Duy Bình, người có thâm niên trong giới truyền thông ở Canada đã có nhận định về bố cục nhân sự Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và vấn đề tương lai chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Tác giả cho rằng, việc ông Hàn Chính bị đưa về Bắc Kinh là “điệu hổ ly sơn”, để ông Hàn Chính “va chạm” ông Lý Khắc Cường. Hiện nay địa bàn Thượng Hải do thân tín của ông Tập Cận Bình kiểm soát, việc chống tham nhũng tập trung vào phe cánh ông Giang Trạch Dân (phái Giang) sẽ thuận hơn.
Trong bài nhận định “Bắt con của Giang Trạch Dân, đừng chần chừ!”, tác giả Khương Duy Bình cho biết, ông Hàn Chính vào Ban Thường vụ có thể nhậm chức Phó Thủ tướng thường trực, cũng có thể làm Chủ tịch Chính hiệp, nhưng việc “điệu hổ ly sơn” khỏi sào huyệt Thượng Hải đã chinh chiến nhiều năm là thực tế không có gì phải tranh cãi.
Nhiều nhận định cũng chỉ ra, hai thành phố quan trọng nhất Trung Quốc là Thượng Hải và Bắc Kinh, nhưng về mặt kinh tế thì Thượng Hải quan trọng hơn Bắc Kinh, vì thế trong việc đẩy mạnh chống tham nhũng ở Thượng Hải, kết cục phái Giang ở đây đang là ẩn số.
Hiện nay Bí thư tỉnh Giang tô Lý Cường đã tiếp quản vị trí Bí thư Thượng Hải thay ông Hàn Chính. Theo lý lịch công khai, ông Lý Cường từng là Thư ký trưởng và sau đó là Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang, từng là cộng sự của ông Tập Cận Bình nhiều năm, vì thế có thể “đây sẽ là cột mốc đánh dấu ông Tập Cận Bình kiểm soát địa bàn Thượng Hải”.
Ông Khương Duy Bình cho rằng, sau chuyện này, kế hoạch chống tham nhũng tại Thượng Hải sẽ tiến được thêm một bước trong tiếp cận con cháu của ông Giang Trạch Dân: “Qua những thông tin bùng nổ liên quan đến ông doanh nhân Quách Văn Quý đã khẳng định con và cháu ông Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng và Giang Chí Thành thao túng nhiều lợi ích tại Thượng Hải. Việc nhìn bề ngoài tại Đại hội 19, ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình ngồi cùng nhau không chứng tỏ thanh kiếm chống tham nhũng sẽ bỏ qua thân thích của họ. Vì ông Tập Cận Bình nói rất rõ, “chống tham nhũng không có vùng cấm, góc chết…”
Trên Đài Phát thanh Hy Vọng, nhà bình luận Hoa Pha cũng có cùng nhận định: “Địa bàn ông Hàn Chính thao túng quá quan trọng. Ông Tập Cận Bình muốn thâu tóm trung tâm kinh tế Thượng Hải nên lần này mới đưa Hàn Chính về trung ương để đưa người của mình phụ trách Thượng Hải. Trung Quốc có câu tục ngữ: Thà làm đầu gà, không làm đuôi phượng. Ông Hàn Chính vào Ban Thường vụ không còn sức ảnh hưởng chính trị bằng làm Bí thư Thượng Hải.”
Quan điểm này cũng được nhiều người tán đồng, theo đó cho rằng dù ông Hàn Chính làm Phó Thủ tướng thường trực hay phụ trách Chính hiệp thì quyền lực mãi mãi không thể bằng ở Thượng Hải, quyền lực ở Thượng Hải là thực quyền, kế “điệu hổ ly sơn” này cũng là làm cho ông Hàn Chính và ông Lý Khắc Cường đụng độ nhau.
Như vậy, sau khi ông Lý Cường vào Bộ Chính trị và nhậm chức Bí thư Thượng Hải, trong 4 thành phố trực thuộc trung ương thì có đến 3 nơi do những cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình nắm giữ.
Ông Lý Cường (58 tuổi) là cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình ở Chiết Giang. Từ 2002 – 2007 ông Tập Cận Bình nắm quyền ở Chiết Giang, năm 2004 Lý Cường được đề bạt chức Thư ký trưởng Ủy ban tỉnh Chiết Giang, trở thành thư ký số một của Bí thư Tỉnh ủy Tập Cận Bình, tháng 9/2005 vào Ban Thường vụ Ủy ban tỉnh Chiết Giang.
Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ tại Đại hội 18, ông Lý Cường được đề bạt lên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang, Tỉnh trưởng tạm quyền, rồi lên Tỉnh trưởng. Cuối tháng Sáu năm ngoái, Lý Cường thay quan to La Chí Quân (phái Giang), nhậm chức Bí thư tỉnh Giang Tô; còn ông La Chí Quân bị giáng chức về hệ thống Nhân đại.
Đến đây, trong 4 thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân thì có 3 nơi do thân tín của ông Tập Cận Bình nắm quyền. Trong đó ông Trần Mẫn Nhĩ phụ trách ở Trùng Khánh, ông Thái Cơ phụ trách Bắc Kinh.
Ông Trần Mẫn Nhĩ (57 tuổi) cũng là cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình. Thời ông Tập phụ trách Chiết Giang thì ông Trần Mẫn Nhĩ làm Giám đốc Sở Tuyên truyền tại tỉnh này. Sau Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Trần Mẫn Nhĩ lần lượt làm Tỉnh trưởng và Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu; tháng 7/2017 thay ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa” ở Trùng Khánh. Tại Đại hội 19, ông Trần Mẫn Nhĩ đã nằm trong nhóm 25 Ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Thái Cơ (61 tuổi) là cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình ở Phúc Kiến và Chiết Giang, có quan hệ cấp trên cấp dưới gần 20 năm với ông Tập Cận Bình. Sau Đại hội 18, Thái Cơ lần lượt nhậm chức Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Chiết Giang, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Văn phòng Ủy ban An toàn quốc gia; tháng Mười năm ngoái nhậm chức Phó Bí thư Bắc Kinh, cuối tháng Mười cùng năm thay thế quan to phái Giang là Vương An Thuận nhậm chức Thị trưởng Bắc Kinh; tháng Năm năm nay nhậm chức Bí thư Ủy ban thành phố Bắc Kinh.
Tại Đại hội 19 Thái Cơ được thăng liền “ba cấp” trở thành Ủy viên Bộ Chính trị (không phải Ủy viên trung ương khóa 18, cũng không phải Ủy viên dự khuyết trung ương)
Ngoài ra, Bí thư thành phố Thiên Tân Lý Hồng Trung cho dù có bối cảnh phái Giang, nhưng trong cuộc đấu Giang – Tập, từng nhiều lần thể hiện thái độ ủng hộ “Tập hạt nhân”, bị xem là quan to tiêu biểu “phản bội” phái Giang, quy phục phái Tập. Tháng Chín năm ngoái, sau khi ông Hoàng Hưng Quốc, Thị trưởng, Bí thư tạm quyền thành phố Thiên Tân “ngã ngựa”, ông Lý Hồng Trung nhậm chức Bí thư Ủy ban thành phố Thiên Tân. Tại Đại hội 19, ông Lý Hồng Trung cùng 3 cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình kể trên cùng vào ủy viên Bộ Chính trị khóa mới.
Reuters đưa tin, sau khi Lý Cường nhậm chức ở Thượng Hải, cả 4 thành phố trực thuộc trung ương đồng loạt do “thân tín” của ông Tập Cận Bình nắm quyền.
Ông Hàn Chính tại Thượng Hải được cho là người phát ngôn của gia tộc Giang Trạch Dân, liên quan đến nhiều vụ án tham nhũng của gia tộc nhà Giang. Năm 2006, trong vụ cách chức và điều tra tham nhũng đối với Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ, nhiều thông tin đã chỉ ra ông Hàn Chính cũng có liên quan…
Tờ Epoch Times có nhận định, việc ông Hàn Chính lần này rời Thượng Hải về trung ương chưa hẳn đã an toàn. Thực tế, thông tin ông Hàn Chính sẽ rời Thượng Hải đã được nhiều nhà quan sát nhận định từ trước.
Dĩ nhiên ông Giang Trạch Dân không muốn ông Hàn Chính rời Thượng Hải. Ngày 22/11/2013, Reuters từng dẫn một ý kiến chỉ ra, ông Giang Trạch Dân muốn ông Hàn Chính ở Thượng Hải để chăm sóc địa bàn giúp mình. Vì chỉ cần cơ nghiệp của cháu trai ông Giang sụp đổ thì có thể kéo cả gia tộc nhà Giang sụp theo.
Nhiều nhận định cho rằng, việc ông Hàn Chính bị điều đi khiến gia tộc nhà Giang tại Thượng Hải có thể xảy ra chuyện lớn. Ngày 25/10, một bài viết tựa “Ai sẽ đổ đầu tiên sau Đại hội 19?” có dự đoán, nếu sau Đại hội 19 mà ông Hàn Chính xảy ra chuyện thì rất nghiêm trọng, vì chắc chắn sẽ có giông tố thanh trừng trong quan trường Thượng Hải và tình trạng sụp đổ của gia tộc Giang Trạch Dân.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…