Ngày 16/12, ông Lương Tiểu Quân, một luật sư có tiếng ở Bắc Kinh, chính thức bị nhà chức trách thu hồi giấy phép hành nghề. Văn bản trừng phạt do Bộ Tư pháp đưa ra đối với ông Lương đã trở thành bằng chứng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng việc Sở Tư pháp Bắc Kinh thu hồi giấy phép của luật sư Lương Tiểu Quân là bất hợp pháp.
Tối ngày 16/12, ông Lương Tiểu Quân viết trên Twitter: “Những gì đến đã đến! Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh đã vội vàng gửi ‘Quyết định xử phạt hành chính’ tước giấy phép hành nghề vào hòm thư của tôi trước khi tôi hết giờ làm.”
Sở Tư pháp Bắc Kinh nêu rõ trong quyết định tước giấy phép hành nghề chính thức rằng ông Lương Tiểu Quân “Với tư cách là giám đốc và luật sư toàn thời gian của Công ty Luật Bắc Kinh Daoheng (Đạo Hoành), ông Lương Tiểu Quân đã nhiều lần công khai phủ nhận bản chất X giáo của ‘Pháp Luân Công’ và ủng hộ ‘Pháp Luân Công’, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times vào ngày 16/12, ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cho biết việc ông Lương Tiểu Quân bị tước giấy phép “một lần nữa chứng minh cho thứ gọi là pháp quyền của ĐCSTQ hoàn toàn không tồn tại pháp quyền.” Việc Sở Tư pháp Bắc Kinh tước giấy phép của ông Lương Tiểu Quân và định tính về Pháp Luân Công đều là bất hợp pháp.
Ông Ngô Thiệu Bình nói rằng đây là lần đầu tiên ông ấy nhìn thấy thứ định nghĩa này về Pháp Luân Công trong các tài liệu của cơ quan tư pháp thành phố. “Hiện giờ không chỉ Bộ Công an, mà trong tất cả văn bản của các cơ quan chính phủ ở cấp quốc gia, đều không xếp Pháp Luân Công vào tổ chức X giáo dưới hình thức văn bản công khai. Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh, dựa vào điều gì mà dám định tính như vậy?”
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào tháng 7/1999. Lo sợ rằng số lượng học viên Pháp Luân Công vượt quá đảng viên ĐCSTQ và nguyên tắc tu luyện “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công khác với triết lý của ĐCSTQ, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã tự ý phát động cuộc đàn áp, bất chấp sự phản đối của các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị còn lại.
Mặc dù, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài 22 năm, nhưng đến nay chính quyền vẫn không liệt kê Pháp Luân Công vào danh sách 14 tà giáo mà Quốc vụ viện và Bộ Công an ĐCSTQ đã xác nhận.
Ông Ngô Thiệu Bình nói: “Liệu Pháp Luân Công có phải là X giáo hay không, điều này cần phải có sự phán xét của pháp luật và sự thật.” Hơn nữa, cần phải có một quá trình tranh luận.
Ông Ngô Thiệu Bình từng bào chữa cho nhiều vụ án của học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục. Ông nói rằng Pháp Luân Công là một nhóm ôn hòa, “Chúng tôi từng tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công, và hiểu nhóm này rất rõ. (Họ) rất ôn hòa, lý trí … Đó là một nhóm có đức tin và sự kiên định. Các học viên Pháp Luân Công chỉ đang nói sự thật. Trên thực tế, điều họ (ĐCSTQ) sợ nhất là các học viên Pháp Luân Công nói sự thật. Đối với ĐCSTQ, nói lên sự thật về họ là có tội.”
Ông ấy nói rằng dán nhãn Pháp Luân Công là tà giáo là một tội ác.
“Họ muốn cố tình gán tội cho bạn, đúng vậy không?”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích ĐCSTQ đã dán nhãn Pháp Luân Công và các nhóm khác là “tà giáo”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố trong “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế” năm 2017 như sau: “Năm 2017, các nhà chức trách đã bắt giữ và truy tố ít nhất 50 người (học viên Pháp Luân Công) với danh nghĩa ‘lợi dụng tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật.'”
“Luật Hình sự (của ĐCSTQ) định nghĩa một nhóm bị cấm là ‘tổ chức tà giáo’ và các thành viên của nhóm này có thể bị kết án tù chung thân.” Tuy nhiên, “ĐCSTQ không quy định rõ ràng về cách đưa ra phán quyết dựa trên định nghĩa này, và cũng không có quá trình thẩm tra”, báo cáo cho biết.
Freedom House, một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng ở Washington, DC. tuyên bố rằng Pháp Luân Công không có đặc điểm của một tà giáo. Đồng thời trích dẫn ý kiến của các học giả, rằng ĐCSTQ gán nhãn cho Pháp Luân Công là “tà giáo” nhằm đánh lừa dư luận.
Báo cáo cho biết, “David Ownby, một học giả nổi tiếng nghiên cứu về các tôn giáo Trung Quốc, đã chỉ ra rằng: ‘Ngay từ đầu việc dán nhãn Pháp Luân Công là tà giáo đã gây hiểu lầm. Do vậy chính quyền ĐCSTQ đã rất xảo quyệt khi sử dụng luận điệu này hòng xóa bỏ sức hút của Pháp Luân Công. Nhóm người này vẫn đang hoạt động khá hiệu quả bên ngoài Trung Quốc.'”
Ngày 14/12, tại phiên điều trần về vụ án thu hồi giấy phép hành nghề của luật sư Lương Tiểu Quân, trong lời biện hộ của mình, ông Tạ Yến Ích – luật sư đại diện của ông Lương Tiểu Quân, đã chỉ ra rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là sai trái.
Luật sư Tạ Yến Ích nói: “Việc sử dụng Điều 300 của Luật Hình sự để kết tội và trừng phạt Pháp Luân Công là một điều luật sai trái và vi phạm nguyên tắc về quy trình định tội. Đồng thời vi phạm các hệ thống và nguyên tắc cơ bản về tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, chủ quyền của nhân dân, bảo vệ nhân quyền và pháp quyền được quy định trong Hiến pháp.”
Theo thống kê chưa đầy đủ từ trang Minghui.org, từ tháng 1-10/2021, 101 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại và đã qua đời trong oan uổng. Vào tháng 11, ít nhất 63 học viên Pháp Luân Công mới đã bị ĐCSTQ kết án bất hợp pháp.
Trong 10 năm qua, luật sư Lương Tiểu Quân đã bào chữa cho nhiều vụ án nhạy cảm như Pháp Luân Công. Các vụ án điển hình gồm trường hợp 11 người. Trong đó có học viên Pháp Luân Công Hứa Na, một họa sĩ tại Bắc Kinh, đã bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ.
Ngày 19/7/2020, Hứa Na bị bắt tại nhà, vì đã gửi ảnh và các thông tin khác cho thời báo Epoch Times về việc chính quyền Trung Quốc thực hiện các biện pháp hạn chế trong đại dịch COVID-19 tại Bắc Kinh.
Sau khi làm luật sư bào chữa cho vụ việc của Hứa Na, luật sư Lương Tiểu Quân đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình trên Twitter. Ví dụ:
Ngày 25/11/2020, ông viết trên Twitter: “Năm 2008 … Hứa Na và Vu Trụ, chồng cô ấy, một nhạc sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, cùng bị bắt và bị giam ở trại giam Thông Châu, Bắc Kinh. Vài ngày sau, Vu Trụ chết trong trại giam. Vài tháng sau, Hứa Na bị kết án 3 năm tù giam. Đến nay cô ấy vẫn chưa được nhìn thấy thi thể của chồng mình, và không thể điều tra rõ nguyên nhân cái chết.”
Vu Trụ, chồng của Hứa Na là một học viên Pháp Luân Công. Cuối tháng 1/2008, ngay vào đêm trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, sau khi cảnh sát khám xét và tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công trên xe, Vu Trụ đã bị ĐCSTQ bắt giữ. Sau khi bị giam giữ bất hợp pháp trong 11 ngày, anh ấy đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết khi mới 42 tuổi.
“Nhiệm vụ của luật sư là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ, chứ không phải là cây gậy của đảng.”
Về quyết định của Sở Tư pháp Bắc Kinh rằng các luật sư nên “ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ”, luật sư Ngô Thiệu Bình nói: “Đây hoàn toàn là gông cùm chính trị áp đặt lên các luật sư. Trung thành với đảng có nghĩa là bạn ủng hộ hệ thống và chế độ độc tài của ĐCSTQ. Đây mới là mục đích cơ bản của nó. Vì vậy, ĐCSTQ muốn các luật sư trở thành người máy ủng hộ ĐCSTQ và trở thành người đấu tranh cho nó.”
“Là một luật sư có lương tâm, đặc biệt là luật sư nhân quyền, ông ấy sẽ không đồng ý với vai trò như vậy. Luật sư là một con người, chứ không phải là cây gậy của đảng. Họ (ĐCSTQ) muốn nhào nặn một luật sư thành cây gậy của ĐCSTQ.”
Ông cho biết theo “Luật Luật sư”: “Nghĩa vụ quan trọng của luật sư là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự; (Luật sư) là nhân viên công tác xã hội, sử dụng các kỹ năng nghề nghiệp, để cung cấp dịch vụ pháp lý cho đương sự.”…
Về lý do đằng sau việc Sở Tư pháp Bắc Kinh thu hồi chứng chỉ luật sư của ông Lương Tiểu Quân, luật sư Ngô Thiệu Bình tin rằng không chỉ vì ông ấy bào chữa cho các vụ án Pháp Luân Công, mà còn suốt một thời gian dài ông ấy đã bào chữa cho các vụ án bảo vệ nhân quyền nhạy cảm khác…
Ngày 14/12, Sở Tư pháp Bắc Kinh đã tổ chức một buổi điều trần về đề xuất đình chỉ giấy phép của ông Lương Tiểu Quân tại Trung tâm Dịch vụ Pháp lý Bắc Kinh. Trong phiên điều trần này, các nhà chức trách bị cáo buộc chỉ làm cho đủ thủ tục.
Sau phiên điều trần, ông Lương Tiểu Quân tweet rằng Sở Tư pháp Bắc Kinh “đã buộc tội tôi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, với những lời lẽ chắp ghép đoạn chương thủ nghĩa và khiên cưỡng. Tôi cũng cảm thấy khá bất lực. Nhưng cuộc đời như vở kịch, và tôi phải đóng tốt vai diễn của mình.”
Ngày 15/12, Lương Tiểu Quân cho biết trên Twitter rằng ông đã tức tốc đến trại tạm giam để gặp học viên Pháp Luân Công Hứa Na, một họa sĩ tại Bắc Kinh. Ông nói rằng đây là một cuộc gặp gỡ chia tay, “Cô ấy quan tâm đến tôi và luôn hỏi thăm về tình hình của tôi.”
“Cảm ơn những nhà bảo vệ nhân quyền, những nhà dân chủ và những tín đồ tôn giáo mà tôi đã gặp trong trại giam và được bào chữa cho họ trước tòa.” Đây là những gì Lương Tiểu Quân để lại vào ngày 26/11 trên Twitter, sau khi ông ấy nhận được thông báo về kế hoạch tước giấy phép của Sở Tư pháp Bắc Kinh.
“Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, trong lòng tôi tràn đầy tình cảm biết ơn,” ông nói.
Trích từ Epoch Times
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…