Kể từ năm ngoái, hai bên Trung Quốc và Mỹ đã liên tục tăng cường triển khai quân sự ở Đài Loan và Biển Đông. Tranh chấp biên giới Trung-Ấn cũng tiềm ẩn mở đường cho các cuộc xung đột lớn hơn. Đầu năm mới, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã ký Sắc lệnh số 1 năm 2021 của Quân ủy Trung ương, yêu cầu toàn quân phải đảm bảo “xung trận mọi lúc, sẵn sàng chiến đấu”. Truyền thông Đài Loan cho rằng Sắc lệnh này đã nâng cao mức độ chuẩn bị cho chiến tranh và đầy hàm ý răn đe.
Theo nguồn tin từ Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) của ĐCSTQ, ngày 4/1, Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ký “Sắc lệnh số 1 năm 2021 của Quân ủy Trung ương”, ban hành lệnh động viên huấn luyện. Ngoài quán triệt thực hiện “Tư tưởng Tập Cận Bình về củng cố quân đội”, còn đặc biệt đề cập đến yêu cầu “tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”, nâng cao toàn diện mức độ huấn luyện thực chiến và khả năng chiến thắng, đảm bảo tinh thần “sẵn sàng chiến đấu, xung trận mọi lúc”.
Qua tra cứu đối chiếu với lệnh động viên vào năm ngoái, cho thấy một số nội dung cơ bản giống năm nay, nhưng không có ý tưởng “đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, xung trận mọi lúc”. Mặc dù lệnh động viên năm ngoái cũng nhấn mạnh “phải đánh đâu thắng đấy” nhưng vẫn chú trọng công tác phòng vệ là chính và yêu cầu toàn quân “duy trì tình trạng cảnh giác cao độ”.
Tương tự năm ngoái, lệnh động viên năm nay cũng nêu rõ cần tăng cường tác chiến tổng hợp và huấn luyện chung, đẩy nhanh nâng cao năng lực tác chiến tổng hợp, đào tạo sâu về khoa học và công nghệ, tăng cường huấn luyện trang bị mới, lực lượng mới và tích hợp vào hệ thống tác chiến.
Về điều này, tờ “Thời báo Tự do” (Liberty Times) của Đài Loan nhận định rằng tuyên bố năm nay của ĐCSTQ đã nâng mức độ chuẩn bị cho chiến tranh lên mức cao mới, đồng nghĩa tăng khả năng răn đe. Cũng có phân tích cho rằng mệnh lệnh lần này của ông Tập có thêm nội dung “sẵn sàng chiến đấu, xung trận mọi lúc” là tương đối hiếm, cho thấy hiện nay giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang đặc biệt bi quan về tình hình trong và ngoài nước, lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất.
Thời gian gần đây, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh “chuẩn bị cho chiến tranh”, cũng đã liên tiếp ký các văn bản sửa đổi vào cuối năm 2020 như: “Điều lệ Trang bị Quân đội”, “Điều lệ Hậu cần Quân đội”, “Điều lệ Giáo dục Nghề nghiệp Quân sự (thử nghiệm)”, và “Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Ngày 30/11/2020, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ để thảo luận các quy định về công tác chính trị trong quân đội, kêu gọi tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương và Quân ủy Trung ương, đồng thời tập trung chuẩn bị cho chiến tranh.
Ngày 25/11/2020, tại Hội nghị Quân huấn của Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình phát biểu rằng môi trường an ninh và tình hình đấu tranh quân sự hiện nay ở Trung Quốc đã có những chuyển biến mới, đồng thời yêu cầu quân đội “kiên trì tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”.
Ngày 13/11/2020, truyền thông của ĐCSTQ cho biết với sự chấp thuận của Tập Cận Bình, Quân ủy Trung ương đã ban hành “Quy định về Đề cương hoạt động quân sự chung (thử nghiệm)”, có hiệu lực từ ngày 7/11/2020. Quy định này nêu rõ yêu cầu tăng cường định hướng rõ ràng trong việc “chuẩn bị cho chiến tranh”.
Ngày 13/10/2020, khi ông Tập Cận Bình đến Thâm Quyến và thị sát Thủy quân lục chiến Triều Châu – Quảng Đông, cũng yêu cầu Thủy quân lục chiến phải dồn hết tâm trí và sức lực vào việc “chuẩn bị cho chiến tranh”, đồng thời duy trì mức độ cảnh giác cao. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ngày 29/6/2020, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”.
Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ không ngừng gia tăng mức độ răn đe tấn công quân sự đối với Đài Loan. Ngoài các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, các máy bay quân sự của ĐCSTQ cũng đã thường xuyên bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Gần đây Mỹ cũng đã liên tiếp công bố các kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. Trong 4 năm nắm quyền, Tổng thống Trump đã trở thành tổng thống Mỹ tuyên bố bán vũ khí nhiều nhất cho Đài Loan, kể từ khi Đài Loan và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Vào thời điểm quan hệ Trung – Mỹ đang căng thẳng và tình hình eo biển Đài Loan rất nhạy cảm, giới chuyên gia quốc tế đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ nổ ra “chiến tranh nóng”. Ngày 16/11 năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien cảnh báo rằng Mỹ nhận thức rõ về các hành động gây hấn của Bắc Kinh. Nếu họ dám tấn công Đài Loan bằng vũ lực, một khi Mỹ can thiệp vào các cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan thì tình hình của ĐCSTQ sẽ trở nên rất nguy hiểm. Mỹ cũng sẽ đoàn kết với thế giới để thành lập một liên minh chống lại ĐCSTQ, nhằm cô lập ĐCSTQ.
Nhìn vào động thái lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh “sẵn sàng cho chiến tranh”, giới quan sát có nhận định cho rằng, nạn tham nhũng tràn lan trong nhiều năm đã biến quân đội ĐCSTQ thành “hổ giấy” không thể chịu được mưa gió. Vào thời điểm mà tình hình đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ đang gặp khó khăn như hiện nay, cái gọi là chuẩn bị cho chiến tranh chỉ là một trò hề.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn truyền thông, cựu Trung tướng Diêu Thành (Yao Cheng) của Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ đã chỉ ra, quân nhân ĐCSTQ không muốn ra chiến trường chút nào, và vấn đề nội bộ rất nghiêm trọng. Vì chính sách một con trước đây kéo theo nhiều hệ lụy, những đứa trẻ sống trong nuông chiều không có năng lực chiến đấu. Ngoài ra, quân đội ĐCSTQ cũng không ưa ông Tập Cận Bình. Hiện nay, tình hình chính trị của ĐCSTQ đang rối ren, các sĩ quan quân đội cấp cao không còn theo hàng lối nữa, ai nấy thủ thế sẵn theo dõi tình hình.
Trên tờ Epoch Times, tiến sĩ từ Đại học Columbia là ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), người có cha từng là sĩ quan cấp cao của ĐCSTQ, lưu vong ra nước ngoài sau biến cố Thiên An Môn ngày 4/6, tiết lộ rằng: “Tôi biết hoặc gián tiếp biết những người này, họ đang rất tức giận.” Thời gian trước ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh thanh trừng trong quân đội dưới danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng trên thực tế chủ yếu là để đưa thân tín vào. Khoảng một nửa số người được ông Tập thăng chức là người xuất thân từ quân đội Hạ Môn, những người đó khó mà tham chiến, chỉ có thể trông nom nhà cho Tập Cận Bình.
Giới bình luận còn có quan điểm rằng chính sách đối nội và đối ngoại của ông Tập Cận Bình đã gây ra nhiều bất mãn cả về quân sự và chính trị, giới binh lính không muốn chiến đấu, năng lực chiến đấu trong quân đội ĐCSTQ rất kém, nếu tham chiến sẽ nhanh chóng tan rã.
Miêu Vi, Vision Times tiếng Trung
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…