Trung Quốc

Thảm sát Thiên An Môn 1989: Thêm tài liệu mật phanh phui hơn 30.000 người chết

Gần đây có thông tin cho rằng tài liệu mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nghi lộ do rò rỉ, cho thấy hơn 30.000 người đã chết trong vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Một cựu quan chức ĐCSTQ tham gia trực tiếp hoạt động đàn áp ngày 4/6 đã chia sẻ những gì người này biết được – khiến công luận quốc tế chú ý, tên vị này được biết đến là Lý Hiểu Minh (Li Xiaoming).

Sau cuộc đàn áp. (Nguồn: kho lưu trữ HRIC, do Gail Butler, Libby Schmalz cung cấp.)

Tin đồn gần 11.000 sinh viên thiệt mạng trong biến cố Thiên An Môn

35 năm đã trôi qua kể từ vụ thảm sát ngày 4/6/1989, người ta vẫn không ngừng suy đoán bao nhiêu người đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc đàn áp đẫm máu đó. Theo tuyên bố từ nhà chức trách, số người chết trong vụ việc ngày 4/6 là hơn 400 người, trong khi nguồn tin từ một số người trong cuộc ước tính số người chết là khoảng 5.000 người…

Tin mới vào ngày 29/5 được chia sẻ trên mạng xã hội X gây chú ý: Tài liệu từ đội thiết quân luật của ĐCSTQ đã bị rò rỉ chỉ ra hơn 30.000 người đã chết trong vụ việc ngày 4/6, cụ thể là 31.978 người. Trong số đó có 10.974 sinh viên, 7.992 người dân thường, và 11.865 người không thể xác định danh tính. Bên quân đội cũng bị thương vong.

Nếu phân loại theo vị trí, người chết vào thời điểm đó nằm rải rác ở nhiều khu vực lân cận, như một bên của Đại Lễ đường Nhân dân có 3.569 người chết (xác người chất đống), 2.544 người ở phía nam Đài tưởng niệm (xác người chất đống), 4.633 người ở phía bắc Đài tưởng niệm (xác người chất đống), 9.531 người ở khu đường Trường An (xác người chất đống), 39 người ở khu vực đường Vạn Thọ (Wanshou), 17 người tại Đại học Bắc Kinh, 23 người tại Đại học Thanh Hoa, 21 người bên ngoài khách sạn Bắc Kinh, 27 người bên ngoài khách sạn Yến Kinh, 289 người ở cầu Kim Thủy, 57 người bên ngoài khách sạn Dân Tộc, 53 người trên phố Tiền môn, từ Tây Đơn đến cổng Tân Hoa là 389 người, khu cổng Sùng Văn là 29 người, 12 người tại Di Hòa Viên, 19 người tại cổng Kiến Quốc, từ vòng ngoài cổng Kiến Quốc đến cổng Triều Dương là 33 người. Tình hình bi thảm đến mức ngay cả những người chạy trốn đến khu dân cư hoặc văn phòng cũng không thoát chết.

Về vấn đề này, nhân chứng (55 tuổi) Lý Hiểu Minh (lúc đó có hàm Trung úy là Trạm trưởng Trạm Radar của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo phòng không Sư đoàn 116 của Quân đội) đã chia sẻ những gì ông biết trong khi tham gia cuộc đàn áp ngày 4/6. Thông tin cho rằng Lý Hiểu Minh lúc đó là sĩ quan cấp thấp của thiết quân luật, đã được lệnh đi theo quân đội đến Quảng trường Thiên An Môn để tham gia đàn áp biểu tình. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nếu lúc đó không có tư cách quân nhân thì có thể ông đã xuống đường biểu tình.

Ông kể lại rằng quá trình trấn áp đã không ngừng bị người biểu tình vây quanh, thời gian trôi qua thì các vụ xả súng chết người lần lượt xuất hiện, trong khi đó những người biểu tình không ngừng hô vang các khẩu hiệu như “phát xít”“đao phủ”… Xung đột không ngừng căng thẳng hơn, khiến quân đội nổ súng liều lĩnh và người dân bỏ chạy tứ tán. Xe tăng tiến vào Thiên An Môn bắt đầu bắn đạn pháo, mãi đến 7 – 8h tối quân đội mới rút dần.

Nhớ lại chuyện cũ, ông Lý Hiểu Minh thừa nhận ông cảm thấy rất hối hận, nhận rõ hơn sự quý giá của cuộc sống. Nhưng ngày nay chính quyền ĐCSTQ chặn mọi thông tin về tội ác đó, những người có liên quan lần lượt bị bắt hoặc bỏ tù. Cho đến nay, rất ít tài liệu lịch sử vụ việc còn được bảo tồn, gây khó khăn cho việc tiến hành điều tra sâu hơn.

Theo Storm Media (Đài Loan), năm 1983, ông Lý Hiểu Minh thi đậu vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông nhập ngũ năm 1987, 2 năm sau trở thành thành viên của đội quân được triệu tập đến Bắc Kinh để thi hành thiết quân luật, khi đó những gì ông thấy và nghe hàng ngày được ông ghi lại. Sau này, vào những năm 1990 khi cả nước Trung Quốc đều nhạy cảm với vụ Thảm sát Thiên An Môn, ông vẫn nghĩ đến một ngày nào đó sẽ đến một đất nước dân chủ để đền đáp công lao của những người đấu tranh. Năm 2002, gia đình ông di cư sang Úc theo nguyện vọng của ông.

Năm 2019 Lý Hiểu Minh lần đầu tiên đến thăm Đài Loan và nói rằng hai bên eo biển Đài Loan là sự đối đầu giữa các hệ thống chính trị khác nhau: “Tôi nghĩ Trung Quốc và Đài Loan là 2 nước, dù có chung văn hóa và ngôn ngữ nhưng họ lại đối lập hệ thống chính trị và hệ giá trị theo đuổi. Nền dân chủ và tự do đã ăn sâu vào Đài Loan. Nếu chúng ta muốn giải quyết mọi vấn đề xuyên eo biển, vấn đề cần thay đổi không phải Đài Loan mà là Trung Quốc phải đạt được dân chủ hóa. Chỉ khi Trung Quốc coi trọng dân chủ và nhân quyền như Đài Loan thì mới có cơ hội nói về thống nhất trong hòa bình. Chỉ khi Trung Quốc được dân chủ hóa thì những vấn đề như Thiên An Môn cà các vấn đề nhân quyền khác ở Trung Quốc mới được cải thiện”.

Món nợ máu của Giang Trạch Dân

Thực tế các tài liệu được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật đầu năm 2017 cũng tiết lộ rằng để trấn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn thì ĐCSTQ đã triển khai 300.000 binh sĩ trong và ngoài Bắc Kinh để thiết quân luật, sẵn sàng cho hoạt động trấn áp giải tán người biểu tình.

Tờ Next Weekly của Hồng Kông năm 2014 đưa tin, trong quá trình xem xét hồ sơ mật của Nhà Trắng vào thời điểm đó, người ta phát hiện ra rằng Washington đã lấy được tài liệu nội bộ từ Trung Nam Hải thông qua những người cung cấp thông tin trong quân đội thiết quân luật ĐCSTQ, theo đó ước tính số thương vong trong Thảm sát Thiên An Môn 4/6 tới 40.000 người, trong đó hơn 10.000 người bị thảm sát.

Có thông tin cho rằng Thủ tướng ĐCSTQ thời đó là ông Lý Bằng đã xác định hoạt động biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn là tình trạng bất ổn, ông ta đã ký thiết quân luật. Còn Giang Trạch Dân là người đầu tiên gọi điện bày tỏ lập trường kiên quyết ủng hộ việc đàn áp sinh viên.

Sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, mọi bình luận liên quan đến “Thảm sát Thiên An Môn” đều bị chặn và nghiêm cấm. Khi Giang Trạch Dân rời chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước vào năm 2002, ông ta đã đặt ra một số quy định đối với các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, một trong số đó là họ không được phép lật lại vụ án lịch sử biến cố Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm:

Lê Tiểu Quỳ

Published by
Lê Tiểu Quỳ

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

5 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

6 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

6 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

7 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago