Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị ám sát hôm thứ Sáu (8/7), người dân khắp thế giới đều thương tiếc về thảm kịch này. Trong khi đó, một số lượng lớn các thông điệp thể hiện sự xúc phạm và ăn mừng lại tràn ngập trên mạng Internet của Trung Quốc Đại Lục.
Ngày 8/7/2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát, người dân Nhật Bản tự phát đến địa điểm ông Abe bị ám sát để đặt hoa tưởng niệm. (Ảnh: Yuichi Yamazaki / Getty Images)
Cư dân mạng Trung Quốc đã để lại các tin nhắn dưới Weibo của CCTV, kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các Weibo khác, chế nhạo, chửi bới và ăn mừng việc ông Abe bị ám sát, hy vọng ông Abe gặp chuyện chẳng lành và gọi người đã ám sát ông ấy là “anh hùng chống Nhật”.
Nickname “Từng chòm sao Thiên Bình” nói: “Đêm nay được định là một ngày tốt lành cho cả nước! Ly thứ nhất kính các liệt sĩ, ly thứ hai vì quá khứ, ly thứ ba vì khẩu súng ngắn.”
Nickname “Amos của Bensox” nói: “Tôi đã thấy tin này, nói thật là tôi cảm thấy rất khó chịu, không biết mình đã trải qua ngày hôm nay bằng cách nào. Ban ngày tôi còn có thể chịu đựng được, nhưng khi trốn trên giường một mình vào ban đêm, tôi không thể nhịn cười.”
Nickname “Ly rượu tràn 958” nói: “Thích ông (Abe) đơn độc phát biểu, thích ông bị trúng 2 phát đạn, thích bộ dạng ông nằm trên mặt đất, và tôi không quên cười một trận hả hê. Thích ông (sát thủ) dám bắn một mình, thích cách ông bắn, thích ông dám đối đầu với thủ tướng, dám bắn một phát súng dũng cảm. Chiến thôi! Chiến thôi!”
Các ‘tiểu phấn hồng’ (những thanh niên mạng yêu ĐCSTQ mù quáng) dường như còn thù hận cả thế giới. Nickname “A Ni A Ni” nói: “Tháp Tokyo sụp đổ rồi, cầu London cũng sắp rồi, tượng Nữ thần Tự do sẽ theo sau.”
Một số cư dân mạng còn đăng tải hình ảnh các tiểu phấn hồng “ăn mừng”.
Thậm chí nhiều nhà hàng và cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống đã sử dụng vụ tai nạn của ông Abe để quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động thương mại.
Ví dụ, một cửa hàng xe đạp phát động chiến dịch “mua xe tặng găng tay đi xe đạp” để “ăn mừng” vụ ông Abe bị bắn.
Nickname “Cô gái kiêu hãnh” tweet: “Trước việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát, phóng viên Nhật Bản đã biết đến việc một số người dân Đại Lục đang ăn mừng. Trong cuộc họp báo ngày 8/7, một phóng viên Nhật Bản đã hỏi ông Triệu Lập Kiên về vấn đề này.”
Trong video, một phóng viên Nhật Bản đã hỏi ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ rằng: “Nhiều cư dân mạng Trung Quốc có những bình luận vui mừng trước tai họa của người khác, phía Trung Quốc có bình luận gì về điều này?”
Ông Triệu Lập Kiên nói: “Về bình luận của cư dân mạng, tôi không bình luận gì thêm.”
Ngay cả dưới chương trình phát sóng trực tiếp trên YouTube của các kênh truyền thông Nhật Bản, vẫn có một số người Trung Quốc chế nhạo và chửi bới bằng tiếng Trung, thay vì dành sự quan tâm cơ bản đến vấn đề này.
(Chữ trên ảnh: “Hôm qua 7×7 81 ngày có sự cố, hôm nay Abe tái hiện, để chúc mừng Abe bị ám sát mất mạng, toàn bộ bia V8 mua 1 tặng 1.”; “Chúc mừng Abe đi về tây phương, trà sữa mua 1 tặng 1, ăn mừng liên tục trong 3 ngày.”)
Những điều này đều được “Phong trào dịch thuật vĩ đại” dịch sang tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn, giúp người dân thế giới nhìn rõ bộ mặt xấu xí của các ‘tiểu phấn hồng’ dưới sự giáo dục tẩy não của ĐCSTQ.
Đối lập với điều đó, cư dân mạng Đài Loan bình luận trên YouTube: “Tôi không phải là người Nhật. Tôi sẽ không khóc lóc thống thiết khi ông Abe mất, mà chỉ âm thầm thương tiếc. Tôi là một con người và hiểu rằng cái chết của ông Abe là một thảm kịch. Tôi sẽ không ăn mừng, vì tôn trọng người đã khuất là nhân tính cơ bản.”
Cư dân mạng Đài Loan phản đối hành vi không lý trí của các ‘tiểu phấn hồng’. Có người viết: “Sự vui mừng của ‘tiểu phấn hồngt luôn dựa trên thảm họa của quốc gia khác.”; “Có công dân của quốc gia kia vui khi thiên tai xảy ra ở quốc gia khác, nhưng trước thảm họa của chính nước mình, lại không nhìn thấy và không dám nói.”
Một số cư dân mạng Đài Loan nhắc nhở ‘tiểu phấn hồng’ đừng quên bài học năm xưa: “Liệu chiếc boomerang màu hồng huyền thoại có xuất hiện trở lại? Mỗi khi ‘tiểu phấn hồng’ chế diễu người khác, chiếc boomerang sẽ tự đánh chính mình.” (Boomerang là một vũ khí độc đáo, khi được phóng đi nó có thể tạo ra trong không khí những đường đi rất phức tạp và nếu không trúng đích nó sẽ quay trở lại với người ném.)
Cư dân mạng Đài Loan cho rằng những bình luận không phù hợp của ‘tiểu phấn hồng’ là do cách giáo dục lòng căm thù của ĐCSTQ. Một cư dân mạng Đài Loan nói: “Ở bờ bên kia, một chuyện nặng nề như vậy lại được ăn mừng khắp nơi… Vì từ nhỏ họ đã được dạy về lòng căm thù.” “Ở Đài Loan chúng tôi không giáo dục kiểu này! Bạn thấy Đài Loan có môn chủ nghĩa tư tưởng nào đâu.”
Cũng có cư dân mạng Đài Loan so sánh với bộ phim hoạt hình kinh điển “One Piece” (Đảo Hải Tặc). “Kỳ thực, mỗi khi thấy người Trung Quốc thù hận người Nhật, tôi lại nghĩ đến câu chuyện về vương quốc người cá trong One Piece. Trong tộc người cá có một nhóm cực đoan vô cùng thù hận con người trên đất liền.
Chính vì lẽ đó, họ đã ám sát Nữ hoàng Ottohi. Khi hoàng tử hỏi thủ lĩnh của nhóm đó, rốt cuộc những người dân trên đất liền đã làm gì họ, họ trả lời: ‘Không làm gì cả.’”
“Điều khiến nhóm người cá này căm thù người trên cạn chỉ là những ảo tưởng không hề tồn tại. Bởi vì từ nhỏ được dạy phải thù hận người trên đất liền, nên họ đã làm như vậy. Mặc dù nhiều người trong số họ chưa bao giờ nhìn thấy người trên đất liền, bản thân họ cũng chưa từng bị đối đãi bất công, nhưng sự thù hận đôi khi không cần lý do thực sự, chỉ cần ai đó nói với bạn rằng những người đó đáng ghét là đủ.
Vì vậy, chúng tôi thấy một nhóm người Trung Quốc chưa từng bị Nhật Bản xâm lược, nhưng lại ảo tưởng rằng Nhật Bản là kẻ thù lớn nhất của họ. Họ chưa bao giờ sở hữu Đài Loan dù chỉ trong giây lát, nhưng lại tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Trung Quốc, có người (ĐCSTQ) đã nói với họ rằng họ nên tin như vậy … “
Ngay cả một số cư dân mạng Đại Lục cũng không đồng tình với cách làm của ‘tiểu phấn hồng’. Một cư dân mạng Đại Lục vượt tường lửa kiểm duyệt Internet, để lại lời nhắn trên YouTube như sau:
“Tôi hiểu rất rõ lý do tại sao hầu hết những người bên trong bức tường Internet đều hả hê trước nỗi bất hạnh này. Bởi vì bên trong bức tường, mọi người đều đã được dạy về lòng căm thù từ khi còn nhỏ, nào là đế quốc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đều là những thế lực thù địch. Hơn 90% lịch sử cận đại đã bị những kẻ cầm quyền thay đổi. Có một câu nói cổ của Trung Quốc rằng ‘Lịch sử là lịch sử của những kẻ chiến thắng’.
“Nếu những người trong bức tường chưa từng vượt tường lửa hoặc không có được những kiến thức lịch sử chân thực, thì về cơ bản, họ đều là những ‘tiểu phấn hồng’. Một số người đã bị lừa dối và cả đời làm ‘tiểu phấn hồng’. Tôi hy vọng có nhiều người hơn trong bức tường ấy sẽ vượt tường lửa, nhìn thấy bộ mặt thật của đảng đó, sẽ khiến nhiều người hơn thức tỉnh, thì Trung Quốc mới có hy vọng tiến tới dân chủ.”
Cư dân mạng Đại lục cho rằng vì vụ ám sát ông Abe, những người Trung Quốc thường không nói về chính trị lần này đột nhiên lại “nói về chính trị”. Vì ĐCSTQ cần một “lỗ xả an toàn”, nền giáo dục hận thù trong quá khứ đã cung cấp một lỗ xả như vậy.
Khi đăng lại dòng tweet, ông Thái Thận Khôn, nhà bình luận về các vấn đề thời sự, cho biết: “Vụ bắn ông Abe khiến nhiều người Trung Quốc vui mừng, gồm cả những người bị cách ly và bị hành hạ đến sống đi chết lại vì xét nghiệm axit nucleic. Người thì có tiền gửi ngân hàng mà không thể rút, người thì ăn bữa trước, lo bữa sau, người thì sống những ngày tháng tĩnh lặng không màng quốc sự.
Sự vui mừng trước vụ ám sát ông Shinzo Abe là phản ứng rõ rằng nhất của người Trung Quốc dưới nền giáo dục hận thù. Nhưng họ không biết rằng điều này sẽ đánh thức cả thế giới, khiến thế giới phải nhìn nhận lại cường quốc đang trỗi dậy này.”
Liên quan đến những lời công kích và ăn mừng này, nhà bình luận thời sự Vương Hách cũng thở dài: “Nhìn vào Trung Quốc hiện nay, bạn có thể đến đâu khiếu nại khi ngôi nhà của bạn bị phá bỏ, khi tài khoản ngân hàng của bạn không những không thể rút tiền, mà còn bị mã đỏ khóa chân. Ngay cả khi bạn nói sự thật trên Internet cũng có thể bị khóa tài khoản, thậm chí còn được mời ‘uống trà’ (bị thẩm vấn).
Vì sao bạn không lên án những điều này? Lên án ĐCSTQ, kẻ đã tạo ra tất cả những chuyện này? Thay vào đó, lại cổ vũ cho vụ bắn cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe. Đây chẳng phải tâm thần có vấn đề hay sao?”
Ông cho rằng vụ bắn ông Abe là một vụ khủng bố và cần bị lên án, đây là nhận thức chung của toàn thế giới. Nhưng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, lại xuất hiện một loạt những lời chúc mừng trên Weibo, đây là biểu hiện của việc ĐCSTQ đã tẩy não rất thành công, từ đó có thể thấy sự tà ác của đảng này và nó sẽ bị cả thế giới ghét bỏ.
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…