“Nằm ngửa”: Người dân Trung Quốc không muốn tiếp tục bị bần cùng hóa
- Lương Văn Thao
- •
“Rau hẹ” là một thuật ngữ tự trào phúng bản thân được “dân gian” Trung Quốc sử dụng trong những năm gần đây. Từ này có nghĩa tương tự như “một con dê đợi bị giết thịt”. Khi người dân trở nên giàu có, họ sẽ trở thành “rau hẹ” tốt tươi (mục tiêu thu hoạch) của các quan chức và doanh nhân.
Những năm gần đây, các quan chức tham nhũng và những kẻ trục lợi ở Trung Quốc đã bắt tay hợp tác tổ chức nhiều vụ lừa đảo tài chính lớn nhỏ và lừa đảo trên thị trường chứng khoán. Những gì tầng lớp trung lưu vốn bị tước bỏ cũng đã bị tước bỏ.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã hợp tác với các nhà phát triển để tăng nguồn thu từ đất. Những nỗ lực phối hợp này liên tục đẩy giá nhà đất lên cao, khiến những người làm việc chăm chỉ không thể thực sự giàu lên. Để mua được nhà họ phải trở thành những đám “rau hẹ” bị cắt bỏ.
Những năm qua, dưới chủ nghĩa duy vật do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cổ xúy, một số ít người mới nổi đã trở thành những người yêu thích hàng tiêu dùng giá cao. Vài năm trước, ở Hồng Kông thậm chí còn có cảnh những khách hàng gốc Hoa xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng xa xỉ.
Nhưng đối với những người trẻ Trung Quốc sinh sau những năm 90, thì việc theo đuổi cuộc sống sang giàu này chỉ là điều viển vông. Sự bần cùng hóa của tầng lớp trung lưu từ lâu đã trở thành một thực tế không thể chối cãi. Khi con cái của các gia đình trung lưu lớn lên, chúng nhận thức rõ rằng mình không thể với tới lối sống của người giàu.
Sự xuất hiện đột ngột của “chủ nghĩa nằm ngửa” những tháng gần đây là một sự phản đối âm thầm, chống lại tình trạng duy trì sự tồn tại hiện nay của thế hệ sau năm 90. Nói một cách đơn giản, “chủ nghĩa nằm ngửa” đề xướng “chủ nghĩa 6 không” gồm: “không mua nhà, không mua xe, không kết hôn, không sinh con và không tiêu dùng”.
Kỳ thực đây không phải là một chủ trương chính trị, mà là một triết lý sống. Mục tiêu là “duy trì một tiêu chuẩn sinh tồn tối thiểu, từ chối trở thành cỗ máy kiếm tiền hay nô lệ bị bóc lột của người khác.” Mặc dù đã chính thức bị giới chức đàn áp và xóa bỏ, nhưng trào lưu này đã lan truyền một cách chóng mặt trong giới trẻ.
Tất nhiên, giới quan chức coi thái độ tiêu cực này là một cuộc nổi loạn chính trị. Đối mặt với những người trẻ nổi loạn, ĐCSTQ trước nay vốn luôn tự quyết mọi việc, chắc hẳn sẽ ra mặt khiển trách và đàn áp những ngôn luận có liên quan. Giới chức đồng thanh nói rằng “An phận thì được, nằm ngửa thì không” và lên án luận điểm “nằm ngửa” là “canh gà độc” gây hại.
Giới chức nhắc nhở những người trẻ tuổi rằng “nguyên nhân thực chất của việc ham muốn thấp là không đủ động lực phát triển.” Và rằng “Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường quy mô siêu lớn. Triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc rất rộng. Nghĩa là, trên mảnh đất này, chỉ cần họ đủ siêng năng, họ vẫn có thể tự thực hiện và tự thành tựu.” Nhưng thật đáng tiếc là tỷ lệ lực lượng lao động của Trung Quốc đã thực sự đảo ngược và giảm xuống kể từ năm 2010. Thậm chí cuộc khủng hoảng dân số còn sắp xảy ra.
Đại dịch “nằm ngửa” chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến cấu trúc dân số hơn cả đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Thế hệ trẻ không muốn bản thân và thế hệ sau trở thành “rau hẹ” nên sẽ phản ứng theo cách riêng của mình.
Điều đáng chú ý là đại dịch “nằm ngửa” có mối quan hệ nhất định với hiện tượng “sự cuộn lại” (involution – cuộn vào trong) xuất hiện ở Trung Quốc những năm trước đó. Vì sao giới trẻ dần dần nhìn rõ hoàn cảnh của mình? Chính vì hiện tượng “sự cuộn lại” đã dần dần xuất hiện từ năm 2000. “Sự cuộn lại” nghĩa là đầu tư không đồng nghĩa với sự phát triển, và làm việc nhiều hơn không hẳn sẽ đạt được nhiều hơn.
Đây cũng là nguyên nhân khái niệm “sự cuộn lại” gây tiếng vang trong quá khứ. Khái niệm “sự cuộn lại” phổ biến là do các công ty, gia đình hoặc cá nhân ngày càng cảm thấy rằng mọi người đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh có tính đồng nhất cao, nhưng không hiệu quả. Hơn nữa sự cạnh tranh này đã không thúc đẩy lợi nhuận lớn hơn, giúp các nhóm hoặc cá nhân cải thiện cuộc sống thực tế.
Hầu hết các thế hệ Millennials (thế hệ Y – những người trẻ đang ở độ tuổi 20, 30) đều là con một cách đây 20 năm. Khi lớn lên, họ thấy những người con một trong thế hệ trước, thế hệ cha mẹ mình, trong quá trình nỗ lực liên tục, thường xuyên rơi vào đường cùng do hiện tượng “cuộn lại” của xã hội.
Cơ hội đi lên càng ngày càng hẹp, họ còn phải đối mặt với áp lực nơi thành thị. Cha mẹ không muốn bản thân trở thành kẻ thất bại, huống hồ là phải chứng kiến cảnh những đứa con duy nhất của mình gặp thất bại. Kết quả là họ lại rơi vào một vòng luẩn quẩn. Muốn thành công ắt phải nỗ lực, nhưng sự nỗ lực này lại không tỷ lệ thuận với thành quả thu được. Điều đáng buồn hơn là số tiền khó kiếm được lại bị dồn vào việc đầu tư mua nhà.
Sau khi thế hệ con một đầu tiên lớn lên và lập gia đình, họ thấy rằng bản thân không chỉ phải nuôi dạy con cái mà còn phải phụng dưỡng cha mẹ. Millennials, với tư cách là thế hệ con một thứ hai, hiểu được sự cần thiết của việc “nằm ngửa” khi họ nhìn thấy “hoàn cảnh đáng thương” của cha mẹ mình.
Đối mặt với thái độ dường như bất hợp tác này, ĐCSTQ không có biện pháp đối phó, dẫu là lên tiếng thuyết giảng hay đơn giản là không quan tâm. Tuy nhiên, với tốc độ già hóa tăng nhanh, nếu lực lượng lao động chính trong tương rơi vào trạng thái tiêu cực, sẽ có thể tăng thêm khó khăn trong việc duy trì “sự phát triển kinh tế” mà ĐCSTQ theo đuổi.
Lương Văn Thao, RFA
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc rau hẹ Chủ nghĩa nằm ngửa Phong trào nằm ngửa