Hồi tháng Hai, vụ “bà mẹ 8 con bị xích cổ ở huyện Phong Từ Châu” đã làm rúng động truyền thông trong và ngoài Trung Quốc. Đến nay, dù đã có 5 thông báo chính thức được đưa ra nhưng vẫn chưa có câu trả lời hợp lý cho người dân. Mới đây, chủ đề “thành lập tổ điều tra vụ bà mẹ sinh 8 con” lần nữa xuất hiện trên Weibo với hơn 3,9 tỷ lượt xem và đã bị chặn sau một bài viết về nạn buôn bán người của một giáo sư đại học.
Giáo sư Đại học Chính trị Pháp luật La Tường (Luo Xiang) đã viết bài “Bàn về sửa đổi lập pháp tội buôn bán người”, trong đó đề cập: “Tội BẮT CÓC, BÁN phụ nữ và trẻ em cùng tội MUA phụ nữ và trẻ em cấu thành cặp tội đối ứng, nhưng hình phạt của cả hai mất sự cân đối nghiêm trọng và không phù hợp với lý luận cơ bản về tội đồng phạm”, vì vậy cần phải sửa luật. Phần tóm tắt của bài viết cho rằng “luật hình sự hiện hành của Trung Quốc có nhiều thiếu sót mang tính hệ thống trong các quy định về tội phạm buôn bán người, khiến hình thức xử lý tội mua bán người bị chỉ trích là “người không bằng vật”.
Trước đó ông La Tường đã đăng tải một video lên Bilibili, một nền tảng video và âm nhạc nổi tiếng của Trung Quốc, nói rằng Điều 241 của Luật Hình sự Trung Quốc “mua phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc” chỉ có mức án tối đa 3 năm tù. “Bạn có biết mua một con gấu bị kết án bao nhiêu năm không? Phải 10 năm trở lên, thậm chí tù chung thân. Vì là động vật được bảo vệ cấp quốc gia, nên nếu mua thì sẽ phạm tội ‘Mua bán động vật quý hiếm’”. Ông La Tường thẳng thắn nói rằng phụ nữ ở Trung Quốc thậm chí không thể so sánh với gấu trúc và khỉ vàng. “8 con vẹt còn đắt hơn bạn”, “nếu bạn bị bán, người bán chỉ nhận mức án tối đa là 3 năm”. Ông cho rằng tội mua người nên đồng nhất với tội bắt cóc và bán người, ít nhất là tù chung thân, “hình phạt bên mua là quá nhẹ, không có người mua thì không có người bán”.
Sau khi ý kiến của ông La Tường được đưa ra, các chủ đề liên quan ngay lập tức thu hút sự chú ý và bàn luận của dư luận. Một số cư dân mạng đã phản ứng về chủ đề này: “Tại sao tất cả đều là bài viết của ông La Tường, chính quyền đâu? Truyền thông đâu?”; “Truyền thông Trung Quốc sao không lên tiếng, có xứng đáng là nhà báo không?”; “Ngày hôm qua, bài viết ‘Bàn về sửa đổi lập pháp tội mua bán người’ của ông La Tường có hàng trăm ngàn chia sẻ lại bị xóa rồi? Tôi thực sự không hiểu tại sao vấn đề này lại bị che đậy như thế này, quá khó hiểu.” Một số cư dân mạng còn cho rằng: “Rõ ràng là chính quyền cấp trên không muốn nhắc đến, có ý muốn làm nó biến mất”; “Xem ra tình huống hiện tại, chính quyền cũng có ý không muốn quản đến cùng.”
Cũng có rất nhiều cư dân mạng bày tỏ lòng biết ơn những người sẵn sàng lên tiếng về vụ người phụ nữ bị xích cổ, biết ơn tất cả những người đã nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn: “Cảm ơn tất cả những ai đã dũng cảm lên tiếng!”; “Lên tiếng cho người phụ nữ bị xích cổ ở Từ Châu cũng chính là lên tiếng cho hàng ngàn vạn những người phụ nữ khác bị xích cổ, cũng là lên tiếng cho chính bản thân chúng ta.”
Tính đến 9:30 sáng ngày 22/5, tổng số lượt đọc về chủ đề “thành lập tổ điều tra vụ việc người phụ nữ sinh 8 con ở huyện Phong” đã lên tới 3,95 tỷ lượt. Nhưng đến 10:00 đêm, các nhãn (tag) liên quan đã “biến mất”.
Vụ việc bà mẹ 8 con ở Từ Châu, còn được gọi là vụ bà mẹ bị xích cổ là một trường hợp phụ nữ bị ngược đãi, bị bán lại nhiều lần. Vụ việc này được phơi bày vào Tết âm lịch năm 2022. Sự việc xảy ra tại thị trấn Hoan Khẩu, huyện Phong, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Vào thời điểm đó, đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy người phụ nữ đang đứng trong một căn phòng cũ nát không cửa với mái tóc rối bù, má thâm đen, mặc dù đang trong thời tiết mùa đông, nhưng người phụ nữ này chỉ mặc 1 bộ quần áo, chân trần không mang giày. Điều gây sốc nhất là cổ người phụ nữ này có một sợi xích sắt dài quấn quanh.
Từ khi vụ việc xảy ra đến nửa đầu tháng Hai, các cơ quan hành chính của huyện Phong và thành phố Từ Châu đã đưa ra nhiều thông báo, nhưng họ không thể dập tắt được sự tức giận của công chúng vì những mâu thuẫn trong các thông báo đó. Vào giữa tháng Hai, Tỉnh ủy Giang Tô và chính quyền tỉnh đã thành lập một nhóm điều tra để can thiệp vào vụ việc và đưa ra báo cáo điều tra một lần nữa, nhưng họ cũng vẫn không thể đưa ra câu trả lời hợp lý cho công chúng.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, tại Trung Quốc Đại Lục, hơn 800 cựu sinh viên Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Sơn Đông đã ký tên, yêu cầu tỉnh Giang Tô tiết lộ quá trình điều tra và thông tin liên quan cho công chúng. Trước đó, 100 cựu sinh viên và sinh viên của Đại học Bắc Kinh đã cùng nhau đưa ra một bức thư ngỏ gửi tới Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 15/2, yêu cầu điều tra kỹ lưỡng về vụ “bà mẹ 8 con” ở Từ Châu và đưa ra câu trả lời có thẩm quyền cho nhân dân cả nước. Nhưng chính quyền vẫn giữ im lặng.
Điều đáng nói là một số cư dân mạng đã tổng hợp dữ liệu liên quan từ cuốn sách “Tội ác cổ xưa – Ghi chép thực tế về nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ” và phát hiện ra rằng tại 6 huyện của Từ Châu, tỉnh Giang Tô, có gần 50.000 người đã bị buôn bán trong 2 hoặc 3 năm. Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin về vụ việc.
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…