Ngày 20/5, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một nhà máy dệt ở Nghi Tân, Tứ Xuyên. Có thông tin cho rằng một công nhân đã phóng hỏa do bị nợ lương. (Ảnh cắt từ video)
Gần đây, một nhà máy dệt ở Nghi Tân, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng, ngọn lửa kéo dài suốt một ngày một đêm. Trên mạng lan truyền thông tin cho rằng vụ cháy do một công nhân bị nợ lương phóng hỏa. Nghi phạm 27 tuổi đã bị bắt giữ. Đồng thời, nhiều nơi tại Trung Quốc cũng đang bùng phát các cuộc biểu tình tập thể đòi lương, phản ánh tình trạng tài chính căng thẳng ở cấp địa phương.
Rạng sáng ngày 22/5, cơ quan công an huyện Bình Sơn, thành phố Nghi Tân đã phát thông báo cho biết: khoảng 12:00 trưa ngày 20/5, tại Bình Sơn đã xảy ra một vụ phóng hỏa. Qua điều tra, nghi phạm là nam, 27 tuổi, đã đến một xưởng của nhà máy dệt và châm lửa gây cháy.
Do bên trong xưởng chứa nhiều vật liệu dệt bông nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Sau nỗ lực dập lửa, đám cháy đã được khống chế. Qua kiểm tra, vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người. Nghi phạm hiện đã bị tạm giữ, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra động cơ, quá trình gây án và mức độ thiệt hại.
Theo Đài truyền hình Quý Châu, vào ngày 21/5, người phụ trách nhà máy cho biết đã có nhiều đội cứu hỏa từ các khu vực khác đến chi viện, nhưng hiện trường cháy phức tạp, khó tiếp cận, lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Hiện chưa ghi nhận thương vong.
Các video lan truyền trên mạng cho thấy đến tối hôm xảy ra sự việc, hiện trường vẫn có khói đen dày đặc. Một số người cho biết ngọn lửa bắt đầu từ 11:00 sáng và cháy suốt hơn 10 tiếng đồng hồ.
Một số cư dân mạng tiết lộ rằng một công nhân của nhà máy bị nợ lương một tháng. Trong lúc tìm người phụ trách để đòi lương, đã xảy ra xô xát, người này dùng dao đâm người đối diện rồi dùng xăng đốt vải. Chính quyền địa phương chưa đưa ra phản hồi chính thức về tin đồn này.
Gần đây, tại nhiều khu vực ở Trung Quốc đã xảy ra các cuộc biểu tình tập thể đòi lương trong nhiều ngành nghề như xây dựng, giáo dục, vệ sinh môi trường và y tế, phản ánh tình trạng căng thẳng tài chính nghiêm trọng ở cấp địa phương.
Theo Đài Á Châu Tự Do, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, 32 công nhân xây dựng bị Công ty Xây dựng truyền tải điện Quảng Tây nợ lương đã dựng lều và nhóm bếp nấu ăn trước trụ sở công ty từ ngày 16/5. Họ tuyên bố “sẵn sàng chiến đấu lâu dài”.
Ngày 18/5, tại công trường dự án của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc ở Thạch Gia Trang (Hà Bắc) cũng xảy ra biểu tình đòi lương. Công nhân giăng băng rôn phản đối công ty nợ lương kéo dài.
Một công nhân tiết lộ: “Từ đầu năm đến nay, công ty hứa trả lương nhiều lần nhưng đều thất hứa. Chúng tôi làm việc cực nhọc mà không thiếu một ngày công nào, vậy mà tiền cứ bị trì hoãn. Có người có trường hợp người nhà bệnh nặng đang chờ tiền cứu mạng.”
Tại dự án đường cao tốc Dương Tín ở Quảng Đông do Cục 7 Đường sắt Trung Quốc thi công, ngày 19/5, công nhân đã tụ tập trước văn phòng công trình yêu cầu trả lương bị nợ.
Một công nhân chia sẻ trong video: “Chúng tôi ở trong nhà tạm, ngày nào cũng chờ tiền. Họ đã hứa nhiều lần nhưng không đưa ra ngày cụ thể.”
Ngoài ngành xây dựng, hệ thống giáo dục cũng đang rơi vào tình trạng nợ lương nghiêm trọng. Ngày 20/5, nhiều giáo viên hợp đồng ở thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông tiết lộ rằng họ đã bị nợ lương suốt sáu tháng. Một giáo viên tiểu học cho biết: “Lương tháng của chúng tôi chỉ hơn 3.000 tệ, nửa năm qua phải sống nhờ tiền vay mượn.”
Một giáo viên ở Sơn Tây đăng bài trên Xiaohongshu cho biết trường học yêu cầu thu hồi tiền thưởng cuối năm từ năm 2021, cũng như một phần “phí dịch vụ sau giờ học”, khiến tập thể giáo viên bất mãn.
Không chỉ vậy, các lĩnh vực y tế và vệ sinh môi trường cũng đang đối mặt với tình trạng nợ lương:
Một y tá tại bệnh viện công ở Cam Túc chia sẻ trên mạng rằng lương tháng của cô chỉ có 1.300 tệ, tiền thưởng theo hiệu suất đã bị chậm suốt 4 tháng, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.
Một nữ công nhân vệ sinh ở Giang Tây bật khóc nói: “Mỗi sáng 5:00 tôi đã bắt đầu làm việc, làm liên tục hơn 10 tiếng mỗi ngày, mà cả tháng chỉ nhận được 1.400 tệ. Kiếp sau tôi không muốn làm người nữa, khổ quá rồi!”
Ông Trương, một giảng viên đã nghỉ hưu tại Đại học Quý Châu, cho rằng nợ công ở địa phương ngày càng cao, trong khi chính sách từ trung ương ngày càng siết chặt, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính ở cấp cơ sở. Những người bị thiệt hại trực tiếp chính là lực lượng lao động tuyến đầu và nhân viên hợp đồng.
Ông nói: “Trước đây người đi đòi lương là công nhân nông thôn, nay đến lượt giáo viên, bác sĩ, công nhân vệ sinh – điều này cho thấy cái gọi là ‘cấu trúc ổn định’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bắt đầu quay ngược lại chống lại chính họ. Đây là những nhóm dễ tổn thương nhất, họ chỉ muốn sống, nhưng khi lên tiếng lại bị gán là ‘kẻ gây rối’.”
Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 50% đối với hàng hóa từ EU từ…
Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế tối thiểu 25% với Apple nếu…
Theo cơ quan công an, Telegram đang bị lợi dụng để thực hiện nhiều hành…
Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã chặn động thái của chính quyền Trump…
Nước là nguồn gốc của sự sống. Tuy bình thường nhưng lại không thể thiếu.…
Livzon kỳ vọng tận dụng các lợi thế và mạng lưới địa phương của IMP…