Huyện Chương Mỹ, Hà Nội có 12 làng với 26 người đỗ đại khoa thì riêng làng Chi Nê xã Trung Hòa đã có 11 người và được ghi danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Chi Nê là tên theo chữ nôm, “Chi” là loài cỏ thơm, “Nê” là bùn đất, tên làng có ý nghĩa là cỏ mọc trên bùn nhưng mang hương thơm tinh khiết.
Làng Chi Nê xưa kia còn có tên là làng Nứa do nằm trên một quả đồi đầy nứa hóp và lau sậy. Dưới chân đồi là con sông Bùi với thượng lưu là dòng Tích Giang có khởi nguồn từ sông Đà và núi Tản Viên hùng vỹ – tạo nên địa thế “Rồng cuộn hổ chầu”.
Vì đặc điểm như vậy, xưa kia làng trên bến dưới thuyền, giao thương nhộn nhịp, có chợ Nứa một tháng họp chợ 6 phiên, trao đổi hàng hóa giữa người dân địa phương và các thương nhân. Chợ Nứa vẫn còn đến ngày nay.
Trung tâm sinh họat văn hóa là Đình làng, nằm tọa lạc ở chính giữa làng, phía trước có con sông Bùi uốn lượn. Đình được xây dựng lâu đời chạm khắc công phu. Trong Đình làng lưu trữ những hiện vật có giá trị văn hóa của một làng khoa bảng hiếu học.
Trong lịch sử khoa bảng, làng Chi Nê với 3 dòng họ Ngô, Nguyễn, Trần có 11 người đỗ đại khoa, làm rạng rỡ cho làng. Ngoài ra còn có họ Lê cũng có người đỗ đạt. Vì vậy mà làng được gọi là “đại khoa hương”.
Trong làng ngoài tấm bia đá ghi danh 11 vị đỗ đại khoa, còn có 3 nhà thờ của 3 dòng họ Trần, Ngô, Nguyễn. 3 nhà thờ họ này đều được xây dựng trên khu đất rộng trước đình làng.
Người đỗ khai khoa cho làng là ông Trần Khải, sinh năm 1441, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1472 thời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến Đại lý tự khanh, tước Lễ giáo hầu.
Trần Khải có người con trai là Trần Phỉ thi đỗ Thám hoa thời vua Lê Uy Mục, làm quan đến Hữu thị lang, Thừa chính sứ xứ An Bang. Đến triều nhà Mạc thì Trần Phỉ làm Thượng thư Bộ Lại, Thượng thư Bộ Binh rồi Thiếu phó, tước Lại quận công.
Dòng họ nhà Trần sau đó còn có Trần Phủ đỗ tiến sĩ năm 1634 dưới thời vua Lê Thần Tông, làm quan đến Giám sát ngự sử.
Họ Ngô làng Chi Nê cũng có nhiều người đỗ đạt, được gọi là “họ Ngô một bồ tiến sĩ”. Cụ tổ là Ngô Bì đến làng Chi Nê định cư ngay đầu thế kỷ 16, có 3 người con trai đều đỗ đạt và làm quan trong Triều. Trong đó con cả là Ngô Cung đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1583, làm quan chức Giám sát sứ, Đông các đại học sĩ, tước Lễ khê nam, phong tặng Quang tiến Thân lộc đại phu.
Đến đời thứ tư thì họ Ngô có Ngô Khuê đỗ Thám Hoa, được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện, rồi thăng lên làm Ngự sử đài kiêm Ngự sử, Tán trị thừa chính sứ ty Bộ Hộ, Tả hữu thị lang, phong Quang tiến Thận lộc đại phu, tá trị khanh, tước Lan phái nam.
Theo sách “Tam khôi bị lục”, Ngô Khuê từng được cử đi sứ sang nhà Thanh, cũng từng tiếp sứ nhà Thanh sang. Sứ nhà Thanh khâm phục xem ông là giai sĩ nước nam.
Khi Ngô Khuê nghỉ hưu về quê, ngày rời nha môn, mọi người đến tiễn ông và tặng bài thơ như sau:
Cập đệ vinh hoa thiên hạ ít
Làm quan trong sạch thế gian tinh
Đậu quế cành thơm huynh đệ sáng
Vương hòe khóm tốt cháu con vinh
Do có nhiều công lao, khi về hưu Ngô Khuê được ban cho thực ấp. Khi ông mất được xây lăng thờ với bia ghi danh, hàng năm được tổ chức quốc lễ. Đoạn đầu của văn bia trong lăng ông có ghi rằng: “Thường nghe xưa bậc tiền nhân ăn ở hiếu thuận mà đức sáng được nêu, luôn học hành chăm chỉ nên công nghiệp to lớn được ghi danh. Trước sau chọn người tiết tháo hiền lành, có tầm hiểu biết rộng để chép lại làm gương cho đời sau”.
Em trai của Ngô Khuê là Ngô Cầu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, giữ chức Giám sát Ngự sử ty, Trưởng quan Đề điệu, thăng Tham chính sứ Tả Thanh Hoa, giữ chức Triều liệt, Tán trị thừa chính sứ ty xứ Thái Nguyên.
Họ Lê cũng có người đỗ đại khoa trong làng. Lê Hiếu Trung đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1502 thời vua Lê Hiến Tông. Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử, sau đó làm Quốc Tử Giám tư nghiệp.
Giữ chức vị Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, Lê Hiếu Trung quản lý và giáo dục các sĩ tử thành người có tài giúp nước, ông là nhà giáo mẫu mực và là cây đại thụ trong nền văn học nước nhà.
Lúc này đất nước loạn lạc, vua Lê Chiêu Tông phải dựa vào võ tướng là Mạc Đăng Dung đưa quân đánh dẹp các nơi. Mạc Đăng Dung ngày càng có quyền thế, ức hiếp Vua. Năm 1522, vua Chiêu Tông bí mật rời khỏi Kinh thành tập hợp quân nhằm đánh Mạc Đăng Dung.
Tuy nhiên sau đó có kẻ làm phản, bắt Vua đến Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Lê Hiếu Trung một lòng trung thành với Vua nên bị giết chết. Sau này khi nhà Lê đánh đuổi được nhà Mạc, Lê Hiếu Trung được lịch sử đánh giá là bề tôi trung nghĩa.
Họ Nguyễn trong làng Chi Nê cũng có nhiều người đỗ đại khoa như Nguyễn Nhuận đỗ Tiến sĩ năm 1607, đời vua Lê Thần Tông; Nguyễn Hy Tái đỗ Tiến sĩ năm 1650, đời vua Lê Thần Tông.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…