(Ảnh minh họa: OlegD, Shutterstock)
Từ ngàn xưa, các nền văn minh phương Đông đã hình thành và phát triển những hệ thống tín ngưỡng sâu sắc, mà tiêu biểu là Phật giáo và Đạo giáo. Những giáo lý từ bi, trí huệ của Đức Phật cùng với triết lý vô vi của Lão Tử không chỉ mang đến sự tu dưỡng cho con người mà còn giúp xã hội duy trì đạo đức và trật tự.
Tuy nhiên, khi bước vào thời hiện đại, những tập tục vốn được coi là thiêng liêng này đã dần bị biến tướng, không còn giữ được nguyên bản ý nghĩa cao đẹp của chúng. Ngày nay, thay vì xem tín ngưỡng như con đường giác ngộ và tu dưỡng bản thân, nhiều người chỉ coi đó là phương tiện để cầu danh, cầu lợi. Những thực hành vốn chỉ thuộc về các bậc cao nhân tu luyện cũng bị con người thường xuyên lạm dụng, bóp méo, tạo nên sự hỗn loạn trong đời sống tâm linh. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu con người ngày nay có còn thực sự hiểu và đi đúng con đường của cổ nhân, hay đã tự mình làm lệch lạc những di sản tâm linh quý giá của phương Đông?
Trong văn hóa phương Đông, đi chùa đầu năm, thờ cúng tổ tiên không chỉ đơn thuần là một phong tục mà còn là cách để con người kết nối với cội nguồn, tìm về sự an tĩnh trong tâm hồn. Cổ nhân đến chùa không phải để cầu xin những thứ vật chất tầm thường, mà là để bày tỏ lòng thành kính với Phật, nguyện noi theo đạo lý từ bi và trí huệ mà Ngài đã giảng dạy. Đức Phật không ban phát tiền tài, tình duyên hay danh lợi cho những ai cầu xin, mà Ngài dạy con người cách buông bỏ dục vọng, làm điều thiện để tích đức, từ đó tự nhiên có được phúc báo. Khi một người không ngừng rèn luyện và tu dưỡng bản thân, sống chân thành, bao dung nhẫn nại, từ bi và biết giúp đỡ người khác, họ sẽ tự nhiên nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người đến chùa với tâm thế hoàn toàn khác. Họ không đến để tu dưỡng hay sám hối mà chỉ để cầu mong tài lộc, chức quyền, tình duyên. Có người còn dâng cúng lễ vật xa hoa, bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ để cầu mong một năm kinh doanh phát đạt hay đường tình duyên thuận lợi. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Phật. Phật giáo giảng về luật nhân quả: ai làm điều thiện thì gặp quả thiện, ai làm điều ác thì gặt quả báo. Phật không thể phá vỡ quy luật này để ban phát tài lộc cho những ai cầu khẩn Ngài. Việc con người ngày nay thực hành tín ngưỡng theo cách này thực chất không phải là niềm tin chân chính mà chỉ là sự ham muốn được “ban ơn”, khiến họ ngày càng xa rời tinh thần nguyên bản của nhà Phật.
Không thể phủ nhận rằng trong lịch sử, có những bậc cao nhân sở hữu năng lực siêu nhiên. Đạo gia và Phật gia đều giảng rằng người tu luyện chân chính có thể khai mở những khả năng đặc biệt, đơn cử như khả năng tiên tri vận mệnh. Những ghi chép về Gia Cát Lượng, Lý Thuần Phong, hay ngay cả một số nhà tiên tri phương Tây như Nostradamus cũng cho thấy rằng việc tiên đoán tương lai không chỉ là truyền thuyết mà là điều đã và đang tồn tại.
Ngay cả trong nghiên cứu khoa học hiện đại, một số nhà khoa học cũng thừa nhận rằng có những hiện tượng tâm linh mà khoa học vẫn chưa thể giải thích, như con mắt thứ ba hoặc bằng chứng về những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp, trải nghiệm cận tử,…
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bất cứ ai tự xưng là thầy bói, thầy cúng cũng thực sự có năng lực này. Trong lịch sử, những người có công năng đều là bậc cao nhân, trải qua nhiều năm tu luyện gian khổ, rèn giũa thân tâm để đạt đến cảnh giới cao siêu. Họ không bao giờ phô trương năng lực của mình để kiếm tiền hay để làm lợi cho cá nhân, bởi vì đó là hành vi đi ngược lại đạo lý trong tu luyện và quy luật của vũ trụ. Một người có khả năng biết trước tương lai nhưng lại dùng nó để trục lợi cho bản thân thì người đó sẽ sớm đánh mất năng lực ấy. Vì vậy, những “thầy bói” hay “pháp sư” ngày nay phần lớn chỉ là những người giả mạo, lợi dụng sự cả tin của người khác để kiếm tiền.
Việc con người ngày nay đổ xô đi xem bói, cúng sao với mong muốn thay đổi vận mệnh của mình thực chất là một sai lầm. Một người muốn có vận mệnh tốt thì điều cốt yếu là phải tu tâm dưỡng tính, sống thiện lương, làm nhiều việc tốt. Nếu chỉ đơn giản bỏ tiền ra để làm lễ giải hạn mà có thể thay đổi được vận mệnh, thì điều đó chẳng phải đã phá vỡ toàn bộ quy luật nhân quả hay sao?
Một điểm đáng chú ý khác trong tín ngưỡng ngày nay là sự pha trộn không hợp lý giữa Phật giáo và Đạo giáo. Trong quá khứ, các đạo sĩ Đạo gia là những người có thể làm các nghi thức cúng sao, giải hạn, bởi vì phương pháp tu luyện của họ có liên quan đến khám phá bí mật của âm dương, ngũ hành, sự liên hệ giữa sinh mệnh và vũ trụ. Trong khi đó, hòa thượng Phật giáo lại hoàn toàn khác. Họ chỉ tập trung vào thiền định, trì giới, tu tâm dưỡng tính, không thực hiện các nghi thức cúng sao hay xem bói. Kinh sách Phật giáo cũng không hề dạy về việc này.
Thế nhưng, ngày nay, nhiều ngôi chùa lại tổ chức các lễ cúng sao giải hạn, thậm chí có những hòa thượng còn trực tiếp đứng ra làm lễ. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý Phật giáo, làm sai lệch bản chất của nhà chùa. Việc một hòa thượng thực hiện cúng sao không khác gì một bác sĩ y học hiện đại lại kê đơn thuốc theo cách của y học cổ truyền — một sự nhầm lẫn nghiêm trọng về chuyên môn. Sự pha trộn sai lệch này không chỉ làm méo mó Phật giáo mà còn khiến người dân hiểu sai về tín ngưỡng Phật Pháp và các nguyên lý của tu luyện Phật gia. Trên thực tế, những hòa thượng làm ra việc này đã khiến Phật Pháp mà Đức Phật truyền ra trở nên bại hoại.
Tất nhiên khi chúng ta giở lại lịch sử các triều đại hoặc huyền sử dân gian, cũng có những câu chuyện về các nhà sư từng làm lễ cúng, pháp sự, hoặc thực hành những phương pháp của Đạo gia và thật sự đã đạt được hiệu quả. Chẳng hạn như lão hòa thượng Hư Vân cuối đời nhà Thanh từng lập đàn cầu mưa trong nhiều ngày, cuối cùng trời đã đổ mưa, khiến Từ Hy thái hậu cũng phải cảm động mà bái lạy; hoặc như Đạo Diễn thiền sư đời nhà Minh vừa tu Phật vừa học Nho giáo và các thuật loại của Đạo gia, hơn nữa ông còn trực tiếp “tham gia chính trị”, phò tá Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi hoàng đế; Việt Nam chúng ta thời cổ cũng có Tuệ Tĩnh thiền sư vừa tu Phật vừa dạy người cách luyện khí để trừ bệnh khỏe thân giống như các phương pháp của Đạo gia,…
Tuy nhiên điều mà các vị chân tu ấy làm hoàn toàn không không giống với điều mà các nhà sư và người thế tục hiện nay nghĩ. Các vị ấy có thể làm được là vì họ thông hiểu ý Trời, và biết được bản thân có sứ mệnh phải thực hiện nghĩa vụ ấy cho thế nhân trên con đường tu luyện, cũng gần giống như việc Tôn Ngộ Không phải trừ yêu cứu người trên hành trình bảo vệ Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh.
Họ làm vì trách nhiệm mà Thượng Thiên giao phó, cũng vì lòng từ bi với chúng sinh, hơn nữa cũng không hề trái với pháp lý tu luyện và luân thường đạo lý của thế nhân; họ cũng không vì danh lợi hay mưu cầu bất cứ thứ gì. Dù là lão hòa thượng Hư Vân, thiền sư Đạo Diễn hay Tuệ Tĩnh,… các vị ấy đều chỉ tận lực làm tốt sứ mệnh của mình, sau khi hoàn thành thì tiếp tục vào chùa hoặc núi sâu mà tĩnh tâm tu luyện, không vướng bận công danh lợi lộc, không yêu cầu hương hỏa cúng dường, càng không chấp trước vào việc xây chùa đúc tượng.
Những trường hợp như vậy tuy đều có trong lịch sử, nhưng không quá phổ biến. Thật ra đó là những người tu luyện có sứ mệnh, họ mới có thể làm như vậy, một người tu phổ thông bình thường thì không thể tùy tiện làm loạn. Từ xa xưa đến nay, mỗi thời đều có ngàn vạn người tu hành Phật giáo, nhưng số người có thể thực hiện các loại pháp sự đều chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Người bình thường muốn gặp được những cao nhân như vậy, thì cũng phải có đức độ và phúc phận rất lớn, chứ không phải chỉ dựa vào tiền bạc và cầu khẩn là sẽ thành công.
Tín ngưỡng phương Đông, dù là Phật giáo hay Đạo giáo, đều là những con đường tu luyện nghiêm túc, có nguyên tắc rõ ràng và không hề dễ dàng như cách mà con người hiện đại đang tưởng tượng và truy cầu. Những ai thực sự muốn có cuộc sống tốt đẹp cần phải hiểu rằng tín ngưỡng chân chính không phải là cầu xin ban phước, mà là sự tu dưỡng bản thân để xứng đáng với những điều tốt đẹp. Việc biến tướng tín ngưỡng thành một công cụ để cầu danh, cầu lợi không chỉ khiến con người xa rời đạo lý mà còn làm mất đi sự linh thiêng của các tôn giáo chân chính, bất kính với Thần Phật. Nếu không nhìn nhận lại cách thực hành tín ngưỡng của mình, con người có thể sẽ ngày càng xa rời chân lý mà cổ nhân đã truyền dạy.
Thuần Vũ
Xem thêm:
Mời xem video:
Chuyến lưu diễn toàn cầu của Shen Yun bị đe dọa trong vài tuần qua
The Economist đã công bố tin cho biết, 70 nước trên thế giới công khai…
Mới đây, trên mạng có người cho biết về độ tuổi hỏa táng gây sốc…
Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu…
Hải Phòng dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng và Hải Dương chi 158 tỷ…
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết thành phố đóng góp…