Văn Hóa

Đạo trị quốc: Trên pháp luật còn có Thiên lý

Người xưa vẫn luôn cho rằng, “kính Trời” là cái gốc của sự thành lập một vương triều, “đạo nghĩa” là cái gốc để thi hành chính sách. Vậy nên về lý mà nói, người ta không cần phải có quá nhiều luật lệ ước thúc. Bởi vì nếu nhân tâm không thay đổi, thì khi không có ai nhìn thấy, người ta vẫn dám làm bừa. Người xưa còn có câu rằng: “Quân quyền Thần thụ”, hàm ý là quyền lực của nhà vua hay hoàng đế là do Thần ban cho. Ý tứ của quan niệm này chính là nếu nhà vua rời bỏ Thiên đạo, làm những việc khiến dân chúng đau khổ, thương thiên hại lý, thì tất nhiên Thần linh sẽ thu hồi quyền lực của nhà vua, dân chúng lúc đó sẽ khởi nghĩa, “thế Thiên hành đạo”, Thần linh cũng sẽ giúp đỡ để người dân “thay triều đổi đại”. Bởi vậy trong lý niệm của người xưa, phía trên pháp luật và hoàng quyền là còn có Thiên lý. Điều gì pháp luật không thể hoàn thiện thì Thiên lý đã có sẵn rồi.

Có một câu thành ngữ cổ là “Họa địa vi lao”, ý tứ là vẽ một vòng tròn ở trên mặt đất làm nhà lao. Vào thời cổ đại, khi mọi người đều rất tự giác và có đạo đức cao thượng, nếu có người phạm tội thì người ta sẽ vẽ một vòng tròn trên mặt đất để giam giữ người đó như một hình phạt. Dù không có ai ở xung quanh thì người phạm tội đó cũng không bao giờ bước ra khỏi vòng tròn trước khi hết thời hạn phạt.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ cuốn “Báo nhâm thiểu khanh thư” của sử gia thời nhà Hán, Tư Mã Thiên. Nguyên văn trong đó viết: “Cổ sĩ hữu họa địa vi lao, thế bất khả nhập, tước mộc vi lại”, nghĩa là thời cổ có vẽ hình tròn trên mặt đất làm nhà tù, không thể dùng vũ lực mà xâm nhập vào được, lại dựng gỗ làm quan cai ngục.

Trong cuốn “Võ Vương phạt Trụ bình thoại” cũng viết: “Cơ Xương họa địa vi lao, khắc mộc vi lại; hiệp chính tuất dân, linh ngữ giai không”, ý nói Chu Văn Vương Cơ Xương vẽ hình tròn trên mặt đất làm nhà lao, dựng một khúc gỗ làm quan cai ngục, lo cho nước lo cho dân, mọi nhà tù đều trống rỗng.

Câu thành ngữ “Họa địa vi lao” kỳ thực là để nói về một thời kỳ thịnh thế khi đạo đức con người cao thượng. Hàm ý của nó còn cao hơn cả câu nói “Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi” vốn xuất hiện trong các thời kỳ thịnh thế sau này.

(Tranh tổng hợp: Public Domain)

Về câu thành ngữ “Họa địa vi lao”, có thể kể một câu chuyện nhỏ được tưởng tượng sinh động trong cuốn tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa.

Chuyện kể rằng ở vùng Tây Kỳ có một tiều phu tên là Võ Cát sống cùng mẹ già, kiếm sống bằng nghề đốn củi. Một hôm, Võ Cát gặp Khương Tử Nha đang ngồi câu cá bên sông Phàn. Sau khi hai người bắt chuyện, Khương Tử Nha đã xem tướng đoán mệnh cho Võ Cát, nói anh ta sắp gặp họa phải đền mạng. Võ Cát không tin.

Khi Võ Cát vào thành bán củi, đi ngang qua cửa nam thì gặp xa giá của Chu Văn Vương đi tới. Đường phố chật hẹp, Võ Cát vì nhường đường nên vội xoay gánh củi lại định nép sang một bên. Nhưng đúng vào lúc Võ Cát xoay đòn gánh thì đòn gánh lại vô tình đánh trúng vào mang tai của một binh lính đang chạy tới tên là Vương Tương, làm anh ta chết ngay tại chỗ. Võ Cát lập tức bị bắt, bị áp giải đến trước mặt Văn Vương. 

Văn Vương sau khi hỏi tên tuổi, liền nói: “Võ Cát đã đánh chết Vương Tương nên phải đền mạng”. Sau đó, Văn Vương ra lệnh cho một người vẽ một vòng tròn trên mặt đất ở cửa nam để làm phòng giam, đồng thời dựng một khúc gỗ làm quan cai ngục, giam giữ Võ Cát ở trong đó. Sau đó, Văn Vương đi nơi khác để xử lý việc quan trọng.

Sau khi bị nhốt được ba ngày, Võ Cát đã bật khóc lớn. Đang lúc Võ Cát khóc lóc thảm thiết thì vừa hay đại phu Tán Nghi Sinh đi ngang qua cửa nam, ông hỏi: “Giết người đền mạng là lẽ đương nhiên, tại sao ngươi lại khóc?”

Võ Cát nói: “Tiểu nhân bất hạnh gặp oan gia, tránh đường hẹp mà làm chết người, tôi nào dám oán giận. Nhưng nhớ đến mẹ già trong nhà, đã hơn 70 tuổi, tiểu nhân lại không có anh em, không có vợ con, mẹ tôi thân già mắt kém chắc sẽ đói mà chết mất. Đây thật đúng là nuôi con vô ích. Nghĩ đến điều này, đau khổ khóc lớn mà không biết làm cách nào để tránh được!”

Tán Nghi Sinh nghe xong liền nói: “Thôi, ngươi đừng khóc nữa, để ta tâu với vua tha cho ngươi về lo đủ gạo, mắm muối, áo quần, tiền bạc sẵn cho mẹ ngươi, đến mùa thu năm tới ngươi hãy đến đây chịu tội”.

Võ Cát lập tức dập đầu, cảm động nói: “Tạ ơn đại ân”. Sau đó Văn Vương nghe lời tấu của Tán Nghi Sinh, cũng đồng ý cho Võ Cát trở về nhà.

Vẽ một vòng tròn, dựng một khúc gỗ mà không cần sự ép buộc hay quản thúc nào là có thể bỏ tù một kẻ sát nhân, hơn nữa kẻ sát nhân biết rằng mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình. Đây quả là điều khó tin. Dù chi tiết câu chuyện được tưởng tượng trong tiểu thuyết có phần sinh động hơn, nhưng sử sách xác thực có ghi chép chuyện này.

Trên thực tế, vào thời Thương Trụ Vương, triều đình Ân, Thương và các nước chư hầu khác đều có nhà tù, nhưng chỉ ở Tây Kỳ mới xuất hiện tục lệ vẽ một vòng tròn trên mặt đất làm nhà tù. Đây là bởi vì Văn Vương cai quản vùng đất Tây Kỳ bằng đức. Ông thông hiểu tiên thiên bát quái, biết rằng bản chất của việc xây dựng pháp luật là để điều chỉnh lòng người. Ông dùng đức giáo hóa dân chúng, khiến dân chúng hiểu rằng cát hung họa phúc của một người đều có quan hệ với thiên mệnh của người ấy. Theo quy luật tự nhiên, khi một người phát ra thiện niệm thì đương nhiên sẽ kết thiện quả, còn khi một người sinh ra ác niệm thì cuối cùng sẽ hồi báo trên chính bản thân người ấy. So với việc đặt định ra pháp luật để hạn chế hành vi của con người thì việc con người hiểu được rằng từ trong nội tâm của mình phải thuận theo Thiên đạo, từ đó quy chính hành vi của mình còn có hiệu quả hơn. Chính ở trong trạng thái xã hội ấy nên dù chỉ vẽ một vòng tròn trên mặt đất cũng có thể quản được con người.

Võ Cát khóc không phải vì cái chết của bản thân mình. Anh ta cho rằng người khác đã vì mình mà chết nên mạng đền mạng là lẽ đương nhiên. Anh ta khóc là vì mẹ già, vì không thể báo đáp được ân sinh thành nuôi dưỡng của mẹ. Những lời nói chân thành này là sự thể hiện bản chất con người nên khiến người nghe rất cảm động.

Bởi vì Võ Cát trong lòng không có bất kỳ ác niệm nào nên lòng nhân ái hiếu thảo đã khiến Tán Nghi Sinh cảm động, cũng nhờ vậy anh ta mới có thể trở về phụng dưỡng mẹ già.

Từ câu chuyện chí tình chí lý này, có thể thấy rằng luật pháp dù có hoàn bị tới đâu cũng không thể đạt tới trạng thái khiến nhân tâm hướng thiện. Luật pháp chỉ sử dụng một tiêu chuẩn đạo đức làm người tối thiểu để chế ước hành vi của con người. Và nếu chỉ sử dụng các quy định pháp luật thì sẽ rất khó để đo lường chính xác thiện ác của con người, vì vậy thường cần phải có một thẩm phán có đức hạnh để đưa ra phán quyết.

Tuy nhiên luật pháp thời xưa ở trong trạng thái không hoàn bị, cũng không phải vì vua quan không biết rằng luật pháp không hoàn bị. Người xưa thường nói: “Lưới Trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”. Bởi vì “người đang làm, Trời đang nhìn”, luật pháp do con người đặt ra không thể quản được lòng người, cũng không thể hoàn toàn công bằng và hoàn mỹ, nhưng Thiên lý thì có thể làm được những điều này. Do vậy chiếu theo luật pháp thì điều Chu Văn Vương và Tán Nghi Sinh làm là không hợp lý, nhưng chiếu theo tiêu chuẩn phổ quát làm người, chiếu theo lẽ giáo hóa và đạo đức, thì việc làm đó lại rất trọn vẹn.

Trong xã hội ngày nay, luật pháp có vai trò duy trì trật tự và công bằng xã hội ở một mức độ nhất định, nhưng hiệu quả vẫn còn nguyên hạn chế. Có người phải vắt óc để hành vi của mình không vi phạm pháp luật, cũng có người coi việc không vi phạm pháp luật là tiêu chuẩn cho hành vi và cách làm người của mình. Dường như con người đã phớt lờ và lãng quên rằng ở trên luật pháp còn có Thiên lý. Đây mới là thứ con người không nhìn thấy nhưng không có ai có thể trốn tránh được.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tiểu Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

An Hòa

Published by
An Hòa

Recent Posts

Trung tâm Kennedy bị đe dọa đánh bom, Shen Yun vẫn biểu diễn như kế hoạch

Chuyến lưu diễn toàn cầu của Shen Yun bị đe dọa trong vài tuần qua

21 phút ago

70 nước ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan có nghĩa gì?

The Economist đã công bố tin cho biết, 70 nước trên thế giới công khai…

32 phút ago

Tin đồn: 80% người chết ở nhà tang lễ ở Trung Quốc đều dưới 60 tuổi

Mới đây, trên mạng có người cho biết về độ tuổi hỏa táng gây sốc…

7 giờ ago

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế TNCN đối với lãi tiền gửi tiết kiệm

Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu…

8 giờ ago

Hải Phòng, Hải Dương chi tổng hơn 6.000 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ nghỉ việc

Hải Phòng dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng và Hải Dương chi 158 tỷ…

9 giờ ago

Hải Phòng đóng góp 11.000 tỷ đồng làm đường sắt kết nối với Trung Quốc

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết thành phố đóng góp…

13 giờ ago