Văn Hóa

Chuyện về thiền sư nước Việt đầu thai làm Hoàng đế Trung Hoa

Tổ tiên từ ngàn xưa đã nói về “thất đức”, “tích đức”, nói rằng những người giàu có, quan lại, đến vua chúa, Hoàng Đề đều do “tích đức” mà được. Câu chuyện về thiền sư Huyền Chân tại chùa Quang Minh được ghi chép trong “Quang Minh Tự sự tịch”, “Công dư tiệp ký”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đồng khánh dư địa chí”, cũng như trong các sách chép về cao tăng nước Việt.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Từ thiền sư nước Việt

Chùa Quang Minh ở làng Hậu Bổng, huyện Gia Phúc xưa kia vốn là nơi thanh tịnh nằm cạnh sông Vĩnh Hà, giữa những cây cổ thụ xanh biếc. Chùa nằm ở cuối làng Hậu Bổng, xung quanh là con ngòi thơm ngát hương sen.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc có ngàn cây xanh biếc, bốn mặt nước trong, xa xa phía trước có đường cái chạy qua và có dòng sông bao bọc, thật xứng đáng là một thắng cảnh của thiền lâm”.

Chùa trải qua các đời đều có những vị cao tăng đạo hạnh, nhưng nổi bật nhất là trụ trì Huyền Chân với công lao hoằng dương Phật Pháp.

Theo “Quang Minh Tự sự tịch”, thiền sư Huyền Chân không rõ sinh năm nào, người làng Hàm Nghi, xã Danh Hương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình). Sư hàng ngày đọc kinh sách, tham thiền.

Khi đã về già, một buổi trưa nọ, sư nằm ngủ và chìm vào giấc mộng, trong giấc mộng nhìn thấy đức Phật ngồi trên tòa sen trắng nói với sư rằng: “Công lao hoằng dương Phật Pháp bấy lâu nay của trụ trì thật là đáng kể, thiện niệm đã đưa trụ trì gần cõi tĩnh hư. Dù sao, tiền duyên túc trái còn chưa sạch hẳn. Kiếp sau nặng gánh gian truân, phải làm Hoàng Đế một nước lớn để trả cho sạch nợ hồng trần”.

Tỉnh lại sư gọi chúng đệ tử đến kể, rồi sư căn dặn chúng đệ tử ghi chép lại để xem giấc mộng này có ứng nghiệm hay không. Đêm hôm ấy sư viên tịch. Các đệ tử y theo lời dặn của sư, viết lên vai của sư mười chữ: “An Nam Quốc Quang Minh Tự Sa Việt Tỳ Khưu”.

Đến Hoàng đế Trung Hoa

Thời gian thấm thoát trôi đi, đến khoa thi năm 1604 thời vua Lê Kính Tông, hàn sĩ Nguyễn Tự Cường vốn nổi tiếng hay chữ đăng ký tham dự. Khoa này có số sĩ tử tham dự rất đông, đến 5.000 sĩ tử, nhưng chỉ có 7 người đỗ đại khoa. Nguyễn Tự Cường đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sau mấy năm làm quan, Nguyễn Tự Cường được cử đi sứ sang nhà Minh. Khi ông vào chầu, Hoàng đế Minh Thần Tông hỏi: “Trẫm nghe sứ thần Nam quốc là một danh sĩ văn tài lỗi lạc. Vậy hẳn là sứ thần biết nhiều danh lam bản xứ. Vậy, có biết chùa Quang Minh không”?

Tự Cường đáp rằng: “Muôn tâu, danh lam bản xứ, thần biết khá nhiều. Vốn là Phật tử, các chùa Quỳnh Lâm, Bảo Thiên, Phổ Minh, Quy Điền, Hà Trạch, Từ Sơn là những nơi có thần tích nên hạ thần có đến dâng nhang. Riêng chùa Quang Minh, thần chưa từng được nghe biết. Nay bệ hạ truyền hỏi, hẳn có duyên cớ quan trọng. Hạ thần dám xin được biết”

Minh Thần Tông nói rằng mình từ lúc sinh ra trên vao đã có mười chữ “An Nam Quốc Quang Minh Tự Sa Việt Tỳ Khưu”, từ đó mà đoán rằng kiếp trước mình là sư chùa Quang Minh, kiếp này làm Hoàng đế. Minh Thần Tông muốn tẩy đi mười chữ này nhưng không biết phải làm sao.

Nguyễn Tự Cường đáp rằng: “Muôn tâu, nhà Phật dùng đức thủy để tẩy trần. Nếu quả Hoàng đế tiền kiếp ở chùa Quang Minh thì phải nên lấy nước giếng ở ngôi chùa ấy mới mong tẩy sạch được mười chữ kia”.

Hoàng đế truyền: “Việc này, trẫm phải nhờ khanh”.

Về nước Nguyễn Tự Cường liền kể lại với Triều đình, rồi tìm được chùa Quang Minh ở làng Hậu Bổng. Ngôi chùa này thường được gọi là chùa Bóng, tên chữ là Quang Minh tự.

Các quan tìm đọc tư liệu lịch sử ghi chép của chùa thì quả là có truyện trụ trì Huyền Chân tức Bật Sô thiền sư cùng giấc mơ và mười chữ trên vai, mười chữ này trùng với mười chữ trên vai Minh Thần Tông: “An Nam Quốc Quang Minh Tự Sa Việt Tỳ Khưu”.

Ba năm sau, Nguyễn Tự Cường làm Lễ bộ Thượng thư, được cử làm chánh sư sang nhà Minh. Trong chuyến đi này ông có mang theo một vò nước giếng của chùa Quang Minh, rồi dâng lên Minh Thần Tông. Hoàng đế dùng nước tẩy thì mười chữ này liền hết ngay.

Trùng tu chùa Quang Minh

Sau chuyến đi sứ, lúc trở về, Minh Thần Tông nhờ Nguyễn Tự Cường trùng tu chùa Quang Minh: “Trẫm trao khanh một cây đèn vàng, một cây đèn bạc, vốn là bảo vật của Minh triều, đem về làm tự khí ở chùa Quang Minh. Lại gửi khanh ba trăm lượng vàng, vì trẫm xây hộ ba mươi sáu tòa Phật tự…”.

Nguyễn Tự Cường về nước, theo lời dặn, mua vật liệu, thuê thợ xây 36 tòa Phật tự nguy nga, lại có cả một tháp phù đồ cao chót vót.

Duy một cây đèn vàng, một cây đèn bạc quá đẹp khiến Nguyễn Tự Cường không kìm được liền giữ lại làm của riêng. Rồi cho người làm hai cây đèn khác cũng bằng vàng và bạc thay vào làm tự khí cho chùa.

Từ đó mối bang giao hai nước Đại Việt và nhà Minh rất tốt đẹp, Nguyễn Tự Cường cũng được Chúa tin cậy.

Hậu quả của việc đánh tráo 2 cây đèn

Chúa Trịnh Tùng có 2 con là Trịnh Tráng con trưởng và Trịnh Xuân là con thứ. Biết Nguyễn Tự Cường giỏi tướng thuật nên nhờ ông xem nên chọn ai làm Thế tử. Tự Cường đáp rằng theo tướng thuật thì Trịnh Tráng là người được thiên hạ sau này. Nhưng Trịnh Xuân đang được cha yêu, muốn lên ngôi Thế tử, biết chuyện này thì tức giận, mời Tự Cường đến dự tiệc rồi ép uống thuốc độc khiến ông chết.

Sau khi Trịnh Tráng lên ngôi, liền phong tước cho Nguyễn Tự Cường là Thái Bảo Quận Công, lại tìm con cháu của ông ban ban tước và bổng lộc. Dòng dõi Nguyễn Tự Cường nhờ thế mà đông đúc, tuy nhiên con cháu ông sau này nhiều nhà vẫn nghèo khó, thường than vãn rằng do ngày xưa tổ tiên đã đánh tráo hai cây đèn bằng vàng và bạc do Minh Thần Tông nhờ đem đến chùa Quang Minh làm tự khí nên con cháu sau này mới chịu khổ.

Việc đánh tráo lấy cây đèn vàng, đèn bạc của Nguyễn Tự Cường không chỉ khiến con cháu sau này nghèo khó, mà chùa Quang Minh không có 2 cây đèn này làm tự khí khiến các công trình cũng không được lâu dài. Theo thời gian, 36 tòa Phật tự bị tàn phá do chiến tranh, duy có tháp Phù Đồ thì vẫn còn.

Minh Thần Tông nhờ kiếp trước tu luyện mà làm Hoàng đế Trung Hoa đến 48 năm, đây là vị một trong những vị Hoàng đế trị vì lâu nhất, và cũng là Hoàng đế tại vị lâu dài nhất thời nhà Minh. Chỉ tiếc rằng cuối đời, Minh Thần Tông sống xa hoa và hoang dâm, mở màn cho sự suy tàn của nhà Minh.

Còn Nguyễn Tự Cường có cơ hội trùng tu ngôi chùa, chứng thực về luân hồi cho nhiều người biết, vốn dĩ có thể tích được đại đức. Tuy nhiên ông lại không kiềm chế lòng tham, đánh tráo 2 cây đèn vàng bạc làm tự khí khiến bản thân ông không thể giữ được mạng sống, mà con cháu sau này cũng phải chịu cảnh nghèo túng.

Trần Hưng

Tham khảo:

  • Công dư tiệp ký
  • Huyền Chân Thiền sư trong tư liệu Hán Nôm

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

49 phút ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

1 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

2 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

3 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

4 giờ ago

Ông Trump chọn tỷ phú Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…

6 giờ ago