Để thấu hiểu người Nhật cũng như nền văn hóa Nhật Bản chúng ta phải hiểu được những thành phần cấu tạo nên nó. Đặc biệt là những yếu tố đã tạo ra ảnh hưởng đối với người Nhật và nền văn hóa trong nhiều năm. Hệ thống giáo dục là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến giới trẻ Nhật Bản. Bởi vì học sinh Nhật Bản sử dụng phần lớn thời gian của mình ở trường học cho nên không hề có gì lạ khi nền giáo dục, hệ thống giáo dục đóng một vai trò cực kì quan trọng trong xã hội Nhật. Những gì xung quanh các kì thi để vào các trường “điểm” ở Nhật đã soi sáng chức năng của hệ thống giáo dục trong xã hội Nhật Bản.
Phần lớn học sinh trung học Nhật không lái xe đến trường. Một số đi bộ hoặc đạp xe đạp nếu khoảng cách không quá xa. Những học sinh khác thì đi bằng xe buýt hoặc tàu điện và thường thì chúng phải đổi tàu vài lần để đến được trường. Sẽ là điều không bình thường nếu mỗi ngày học sinh Nhật không dùng 1, 2 tiếng trên các phương tiện giao thông công cộng. Sau khi vào học tại trường cấp hai học sinh Nhật thường đến các trường luyện thi để chuẩn bị cho kì thi vào các trường cấp ba. Kết quả là nhiều học sinh phải vượt qua một chặng đường đáng kể để đến được những ngôi trường luyện thi thích hợp. Giờ học bắt đầu từ 8 giờ 30 phút do đó nhiều học sinh phải đi từ lúc 6 giờ 30 phút. Trong khi nhiều học sinh dùng thời gian trong chuyến hành trình để ngủ, học thì nhiều học sinh khác tận dụng cơ hội này để làm quen, giao tiếp. Ứng xử của học sinh được quy định bởi các nguyên tắc của trường học. Các quy định này có thể cấm học sinh nhai kẹo cao su, ăn quà trước đám đông hoặc vừa đi vừa đọc sách. Tóm lại là những hành vi có thể làm tổn hại đến danh dự, hình ảnh của nhà trường. Mỗi trường học có đồng phục riêng để giúp cho việc nhận ra học sinh của trường đó ở nơi công cộng. Phần lớn các trường có quy định học sinh phải đứng trên các phương tiện giao thông công cộng để nhường ghế cho hành khách vì nó thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên trong thực tế gần đây, cách ứng xử của học sinh thiên về giải trí trong chặng đường dài.
Mỗi lần đến trường học sinh phải qua một khu có chứa nhiều ngăn tủ có khóa ở đó chúng tháo giày và đi dép của trường. Các đôi dép này thường được quy chuẩn về màu sắc. Thông thường dép màu hồng dành cho nữ và dép màu xanh dành cho nam. Nhiều trường có tổ chức các hội nghị hàng tuần. Học sinh tập trung ở lớp học để học tập. Buổi học thường bắt đầu với phần việc quản lí lớp như sĩ số hay thông báo các việc cần thiết. Thường thì các hoạt động như thế này là tự quản và học sinh thay phiên nhau làm theo thứ tự phân công. Mỗi lớp học thường có từ 40 đến 45 học sinh. Học sinh thường ở cố định trong lớp học trong khi giáo viên di chuyển từ phòng này sang phòng khác và về phòng chờ giáo viên.
Chỉ trong giờ học thể dục, làm thí nghiệm hoặc các giờ học đòi hỏi các thiết bị đặc biệt thì học sinh mới di chuyển đến các địa điểm khác ở trong trường. Giữa các tiết học hoặc là vào giờ ăn trưa có thể lớp học sẽ rất ồn ào. Một số trường học có các căng tin nhưng không phải là tất cả các trường đều có. Thậm chí trong cả các trường học có chuẩn bị bữa trưa cho học sinh thì học sinh cũng thường ăn trong lớp học. Ở đa số các trường học, học sinh mang cơm hộp từ nhà đi. Đấy là thức ăn do mẹ chuẩn bị thường gồm cơm, rau, cá , trứng và thịt lợn. Học sinh Nhật có 240 ngày học trong một năm so với học sinh Mĩ thì nhiều hơn 60 ngày. Cho dù trong đó có các ngày dành cho các hoạt động thể thao, lễ hội hoặc hoạt động ngoại khóa. Cho dù vậy thì nói chung học sinh Nhật sử dụng nhiều thời gian ở lớp học hơn học sinh Mĩ. Theo truyền thống thì học sinh Nhật thường có nửa ngày thứ bảy ở trường. Nhưng số lượng các ngày thứ bảy đòi hỏi học sinh phải có mặt ở trường giảm dần do ảnh hưởng của cải cách giáo dục.
Các hoạt động của câu lạc bộ diễn ra hàng ngày sau các buổi học chính khóa. Giáo viên có thể phân công nhưng thường thì học sinh lựa chọn các câu lạc bộ thích hợp với mình. Học sinh có thể chỉ gia nhập một câu lạc bộ và thường hiếm khi đổi câu lạc bộ năm này qua năm khác. Trong phần lớn các trường học các câu lạc bộ được chia làm hai loại: câu lạc bộ thể thao (bóng đá, điền kinh, Judo…) và các câu lạc bộ văn hóa (tiếng Anh, khoa học, thư pháp, đọc sách…). Các học sinh mới được khuyến khích gia nhập câu lạc bộ ngay sau một thời gian ngắn khi vào học ở tháng tư. Các câu lạc bộ hoạt động khoảng hai tiếng sau buổi học và một số câu lạc bộ duy trì hoạt động cả trong các ngày nghỉ học. Các hoạt động của câu lạc bộ cung cấp các cơ hội đầu tiên để thiết lập quan hệ nhóm. Phần lớn các trường yêu cầu học sinh rút khỏi hoạt động của các câu lạc bộ khi vào năm học cuối cấp để họ dành thời gian chuẩn bị cho kì thi vào đại học. Nói chung ở các trường chính các câu lạc bộ là nơi thiết lập mối quan hệ rất cơ bản, vững chắc giữa “senpai” (bậc đàn anh đi trước) và “kohai” (đàn em đi sau). “Senpai” dạy, hướng dẫn và chăm sóc “kohai”. Nghĩa vụ của “kohai” là làm theo sự hướng dẫn, chỉ dạy của “senpai”. Ví dụ như các “kohai” trong các câu lạc bộ tenis thường phải nhặt bóng trong một năm trong khi các bậc đàn anh luyện tập. Chỉ khi các bậc đàn anh nghỉ tập thì đàn em mới có dịp ra sân. “Kohai” học và làm theo hành vi ứng xử của “senpai”. Mối quan hệ này ta có thể thấy trong xã hội Nhật ở nhiều lĩnh vực như: kinh tế, chính trị….
Điều thú vị là ở Nhật có sự phát triển rộng khắp của hệ thống các trường học thêm (juku) và yobiko (trường dự bị) nơi mà 60% học sinh đến đây để học thêm. Các juku có thể cung cấp bài học về các môn không có tính học thuật như thư pháp, cách tính toán, bơi lội đặc biệt cho các học sinh tiểu học cũng như là các môn học thật sự để chuẩn bị cho các kì thi vào các trường ở mọi cấp học. Các juku dành cho học sinh trung học phải cạnh tranh với các yobiko vốn chỉ tập trung vào việc luyện thi vào đại học. Một số trường thì giúp học sinh chuẩn bị thi vào các trường đặc biệt. Mặc dù theo lẽ tự nhiên học sinh sẽ khiếp sợ các bài học thêm vì nó kéo dài thời gian học tập khiến chúng phải về nhà muộn và có nhiều bài tập nhưng trên thực tế nhiều học sinh yêu mến juku vì ở đây giáo viên năng động, hấp dẫn hơn các giáo viên ở trường học chính thức. Hơn nữa trong nhiều trường hợp các bài học ở đây thực sự là thử thách trí tuệ chứ không phải là những bài học khuôn mẫu trong trường học.
Thường thì các juku và yobiko là các trường tư và vì mục đích lợi nhuận nó thu hút học sinh trong phạm vi địa lí rộng lớn. Các trường thường đặt gần các ga tàu để học sinh có thể đi lại thuận tiện. Các trường juku và yobiko ở Nhật rất phát triển bởi người Nhật tin rằng mọi người đều có khả năng trí tuệ như nhau và sự thành bại trong kì thi chỉ phụ thuộc vào việc họ có nỗ lực hay không mà thôi. Trong các trường học của Nhật có xu hướng các học sinh đồng trang lứa muốn cùng được tiến bước theo nhau do đó nếu không có sự hỗ trợ của juku một số học sinh có thể bị trượt và bị chúng bạn bỏ rơi. Các trường yobiko cũng tồn tại để phục vụ các “ronin” – những học sinh bị trượt trong các kì thi đầu vào – nhưng muốn thi lại lần nữa. Học sinh Nhật có thể dùng hai, ba năm trong trường này cho tới khi họ thi đỗ vào trường đại học hoặc là từ bỏ ý định thi cử. Học phí của các loại trường nói trên rất cao nhưng các bậc cha mẹ đều sẵn sàng mở hầu bao vì họ mong muốn con cái sẽ được vào học ở một ngôi trường tốt và như thế có nghĩa là tương lai đã rộng mở ra với con cái của họ.
Cùng với các trường đại học thì các trường trung học cũng tổ chức kì thì đầu vào để tuyển chọn học sinh. Các môn thi trong kì thi đầu vào là tiếng Nhật, Toán, Khoa học, Xã hội học và tiếng Anh. Các trường tư thì tự chủ trong các kì thi còn các trường công thì tuân theo các quy chuẩn của tỉnh đó. Học sinh và cha mẹ học sinh căn cứ vào thứ hạng của trường mà lựa chọn cho con em thi vào. Thành bại của kì thi đầu vào có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai của học sinh bởi vì việc kiếm được một công việc tốt sau này phụ thuộc vào trường mà học sinh đã học. Chính vì thế mà áp lực thi cử đặt lên vai học sinh từ rất sớm. Nhưng trong các trường Juku giáo viên sẽ thông qua các bài thi thử để hướng dẫn học sinh làm quen với kì thi của trường mà học sinh sẽ thi và vì thế hầu như học sinh vượt qua được kì thi.
Học sinh Nhật dành khoảng hai tiếng mỗi ngày để làm bài tập về nhà và khoảng ba tiếng vào ngày chủ nhật cho công việc này. Học sinh cũng dành khoảng hai tiếng mỗi ngày để xem ti vi và nửa tiếng để nghe radio, một giờ để đọc giải trí và hơn nửa giờ giành cho các mối quan hệ cùng trang lứa ngoài trường. Người Nhật có xu hướng coi con cái họ là “đứa trẻ to đầu” hơn là những “ngựời lớn trẻ tuổi”. Và trong khi giữa chúng có sự tò mò hấp dẫn về giới tính thì cha mẹ và thầy cô giáo thường không khuyến khích chuyện hẹn hò của chúng. Phần lớn học sinh không hẹn hò sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cuối cùng vì nhiều lí do mà tồn tại một số vấn đề liên quan tới ma túy giữa các thanh thiếu nhiên Nhật Bản.
Tác giả: Johnson, Marcia L. – Johnson, Jeffrey R.
Nguyễn Quốc Vương dịch từ http://www.ericdigests.org/1997-4/daily.htm
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Bài đã đăng trên Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Xem thêm:
Mời xem video:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…