Đạo trị quốc: Đức kém, tài mọn mà ở ngôi cao ắt gây họa

Kinh Dịch giảng: “Đức hạnh kém mà nhận địa vị tôn quý, trí tuệ và năng lực thấp mà lại mưu sự lớn, sức lực yếu ớt mà nắm giữ trọng trách, người như vậy không có mấy kẻ là không gặp tai họa.” Thừa tướng, nhà sử học Tư Mã Quang cũng nói rằng: “Đức không xứng địa vị, tất có tai ương”. Nếu một người mà phẩm đức thấp kém, tài năng hèn mọn, nhưng thân lại ở địa vị cao quý thì nhất định sẽ có tai ương giáng xuống. Khi phát hiện ra khả năng của bản thân chưa đủ, cần lặng lẽ bồi dưỡng thêm, bởi vì tùy tiện làm việc quá sức không chỉ khiến bản thân bị suy sụp mà còn rất dễ dàng xảy ra tai họa không đáng có.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Tử Sản là một hiền tài của nước Trịnh, cháu của Trịnh Mục Công. Ông là một Tể tướng nổi tiếng trong lịch sử, từ nhỏ đã có kiến giải hơn người. Dù ở phương diện quốc gia hay phương diện dùng người, Tử Sản đều thể hiện ra cách nhìn “đức hạnh phải xứng với địa vị”.

Khi Tử Sản còn nhỏ, Công Tử Phát và Công Tôn Triếp của nước Trịnh tiến vào nước Thái, bắt Tư Mã Công Tử Tiếp của nước Thái, người nước Trịnh đều rất vui mừng, chỉ có Tử Sản không hùa theo.

Tử Sản nói: “Nước nhỏ không có văn trị nhưng lại có võ công thì chẳng có tai họa nào lớn hơn điều này. Người nước Sở tới thảo phạt, chúng ta có thể không thuần phục họ sao? Thuần phục nước Sở thì quân đội của nước Tấn nhất định sẽ kéo đến. Hai nước Tấn Sở tấn công nước Trịnh thì từ nay về sau, chí ít 40, 50 năm, nước Trịnh cũng không được bình yên.”

Công Tử Phát phẫn nộ nói với Tử Sản rằng: “Ngươi thì biết gì? Quốc gia ra lệnh xuất binh trọng đại, hơn nữa còn có các quan tại đó, trẻ nhỏ nói những lời này sẽ bị giết đó.”

Sau này, nước Sở tấn công nước Trịnh, thảo phạt Trịnh vì xâm phạm nước Thái, thật đúng như lời Tử Sản nói. Quốc gia khuyết thiếu đức hạnh, lại muốn tăng cường địa vị với nước lân bang thông qua chiến tranh xâm chiếm, cuối cùng tự mình hại mình. Có thể thấy Tử Sản từ khi nhỏ tuổi đã có được kiến giải sâu sắc, quả thực không hề đơn giản.

Sau này Tử Bì muốn để gia thần của mình là Doãn Hà xử lý một số việc chính sự quan trọng. Tử Sản lại khuyên can: “Doãn Hà còn trẻ, không biết liệu có thể đảm nhiệm tốt không.”

Tử Bì nói: “Người này cẩn trọng, lương thiện. Ta thích anh ta. Anh ta sẽ không phản bội ta. Để anh ta học hỏi một chút, anh ta cũng sẽ biết phải hành sự như thế nào.”

Tử Sản nói:

“Ngài làm vậy không được. Người ta thích một ai đó, thường hy vọng có lợi cho người ta. Hiện giờ ngài thích một người lại giao phó việc chính sự cho họ. Điều này chẳng khác chi một người không biết dùng dao, nhưng lại để họ dùng dao, đa phần chỉ làm tổn hại đến bản thân họ mà thôi.

Người mà ngài thích, ngài lại làm tổn hại người ta, vậy thì sau này ai còn dám mong cầu được ngài yêu mến nữa? Đối với nước Trịnh mà nói, ngài là giường cột của quốc gia. Giường cột mà đứt gãy, kèo ngang ắt sập, ta cũng sẽ bị đè bẹp dưới gầm. Do đó đâu dám không nói ra toàn bộ suy nghĩ của mình?

Ví như ngài có một tấm thổ cẩm đẹp, ắt sẽ không cho người khác dùng nó để học cắt may. Gánh vác trọng trách, trị vì đại ấp, những việc này cũng như phó thác tính mệnh của người khác cho họ, nếu giao cho người học việc đảm đương, thì điều này chẳng phải là hỏng rồi sao? Tôi chưa từng nghe nói dùng việc chấp chính để học tập bao giờ.”

Người không có tài năng đức hạnh thì không thể giao cho địa vị quản lý đất nước, nếu không sẽ gây ra tai họa với người khác và với chính mình. Tử Bì hiểu ra, đã nghe theo lời Tử Sản.

Sau này Tử Bì cuối cùng đã ủy thác việc chính sự của nước Trịnh cho Tử Sản. Tử Sản thực hiện được rất nhiều cuộc cải cách cho nước Trịnh, mang đến một thời kỳ thịnh trị.

Tiền bạc, quyền lực, danh vọng tuy đều liên quan đến phúc báo của bản thân, nhưng cũng đều là những vật đè áp lên bản thân chúng ta. Vì vậy khi có được chúng, chúng ta hãy tự hỏi liệu bản thân mình có thể gánh đỡ nổi chúng không? Dựa vào cái gì để gánh đỡ chúng?

Hết thảy mọi thứ, tài phú của cải… của người ta, cổ nhân gọi chung là “vật”. “Hậu đức tải vật”, một người phải có đức dày mới có thể nâng đỡ được vật. Ví như, một cái bàn có thể gánh chịu được khối lượng nặng 10 kg mà chúng ta nhất định muốn đem trọng lượng 15, 20, 50 kg đặt lên nó, vậy thì chúng ta hãy xem cái bàn này sẽ ra sao? Nó sẽ bắt đầu run lên, bắt đầu biến dạng, xuất hiện điềm báo trước khi bị đổ sập nứt vỡ. Bởi vậy trong cuộc sống có một số loại tai ương ập đến có nguyên nhân xuất phát từ việc đức kém, tài mọn mà ở ngôi cao.

Phàm là việc gì cũng vậy, cần phải lượng sức. Đức hạnh, năng lực, kỹ năng của bản thân có bao nhiêu thì nên đảm nhận trách nhiệm lớn bấy nhiêu.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Thiên Cầm

Published by
Thiên Cầm

Recent Posts

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

5 phút ago

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

1 giờ ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

1 giờ ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

3 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

9 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

10 giờ ago