Đạo làm quan thời xưa: Xử chặt chân người, người vẫn cảm ân
- Minh Nhật
- •
Khi con người ở các tầng lớp trong xã hội không còn bị ước thúc bởi các giá trị đạo đức, thì tất yếu sẽ dẫn đến sự sa đoạ của các thành phần trong xã hội, các loại tệ nạn và các loại tội phạm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đặc biệt đúng với những người làm quan, vốn mang trên vai sinh mệnh của dân chúng. Bởi vậy người làm quan cần thanh chính liêm khiết, không sợ quyền thế, nhưng phẩm chất tối quan trọng lại chính là hết lòng vì dân, thương dân.
Trong “Khổng Tử gia ngữ” có lưu lại một câu chuyện xử chặt chân người, người vẫn cảm ân như sau:
Quý Cao làm quan sĩ sư nước Vệ có làm án chặt chân một người.
Sau nước Vệ loạn, Quý Cao chạy trốn. Ra đến cửa thành, gặp người giữ cửa thành lại chính là người mình chặt chân ngày trước.
Người ấy bảo: Kia có chỗ tường đổ.
Quý Cao nói: Người quân tử không trèo tường.
Lại bảo: kia có lỗ hổng.
Quý Cao nói: Người quân tử không chui lỗ hổng.
Lại bảo: ở đây có cái nhà.
Quý Cao mới chạy vào nhà ẩn. Bởi vậy mà quân đuổi theo không thể bắt được.
Lúc Quý Cao sắp đi, bảo người giữ thành rằng: Trước ta theo phép nước mà chặt chân ngươi, nay ta gặp nạn, chính là cái dịp để ngươi báo thù, mà ngươi ba lần chỉ lối cho ta trốn, là nghĩa làm sao?
Người giữ thành nói: Tội tôi đáng chặt chân, tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay sở pháp luật, ý muốn nới tay, tôi cũng biết. Lúc án đã định, đem ra hành hình, nét mặt ông buồn rầu, tôi lại biết lắm. Ông làm như thế, há có vị riêng gì tôi, đó là tâm địa bực quân tử tự nhiên như vậy… Thế cho nên tôi muốn cứu ông.
Đức Khổng Tử nghe chuyện này, nói rằng: Cũng là một cách dùng pháp luật, dùng mà có lòng nhân từ, thì gây nên ơn, dùng mà ra dáng tàn bạo thì gây nên oán. Như Quý Cao thật là người làm quan biết dùng pháp luật vậy.
Sách Cổ học tinh hoa có lời bàn rằng:
Người ta gia hình đến chặt chân mình, mình thấy người ta gặp cơn nguy cấp, chẳng những không báo thù, lại còn tìm cách cứu người ta, thế chẳng là biết trọng phẩm giá mình, đáng gọi là quân tử ru!
Đang lúc nguy cấp, chết đến nơi mà còn không chịu trèo tường, chui lỗ, thế cũng chẳng là biết trọng phẩm giá mình, đáng gọi là quân tử ru!
Người canh cửa thành sở dĩ phục Quý Cao, là vì Quý Cao biết dùng pháp luật. Đã đành rằng pháp luật đặt ra là để trừng trị kẻ có tội, nhưng nếu cho như bất đẳc dĩ mới phải khép vào án, lúc hành hình lại có chút bụng nhân từ ở trong, thì kẻ chịu tội mới thực là tâm phục được. Người cầm luật pháp, tuy giữ lẽ công bình khép vào lý, nhưng ở trong còn có chút tình, thương kẻ mắc tội, thì mới là biết dùng pháp luật vậy.
Đạo làm quan thời xưa đại để là không làm phiền nhiễu dân chúng, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người nghèo khổ hay khốn khó thì dốc sức tương trợ, dù là hạng người thấp kém tù tội cũng không đối xử khác đi, thường xuyên quản thúc và giáo dục người nhà biết khiêm cung với dân… Người có thể làm “cha mẹ của dân” thì trước tiên phải coi dân làm cha mẹ của mình mà đối đãi.
Xưa kia thư hoạ gia nổi tiếng đời Thanh là Trịnh Bản Kiều làm quan huyện Duy. Có một năm huyện Duy gặp phải thiên tai, đến nông nỗi “Giết thú nuôi ăn thịt, thú hết người cũng chết” (sách “Tư quy hành”). Trong lúc dân chúng đang gặp nạn lớn, khâm sai của nhà vua bất kể dân chúng khổ sở sống chết ra sao vẫn không mở kho phát chẩn, mà lại còn đòi hỏi thư họa của Trịnh Bản Kiều.
Thấy người dân đã đến nông nỗi “10 ngày bán một đứa trẻ, 5 ngày bán một phụ nữ” (theo sách “Đào hoang hành”), Trịnh Bản Kiều đã lấy hết bổng lộc bản thân, đồng thời mở cửa kho phát chẩn cứu tế cho nạn dân. Thuộc hạ khuyên ông không nên tự ý quyết định để tránh bị triều đình kết tội, nhưng Trịnh Bản Kiều cho rằng tính mạng của người dân đang trong cơn nước sôi lửa bỏng, nếu vì cứu dân mà bị trách tội thì ông sẵn sàng một mình đón nhận. Ông còn khắc một con dấu để bày tỏ lòng mình “Hận không thể lấp đầy nợ nần và đói khát ngập trời”.
Sau này Trịnh Bản Kiều viết ra bốn chữ “Nan đắc hồ đồ”, đây có thể nói là cảnh giới cao nhất của đạo làm quan. Biết rằng có thể hại đến bản thân mà vẫn vì nghĩa không chùn, giả vờ “hồ đồ” để có thể cứu được nạn dân.
Trịnh Bản Kiều vì nỗ lực cứu giúp nhân dân mà bị bọn tham quan căm ghét, nhưng cũng không đến nỗi mất mạng mà chỉ bị cách chức. Lúc ông rời nhiệm sở, dân chúng tranh nhau tới, thắp hương bày rượu đưa tiễn ông đến 10 dặm trường đình. Ông chẳng có xe ngựa và tùy tùng, chỉ thuê 3 con lừa, một con để mình cưỡi, một con chở sách vở và cây đàn, một con cho người nô bộc cưỡi. Đúng là một vị quan “Lưỡng tụ thanh phong”.
Theo Vision Times tiếng Trung
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa cổ học tinh hoa đạo làm quan