Làng La Ngạn thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định xưa kia vốn nổi tiếng có nhiều Nho sinh hiếu học, nhiều thế hệ khoa bảng còn được lưu danh trên bia đá của làng, trong làng có họ Đỗ nổi danh khoa bảng, sinh được Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu thời nhà Nguyễn.
Họ Đỗ ở La Ngạn đến đời thứ 9 có Đỗ Huy Cảnh đỗ cử nhân khoa thi năm 1819, ông cũng là người đầu tiên của huyện Ý Yên đỗ cử nhân dưới thời nhà Nguyễn.
Đỗ Huy Cảnh làm quan trải qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông làm quan thanh liêm trong sạch, hết lòng bảo vệ người nghèo, vì thế mà ông 2 lần bị cách chức vì trái ý Triều đình.
Con trai của ông là Đỗ Huy Uyển dự kỳ thi Hội năm 1841 và đỗ đầu tức Đình nguyên. Nhưng bài Kim văn của ông có câu viết bị xem là “khiếm trang”: “Vua phải sửa mình để tạ lỗi với Trời”. Các quan chấm thi bắt bẻ câu này nên giáng xuống đỗ Phó bảng.
Đỗ Huy Uyển có con trai là Đỗ Huy Liêu sinh năm 1845. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống khoa bảng, Huy Liêu rất thông minh và chăm học, nhiều khi ngủ luôn bên chồng sách.
Đến khi lớn, gia đình cho Huy Liêu đến học với Hoàng giáp Phạm Văn Nghị.
Năm 1867, Đỗ Huy Liêu dự kỳ thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên, được bổ nhiệm làm Điển tịch Viện Hàn lâm, Huấn đạo huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Đến năm 1879, ông vượt qua kỳ thi Hội, vào đến thi Đình thì đỗ đầu tức Đình nguyên. Bài văn sách của ông được vua Tự Đức phê rằng: “Quả có thực học, những kẻ dẫm theo vết mòn không thể làm được”.
Đỗ Huy Liêu đã làm được điều mà cha ông mong đợi, thay cha đỗ Đình nguyên.
Năm 1884, vua Hàm Nghi lên ngôi khi mới 13 tuổi, Đỗ Huy Liêu được triệu về Kinh thành làm Biện lý bộ Hộ, rồi Tham Tá nội các sự vụ.
Có thời gian Đỗ Huy Liêu còn kiêm thêm Phụ đạo dạy học cho Vua cùng 2 con của Phụ chính Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp. Cả Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp sau này đều đi theo phò giúp vua Hàm Nghi, là những nhân vật quan trọng bậc nhất trong phong trào Cần Vương chống Pháp.
Năm 1885, Tôn Thất Thuyết bất ngờ đưa quân đánh úp quân Pháp ở Huế. Dù bị đánh bất ngờ nhưng quân Pháp nhờ vũ khí hiện đại với hỏa lực mạnh đã đẩy lùi quân nhà Nguyễn rồi tiến đánh Kinh thành. Tôn Thất Thuyết phải đưa Vua chạy đến Tân Sở, còn Đỗ Huy Liêu bị quân Pháp bắt.
Để mua chuộc ông làm việc cho mình, quân Pháp đã cho ông làm Bố chính Bắc Ninh nhưng ông cương quyết từ chối.
Đỗ Huy Liêu trở về quê nhà làng La Ngạn, Nam Định, chăm sóc mẹ già. Sau khi Pháp đánh chiếm Nam Định, Đỗ Huy Liêu cùng Vũ Hữu Lợi ngầm chiêu mộ quân nhằm lấy lại Nam Định
Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa chưa kịp diễn ra thì Tổng đốc Vũ Văn Báo đã báo cho người Pháp biết. Quân Pháp đàn áp, Đỗ Huy Liêu bị bắt giam mấy năm mới được thả ra, nhưng quân Pháp vẫn quản thúc theo dõi ông.
Đỗ Huy Liêu mất tại quê nhà. Tác phẩm ông để lại có “Điện thí chế sách” (văn sách thi Đình), “Đông La thi tập” (trong bộ La Ngạn Đỗ đại gia thi tập), “Đông La văn tập”, “La Ngạn biện lý xã” (Soạn chung với cha là Đỗ Huy Uyển), “La Ngạn Đỗ đại gia phú tập”, “Tân Xuyên văn tập”, “Tỉnh Ông thi tập”…
Ngày nay tên của ông được đặt cho một con đường ở phường Thống Nhất, thành phố Nam Định. Xã Yên Thắng cũng có trường trung học mang tên ông.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền gần…
Việc ngăn chặn chương trình tặng thưởng 1 triệu USD của ông Elon Musk và…
Trong những năm gần đây, TikTok đã khiến số lượng trẻ vị thành niên thương…
Hôm thứ Hai (4/11), Tòa án Tối cao Georgia đã ra phán quyết rằng hàng…
Cử tri Cộng Hòa đã tham gia bỏ phiếu nhiều hơn cử tri Dân Chủ…
Một người đàn ông ở Missouri, Hoa Kỳ, quên mang theo bữa trưa khi ra…