Chiều 8/10 (theo giờ địa phương), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Văn học 2020 cho nữ nhà thơ người Mỹ Louise Gluck. Bà là người phụ nữ thứ 16 đạt được giải thưởng danh giá này.
Theo Ủy ban Nobel, nhà thơ người Mỹ Louise Gluck được trao giải Nobel Văn học vì “giọng thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến“. Trong quyết định trao giải năm nay, Ủy ban Nobel đã chọn bài “Giọt tuyết” (Snowdrop) trong tập thơ đoạt giải Pulitzer năm 1992 của Louise Glück làm ví dụ điển hình cho thơ của bà.
Bà Louise Elisabeth Glück, sinh năm 1943 tại New York, là nhà thơ nổi tiếng người Mỹ, tác giả của hơn 10 tập thơ và nhiều tiểu luận về thơ ca, được coi là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Mỹ đương đại. Bà đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn tại Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia và Giải thưởng Bollingen, cùng nhiều giải thưởng khác. Ngoài khả năng viết lách, bà còn là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Yale.
Từ khi còn nhỏ, nữ nhà thơ Louise Glück đã sớm được cha mẹ cho tiếp xúc nhiều với thần thoại Hy Lạp và những câu chuyện cổ. Bà bắt đầu viết thơ từ khi còn nhỏ tuổi. Tác phẩm của bà được biết đến với cường độ cảm xúc cao về các chủ đề thần thoại, lịch sử hoặc thiên nhiên chứa đựng nhiều suy ngẫm về kinh nghiệm cá nhân và cuộc sống hiện đại. Dù vậy, không phải mọi tâm sự đều là của tác giả, các học giả nghiên cứu về thơ của bà đã tìm ra chân dung mà bà muốn khắc họa trong thi ca dựa trên những trải nghiệm của đời tư, đồng thời pha trộn thêm những điều bí ẩn huyền hoặc đến từ các nguồn tư liệu khác như trong lịch sử, văn chương, giai thoại…
Các tác phẩm nổi bật của bà có thể kể đến Firstborn (1968), The Triumph of Achilles (1985), Ararat (1990), The Seven Ages (2001), Faithful and Virtuous Night (2014)… Cho tới nay, bà Glück vẫn đang tiếp tục sáng tác và xuất bản thơ. Bà Louise Glück là tác giả người Mỹ đầu tiên chiến thắng giải Nobel Văn học kể từ năm 1993 với giải thưởng thuộc về Toni Morrison. Bà cũng là nhà thơ thứ hai trong vòng hai thập kỷ qua được trao giải. Lần gần đây nhất, Nobel được trao cho một nhà thơ là năm 2011 thuộc về Tomas Tranströmer, đến từ Thụy Điển.
Độc giả Việt Nam từng được tiếp cận với thơ của Louise Glück trong tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX do dịch giả Hoàng Hưng và các cộng sự chuyển ngữ, trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành.
Giải Nobel Văn học năm 2019 cho nhà văn, tiểu thuyết gia Peter Handke. Ông Peter Handke là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Áo. Nhà văn Handke được trao giải “nhờ tác phẩm có tầm ảnh hưởng với sự tinh tế của ngôn ngữ, khám phá ngoại vi và tính đặc thù của kinh nghiệm con người.” Một số tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim, trong đó có “The Goalie’s Anxiety At The Penalty Kick” của nhà làm phim Đức Wim Wenders. Tuy nhiên, sau đó ông bị tẩy chay vì từng công khai bảo vệ nhà chính trị quá cố – Slobodan Milosevic. Cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan bị cáo buộc 66 tội danh liên quan đến diệt chủng, tội ác chống loài người và tội phạm chiến tranh trong các cuộc xung đột đẫm máu ở Bosnia, Croatia và Kosovo những năm 1990. Tổ chức nhân quyền PEN America cho biết họ thấy thất vọng khi nghe tin Peter Handke được vinh danh.
Nobel Văn học là giải thứ 4 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2020. Trước đó, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 5/10 đã trao giải Nobel Y sinh năm 2020 cho các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) để vinh danh những nghiên cứu về nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan C.
Ngày 6/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải Nobel Vật lý năm 2020 cho các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với công trình nghiên cứu về “Hố đen”, một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của vũ trụ.
Ngày 7/10, trong buổi lễ diễn ra tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Ủy ban Nobel tuyên bố Giải Nobel Hóa học năm 2020 thuộc về hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (sinh năm 1968, người Pháp) và Jenifer A. Doudna (sinh năm 1964, người Mỹ) với công trình nghiên cứu về phương thức chỉnh sửa bộ gien, mở đường cho những phương thức chữa bệnh mới.
Giải Nobel Văn học được trao lần đầu tiên năm 1901 và tới năm 2020 đã có 117 người nhận giải, trong đó có 16 phụ nữ. Rudyard Kipling là người trẻ nhận từng nhận giải, ở tuổi 41. Trong khi đó, người cao tuổi nhất giành Nobel Văn học là Doris Leesing (88 tuổi) hồi năm 2007. Như vậy, Lousi Gluck trở thành phụ nữ thứ 16 nhận Giải Nobel Văn học.
Mùa giải Nobel năm 2020 sẽ tiếp tục với lễ công bố các giải Nobel Hòa bình ngày 9/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 12/10.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…