Lần này, chúng ta hãy cùng quan sát giờ quốc ngữ của học sinh lớp 4. Chủ đề của giờ học này là “Viết thư”. Người dạy là nữ giáo viên nhiều kinh nghiệm đã có 15 năm dạy học. Cho dù là có kinh nghiệm 15 năm nhưng tôi có cảm giác cô mới chỉ khoảng hơn 35 tuổi một chút và trẻ trung, nhiệt huyết.
Giờ học bắt đầu bằng câu hỏi “Giả sử như khi cần phải liên lạc với một người bạn thân sống ở xa thì các em sẽ làm gì?”. Học sinh đồng loạt giơ tay. Giáo viên gọi một em. Câu trả lời là “Em sẽ gọi điện”. Giáo viên tiếp tục cho khoảng 3 học sinh trả lời nhưng câu trả lời chỉ là “gọi điện”. Giáo viên thoáng có chút bối rối. Sau đó trong quá trình tiếp tục cho nhiều học sinh khác trả lời, thì cuối cùng cũng xuất hiện câu trả lời “em sẽ viết thư”. Vì vậy, giáo viên nói “Đúng thế. Cũng có một phương pháp nữa là viết thư đúng không nào. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học cách viết thư” để vào bài cho dù nhìn từ con mắt bên ngoài nó có chút gì đó khiên cưỡng.
Giáo viên phát cho mỗi học sinh một bản photo bức thư cô tự viết cho một người bạn sống ở xa. Trong thư viết như sau.
Ngày 19 tháng 7 năm 2006
Bạn Thủy thân mến!
Lần này mình đã làm xong nhà mới và cha mẹ đã chuyển đến sống cùng. Địa chỉ của mình là (địa chỉ mới) thôn Hương Mai, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Kể từ lần trước chúng mình gặp nhau đã 5 năm rồi nhỉ. Gia đình Thủy có khỏe không? Mình nghe nói em gái cậu năm ngoái đã lấy chồng. Chúc mừng nhé! Chắc hẳn là em ấy đang sống cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc nhỉ.
Mình vẫn dạy ở trường tiểu học thị trấn . Hàng ngày mình rất bận vì vô số công việc ở trường và soạn bài. Tuy nhiên mỗi khi ở bên học sinh mình thấy rất vui.
Hi vọng chúng mình sẽ lại gặp nhau. Tháng 2 mình sẽ được nghỉ phép nên rất muốn gặp nhau dịp đó.
Cho mình gửi lời hỏi thăm mọi người trong gia đình cậu nhé!
Từng học sinh đọc thầm lá thư. Sau khi đọc thầm xong, giáo viên gọi một học sinh và cho đọc to trước lớp. Sau đó, khi đưa ra câu hỏi “lá thư này được viết nhằm mục đích gì?”, thì học sinh đó trả lời “để báo cho người bạn lâu không gặp địa chỉ mới”. Ngoài ra, giáo viên còn hỏi “lá thư này viết những việc gì?”.
Toàn bộ học sinh giơ tay mạnh mẽ và đưa ra liên tiếp các câu trả lời rất mô phạm như “ngày tháng”, “chào hỏi người nhận”, “mục đích, lý do của lá thư”, “hỏi thăm tình hình người nhận”, “tình hình của người viết thư”, “suy nghĩ, tình cảm của người viết thư”, “cảm ơn/hi vọng/lời hứa”… Sau khi các ý kiến được đưa ra, giáo viên bắt đầu thuyết minh về cấu trúc của lá thư. Thông thường thư gồm có ba phần. Phần đầu là “phần đầu thư”, tiếp theo là “phần nội dung” và phần cuối cùng là “phần cuối thư”.
Sau đó, giáo viên yêu cầu tạo các nhóm mỗi nhóm có 8 thành viên và vừa phát giấy cho từng nhóm vừa nói “Bây giờ các con hay phân chia những gì đã viết trong lá thư thành ba phần “phần đầu thư”, “phần nội dung”, “phần cuối thư” cho cô”. Các nhóm với vai trò trung tâm của trưởng nhóm bắt đầu thảo luận. Người thư kí của nhóm cắm cúi ghi lại ý kiến của trưởng nhóm vào giấy. Không đầy 5 phút tất cả các nhóm đã làm xong và đợi giáo viên đưa ra yêu cầu tiếp theo. “Dừng lại nào! Bây giờ các nhóm trưởng hãy mang giấy của nhóm mình lên đây!”, khi nghe giáo viên nói như vậy, các nhóm đã mang giấy của nhóm mình dán lên trên bảng.
Nhìn lướt qua thì thấy ý kiến của các nhóm rất giống nhau. Ở “phần nội dung” ít nhiều có chút khác nhau về trật tự. Giáo viên sau khi cho nhóm trưởng của từng nhóm phát biểu ý kiến thì nói “Các em đã làm rất tốt. Nhóm 1, 2, 4 có ý kiến giống nhau phải không nào. Chỉ có nhóm 3 có ý kiến hơi khác một chút. So với ba nhóm kia thì trật tự của ‘Hỏi thăm tình hình của người nhận thư’ và ‘Tình hình của người viết thư’ ở phần ‘Nội dung thư’ bị sai phải không nào?”. Tiếp đó, giáo viên đưa ra câu hỏi “Trật tự như ở nhóm 3 đã ổn chưa các em?”. Sau chốc lát, vài em học sinh giơ tay. Học sinh được gọi đầu tiên trả lời “Không ạ, như thế không được ạ”. Học sinh tiếp theo cũng đáp “Không. Không được ạ”. Câu trả lời của học sinh thứ ba cũng tương tự. Tuy nhiên, học sinh thứ tư thì đưa ra câu trả lời khác – “Được ạ”. Giáo viên sau khi bình “Đúng vậy. Trật tự như nhóm 3 đưa ra cũng không sao”, thì chuyển sang vấn đề tiếp theo. Điều đáng ngạc nhiên là, không có học sinh nào tỏ vẻ kinh ngạc mà tất cả thể hiện nét mặt lãnh đạm như thể nó là chuyện đương nhiên và chuyển sang nội dung tiếp theo.
Ví dụ về ý kiến do từng nhóm đưa ra:
Phần mở đầu
Ngày tháng
Chào hỏi người nhận thư
Phần nội dung
Mục đích, lý do viết thư
Hỏi thăm tình hình người nhận thư
Tình hình người viết thư
Suy nghĩ, tình cảm của người viết thư
Phần cuối thư
Cảm ơn/hy vọng/hứa hẹn
Kí tên
Nội dung tiếp theo là thử viết thư trong thực tế. Giáo viên phát cho học sinh giấy viết thư theo mẫu in sẵn có hoa văn rất đẹp. Đặc biệt các học sinh nữ thì sung sướng nhìn vào những tờ giấy chuyên dùng để viết thư đó. “Nào, bây giờ các em hãy viết thư nào”, giáo viên đưa ra yêu cầu. Học sinh đồng loạt bắt tay vào viết. Không có học sinh nào suy nghĩ đưa ra câu hỏi “viết gì?”. Tất cả đều im lặng viết trên giấy in sẵn như thể đã quyết định sẵn được nội dung. Sau 10 phút, học sinh đầu tiên đã viết xong thư. Sau đó, liên tiếp các học sinh khác viết xong lá thư. Giáo viên phát phong bì cho các học sinh đó và yêu cầu học sinh viết địa chỉ của người mà họ muốn gửi thư tới lên đó. Khi gần như tất cả học sinh viết xong, giờ học 35 phút kết thúc.
Khi quan sát giờ học này, tôi có ba điểm kinh ngạc. Thứ nhất, những ý kiến được đưa ra như là kết quả của hoạt động nhóm hầu như đều giống nhau. Thứ hai, ở nội dung viết thư, học sinh cắm cúi viết như thể nội dung đã được quyết định sẵn và sau 10 phút đã hoàn thành. Sau giờ học, tôi tò mò hỏi người dạy rằng “Cô có dạy trước bài này không đấy?” thì cô đáp “Tôi chẳng bao giờ làm như thế. Tuy nhiên, học sinh đã chuẩn bị kĩ bài ở nhà cho nên đã hiểu kĩ bài ở lớp”.
Thứ ba là phần thuyết minh của cô về cấu tạo 3 phần của thư: “phần mở đầu”, “phần nội dung”, “phần cuối thư”. “Mở đầu, nội dung, phần cuối” vốn là các khái niệm được sử dụng cho kết cấu nội dung (chính văn) nhưng ở đây nó lại bao gồm cả những phần không có liên quan như “ngày tháng”, “chào hỏi người nhận thư”, “kí tên”. Hơn nữa, phần lẽ ra thuộc về phần mở đầu của thư như “Mục đích, lý do viết thư”, “Hỏi thăm người nhận thư” lại bị đưa vào phần nội dung thư. Đây là sự lầm lẫn lớn về cấu trúc văn bản. Trong buổi họp rút kinh nghiệm sau giờ học tôi đã chỉ ra sự sai sót này nhưng đáng tiếc tôi là người duy nhất nhận ra điều đó. Sau khi nghe tôi giải thích hầu như các giáo viên mới lần đầu nhận ra. Tuy nhiên, ngay lập tức người dạy mạnh mẽ phản ứng “Trong sách giáo viên viết thế. Tôi đã dạy đúng như sách. Nếu như sách giáo viên viết sai thì chúng tôi sẽ phải dạy thế nào đây?”.
Điều có thể nói thông qua toàn bộ giờ học này là học sinh đã chuẩn bị bài tốt và hiểu được những gì sách giáo khoa đã viết trước khi giờ học diễn ra. Do đây là giờ học chỉ dạy nguyên xi những gì viết trong sách giáo khoa cho nên đối với học sinh nó dường như chỉ là việc ôn lại ở lớp những gì đã học. Ngoài ra, nó còn có một vấn đề lớn là mặc dù sách giáo khoa và sách giáo viên có sai sót rõ ràng nhưng đáng tiếc là nó đã không được sửa chữa trước đó và cứ dạy nguyên xi theo đó.
Nếu nhìn từ việc học của học sinh thì trong giờ học này, học sinh đã học được những gì đây? Đáng tiếc câu trả lời là “không học được gì cả”. Tuy nhiên nếu quan sát kĩ thì trong giờ học này duy nhất có một chỗ học sinh có cơ hội để học điều mới. Đó là khi duy nhất nhóm 3 đưa ra ý kiến khác biệt. Đó là tình huống giáo viên đưa ra câu hỏi “Trật tự như nhóm 3 đưa ra có được không?” và trong khi hầu hết học sinh trả lời “không” thì có duy nhất một học sinh đáp “được ạ”. Khoảng khắc đó là cơ hội lớn để làm cho học sinh suy nghĩ xem “tại sao lại được” nhưng nó đã không được tận dụng.
Tanaka Yoshitaka
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời độc giả tham khảo tại đây hoặc liên hệ Nhà sách Vương Gia.
Tanaka Yoshitaka sinh năm 1964 tại Kyoto, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Shiga (Nhật Bản), lấy bằng thạc sĩ ngành Hành chính quốc tế tại Mĩ. Hiện tại ông là nghiên cứu viên chính của Trung tâm phát triển quốc tế, hội viên Hội Giáo dục học Nhật Bản, chuyên nghiên cứu phát triển giáo dục, phát triển xã hội. Cho đến nay ông đã đến làm cố vấn giáo dục ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt nam, Indonesia…
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…